1. Quy định về nhãn hiệu, thương hiệu như thế nào?

Theo khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 có quy định về khái niệm nhãn hiệu như sau: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Theo quy định đó, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân này với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân khac.

Một vài loại nhãn hiệu cụ thể được pháp luật quy định như sau:

- Nhãn hiệu tập thể: là nhãn hiệu được sử dụng để phân biệt hàng hoá và dịch vụ của các thành viên trong một tổ chức, nhằm phân biệt chúng với hàng hoá và dịch vụ của những cá nhân hoặc tổ chức không thuộc thành viên của tổ chức đó.

- Nhãn hiệu chứng nhận: là nhãn hiệu mà chủ sở hữu cho phép các tổ chức hoặc cá nhân khác sử dụng trên hàng hoá và dịch vụ của họ, nhằm chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, quy trình sản xuất, quy trình cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá và dịch vụ mang nhãn hiệu đó.

- Nhãn hiệu nổi tiếng: là nhãn hiệu được công chúng liên quan biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

"Thương hiệu" là một thuật ngữ phổ biến được sử dụng hiện nay. Khi người ta đề cập đến thương hiệu, thường liên kết với giá trị của nó. Do tên gọi giống với "nhãn hiệu", hai khái niệm này thường gây nhầm lẫn.

- Thương hiệu có những đặc điểm sau:

  • Thương hiệu hình thành từ quá trình sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm. Khi hàng hóa và dịch vụ được sử dụng rộng rãi và được công nhận bởi nhiều người, thương hiệu trở nên nổi tiếng và mang giá trị.
  • Thương hiệu không được bảo hộ bởi pháp luật, mà chỉ được công nhận và đánh giá bởi xã hội và người tiêu dùng.
  • Thương hiệu không được biểu thị bằng các yếu tố như chữ cái, từ ngữ, hình ảnh như nhãn hiệu.
  • Thương hiệu không thể xác định chính xác thời gian tồn tại.

2. Chuyển nhượng thương hiệu có khác chuyển nhượng nhãn hiệu không?

Để tiến hành chuyển nhượng nhãn hiệu, bên nhận và bên chuyển nhượng phải tuân thủ các điều kiện sau:

- Chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng trong phạm vi được bảo hộ theo quy định.

- Quá trình chuyển nhượng không được gây nhầm lẫn về đặc tính và nguồn gốc của hàng hóa, cũng như không được tạo ra sự nhầm lẫn về tên thương mại.

- Chuyển nhượng không được tạo ra sự nhầm lẫn về những nhãn hiệu liên kết với công ty đối với các hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đó.

- Quyền sở hữu nhãn hiệu chỉ có thể được chuyển nhượng cho tổ chức hoặc cá nhân đáp ứng các điều kiện về đăng ký nhãn hiệu đó.

Để thành công trong việc nhượng quyền thương hiệu, cần xem xét nhiều yếu tố quan trọng. Trong số đó, về mặt pháp lý, cần đảm bảo những điều kiện sau:

- Đăng ký kinh doanh: Việc có đăng ký kinh doanh là một yếu tố quan trọng để đảm bảo tính hợp pháp và khả năng thực hiện các giao dịch thương mại của doanh nghiệp.

- Vệ sinh an toàn thực phẩm: Bảo đảm điều kiện vệ sinh và an toàn thực phẩm là một yếu tố quan trọng trong việc nhượng quyền thương hiệu. Điều này đảm bảo rằng các sản phẩm hoặc dịch vụ liên quan đến thương hiệu không gây hại cho người tiêu dùng.

- Đăng ký thương hiệu và bảo hộ: Việc đăng ký thương hiệu và được cấp văn bằng bảo hộ là một bước cần thiết để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của thương hiệu. Điều này đảm bảo rằng không ai khác có thể sử dụng thương hiệu đó mà không có sự cho phép.

Do đó, để đảm bảo quá trình nhượng quyền thương hiệu diễn ra một cách thuận lợi, cần đáp ứng đầy đủ ba yếu tố trên. Nếu bỏ qua bất kỳ một yếu tố nào trong số này, rủi ro pháp lý sẽ rất lớn.

Trên đây là những điểm khác biệt giữa chuyển nhượng thương hiệu và chuyển nhượng nhãn hiệu

 

3. Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu cần đáp ứng điều kiện gì để có hiệu lực?

Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó chủ sở hữu nhãn hiệu chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu cho bên nhận chuyển nhượng.

Khi hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, bên nhận chuyển nhượng sẽ chính thức trở thành chủ sở hữu của nhãn hiệu đó.

Nội dung chính của hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu bao gồm:

- Thông tin đầy đủ về bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng, bao gồm tên và địa chỉ.

- Số văn bằng nhãn hiệu chuyển nhượng.

- Căn cứ chuyển nhượng nhãn hiệu.

- Giá chuyển nhượng được thỏa thuận.

- Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.

Ngoài những nội dung cơ bản được đề cập, các bên có thể thỏa thuận các điều khoản khác, miễn là không vi phạm quy định của pháp luật.

 

4. Thủ tục cần thực hiện khi hoạt động chuyển nhượng thương hiệu năm 2023 

Chuyển nhượng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa là quá trình mà chủ sở hữu truyền giao hoàn toàn quyền sở hữu của mình đối với thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa đó cho tổ chức hoặc cá nhân khác.

Chủ sở hữu thương hiệu, nhãn hiệu có quyền độc quyền sử dụng chúng trong thời gian được bảo hộ theo quy định trong văn bằng bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Tổ chức hoặc cá nhân khác, nếu muốn sử dụng thương hiệu hoặc nhãn hiệu đang được bảo hộ nhằm mục đích thương mại, phải có sự cho phép từ chủ sở hữu thương hiệu hoặc nhãn hiệu.

Việc chuyển nhượng được thực hiện thông qua việc ký kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (thương hiệu, nhãn hiệu).

Theo Khoản 9 Điều 1 Thông tư 18/2011/TT-BKHCN quy định về thành phần hồ sơ chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp gồm có:

- 02 bản Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, làm theo mẫu 01-HĐCN quy định tại Phụ lục D của Thông tư này;

- 01 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao được chứng thực theo quy định); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;

- Bản gốc văn bằng bảo hộ;

- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung;

- Giấy ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện);

- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)”.

Tuy nhiên, để thực hiện được hình thức này thì bạn phải có văn bằng bảo hộ đối với thương hiệu bạn sáng lập. Khi đó bạn mới đủ điều kiện để nhượng quyền thương hiệu cho người khác. Đối với về vấn đề đăng ký kinh doanh:

Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh cũng quy định như sau:

- Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:

+ Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

+ Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

+ Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

+ Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;

+ Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

+ Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

Trên đây là toàn bộ nội dung thông tin về chủ đề "Chuyển nhượng thương hiệu có khác chuyển nhượng nhãn hiệu không ?" mà Luật Minh Khuê cung cấp tới quý khách hàng. Ngoài ra quý khách hàng có thể tham khảo thêm bài viết về chủ đề Đăng ký thương hiệu logo, nhãn hiệu độc quyền nhanh nhất 2023 của Luật Minh Khuê. Còn điều gì vướng mắc, quý khách vui lòng liên hệ 1900.6162 hoặc gửi email tới: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ. Trân trọng./.