Mục lục bài viết
Đến nay khoảng 5 tháng tôi có đòi người đó số tiền đã cho mượn nhưng người đó và gia đình người đó không trả và trở mặt. Hiện tại, tôi chỉ có chứng cứ là đoạn băng ghi âm người đó đã mượn tiền và giấy tờ chuyển khoản.
Vậy xin hỏi luật sư là tôi có lấy lại được số tiền đã cho mượn không. Và nếu tôi kiện người đó thì kiện ở đâu với tội gì ?
Cảm ơn rất nhiều.
Luật sư trả lời:
1. Cho bạn vay tiền là hợp đồng vay tài sản hợp pháp
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định (theo quy định tại điều 463 của Bộ luật dân sự năm 2015).
Về bản chất, cho vay tài sản (tiền, tài sản khác) là một hình thức giao dịch dân sư. Tại điều 119 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hình thức giao dịch dân sự như sau:
- Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể;
- Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản;
- Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, có thể thấy rằng, pháp luật không yêu cầu hình thức cụ thể của hợp đồng vay tài sản. Do đó, hợp đồng vay tài sản có thể được lập thành văn bản, thể hiện qua lời nói hoặc hành vi cụ thể.
Do đó, thỏa thuận mượn nợ bằng miệng được xem là hợp đồng vay tài sản hợp pháp. Hình thức miệng thường được áp dụng trong những trường hợp như số lượng tài sản cho vay không lớn hoặc giữa các bên có mối quan hệ thân quen. Trường hợp cho vay bằng miệng nếu xảy ra tranh chấp hợp đồng, bên cho vay phải chứng minh được là mình đã cho vay một số tiền hoặc một số tài sản nhất định.
Trong thực tế, nếu hình thức của hợp đồng bằng miệng mà có tranh chấp thì rất khó xác định quyền và nghĩa vụ của các bên. Để làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp hợp đồng vay, các bên cần phải ký kết hợp đồng bằng văn bản. Các bên có thể tự lập văn bản hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận văn bản đó.
Đặc điểm pháp lý của hợp đồng vay tài sản:
+ Đây là hợp đồng đơn vụ: Xét theo nguyên tắc, hợp đồng vay tài sản là đơn vụ đối với những trường hợp vay không có lãi suất, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải hoàn trả vật cùng loại tương ứng với số lượng, chất lượng của tài sản cho bên vay. Bên vay không có quyền đối với bên cho vay. Tuy nhiên đối với hợp đồng vay tài sản có lãi suất thì bên cho vay có nghĩa vụ chuyển tiền đúng thời hạn, nếu vi phạm phải chịu trách nhiệm dân sự.
+ Hợp đồng vay là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù: Nếu hợp đồng vay có lãi suất là hợp đồng vay có đền bù, nếu hợp đồng vay không có lãi suất là hợp đồng không có đền bù.
+ Hợp đồng vay là hợp đồng chuyển quyền sở hữu đối với tài sản từ bên cho vay sang bên vay: Khi bên vay nhận tài sản. Vì vậy, bên vay có toàn quyền đối với tài sản vay, trừ trường hợp vay có điều kiện sử dụng.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp vay tiền đều hợp pháp. Mặc dù có thể không cần thể hiện thông qua văn bản, giấy tờ nhưng thỏa thuận vay nợ bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định tạị điều 117 của Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể:
- Do những người có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự thực hiện;
- Các bên vay và cho vay phải hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung thỏa thuận vay nợ không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội, không bị lừa dối, không nhằm che giấu cho một giao dịch khác ...
Ví dụ như: Họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của bộ luật dân sự. Cần lưu ý, nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi, thì trường hợp cho vay tiền đó không hợp pháp.
Tóm lại, theo quy định của pháp luật, nếu đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự thì việc thỏa thuận vay nợ giữa các bên dù không có giấy vay nợ thì vẫn hợp pháp và người cho vay hoàn toàn có thể đòi nợ người vay.
2. Bản ghi âm có thể được coi là chứng cứ để khởi kiện về việc vay tài sản?
Chứng cứ trong một vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp (theo quy định tại điều 93 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
Nguồn chứng cứ có thể được hiểu là những sự vật chứa đựng chứng cứ, tức chứa đựng các thông tin, tư liệu tồn tại trong thực tế khách quan, liên quan đến vụ án và được thu thập theo trình tự thủ tục pháp luật quy định.
Điểm c Khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định như sau:
"Điều 87. Nguồn chứng cứ
1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:
a) Vật chứng;
b) Lời khai, lời trình bày;
c) Dữ liệu điện tử;.."
Luật giao dịch điện tử năm 2005 tại Điều 14 có quy định như sau:
"Điều 14. Thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ
1. Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.
2. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác."
Căn cứ vào điều 94 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về việc chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây được coi là hợp pháp, cụ thể bao gồm:
- Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử;
- Vật chứng;
- Lời khai của người làm chứng;
- Kết luận giám định;
- Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
- Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;
- Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập;
- Văn bản công chứng, chứng thực;
- Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Qua đó, có thể hiểu chứng cứ trong vụ việc dân sự được hiểu là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục. Như vậy, đoạn ghi âm được coi là chứng cứ về việc vay tài sản. Tuy nhiên để xác minh được bản ghi âm đó có hợp pháp hay không cần đáp ứng được các điều kiện để ghi âm được đem ra làm chứng cứ.
Lưu ý: Các điều kiện để ghi âm được đem ra làm chứng cứ, cụ thể bao gồm:
+ Điều kiện đối với bản ghi âm:
Căn cứ theo khoản 2 điều 3 Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP, điều 14 Luật Giao dịch điện tử năm 2015, khoản 2 điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để bản ghi âm được xác định là chứng cứ cần có:
- Văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình;
- Hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó;
- Hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó;
- Giá trị chứng cứ của bản ghi âm được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi bản ghi âm đó; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của "ghi âm lời nói"; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác;
- Nếu đương sự không xuất trình các văn bản nêu trên, thì bản ghi âm lời nói mà đương sự giao nộp không được coi là chứng cứ.
Ví dụ được quy định trong Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP về văn bản trình bày của người nộp bản ghi âm:
- Ông A cho ông B vay 5 triệu đồng với thời hạn 12 tháng. Việc vay tài sản không lập thành hợp đồng, nhưng được ông A ghi âm lại toàn bộ nội dung thỏa thuận về việc vay tài sản, việc giao nhận tiền và thời điểm thanh toán nợ giữa ông A và ông B để làm bằng chứng cho việc vay tài sản của ông B;
- Đến hạn trả nợ, ông B không trả số tiền đó cho ông A. Ông A khởi kiện ông B ra Tòa án. Trong trường hợp này, cùng với việc giao nộp băng ghi âm, ông A phải gửi văn bản trình bày về sự việc liên quan tới việc thu âm đó.
Ngoài ra, trường hợp nếu các bên đương sự đều thừa nhận giọng nói trong băng ghi âm là của mình, thừa nhận nội dung trao đổi trong băng ghi âm là đúng sự thật khi xét xử vụ án thì tòa án cũng công nhận là chứng cứ mà có thể không yêu cầu bên cung cấp bản ghi âm lời nói phải xuất trình các tài liệu kèm theo.
+ Điều kiện đối với đương sự cung cấp bản ghi âm: Đương sự trong vụ án tranh chấp dân sự hoàn toàn có quyền cung cấp bản ghi âm làm chứng cứ nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình căn cứ trên cơ sở điều 6 Bộ luật tố dụng dân sự năm 2015, nếu bản ghi âm đó đáp ứng các điều kiện xác định chứng cứ theo điều 95 của Luật tố tụng dân sự năm 2015.
Như vậy, file ghi âm, ghi hình, ghi cuộc gọi có thể coi là chứng cứ để chứng minh giao dịch đồng thời là căn cứ để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên để chứng cứ được công nhận trải qua quá trình điều tra, trích xuất, xác thực dựa trên nghiệp vụ của cơ quan điều tra. Cơ quan đó sẽ xác định âm thanh, hình ảnh có đúng với chủ thể đang vị khởi kiện hay không để đề xuất trước tòa. Trên thực tế, trong một giao dịch dù tin tưởng thì cũng nên có văn bản, cao hơn là có người làm chứng và công chứng, để khi xảy ra tranh chấp sẽ đỡ mất thời gian, công sức và tiền bạc hơn rất nhiều.
3. Có thể khởi kiện đòi lại tiền cho vay khi có đoạn ghi âm
Theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có nội dung quy định về việc xác định chứng cứ như sau:
+ Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
+ Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
+ Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
+ Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.
+ Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 điều này hoặc bằng lời khai tại phiên toàn.
+ Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành đúng thủ tục do pháp luật quy định.
+ Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
+ Kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
+ Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện,hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
+ Văn bản công chứng, chứng thực được coi là chứng cứ nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
+ Các nguồn khác mà pháp luật có quy định được xác đinh là chứng cứ theo điều kiện, thủ tục mà pháp luật quy định.
Từ các quy định trên cho thấy giấy nộp tiền được xem là "tài liệu đọc được nội dung" và đoạn ghi âm được xếp vào "tài liệu nghe được". Qua đó, đoạn ghi âm hoàn toàn có thể được xác định là bằng chứng về việc hai bên hình thành một giao dịch vay tiền hợp pháp, và người cho vay hoàn toàn có thể khởi kiện nếu không đòi lại được tiền theo đúng hạn.
Ví dụ như: Trong một vụ tai nạn giao thông, người vị hại hoặc người địa diện hợp pháp của người bị hại được một người cung cấp băng ghi hình về hiện trường vụ tai nạn giao thông. Trong trường hợp này, cùng với việc giao nộp băng ghi hình đó, người bị hại hoặc người địa diện hợp pháp của người bị hại phải xuất trình cho Tòa án bản xác nhận của người đã cung cấp cho mình về xuất xứ của băng ghi hình đó.
Hoặc ví dụ về thỏa thuận cho vay không lập thành văn bản như: Ông A cho ông B vay 10 triệu trong thời hạn 10 tháng, Việc vay tài sản không lập thành văn bản, nhưng ông A đã ghi âm lại toàn bộ nội dung thỏa thuận về vay tài sản, việc giao nhận tiền và thời điểm thanh toán nợ giữa ông A và ông B để làm bằng chứng cho việc vay tài sản của ông B. Đến hạn trả nợ, ông B không trả lại số tiền đó cho ông A. Ông A khởi kiện ông B ra Tòa án. Trong tường hợp này, cùng với việc giao nộp lại băng ghi âm, ông A phải gửi văn bản trình bày về sự việc liên quan tới việc thu âm đó.
Tóm lại, tài liệu nghe được, nhìn được được công nhận có giá trị pháp lý như văn bản nên khi thu thập, đánh giá chứng cứ cần sự vận dụng của nhiều quy phạm trong các điều luật, luật khác nhau để xác định tính hợp pháp của các chứng cứ này. Đồng thời, để một đoạn băng ghi âm có thể trở thành một chứng cứ hợp pháp cần đảm bảo các điều kiện của nó được quy định trong pháp luật (như văn bản trình bày về xuất xứ băng ghi âm đó nếu họ tự thu âm ...). Ngoài ra, để đoạn băng ghi âm trở thành bằng chứng chứng minh cho một giao dịch cho vay, người cung cấp cần đưa ra thiết bị ghi âm, file ghi âm gốc, không bị cắt hay chỉnh sửa nội dung. Như vậy, để thuận tiện cho cơ quan tố tụng dễ tiếp cận file ghi âm, người khởi kiện nên ghi chép cụ thể nội dung đoạn hội thoại đó ra giấy và nộp kèm với file ghi âm gốc. Khi đó, bạn hoàn toàn có quyền được khởi kiện nếu người vay tiền không trả lại tiền theo đúng thỏa thuận mà hai bên đã đề ra được ghi lại trong đoạn ghi âm.
Lưu ý: Trong trường hợp bên vay có thể trả nợ nhưng không trả mà cố tình dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể tố giác người này về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể hơn, làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là bên cho vay vay, mượn tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng mà có các hành vi sau đây:
- Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản;
- Đến thời hạn trả nợ mặc dù có khả năng, điều kiện để trả nhưng cố tình không trả;
- Sử dụng số tiền vay được vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không thể trả nợ.
Căn cứ vào điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 175 của Bộ luật tố tụng hình sự với các mức phạt cụ thể đối với từng trường hợp vi phạm, cụ thể như sau:
+ Phải cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với trường hợp:
- Có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mà số tiền chiếm đoạt có trị giá từ 04 triệu đồng đến không quá 50 triệu đồng;
- Hoặc số tiền chiếm đoạt nhỏ hơn 04 triệu đồng nhưng đã từ bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã từng bị kết án về tội này hoặc những tội liên quan đến chiếm đoạt tài sản khác mà chưa được xóa án tích.
+ Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với các trường hợp:
- Phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp;
- Dùng thủ đoạn xảo quyệt để thực hiện việc phạm tội;
- Giá trị tài sản chiếm đoạt là từ 50 triệu đồng đến không quá 200 triệu đồng;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, danh nghĩa của cơ quan tổ chức để thực hiện hành vi phạm tội;
- Có hành vi tái phạm nguy hiểm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
+ Phạt từ từ 05 năm đến 12 năm đối với trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến không quá 500 triệu đồng.
+ Phạt tiền từ 12 năm đến 20 năm đối với trường hợp chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền với số tiền từ 10 triệu đồng đến không quá 100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định trong khoảng thời gian từ 01 năm đến 05 năm, tùy theo mức độ phạm tội mà bị tịch thu toàn bộ hoặc một phần tài sản. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt từ có thời hạn đến 20 tùy theo mức độ vi phạm.
Như vậy, bản ghi âm có thể được coi là chứng cứ hợp pháp nếu bản ghi âm đó ghi âm được lời thừa nhận mượn tiền và các giấy tờ chuyển khoản giữa cho vay và người vay, không được chỉnh sửa, cắt xén thì hoàn toàn vẫn có giá trị làm chứng cứ để khởi kiện, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, đòi lại tiền. Theo quy định của pháp luật, bản ghi âm chỉ được coi là chứng cứ chứng minh cho hành vi cho vay, mượn tiền khi nó được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ hoặc văn bản về sự việc liên quan. Trường hợp không đáp ứng được các điều kiện đó thì đoạn băng ghi âm của bạn chỉ có thể được xem như là tài liệu liên quan đến vụ án, có giá trị tham khảo chứ không thể có giá trị chứng minh trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án.
Tóm lại: Nếu băng ghi âm của bạn ghi âm được lời thừa nhận mượn tiền và các giấy tờ chuyển khoản giữa bạn và người bạn của bạn và không được chỉnh sửa, cắt xén thì hoàn toàn vẫn có giá trị làm căn cứ, chứng cứ để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, đòi lại quyền lợi cho bạn.
Mọi vướng mắc, không hiểu nào về vấn đề này hay bất kỳ vấn đề pháp lý liên quan nào khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí của công ty Luật Minh Khuê chúng tôi 1900.6162 để nhanh chóng nhận được sự giải đáp thắc mắc, kịp thời đến từ đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm chuyên môn. Rất mong nhận được sự hợp tác của quý khách hàng. Trân trọng!