1. Vay 3 nghìn/1 triệu/ 1 ngày có là cho vay lãi nặng? 

Quan hệ cho vay giữa cá nhân với cá nhân được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, tại Điều 468 quy định rõ các bên trong giao dịch vay tiền hoàn toàn có thể thỏa thuận mức lãi suất cho vay, tuy nhiên không được vượt quá 20% một năm của khoản tiền vay. Nếu vượt quá mức lãi suất trên thì phần lãi suất vượt quá bị tuyên vô hiệu, không có hiệu lực. 

Từ quy đinh trên chúng ta có thể tính được phần trăm mức lãi suất cho vay trong 1 năm là 20%, trong 1 tháng là 1,667%. Tính theo số tiền vay theo ngày là 3 nghìn/ 1 triệu/ 1 ngày hay 90 nghìn/ 1 triệu/ 1 tháng thì ta có công thức tính ra năm là 3.000 x 30 x 12 = 1,08 triệu/ 1 triệu/ 1 năm hay quy ra tỷ lệ phần trăm là 108% trên 1 năm. Con số phần trăm lãi này đã vượt quá 5 lần mức vay của pháp luật dân sự theo quy định trên. 

Tuy nhiên thì đây mới chỉ là 1 căn cứ, dấu hiệu để có thể khởi tố hình sự về Tội cho vay lãi nặng quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, nếu người cho vay mới chỉ cho vay lãi suất vượt quá 20% một năm hoặc vượt quá 5 lần mức lãi suất này thì mới chỉ dừng lại là vi phạm hành chính về hành vi cho vay vượt quá lãi suất quy định.

Nếu như lãi suất cho vay vượt quá 5 lần mức lãi suất dân sự quy định thì cần kèm theo một dấu hiệu thứ hai để có thể định tội danh hình sự về hành vi cho vay lãi nặng là người cho vay phải thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này trước đây nhưng chưa được xóa án tích mà lại vi phạm thì mới đủ yếu tố cấu thành tội cho vay lãi nặng theo quy định.

Vì vậy, mặc dù lãi suất cho vay 3 nghìn/ 1 triệu/ 1 ngày tương đương với 108% một năm đã vượt quá 5 lần mức lãi suất dân sự quy định nhưng vẫn chưa thể khởi tố hình sự được vì cần phải căn cứ vào thời gian cho vay để tính được số tiền lãi thu được hoặc một trong những yếu tố về tiền án tiền sự nêu trên thì mới có thể khởi tố hình sự một người về hành vi cho vay lãi nặng với mức lãi 3 nghìn/ 1 triệu/ 1 ngày. 

>> Xem thêm: Tội cho vay nặng lãi theo quy định mới nhất của luật hình sự?

 

2. Cho vay lãi nặng bị đi tù bao nhiêu năm? 

Cho vay lãi nặng nếu như cấu thành đủ các yếu tố về hành vi khách quan của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như đã phân tích tại mục 1 của bài viết thì sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm

Nếu như phạm tội mà thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên thì người phạm tội bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm 

Và bên cạnh đó thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm 

Như vậy thì việc cho vay lãi nặng không chỉ căn cứ vào phần trăm lãi suất cho vay để định khung hình phạt mà còn phải căn cứ vào cả yếu tố về số tiền thu lợi bất chính. Tùy vào số tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội có thể bị phạt tù cao nhất là 03 năm hoặc phạt tiền cao nhất là 01 tỷ đồng. 

 

3. Mức phạt hành chính hành vi cho vay lãi quá quy định pháp luật

Nếu như hành vi cho vay tiền mà số tiền thu lãi được chưa đến 30 triệu đồng, hoặc số phần trăm lãi suất tuy vượt quá 20% một năm nhưng chưa gấp 05 lần mức lãi suất này thì người vi phạm về quy định cho vay lãi mới chỉ bị xử phạt hành chính mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt hành chính của hành vi cho vay lãi với lãi suất trên 20% một năm được quy định tại Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP như sau: 

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự. 

>> Tham khảo: Cách tính lãi suất cho vay nặng lãi nhanh, đơn giản

 

4. Con nợ không chịu trả tiền thì người cho vay phải làm gì theo đúng luật? 

Theo nguyên tắc giải quyết dân sự theo pháp luật Việt Nam thì luôn khuyến khích và tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, đồng thời cũng không hình sự hóa các vấn đề dân sự. Nếu như người đi nợ tiền mà cố tình không trả nợ mặc dù có khả năng trả nợ hoặc đã dùng số tiền đó vào những khoản chi bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả nợ thì lúc này, người cho vay hoàn toàn có thể thu thập chứng cứ để trình báo đến cơ quan công an vào cuộc để điều tra giải quyết, khởi tố vụ án hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 

Nhưng nếu việc người vay nợ thật sự không đủ khả năng trả nợ và không có dấu hiệu dùng thủ đoạn bỏ trốn, trốn tránh trách nhiệm thì ở đây chỉ dừng lại là vụ án dân sự. Người cho vay hoàn toàn có thể làm thủ tục khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án giải quyết khoản vay, trả lại quyền lợi cho mình từ phía bị đơn là người đi vay tiền. 

>> Xem thêm: Vay lãi suất 2000 đồng/1 triệu/1 ngày có phải cho vay nặng lãi?

 

5. Số tiền thu lợi bất chính được xử lý như thế nào? 

Căn cứ Điều 6 Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP có quy định về số tiền thu lợi bất chính được xác định như sau: 

- Trường hợp cho vay lãi nặng đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự trong cả kỳ hạn vay.

- Trường hợp cho vay lãi nặng chưa hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn. 

- Trường hợp bên vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay thực tế đã trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Bên cạnh đó, tại Điều 5 Nghị quyết có quy định về xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm như sau: Tịch thu sung quỹ nhà nước đối với: 

+ Tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự mà người phạm tội đã thu của người vay. 

+ Tiền, tài sản khác mà người phạm tội có thêm được từ việc sử dụng tiền lãi và các khoản thu bất hợp pháp khác. 

+ Khoản tiền, tài sản khác người phạm tội dùng để cho vay

+ Trả lại cho người vay tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thực tế đã thu, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ...) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước.

Từ những căn cứ trên có thể thấy số lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự đối với cho vay nặng lãi được xác định theo quy định trên và sẽ trả lại cho người vay tiền, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ...) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước. 

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Cho vay 3 nghìn /1 triệu /1 ngày có bị khởi tố hình sự? do Công ty Luật Minh Khuê biên soạn và muốn gửi đến quý khách mang tính chất tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc!    

Nếu quý khách có nhu cầu muốn báo phí dịch vụ, quý khách hãy vui lòng gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất. Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!