>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900 6162

 

Trả lời:

Trường hợp của bạn hoàn toàn có thế gửi tiền cho phạm nhân ( bạn của bạn) một cách trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đều được. Nếu gửi qua đường bưu điện thì Giám thị trại giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Thái Thụy cử cán bộ đến Bưu điện nhận tiền, sau đó bàn giao số tiền này cho Đội Tài vụ - Hậu cần quản lý. Cán bộ phụ trách lưu ký vào sổ theo dõi, đồng thời thông báo cho phạm nhân biết và ghi số tiền này vào sổ mua hàng hóa để phạm nhân ký, nhận. Tuy nhiên, phạm nhân sẽ không được phép cất giữ, sử dụng tiền mặt trong cơ sở giam giữ.

Căn cứ Khoản 4 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định:

4. Phạm nhân được nhận quà là tiền, đồ vật do thân nhân gửi qua đường bưu chính không quá 02 lần trong 01 tháng. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận tiền, đồ vật mà thân nhân của phạm nhân gửi cho phạm nhân và bóc, mở, kiểm tra để phát hiện và xử lý đồ vật thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật.

Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành án hình sự với nhiều thay đổi lớn trong công tác thi hành án. So với Luật thi hành án hình sự năm 2010, Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 gồm 16 chương, 207 điều và có nhiều nội dung mới về phạm vi điều chỉnh, tha tù trước thời hạn có điều kiện, thi hành án tử hình, thi hành án đối với pháp nhân thương mại, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của phạm nhân đang chấp hành án..v.v.. khắc phục bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác thi hành án, thể hiện tính nhân văn sâu sắc bảo đảm quyền lợi của phạm nhân, đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, cụ thể:

 

1. Người bị bệnh nặng phải trưng cầu giám định y khoa.

Đây là một điểm mới trong Luật Thi hành án hình sự 2019. Trước đây, đối với người được tạm đình chỉ do bị bệnh nặng và khó xác định tình trạng sức khỏe sẽ được trưng cầu giám định y khoa cấp tỉnh, cấp quân khu.

Hiện nay, sau khi bổ sung, sửa đổi, người được tạm đình chỉ có dấu hiệu nghi mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức sẽ được đề nghị trưng cầu giám định pháp y tâm thần:

- Nếu đã phục hồi sức khỏe thì đưa người đó đến nơi chấp hành án và thông báo cho Chánh án Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ;

- Nếu chưa phục hồi thì người đó tiếp tục được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù;

- Nếu bị xác định là mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác là mất khả năng nhận thức thì được đưa vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc;

Theo đó, kinh phí thực hiện giám định sẽ do Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cấp quân khu chi trả.

 

2. Bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ của phạm nhân.

Đây là điểm hoàn toàn mới trong Luật Thi hành án hình sự 2019. Theo đó, phạm nhân có quyền:

- Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm;

- Được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ;

- Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;

- Được bảo đảm hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ;

- Được lao động, học tập, học nghề;

- Được gặp, liên lạc với thân nhân, tiếp xúc lãnh sự;

- Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;

- Được yêu cầu trả tự do khi có quyết định trả tự do của người có thẩm quyền;

- Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;

- Được hưởng chế độ, chính sách nếu thuộc đối tượng được hưởng: Người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội…

Bên cạnh đó, phạm nhân có nghĩa vụ:

- Chấp hành quyết định, yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý thi hành án hình sự, thi hành án hình sự;

- Chấp hành nội quy của trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ…

 

3. Phải kiểm tra thân thể phạm nhân trước khi đưa vào buồng giam.

Khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định, trại giam, trại tạm giam, … phải tiếp nhận người chấp hành án phạt tù. Khi tiếp nhận, các cơ quan này phải có trách nhiệm kiểm tra thông tin, khám sức khỏe cho người chấp hành hình phạt tù.

Đặc biệt, phải kiểm tra cơ thể của người chấp hành hình phạt tù để xử lý đồ vật mang theo trước khi đưa vào buồng giam.

Trong đó, những đồ vật không được mang vào buồng giam gồm:

- Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

- Chất gây mê, chất độc, chất cháy, chất gây cháy, chất phóng xạ, hóa chất, độc dược;

- Các chất ma túy và thuốc tân dược có thành phần gây nghiện;

- Rượu, bia và các chất kích thích khác;

- Các đồ dùng có thể dùng làm hung khí như dây lưng, dây điện, dây đàn, đồ làm bằng sành sứ, đá, thủy tinh, phích nước, đồ vật sắc nhọn …;

- Tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý;

- Các loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, hộ khẩu, bằng cấp, chứng chỉ…

- Các loại thiết bị kỹ thuật, điện tử như máy ghi âm, ghi hình, máy nghe nhìn, điện thoại, bộ đàm;

- Tranh, ảnh, phim, băng đĩa có nội dung mê tín dị đoan, phản động, đồi trụy; các loại bài lá …

Đặc biệt: Việc kiểm tra thân thể nam giới do cán bộ nam thực hiện, thân thể nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và phải kiểm tra tại nơi kín đáo.

 

4. Quy định về những đối tượng được giam giữ riêng.

Trước đây, tại khoản 2 Điều 27 của Luật Thi hành án hình sự 2010 quy định có 06 đối tượng được giam giữ riêng, gồm: Phạm nhân nữ; phạm nhân là người chưa thành niên; phạm nhân là người nước ngoài; phạm nhân là người có bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm; phạm nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án; phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy, quy chế trại giam. Hiện nay, Luật mới đã bổ sung thêm 02 đối tượng là phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam và phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính. Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật thi hành án hình sự năm 2019 có tổng cộng 08 đối tượng có thể được giam giữ riêng.
 

5. Quy định về Chế độ lao động, tổ chức lao động cho phạm nhân.

Về chế độ lao động, khoản 4 Điều 32 bổ sung quy định: Phạm nhân được nghỉ lao động trong các trường hợp sau đây: Phạm nhân bị bệnh, không đủ sức khỏe lao động và được y tế trại giam xác nhận; phạm nhân đang điều trị tại cơ sở y tế; phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ trong trại giam mà bị bệnh, được y tế trại giam xác nhận; phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của pháp luật về lao động.
Về tổ chức lao động cho phạm nhân, Điều 33 của Luật quy định: Căn cứ vào độ tuổi, sức khỏe, giới tính, mức án, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của phạm nhân; điều kiện đất đai, tài nguyên, ngành, nghề, trang thiết bị, phương tiện, vật tư, nguồn vốn mà trại giam đang quản lý và điều kiện cụ thể của trại giam; khả năng hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân, Giám thị trại giam lập kế hoạch tổ chức lao động cho phạm nhân trong năm, gửi cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng để phê duyệt (khoản 1). Trại giam tổ chức lao động cho phạm nhân theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
 

6. Về xếp loại chấp hành án phạt tù.

Luật bổ sung Điều 35 quy định về việc phạm nhân được nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù theo tuần, tháng, quý, 6 tháng, 1 năm dựa trên căn cứ việc thực hiện kết quả thực hiện các tiêu chuẩn thi đua, nội quy cơ sở giam giữ. Việc nhận xét, đánh giá phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, dân chủ và bảo đảm tính liên tục; căn cứ kết quả thực hiện các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, học tập, lao động cải tạo, kết quả khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra để nhận xét, đánh giá và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân theo một trong các mức tốt, khá, trung bình, kém; kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù theo quý, 06 tháng, 01 năm phải bằng văn bản, được lưu hồ sơ phạm nhân. Phạm nhân lập công thì được nâng mức xếp loại chấp hành án phạt tù.
 

7. Tái hòa nhập cộng đồng.

Luật bổ sung Điều 45 quy định về tái hòa nhập cộng đồng, theo đó trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện. Nội dung chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng bao gồm: Tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý; định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm; hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam; kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện tái hòa nhập cộng đồng do ngân sách nhà nước cấp; quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam và các quỹ khác theo quy định của pháp luật; nguồn đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tạo điều kiện, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng bằng các biện pháp như thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng; dạy nghề, giải quyết việc làm; trợ giúp về tâm lý và hỗ trợ các thủ tục pháp lý; các biện pháp hỗ trợ khác.
 

8. Về thi hành án treo, cải tạo không giam giữ.

Thi hành án treo, cải tạo không giam giữ được quy định tại Chương V, trong đó Mục 1 “Thi hành án treo” gồm 11 điều quy định từ Điều 84 đến Điều 94, Mục 3 “Thi hành án phạt cải tạo không giam giữ” gồm 11 điều từ Điều 96 đến Điều 106. Về nội dung, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thi hành án treo như bổ sung nhiệm vụ của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, theo đó UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo có nhiệm vụ, quyền hạn lập hồ sơ, tổ chức giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; bàn giao hồ sơ cho cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền theo quy định của Luật này (Điều 86); quy định chi tiết cụ thể, nhiệm vụ quyền hạn của đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo trong thời gian thử thách (khoản 3 Điều 86); quy định về trình tự, thủ tục, biện pháp lao động phục vụ tại cộng đồng đối với người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc mất việc làm trong thời gian chấp hành án (khoản 5 Điều 101); bổ sung một số nội dung liên quan đến việc giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (Điều 100).
 

9. Quy định người bị án treo có thể được rút hết thời gian thử thách.

Luật thi hành án hình sự năm 2010 chỉ nêu thủ tục rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo; về điều kiện trình tự thủ tục thời hạn xem xét quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo được quy định tại Thông tư liên tịch 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14-8-2012 hướng dẫn rút ngắn thời gian thử thách án treo và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo. Theo đó, người được hưởng án treo có thể được tòa án nhân dân cấp huyện hoặc tòa án quân sự cấp khu vực rút ngắn thời gian thử thách của án treo khi có đủ các điều kiện:
- Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách của án treo
- Có nhiều tiến bộ, được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ của người được hưởng án treo; chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế nơi làm việc; tích cực lao động, học tập và sửa chữa lỗi lầm; thực hiện đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ khác theo quyết định của bản án;
- Được UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản.
Người được hưởng án treo một năm chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ một tháng đến một năm. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư thời gian thử thách tòa án đã tuyên.
Điều 89, Điều 90 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bổ sung thêm các điều kiện, thủ tục như trên cùng với quy định thêm về việc nếu thời gian thử thách còn lại không quá 01 tháng thì có thể được rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại (khoản 2 Điều 89).
 

10. Quy định về thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại.

Quy định mới này nhằm thống nhất với Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, khi nhận được quyết định thi hành án, pháp nhân thương mại phải công bố trên trang thông tin điện tử, ấn phẩm của mình và niêm yết công khai tại trụ sở chính, địa điểm kinh doanh.

Trong đó, hồ sơ thi hành án với pháp nhân thương mại gồm:

- Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

- Quyết định thi hành án;

- Giấy triệu tập người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại;

- Văn bản yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong thi hành án với pháp nhân thương mại;

- Thông báo của cơ quan quản lý Nhà nước gửi đến cơ quan thi hành án hình sự về thực hiện yêu cầu trong thi hành án và việc chấp hành của pháp nhân thương mại;

- Báo cáo của pháp nhan thương mại về việc chấp hành án;

- Tài liệu công bố thông tin về thi hành án;

- Biên bản thi hành án;

- Tài liệu cưỡng chế thi hành án (nếu có);

- Tài liệu khác có liên quan;…

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.