Mục lục bài viết
1. Khái niệm hệ thống chính trị:
Hệ thống chính trị là khái niệm của khoa học chính trị đương đại là một trong những khái niệm phản ánh đặc trưng của những quan hệ quyền lực chính trị; cũng như các bộ phận, các nhân tố tham gia vào các quá trình, quy trình chính trị trong thể chế chính trị dân chủ hiện đại (dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ tư bản chủ nghĩa). Liên quan đến vấn đề này có nhiều quan niệm khác nhau:
Hệ thống chính trị là tổng thể các tổ chức chính trị của xã hội được chính thức thừa nhận về mặt pháp lý nhằm thực hiện quyền lực chính trị của xã hội đó. Hệ thống này bao gồm Nhà nước, các Chính đảng, các Nghiệp đoàn và các tổ chức chính trị khác - trong đó Nhà nước là yếu tố cơ bản, trung tâm.
Hệ thống chính trị là hệ thống các tổ chức mà thông qua đó giai cấp thống trị thực hiện quyền lực chính trị trong xã hội.
Hệ thống chính trị là một cơ cấu, tổ chức bao gồm đảng phái chính trị, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội tồn tại và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật hiện hành (hệ thống pháp luật đó được chế định theo tư tưởng và lợi ích giai cấp cầm quyền) nhằm duy trì, bảo vệ, và phát triển xã hội đó…
Hệ thống chính trị là hệ thống các tổ chức mà thông qua đó giai cấp thống trị thực hiện quyền lực chính trị trong xã hội. Hệ thống chính trị là một cơ cấu, tổ chức bao gồm đảng phái chính trị, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội tồn tại và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật hiện hành (hệ thống pháp luật đó được chế định theo tư tưởng và lợi ích giai cấp cầm quyền) nhằm duy trì, bảo vệ, và phát triển xã hội đó.
Hệ thống chính trị là một chỉnh thể các tổ chức chính trị trong xã hội bao gồm nhà nước, các đảng chính trị, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội hợp pháp được liên kết với nhau nhằm tác động vào mọi mặt của đời sống xã hội để củng cố, duy trì và phát triển chế độ xã hội đương thời phù hợp với lợi ích của chủ thể cầm quyền.
Tuy nhiên, cách hiểu chung nhất và nhận được nhiều sự công nhận: Hệ thống chính trị là khái niệm dùng để chỉ một chỉnh thể bao gồm các tổ chức như đảng chính trị, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội (hợp pháp); với những quan hệ tác động qua lại giữa các nhân tố đó trong việc tham gia vào các quá trình hoạch định và thực thi các quyết sách chính trị nhằm bảo đảm quyền thống trị của giai cấp, lực lượng cầm quyền, đồng thời đáp ứng nhu cầu ổn định và phát triển xã hội.
2. Cấu trúc của hệ thống chính trị:
Các thành tố trong Hệ thống tổ chức quyền lực chính trị nói chung và Hệ thống chính trị nói riêng là khái niệm dùng để chỉ một chỉnh thể (hệ thống) các thiết chế mang tính hiến định (Đảng chính trị, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội…) và không hiến định (phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ bầu cử, thể chế tôn giáo…); cùng với những quan hệ tác động qua lại giữa các yếu tố đó nhằm tham gia vào các quá trình hình thành các quyết sách nhà nước, thực thi quyền lực chính trị bảo đảm quyền thống trị của giai cấp cầm quyền; đồng thời đáp ứng nhu cầu ổn định và phát triển xã hội. Ở đây chỉ để cập đến 3 nhân tố cơ bản là: Đảng Chính tri., Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội (đoàn thể nhân dân, nhóm lợi ích chính trị), mà không trình bày các nhân tố Truyền thông đại chúng , Công nghệ bầu cử, Thể chế tôn giáo .
2.1. Đảng chính trị
Đảng chính trị là một hiện tượng đặc thù của xã hội có phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp. Đảng chính trị - yếu tố cơ bản của hệ thống chính trị, hệ thống tổ chức quyền lực chính trị, của chế độ chính trị và xã hội công dân - là công cụ tập hợp của một giai cấp; tổ chức lãnh đạo đấu tranh giai cấp vì mục tiêu giành, giữ, sử dụng quyền lực nhà nước và định hướng chính trị cho phát triển xã hội.
2.2 Ở các nước tư bản chủ nghĩa hiện đại
- Đặc trưng cơ bản ở các nước tư bản chủ nghĩa hiện đại là hệ thống “đa đảng đối lập, đa nguyên chính trị”:
Hệ thống đa đảng ở các nuớc tư bản chủ nghĩa có thể chia thành các nhóm: Hệ thống nhiều đảng không có sự độc quyền của đảng tư sản thống trị - các Đảng phái liên minh để lập ra chính phủ liên hiệp (Italia, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch…); Hệ thống đa đảng có đảng tư sản độc quyền - số ghế đa số trong Nghị viện thuộc về một đảng và đảng này lập ra chính phủ một đảng (Pháp, Nhật Bản…); Hệ thống 2 đảng - bao gồm hai đảng thuần tuý là đảng của giai cấp tư sản thay nhau cầm quyền (Hoa Kì)…
- Trong hệ thống đa đảng đối lập, hình thức đấu tranh chủ yếu để tranh giành và chia sẻ quyền lực là hình thức Nghị trường: Đảng nào giành được đa số ghế trong nghị viện theo luật định, thì đảng đó trở thành đảng cầm quyền “chính trường chủ yếu là nghị trường”. Về mặt hình thức phương thức giành quyền lực này tỏ ra rất “dân chủ” và “bình đẳng”; nhưng trên thực tế hiến pháp và pháp luật lúc nào cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các đảng phái lớn thắng cử (các đảng đại diện cho giới tài phiệt và quan chức tư sản, được sự hậu thuẫn của các tập đoàn tư sản có thế lực).
- Tuy “đa đảng, đa nguyên”, nhưng về cơ bản cơ quan Lập pháp và Hành pháp đều nằm trong tay các Đảng tư sản cầm quyền: Trong đó Nghị viện được xem là chế độ dân chủ nhất nhưng hoạt động của nó lại mang tính đảng rất cao và đó là nơi thực sự diễn ra cuộc đấu tranh công khai giữa các đảng phái - các nghị sĩ do nhân dân bầu, với nhiều đặc quyền, đặc lợi, nhưng lại không chịu trách nhiệm trước cử tri mà chỉ biểu quyết theo chỉ thị của Đảng và chịu trách nhiệm trước Đảng. Chính phủ được xem như là “Ban Chấp hành Trung ương của Đảng cầm quyền” - về hình thức thì Chính phủ được thành lập trên cơ sở Nghị viện và chịu trách nhiệm trước Nghị viện; nhưng trên thực tế thì Đảng cầm quyền thường đứng ra thành lập Chính phủ, thao túng toàn bộ tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Các Nhóm lợi ích chính trị, xét đến cùng, cũng chỉ là công cụ để giai cấp tư sản thực hiện quyền lực chính trị của mình (về mặt lý thuyết các nhóm lợi ích chính trị có vai trò trong việc giành quyền lực để đảm bảo lợi ích của quần chúng; nhưng trên thực tế nó là thiết chế của tầng lớp thượng lưu và trung lưu có xu hướng thỏa hiệp với nhà nước vì lợi ích của giới thượng lưu và nội bộ giai cấp tư sản).
- Một cách khái quát, dưới chế độ tư bản chủ nghĩa chế độ “đa nguyên chính trị” bề ngoài thì có vẻ dân chủ - các đảng đều có quyền tự do tranh cử, liên minh... - nhưng về thực chất thì đều là “nhất nguyên chính trị”. Ngay cả trường hợp có một số đảng liên minh cầm quyền; trong thực tế vẫn chỉ có đảng lớn nhất, có thế lực nhất nắm quyền quyết định, và suy đến cùng là bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản, bảo vệ chế độ tư bản chủ nghĩa:
Ở nước Anh có nhiều Đảng; trong đó Đảng Lao động (LP) trên danh nghĩa bảo vệ quyền lợi cho quần chúng lao động; đại diện cho giai cấp công nhân, tầng lớp trung lưu dưới - Đảng Lao động thường đề ra mục tiêu đòi mở rộng chương trình phúc lợi xã hội, quan tâm đến người nghèo và giai cấp công nhân, đòi thu thuế cao đối với người giàu. Tuy nhiên, trên thực tế Đảng Lao động thực chất là Đảng tư sản, họ vẫn đặt lợi ích của giai cấp tư sản lên hàng đầu và bảo vệ chế độ Tư bản chủ nghĩa.
Trong thể chế chính trị của Đức, có các Đảng phái chính trị lớn là: Đảng xã hội dân chủ (SPD), Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), Liên minh xã hội Thiên chúa giáo (CSU), Đảng Dân chủ tự do (FPD), Đảng Xanh và các đảng nhỏ khác (như Đảng dân tộc dân chủ, Đảng chủ nghĩa xã hội dân chủ, Đảng Nông dân dân chủ Đức, Đảng cộng sản Đức, Alliance, Tự do dân chủ...). Và thực tế cho thấy, hầu như từ trước đến nay chỉ có 2 đảng lớn thay nhau cầm quyền là Đảng xã hội dân chủ (SPD), Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo (CDU).
Trong thể chế chính trị của Nhật Bản có các Đảng phái chính trị là: Đảng Dân chủ - Tự do (LDP), Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), Đảng Dân chủ - Xã hội (DSP), Đảng Kômâytô (Đảng Chính phủ trong sạch), Đảng Cộng sản, Đảng mới Nhật Bản, Đảng Tiên phong, Đảng Dân chủ - Xã hội thống nhất. Và thực tế cho thầy, hầu như từ trước đến nay chỉ có các đảng lớn thay nhau cầm quyền như Đảng Dân chủ - Tự do (LDP), Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ)…
2.3 Ở các nước xã hội chủ nghĩa
Ở các nước xã hội chủ nghĩa, thể chế Đảng chính trị có thể khái quát với những đặc trưng sau:
- Chế độ “nhất nguyên chính trị” là sản phẩm tất yếu của cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản chống lại giai cấp tư sản.
- Đảng Cộng sản là đội tiên phong, là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Khi đã trở thành lực lượng cầm quyền, Đảng cộng sản có vai trò to lớn, trách nhiệm nặng nề đối với giai cấp và vận mệnh của dân tộc; là lực lượng lãnh đạo, thực hiện quyền thống trị về chính trị của giai cấp công nhân và nhân dân lao động để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” và quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.
- Để hoàn thành vai trò to lớn, nhiệm vụ vẻ vang đó, điều kiện tiên quyết là Đảng phải không ngừng vươn lên mọi mặt để quần chúng “nhìn thấy ở đó trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”.
- Hiện nay; ở một số nước xã hội chủ nghĩa, tùy theo điều kiện “đặc thù” của mình đã thực hiện chế độ hợp tác đa đảng, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và với chế độ “nhất nguyên chính trị” (như ở Trung Quốc với điều kiện “đặc thù” của mình đã thực hiện chế độ hợp tác đa đảng, hiệp thương chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và với chế độ “nhất nguyên chính trị” - nhằm mục đích lắng nghe nhiều hơn những quan điểm khác nhau, tiếp thu nhiều hơn sự giám sát của các đảng phái, giảm bớt những thiếu sót trong quyết sách và chấp hành. Tuy nhiên; Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn là đảng cầm quyền, còn các Đảng phái dân chủ chỉ là những đảng tham chính.Trung Quốc gọi đó là “chế độ chính đảng kiểu mới có màu sắc Trung Quốc”.
Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật Minh Khuê, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật Minh Khuê 1900.6162 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!