1. CFS là gì?

CFS đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm thời gian và chi phí vận chuyển, đồng thời đảm bảo hàng hóa được xử lý và phân phối một cách hiệu quả và chính xác.Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 10 Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ, CFS (Container Freight Station) được hiểu là Giấy chứng nhận lưu hành tự do. Đây là văn bản chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu hàng hóa để chứng nhận hàng hóa đó được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Quản lý ngoại thương, giấy chứng nhận lưu hành tự do bao gồm giấy chứng nhận mang tính đặc thù hoặc mang đầy đủ nội dung của giấy chứng nhận lưu hành tự do và các loại văn bản chứng nhận có nội dung tương tự.

Từ định nghĩa và thực tiễn sử dụng có thể thất CFS mang những đặc điểm như sau:

- CFS thể hiện sự xác nhận hợp pháp hóa lưu hành: CFS chứng minh rằng sản phẩm đã được phép lưu hành và bán tự do trong nước xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm được cấp phép đã tuân thủ các quy định về an toàn, chất lượng và các tiêu chuẩn khác của quốc gia xuất khẩu.

- Trong nhiều trường hợp, CFS là một trong những văn bản phải có trong yêu cầu nhập khẩu: Nhiều quốc gia nhập khẩu yêu cầu CFS như một phần của quy trình nhập khẩu để đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng của quốc gia xuất khẩu. CFS được coi như chứng thư ghi nhận sự đảm bảo về chất lượng cũng như các yếu tố khác đối với một hàng hóa. Do vậy tại một số quốc gia, đây là chứng nhận bắt buộc để khẳng định sản phẩm có đủ an toàn và đủ điều kiện để lưu thông trong quốc gia nhập khẩu.

- CFS mang tính hỗ trợ thương mại: CFS có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu chứng minh tính hợp pháp và chất lượng của sản phẩm, tạo thuận lợi trong các thủ tục thương mại và hải quan quốc tế. Hàng hóa đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do cho thấy đây là sản phẩm có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, chất lượng sản phẩm đã đảm bảo theo đúng quy chuẩn từ đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện các thủ tục thương mại và hải quan quốc tế.

 

2. Trường hợp bắt buộc phải có CFS đối với hàng hóa xuất khẩu 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Quản lý ngoại thương, biện pháp chứng nhận lưu hành tự do được áp dụng trong các trường hợp:

- Pháp luật quy định hành hóa phải áp dụng giấy chứng nhận lưu hành tự do;

- Theo đề nghị của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đối với những trường hợp pháp luật không có quy định bắt buộc phải áp dụng giấy chứng nhận lưu hành tự do.

Như vậy, trong các trường hợp nêu trên thì hàng hóa xuất khẩu bắt buộc phải có CFS. Tại một số quốc gia, quy định yêu cầu phải có CFS nhằm mục đích đảm bảo rằng sản phẩm nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, chất lượng và pháp lý. Các cơ quan hải quan và kiểm tra của các quốc gia này sẽ yêu cầu CFS như một phần của thủ tục nhập khẩu.

Bên cạnh đó, căn cứ theo các điều ước quốc tế được ký kết giữa các quốc gia liên quan đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa, CFS trở thành một yếu tố bắt buộc để đảm bảo sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường đích. Trong một số trường hợp, pháp luật ấn định bắt buộc phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với những hàng hóa có tính ảnh hưởng cao tới sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng (như các sản phẩm dược phẩm, thực phẩm, đồ chơi trẻ em,...) nhằm mục đích khẳng định chất lượng của những sản phẩm này, tránh ảnh hưởng tiêu cực tới người tiêu dùng trong quá trình sử dụng.

 

3. Quy trình và thủ tục xin cấp CFS

Khoản 1, khoản 2 Điều 11 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định:

"1. Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý thực hiện cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu theo các quy định sau:

a) Có yêu cầu của thương nhân xuất khẩu về việc cấp CFS cho hàng hóa.

b) Hàng hóa có tiêu chuẩn công bố áp dụng phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

2. CFS đối với hàng hóa xuất khẩu thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Anh và phải có tối thiểu các thông tin quy định tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định này. Trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu thương nhân nộp CFS theo mẫu CFS do nước đó quy định, cơ quan cấp CFS dựa trên mẫu được yêu cầu để cấp CFS."

Theo quy định trên của pháp luật, Bộ và Cơ quan ngang bộ là cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền quản lý thực hiện việc cấp CFS. Đối với mỗi loại hàng hóa khác nhau thì chủ thể quản lý thực hiện cấp CFS là khác nhau. Ví dụ, theo quy định tại Phụ lục V Nghị định 69/2018/NĐ/CP, đối với các sản phẩm là thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, phụ gia thực phẩm, nước uống, nước sinh hoạt, nước khoáng thiên nhiên; thuốc lá điếu; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; thuốc, mỹ phẩm; trang thiết bị y tế thì cơ quan có thẩm quyền quản lý thực hiện cấp CFS là Bộ Y tế. Đối với các sản phẩm là trang thiết bị chuyên dùng cho ngân hàng thì cơ quan có thẩm quyền quản lý thực hiện cấp là Ngân hàng nhà nước,...

Quy trình và thủ tục xin cấp CFS được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 69/2018/NĐ-CP như sau:

Bước 1: Thương nhân gửi 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến cơ quan cấp CFS, hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị cấp CFS nêu rõ tên hàng, mã HS của hàng hóa, số chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hoặc số đăng ký, số hiệu tiêu chuẩn (nếu có), thành phần hàm lượng hợp chất (nếu có), nước nhập khẩu hàng hóa: 1 bản chính, thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

- Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

- Danh mục các cơ sở sản xuất (nếu có), bao gồm tên, địa chỉ của cơ sở, các mặt hàng sản xuất để xuất khẩu: 1 bản chính.

- Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa kèm theo cách thể hiện (trên nhãn hàng hóa hoặc trên bao bì hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa): 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

Bước 2: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành xem xét hồ sơ và cấp chứng nhận CFS

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp CFS thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.

Trong trường hợp thương nhân đã nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định thì trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày thương nhân nộp hồ sơ đầy đủ, đúng quy định. Cơ quan có thẩm quyền phải cấp CFS cho thương nhân. Trường hợp không cấp CFS, cơ quan cấp CFS có văn bản trả lời nêu rõ lý do. Thương nhân có trách nhiệm nộp các khoản phí theo quy định của pháp luật khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp CFS. 

Sau khi được cấp CFS, cơ quan có thẩm quyền  có thể tiến hành kiểm tra tại nơi sản xuất trường hợp nhận thấy việc kiểm tra trên hồ sơ là chưa đủ căn cứ để cấp CFS hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định đối với CFS đã cấp trước đó. Số lượng CFS được cấp cho hàng hóa theo yêu cầu của thương nhân.

Trường hợp bổ sung, sửa đổi CFS; cấp lại do mất, thất lạc CFS, thương nhân gửi văn bản đề nghị và các giấy tờ liên quan đến cơ quan cấp CFS. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, cơ quan cấp CFS xem xét điều chỉnh, cấp lại CFS cho thương nhân.

Như vậy để được cấp CFS, thương nhân cần chuẩn bị bộ hồ sơ như trên và gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đề nghị cấp chứng nhận lưu hành tự do. 

 

Trên đây là nội dung bài viết của chúng tôi về chủ để: "CFS đối với hàng hóa nhập khẩu được cấp trong trường hợp nào". Quý Khách hàng có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin vui lòng liên hệ với Luật Minh Khuê qua tổng đài: 1900.6162 hoặc gửi thư về địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp nhanh chóng. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn!