Mục lục bài viết
- 1. Căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
- 2. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại
- 3. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại
- 4. Quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội
- 4.1 Đối với hình phạt chính
- 4.2 Đối với hình phạt bổ sung
1. Căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Căn cứ theo quy định tại Điều 83 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 thì:
Điều 83. Căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tộiKhi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại và các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại.
Kế thừa căn cứ quyết định hình phạt của cá nhân phạm tội, Điều 83 Bộ luật hình sự quy định khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại và các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại.
Như vậy, so với các căn cứ quyết định hình phạt đối với cá nhân, căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân có khác một điểm là “việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại”. Việc chấp hành pháp luật của pháp nhân được đánh giá theo nghĩa rộng, có thể là chấp hành nghĩa vụ đóng thuế; về an toàn, kỷ luật lao động thậm chí cả trách nhiệm xã hội của pháp nhân.
2. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại
Căn cứ Điều 84 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 thì:
Điều 84. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:a) Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;b) Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;c) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;d) Tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;đ) Có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội.2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định trong điều luật:
– Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm: Tình tiết giảm nhẹ này cũng tương tự như tình tiết giảm nhẹ quy định đối với người phạm tội tại điểm a khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, đối với pháp nhân thương mại, việc ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm có thể do pháp nhân thương mại hoặc lãnh đạo của pháp nhân thương mại thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại mình. Nếu lãnh đạo của pháp nhân thương mại cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tình tiết giảm nhẹ này là tình tiết giảm nhẹ “kép” vừa được áp dụng khi quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại, vừa được áp dụng đối với người phạm tội của pháp nhân thương mại.
– Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả: Tình tiết giảm nhẹ này cũng tương tự như tình tiết giảm nhẹ quy định đối với người phạm tội tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Nếu cá nhân người trong pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cả pháp nhân thương mại và cá nhân người phạm tội đều được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.
– Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn: Tình tiết giảm nhẹ này cũng tương tự như tình tiết giảm nhẹ quy định đối với người phạm tội tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ cũng tương tự như đối với trường hợp quy định tại điểm a và b.
– Tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án: Tình tiết giảm nhẹ này cũng tương tự như tình tiết giảm nhẹ quy định đối với người phạm tội tại điểm t khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ cũng tương tự như đối với trường hợp quy định tại điểm a, b và c.
– Có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội: Đây là tình tiết giảm nhẹ chỉ quy định cho pháp nhân thương mại phạm tội. Nếu so sánh với các tình tiết giảm nhẹ đối với người phạm tội quy định tại Điều 51 BLHS năm 2015 thì tình tiết giảm nhẹ này cũng có điểm tương đồng với các tình tiết quy định tại điểm v khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, đối với người phạm tội thì những thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác là của cá nhân người phạm tội và các thành tích xuất sắc đó phải được ghi nhận bởi các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội bằng các hình thức khen thưởng như Giấy khen, Bằng khen, Huân chương, Huy chương và các danh hiệu cao quý khác, còn đối với pháp nhân thương mại chỉ cần có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội là tổ chức kinh tế này (pháp nhân thương mại) có nhiều đóng góp cho việc thực hiện chính sách xã hội như: nhận làm nhà tài trợ cho một giải thi đấu thể thao hoặc biểu diễn nghệ thuật, xây nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào lũ lụt, tặng tiền hoặc hiện vật cho trường học, giúp đỡ các gia đình có công với nước… Có thể việc đóng góp đó được tặng các danh hiệu cao quý, nhưng cũng có thể không được tặng, miễn là cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương xác nhận. Khi quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại thương mại phạm tội, Tòa án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. Các tình tiết giảm nhẹ đã được BLHS quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt.
3. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại
Căn cứ theo Điều 85 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 thì:
Điều 85. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:a) Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội;b) Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng;c) Phạm tội 02 lần trở lên;d) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;e) Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định trong điều luật cụ thể như sau:
– Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội: Tình tiết phạm tội này cũng tương tự như tình tiết phạm tội có tổ chức đối với người phạm tội, nhưng đối với pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội bao giờ cũng là hành vi có tổ chức nên không cần phải quy định phạm tội có tổ chức là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hình thức phạm tội có tổ chức của pháp nhân thương mại ở tình tiết tăng nặng được mở rộng hơn, đó là “câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội”. Tình tiết có tính đặc thù chỉ đối với pháp nhân thương mại thương mại mới có.
– Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng: Tình tiết phạm tội này hoàn toàn giống với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015.
– Phạm tội 02 lần trở lên: Tình tiết phạm tội này hoàn toàn giống với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015.
– Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm: Tình tiết phạm tội này hoàn toàn giống với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015.
– Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội: Tình tiết phạm tội này hoàn toàn giống với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội quy định tại điểm l khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự .
– Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm: Tình tiết phạm tội này có một phần giống với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội quy định tại điểm m khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015, đó là dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội. Phần nội dung còn lại của tình tiết tăng nặng nói trên là dùng thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm. Tuy nhiên, nội dung của thủ đoạn “tinh vi” thì cũng giống như thủ đoạn “tinh vi” để phạm tội, chỉ khác ở mục đích việc dùng thủ đoạn tinh vi là nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm. Khác với các tình tiết giảm nhẹ, đối với các tình tiết tăng nặng thì chỉ tình tiết nào được BLHS quy định thì Tòa án mới được áp dụng, chứ không được tự ý coi những tình tiết khác không được BLHS để coi là tình tiết tăng nặng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng nữa.
4. Quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội
4.1 Đối với hình phạt chính
Kế thừa nguyên tắc chung khi quyết định hình phạt đối với cá nhân, Điều 86 BLHS quy định khi xét xử cùng 01 lần pháp nhân thương mại phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc: Đối với hình phạt chính:Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung. Hình phạt tiền không tổng hợp với các hình phạt khác;Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong cùng lĩnh vực hoặc hình phạt đã tuyên cùng là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong cùng lĩnh vực thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong lĩnh vực đó;Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong cùng lĩnh vực thì được tổng hợp thành hình phạt chung nhưng không vượt quá 04 năm;Nếu trong số các hình phạt đã tuyên có hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 của Bộ luật này thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với toàn bộ hoạt động;Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong các lĩnh vực khác nhau hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau thì không tổng hợp.
4.2 Đối với hình phạt bổ sung
Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền được cộng lại thành hình phạt chung;Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì pháp nhân thương mại bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty luật Minh Khuê