Mục lục bài viết
1. Lương gross là gì?
Lương gross (gross salary) là tổng thu nhập mỗi tháng của một người lao động nhận được từ người sử dụng lao động có bao gồm cả lương cơ bản và các khoản trợ cấp, phụ cấp, hoa hồng, các khoản đóng bảo hiểm và thuế thu nhập cá nhân,... Nghĩa là tổng thu nhập nhận được từ tiền lương, tiền công hoặc các khoản có tính chất tiền lương, tiền công từ người lao động chưa trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định và thuế thu nhập cá nhân (nếu có).
Lương gross là lương trước thuế, là lương trả cho người lao động mà trong phần lương đó đã bao gồm thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp này, sau khi khi xác định được tổng lương, thưởng và các khoản thu nhập chịu thuế hàng tháng, trích trừ các khoản giảm trừ như bản thân, gia cảnh, bảo hiểm v..v người làm nhân sự hoặc kế toán sẽ chiếu vào khung thuế suất thuế TNCN để tính toán phần thuế TNCN phải nộp và trích trừ ra khỏi thu nhập của người lao động trong tháng.
Theo đó, đây chưa phải mức lương thực tế mà người lao động được nhận về vì hằng tháng, người này còn phải trích từ tiền lương để đóng bảo hiểm và thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, mức lương thực nhận sẽ thấp hơn lương gross.
2. Cách tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi nhận lương gross chính xác
2.1. Đối với cá nhân cư trú
Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam phải nộp thuế TNCN theo quy định của pháp luật.
Trong đó, theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi bổ sung 2014 cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
- Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
- Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
Số thuế TNCN phải nộp của cá nhân cư trú được tính như sau:
a. Người lao động ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên
- Công thức tính thuế
Căn cứ Điều 7 và Điều 9 Thông tư 04/VBHN-BTC ngày xác thực 05/02/2015, thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được tính trên thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể như sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất (5)
Để tính được số thuế phải nộp cần xác định được thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể:
- Thu nhập tính thuế được xác định như sau:
Thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập chịu thuế TNCN – Các khoản giảm trừ (4)
Trong đó:
- Thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
Thu nhập chịu thuế TNCN (1) = Tổng thu nhập (2) - Các khoản thu nhập được miễn thuế TNCN (3)
(1) Căn cứ khoản 2 Điều 2 Thông tư 04/VBHN-BTC ngày xác thực 05/02/2015, thu nhập chịu thuế là tổng thu nhập cá nhân được chi trả, không bao gồm các khoản: 1. Tiền ăn trưa, ăn giữa các ca làm việc; 2. Tiền phụ cấp điện thoại; 3. Tiền phụ cấp trang phục; 4. Tiền công tác phí; 5. Tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công; Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức quy định trong thông tư.
(2) Tổng thu nhập là toàn bộ các khoản thu nhập người lao động nhận được trong kỳ tính thuế, bao gồm những khoản sau: lương, phụ cấp, các khoản bổ sung khác (bao gồm cả tiền thưởng lễ tết như lương tháng thứ 13, hay 30/4, 1/5, 2/9,… người lao động được trả vào tháng nào thì tính vào thu nhập vào tháng đó).
(3) Các khoản thu nhập được miễn thuế là thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của pháp luật. (Xem chi tiết tại Điểm i Khoản 1 Điều 3 Thông tư 04/VBHN-BTC ngày xác thực 05/02/2015).
(4) Các khoản giảm trừ: Điều 9 Thông tư 04/VBHN-BTC ngày xác thực 05/02/2015 quy định, các khoản giảm trừ sẽ bao gồm giảm trừ gia cảnh, giảm trừ bảo hiểm.
- Các khoản giảm trừ gia cảnh:
- Đối với người nộp thuế: 11 triệu đồng/tháng, 132 triệu đồng/năm.
- Đối với người phụ thuộc: 4,4 triệu đồng/người/tháng.
- Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 04/VBHN-BTC ngày xác thực 05/02/2015.
- Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư 04/VBHN-BTC ngày xác thực 05/02/2015.
(5) Thuế suất thuế TNCN là thuế suất theo biểu lũy tiến từng phần, tức là tính theo từng Bậc thu nhập, mỗi bậc thu nhập có một mức thuế suất tương ứng.
Biểu tính thuế thu nhập cá nhân rút gọn được quy định rõ tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư 04/VBHN-BTC ngày xác thực 05/02/2015 và Phụ lục 01/PL-TNCN như sau:
Bậc thuế | Thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng) | Thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) | Thuế suất (%) |
1 | Đến 60 | Đến 05 | 5 |
2 | Trên 60 đến 120 | Trên 05 đến 10 | 10 |
3 | Trên 120 đến 216 | Trên 10 đến 18 | 15 |
4 | Trên 216 đến 384 | Trên 18 đến 32 | 20 |
5 | Trên 384 đến 624 | Trên 32 đến 52 | 25 |
6 | Trên 624 đến 960 | Trên 52 đến 80 | 30 |
7 | Trên 960 | Trên 80 | 35 |
- Phương pháp tính thuế Trên đây là công thức tính thuế thu nhập cá nhân nhưng để tính được số thuế phải nộp cần biết phương pháp tính thuế như sau:
- Phương pháp 1: Phương pháp tính không rút gọn
- Bước 1. Xác định tổng thu nhập chịu thuế
- Bước 2. Tính các khoản được miễn
- Bước 3. Tính thu nhập chịu thuế theo công thức
- Bước 4. Tính các khoản được giảm trừ
- Bước 5. Tính thu nhập tính thuế theo công thức
- Bước 6. Tính số thuế phải nộp theo công thức
- Phương pháp 2: Phương pháp tính rút gọn
Phương pháp tính thuế lũy tiến từng phần được cụ thể hóa theo Biểu tính thuế rút gọn như sau:
Bậc thuế | Thu nhập tính thuế /tháng | Thuế suất | Tính số thuế phải nộp | |
Cách 1 | Cách 2 | |||
1 | Đến 05 triệu đồng | 5% | 0 triệu đồng + 5% thu nhập tính thuế (TNTT) | 5% TNTT |
2 | Trên 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng | 10% | 0,25 triệu đồng + 10% TNTT trên 05 triệu đồng | 10% TNTT - 0,25 triệu đồng |
3 | Trên 10 triệu đồng đến 18 triệu đồng | 15% | 0,75 triệu đồng + 15% TNTT trên 10 triệu đồng | 15% TNTT - 0,75 triệu đồng |
4 | Trên 18 triệu đồng đến 32 triệu đồng | 20% | 1,95 triệu đồng + 20% TNTT trên 18 triệu đồng | 20% TNTT - 1,65 triệu đồng |
5 | Trên 32 triệu đồng đến 52 triệu đồng | 25% | 4,75 triệu đồng + 25% TNTT trên 32 triệu đồng | 25% TNTT - 3,25 triệu đồng |
6 | Trên 52 triệu đồng đến 80 triệu đồng | 30% | 9,75 triệu đồng + 30% TNTT trên 52 triệu đồng | 30 % TNTT - 5,85 triệu đồng |
7 | Trên 80 triệu đồng | 35% | 18,15 triệu đồng + 35% TNTT trên 80 triệu đồng | 35% TNTT - 9,85 triệu đồng |
b. Trường hợp không ký HĐLĐ hoặc ký HĐLĐ dưới 3 tháng (Điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 04/VBHN-BTC ngày xác thực 05/02/2015)
Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân, trừ trường hợp đủ điều kiện làm cam kết 02.
Trong đó, tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác trả cho cá nhân bao gồm:
- Tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.
- Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị doanh nghiệp, ban kiểm soát doanh nghiệp, ban quản lý dự án, hội đồng quản lý, các hiệp hội, hội nghề nghiệp và các tổ chức khác.
Như vậy, thuế TNCN trong trường hợp này sẽ được tính như sau:
Thuế TNCN bị khấu trừ = Thu nhập tính thuế TNCN x Thuế suất 10%
Lưu ý: Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN. Cá nhân làm cam kết theo hướng dẫn tại điểm này phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.
=> Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên tại nhiều nơi. Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba 3 tháng trở lên nhưng nghỉ làm trước khi kết thúc hợp đồng lao động thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập vẫn thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.
2.2. Đối với cá nhân không cư trú
( Điều 18 Thông tư 04/VBHN-BTC ngày xác thực 05/02/2015)
Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện để được xác định là cá nhân cư trú được quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 sửa đổi, bổ sung năm 2014, có thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam phải nộp thuế TNCN theo quy định.
Căn cứ Khoản 1 Điều 18 Thông tư 04/VBHN-BTC ngày xác thực 05/02/2015, số thuế thu nhập cá nhân của cá nhân không cư trú được xác định theo công thức sau:
Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập chịu thuế TNCN x Thuế suất 20%
Trong đó:
- Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định như đối với thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú.
Trên đây là những thông tin Luật Minh Khuê cung cấp cho bạn về Cách tính thuế thu nhập cá nhân khi nhận lương gross chính xác nhất. Chúng tôi hy vọng bài viết có ích với bạn. Nếu bạn có băn khoăn hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật thuế để được hỗ trợ trực tuyến: 1900.6162. Trân thành cảm ơn!