Mục lục bài viết
- 1. Website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử là gì?
- 2. Kinh doanh thương mại điện tử có thuộc đối tượng phải đăng ký thuế?
- 3. Kinh doanh thương mại điện tử phải nộp những loại thuế gì?
- 4. Kinh doanh thương mại điện tử khai thuế và nộp thuế như thế nào?
- 6. Những hành vi nào bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử?
- 6.1. Vi phạm về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử
- 6.2. Vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử
- 6.3. Vi phạm về giao dịch trên website thương mại điện tử
- 6.4. Các vi phạm khác
1. Website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP:
Website thương mại điện tử là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.
Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.
Một số sàn giao dịch thương mại điện tử lớn tại Việt Nam có thể kể đến như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, v.v.
Lưu ý: Sàn giao dịch thương mại điện tử được đề cập trong bài viết này không bao gồm các website giao dịch chứng khoán trực tuyến.
2. Kinh doanh thương mại điện tử có thuộc đối tượng phải đăng ký thuế?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về hoạt động thương mại điện tử:
Theo điểm đ khoản 1 Điều 2 Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy định về đối tượng áp dụng quy định tại thông tư này như sau:
Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.
Căn cứ tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 Chương I Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về đối tượng áp dụng, trong đó có hoạt động thương mại điện tử, bao gồm cả trường hợp cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử.
Như vậy, cá nhân kinh doanh bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử thuộc đối tượng kê khai và nộp thuế.
Để tránh bị xử phạt thì cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử cần đăng ký thuế với cơ quan thuế.
3. Kinh doanh thương mại điện tử phải nộp những loại thuế gì?
Căn cứ vào Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định như sau:
- Nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế GTGT, thuế TNCN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.
Như vậy, cá nhân kinh doanh sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chỉ phải nộp thuế khi có doanh thu trên 100 triệu đồng trên một năm dương lịch.
4. Kinh doanh thương mại điện tử khai thuế và nộp thuế như thế nào?
Căn cứ Khoản 2 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC quy định như sau:
Tổ chức bao gồm cả chủ sở hữu Sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.
Như vậy đối với người kinh doanh trên sàn thương mại điện tử mà đủ điều kiện nộp thuế thì sẽ không trực tiếp kê khai và nộp thuế mà ủy quyền cho chủ sở hữu sàn thương mại điện tử mà mình thực hiện việc kinh doanh kê khai và nộp thay.
Ngoài ra tại khoản 3 Điều 8 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về trường hợp nếu người kinh doanh trên sàn giao dịch điện tử tại nhiều nơi với doanh thu tại mỗi nơi đều dưới 100 triệu đồng/năm nhưng có thể dự kiến hoặc xác định được tổng doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì có thể ủy quyền cho các tổ chức chi trả kê khai thuế thay, nộp thuế thay đối với doanh thu phát sinh tại các đơn vị được ủy quyền trong năm tính thuế.
Trường hợp khai thuế thay, nộp thuế thay cho đối tượng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử thì tổ chức thực hiện thay thực hiện khai thuế, nộp thuế theo tháng hoặc quý theo quy định pháp luật về quản lý thuế.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp cá nhân kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử thì thuộc đối tượng phải nộp hồ sơ khai thuế; thời hạn nộp hồ sơ khai thuế được xác định căn cứ vào phương pháp nộp thuế quy định tại Khoản 3 Điều 11; Khoản 3 Điều 12; Khoản 3 Điều 13 Thông tư 40/2021/TT-BTC.
* Xử lý hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
Trường hợp cá nhân kinh doanh nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn được nêu tại các quy định trên thì sẽ bị xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP hoặc bị xử phạt hành vi trốn thuế theo quy định tại Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
6. Những hành vi nào bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử?
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 và khoản 2 Điều 2 Nghị định 85/2021/NĐ-CP), những hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử bao gồm:
6.1. Vi phạm về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử
- Lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
- Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh.
- Lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác.
- Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử khi chưa đăng ký theo các quy định của Nghị định 52/2013/NĐ-CP
- Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử không đúng với thông tin trong hồ sơ đăng ký hoặc cấp phép.
- Có hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thực hiện các thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử, đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, đăng ký các dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử.
6.2. Vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử
- Giả mạo thông tin đăng ký hoặc không tuân thủ các quy định về hình thức, quy cách công bố thông tin đăng ký trên website thương mại điện tử.
- Sử dụng biểu trưng của các chương trình đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử khi chưa được những chương trình này công nhận.
- Sử dụng các đường dẫn, biểu trưng hoặc công nghệ khác trên website thương mại điện tử để gây nhầm lẫn về mối liên hệ với thương nhân, tổ chức, cá nhân khác.
- Sử dụng đường dẫn để cung cấp những thông tin trái ngược hoặc sai lệch so với thông tin được công bố tại khu vực website có gắn đường dẫn này.
6.3. Vi phạm về giao dịch trên website thương mại điện tử
- Thực hiện các hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử.
- Giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử.
- Can thiệp vào hệ điều hành và trình duyệt Internet tại các thiết bị điện tử truy cập vào website nhằm buộc khách hàng lưu lại website trái với ý muốn của mình.
6.4. Các vi phạm khác
- Đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Giả mạo hoặc sao chép giao diện website thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để kiếm lợi hoặc để gây nhầm lẫn, gây mất lòng tin của khách hàng đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân đó.
>>> Xem thêm: Cá nhân kinh doanh trên Tiktok có bắt buộc phải đóng thuế không?
Để được tư vấn pháp luật, xin vui lòng liên hệ hotline 1900.6162 hoặc email lienhe@luatminhkhue.vn.