Mục lục bài viết
1. Kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (kinh doanh dịch vụ lưu trú) được quy định tại Phụ lục 4, số thứ tự 214 về Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (Ban hành kèm theo Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014).
Điều kiện để kinh doanh dịch vụ lưu trú được quy định tại Nghị định số 96/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Khoản 22 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định "Kinh doanh dịch vụ lưu trú, gồm: Các cơ sở lưu trú theo quy định của Luật du lịch và các hình thức dịch vụ cho thuê lưu trú khác (nghỉ theo giờ và nghỉ qua đêm) hoạt động trên đất liền hoặc trên các phương tiện tàu thủy lưu trú du lịch.
Tổ chức, cá nhân có nhà cho người Việt Nam hoặc người nước ngoài thuê (có hợp đồng thuê nhà) để ở, học tập, làm việc không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này."
Chính vì vậy, khi tiến hành kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn (dịch vụ lưu trú) thì chủ cơ sở kinh doanh ngoài thủ tục đăng ký kinh doanh còn phải tiến hành xin cấp một số giấy phép bắt buộc theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Cam kết đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy
Khoản 3 Điều 4 Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 4. Phụ lục
Ban hành kèm theo Nghị định này các phụ lục về danh mục cơ sở, dự án, công trình thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và quy cách cờ hiệu, biển hiệu, băng sử dụng trong chữa cháy:
1. Phụ lục I: Danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy.
2. Phụ lục II: Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
3. Phụ lục III: Danh mục cơ sở thuộc diện phải thông báo với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy về việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng.
......"
Đối với cơ sở quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, trước khi đưa vào hoạt động, người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới phải có văn bản thông báo với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy về việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy (mẫu số PC06); đồng thời, gửi kèm theo các giấy tờ, tài liệu chứng minh việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Khoản 1 Điều 7 và Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP (Theo Khoản 1 Điều 9 Thông tư 66/2014/TT-BCA).
Theo quy định tại Số thứ tự 1 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP thì nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ,...cao từ 07 tầng trở lên phải thông báo với cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy về việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng.
3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự
Theo quy định tại Điểm m Khoản 1 Điều 8 Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú (đối với cơ sở kinh doanh là doanh nghiệp) phải có phương án bảo đảm an ninh, trật tự. Thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư 42/2017/TT-BCA.
4. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
Nếu nhà nghỉ, khách sạn có đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống thì chủ sở hữu có trách nhiệm xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Hồ sơ, trình tự, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm quy định chi tiết tại Điều 36 Luật an toàn thực phẩm 2010 và được hướng dẫn bởi Công văn 5845/BCT-KHCN năm 2013.
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm gồm có:
Một là đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
Hai là bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
Ba là bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
Bốn là giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
Năm là giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
5. Xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch
Đối với dịch vụ khách sạn, chủ khách sạn phải đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được quy định chi tiết tại Điều 50 Luật du lịch 2017; được hướng dẫn bởi Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL và Thông tư 34/2018/TT-BTC.
Hồ sơ đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm:
- Đơn đề nghị công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định theo Mẫu số 07 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL
- Bản tự đánh giá chất lượng của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định trong tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch;
- Danh sách người quản lý và nhân viên trong cơ sở lưu trú du lịch;
- Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ và giấy chứng nhận thời gian làm việc trong lĩnh vực du lịch của người quản lý, trưởng bộ phận trong cơ sở lưu trú du lịch.
6. Xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường
Theo quy định tại Khoản 12 Phụ lục IV Nghị định 18/2015/NĐ-CP thì nhà nghỉ, khách sạn, lưu trú du lịch quy mô nhỏ hơn 500 m2 sàn không phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Nếu nhà nghỉ, khách sạn có quy mô lớn hơn 500m2 sàn sẽ phải xin xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường. Trình tự, thủ tục được quy định chi tiết tại Điều 32 Luật bảo vệ môi trường 2014, được hướng dẫn bởi Điều 19 Nghị định 18/2015/NĐ-CP.
Nội dung kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 bao gồm:
Thứ nhất là địa điểm thực hiện;
Thứ hai là loại hình, công nghệ và quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
Thứ ba là nguyên liệu, nhiên liệu sử dụng;
Thứ tư là dự báo các loại chất thải phát sinh, tác động khác đến môi trường;
Thứ năm là biện pháp xử lý chất thải và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường;
Thứ sáu là tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bùi Thị Điệp – Chuyên viên tư vấn pháp luật Công ty Luật TNHH Minh Khuê