Mục lục bài viết
- 1. Phân loại tội phạm đối với tội trộm cắp
- 2. Tội trộm cắp tài sản là tội có cấu thành tội phạm vật chất hay cấu thành tội phạm hình thức?
- 3. Nếu khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản A bị mắc bệnh tâm thần thì A có phải chịu TNHS không?
- 4. Nếu có đủ căn cứ xác định A chuẩn bị phạm tội trộm cắp tài sản thì có phải chịu TNHS không?
- 5. Khi nào thì có thể cho A hưởng án treo?
Trộm cắp phạt tù 3 năm có được hưởng án treo không ?
Kính chào Luật Minh Khuê. Tôi có câu hỏi xin được giải đáp như sau: A trộm cắp tài sản của H trị giá 300 triệu đồng. Hành vi của A được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 173 Bộ luật hình sự. A bị đưa ra xét xử và bị tòa án xử phạt 7 năm tù. Vậy tôi xin hỏi một số vấn đề sau:
1. Căn cứ quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự hãy phân loại tội phạm đối với tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173?
2. Tội trộm cắp tài sản là tội có cấu thành tội phạm vật chất hay cấu thành tội phạm hình thức? Tại sao?
3. Nếu trong quá trình điều tra xác định được khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nói trên A đang bị mắc bệnh tâm thần thì A có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Tại sao?
4. Nếu có đủ căn cứ xác định A chuẩn bị phạm tội trộm cắp tài sản là chiếc xe máy trị giá 300 triệu đồng nói trên thì A có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Tại sao?
5. Khi nào thì có thể cho A hưởng án treo?
Xin chân thành cảm ơn !
>> Tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến gọi: 1900.6162
Trả lời:
Đối với nội dung câu hỏi trên, Luật Minh Khuê xin được giải đáp như sau:
1. Phân loại tội phạm đối với tội trộm cắp
Căn cứ quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự hãy phân loại tội phạm đối với tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về 4 loại tội phạm dựa trên tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cụ thể như sau:
"Điều 9. Phân loại tội phạm
Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành bốn loại sau đây:
1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;
3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy địnhđối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;
4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình."
Như vậy, đối chiếu theo các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 173 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, thì tội trộm cắp tài sản được phân loại như sau:
- Tội ít nghiêm trọng: là hành vi trộm cắp tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 173 có khung hình phạt cao nhất là ba năm tù; cụ thể là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
- Tội nghiêm trọng: là hành vi trộm cắp tài sản được quy định tại khoản 2 Điều 173 có khung hình phạt cao nhất là bảy năm tù; cụ thể là bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm tù.
- Tội rất nghiêm trọng: là hành vi trộm cắp tài sản được quy định tại khoản 3 Điều 173 có khung hình phạt cao nhất là mười lăm năm tù; cụ thể là bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
- Tội đặc biệt nghiêm trọng: là hành vi trộm cắp tài sản được quy định tại khoản 4 Điều 173 có khung hình phạt cao nhất là hai mươi năm tù hoặc tù chung thân; cụ thể là bị phat tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
2. Tội trộm cắp tài sản là tội có cấu thành tội phạm vật chất hay cấu thành tội phạm hình thức?
Cấu thành tội phạm vật chất (CTTP VC) là CTTP có các dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi, hậu quả, mối quan hệ giữa hành vi và hâu quả.
Cấu thành tội phạm hình thức (CTTP HT) là CTTP có một dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Điểm khác nhau giữa CTTP VC và CTTP HT là ở chỗ hậu quả là dấu hiệu bắt buộc hay không phải bắt buộc trong CTTP.
Việc xây dựng loại tội nào có CTTP cơ bản là CTTP VC hay CTTP HT xuất phát từ cơ sở: nếu chỉ riêng hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thể hiện được đầy đủ tính nguy hiểm của tội phạm hoặc hậu quả nguy hiểm cho xã hội là hậu quả khó xác định thì CTTP thường được xây dựng là CTTP hình thức. Nếu riêng hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa thể hiện được hoặc chưa thể hiện đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà đòi hỏi phải có cả hậu quả nguy hiểm cho xã hội thì CTTP thường được xây dựng là CTTP vật chất.
Tội trộm cắp tài sản có CTTP cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
"1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm"
Theo đó, tội trộm cắp tài sản được quy định như trên có đưa ra dấu hiệu hành vi phạm tội là trộm cắp tài sản của người khác (lén lút chiếm đoạt tài sản, tài sản đó đang có chủ); dấu hiệu hậu quả là tài sản bị trộm cắp với giá trị tài sản trộm cắp là từ hai đến dưới năm mươi triệu, dưới hai triệu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả là có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ thì mới có hậu quả là tài sản bi trộm cắp hoặc có hậu quả nghiêm trọng. Như vậy, cấu thành tội phạm của tội trộm cắp tài sản là cấu thành tội phạm vật chất.
3. Nếu khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản A bị mắc bệnh tâm thần thì A có phải chịu TNHS không?
Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự thì:
"Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự."
Như vậy, nếu trong điều tra xác định được khi thực hiện hành vi trộm cắp A đang mắc bệnh tâm thần tức là tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự thì A không phải chịu trách nhiệm hình sự, thay vào đó A phải được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
4. Nếu có đủ căn cứ xác định A chuẩn bị phạm tội trộm cắp tài sản thì có phải chịu TNHS không?
Trước hết, hành vi trộm cắp chiếc xe máy trị giá 300 triệu đồng là hành vi trộm cắp được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 173: "Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng". Đây là hành vi phạm tội thuộc tội rất nghiêm trọng (mức cao nhất của khung hình phạt là mười lăm năm tù).
Điều 14 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định:
"Điều 14. Chuẩn bị phạm tội
1. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.
2. Người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
3. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Do đó, căn cứ Điều 14 nói trên, khi có đủ căn cứ xác định là A chuẩn bị thực hiện hành vi trộm cắp chiếc xe máy trị giá 300 triệu đồng thì A không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật.
5. Khi nào thì có thể cho A hưởng án treo?
Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về án treo tại Điều 65.
Điều kiện hưởng án treo và các trường hợp không được hưởng án treo đã được trình bày ở các bài tư vấn trên.
Như vậy, nếu A bị xử 3 năm về tội trộm cắp nói trên, thì trong trường hợp xét thấy không cần chấp hành hình phạt tù thì Tòa án cho hưởng án treo nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- A có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật.
- A có nơi cư trú, cụ thể rõ ràng.
- Không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự và có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự; nếu có một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì phải có từ ba tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Căn cứ các tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 điều 51: Xét thấy A có khả năng tự cải tạo và nếu không bắt A đi chấp hành hình phạt tù thì không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, chứ không phải là loại hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, do đó, những trường hợp quyết định áp dụng án treo được xem xét rất chặt chẽ, tránh không để tình trạng tùy tiện giảm mức hình phạt tù không có căn cứ để đủ điều kiện về mức hình phạt tù là "không quá 3 năm" như quy định ở Điều 65 và cho hưởng án treo.
>> Tham khảo ngay: Luật sư tư vấn, tranh tụng trong lĩnh vực hình sự;
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0159 hoặc gửi qua email:Tư vấn pháp luật hình sự miễn phí qua Emailđể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong được phục vụ Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty luật Minh Khuê