1. Quy định mới về điều kiện xét hưởng án treo

Xin chào quý công ty! tôi muốn được hỏi về quy định án treo, khi nào thì được hưởng án treo? để được hưởng án treo tôi cần phải có những điều kiện gì? Nếu được hưởng án treo thì tôi phải thực hiện những việc gì ?
Cảm ơn!

 

Luật sư tư vấn:

Căn cứ theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015; Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTPLuật thi hành án hình sự năm 2010 (Thay thế bởi: Luật thi hành án hình sự năm 2019):

Người phạm tội để được xóa án tích phải đáp ứng các điều kiện sau:

 

1.1 Bị xử phạt tù không quá 3 năm

Theo quy định của Bộ luật hình sự người bị phạt tù không quá 3 năm là người phạm tội ít nghiêm trọng: Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật quy định là phạt tù không quá 3 năm.

Quy định này có thể hiểu việc xem xét cho hưởng án treo chỉ áp dụng với những người phạm tội ít nghiêm trọng; hoặc là những người phạm tội được giảm nhẹ xuống mức phạt tù là 3 năm.

 

1.2 Nhân thân tốt

Người phạm tội được coi là có nhân thân tốt khi chấp hành đúng chính sách, pháp luật; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân trước khi xảy ra việc phạm tội đang bị xử lý. Để xác định một người có nhân thân tốt hay không có thể thông qua chính quyền địa phương- Ủy ban nhân dân để xin xác nhận.

Trong trường hợp người phạm tội đã từng vi phạm pháp luật như đã bị kết án về một hành vi phạm tội chưa được xóa án tích, đã từng bị vi phạm hành chính mà chưa hết thời hiệu được coi là chưa bị xử phạt hành chính; mà xét thấy mức độ, tính chất phạm tội mới được thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là người có vai trò đồng phạm không đáng kể vẫn có thể xem xét đủ điều kiện về nhân thân để hưởng án treo.

Như vậy có nghĩa, nếu là người phạm tội ở mức độ nghiêm trọng trở lên mà trước đó đã từng bị kết án về tội phạm bất kỳ hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ không đáp ứng được điều kiện nhân thân tốt, sẽ không được hưởng án treo.

 

1.3 Có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên

Các tình tiết giảm nhẹ được chia làm hai dạng: tình tiết giảm nhẹ theo quy định pháp luật Hình sự và tình tiết giảm nhẹ do Hội đồng xét xử quyết định.

Có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ trong hai trường hợp sau sẽ có thể được xem xét hưởng án treo:

Trường hợp 1: người phạm tội không có tình tiết tăng nặng thì phải đảm bảo có hai tình tiết giảm nhẹ, trong đó có một tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật Hình sự tại điều 51 như: người phạm tội đã bồi thường thiệt hại; người phạm tội ăn ăn hối cải; phạm tội lần đầu và là tội ít nghiêm trọng…Cộng với một tình tiết giảm nhẹ ngoài luật do Hội đồng xét xử quyết định. Được ghi rõ trong bản án.

Trường hợp thứ hai: người phạm tội có tình tiết tăng nặng theo điều 52 Bộ luật hình sự như: phạm tội có tổ chức, phạm tội 02 lần trở lên… thì người phạm tội phải có số tình tiết giảm nhẹ nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên; trong đó có tối thiểu một tình tiết giảm nhẹ theo quy định của điều 51 Bộ luật hình sự như nêu ở trên.

 

1.4 Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định

Đây là một điều kiện mới so với trước đây; vì người được hưởng án treo phải trải qua thời gian thử thách; trong thời gian thử thách của án treo, Tòa án sẽ giao người phạm tội cho chính quyền địa phương nơi người phạm tội cư trú, làm việc để giám sát, giáo dục. Cho nên việc quy định người phạm tội có nơi cư trú, là việc rõ ràng là điều kiện hưởng án treo là hợp lý trong công tác quản lý, giám sát người phạm tội.

Trong đó, nơi cư trú rõ rằng là nơi người phạm tội có hộ khẩu thường trú hoặc nơi tạm trú mà người phạm tội sẽ về sinh sống sau khi được hưởng án treo theo quy định Luật cư trú.

Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội được hưởng án treo làm việc theo hợp đồng, quyết định tuyển dụng có thời hạn 01 năm trở lên.

Vậy theo luật thì có những người phạm tội nào không được xem xét hưởng án treo không ?

Theo hướng dẫn của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP thì người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau sẽ không được hưởng án treo:

- Người phạm tội trong vụ án đồng phạm là người cầm đầu, chủ mưu;

- Người phạm tội cố ý chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt; lợi dụng chức vụ để trục lợi;

- Người phạm tội bỏ trốn và đang bị truy nã;

- Người phạm tội bị xét xử một lần về nhiều tội, phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm

- Người phạm tội được hưởng án treo nhưng phạm tội mới trong thời gian thử thách…

 

1.5 Thời gian thử thách của án treo

Thời gian thử thách được ấn định là từ 1 năm đến 5 năm. Trong thời gian thử thách của án treo người phạm tội phải thực hiện một số nghĩa vụ sau:

+ Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân, nội quy nơi làm việc nơi cư trú

+ Có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân xã nơi giám sát, quản lý

+ Khai báo tạm vắng khi đi khỏi nơi cư trú trên 1 ngày theo quy định của Luật cư trú

+ Nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật 3 tháng một lần.

 

1.6 Rút ngắn thời gian thử thách của án treo

Điều kiện rút ngắn thời gian thử thách của án treo:

+ Đã chấp hành ½ thời gian thử thách của án treo

+ Có nhiều tiến bộ dựa trên xác nhận của Ủy ban nhân dân được giao nhiệm vụ giám sát, quản lý

+ Được Ủy ban nhân dân giám sát có văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách.

Việc rút ngắn thời gian thử thách có thể được thực hiện nhiều lần, nhưng trong một năm chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần.

 

2. Đang hưởng án treo thì có được đi xuất khẩu lao động không?

Chào Luật sư, xin hỏi: Cách đây hơn 1 năm tôi đã phạm tội, bị kết án 1 năm nhưng được hưởng án treo 1 năm cùng 20 tháng thử thách. Tôi đã kết thúc án treo được 2 tháng, và còn 5 tháng thử thách nữa.
Mong Luật sư cho tôi biết liệu tôi có được phép đi xuất khẩu lao động hay không ?
Cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự về án treo, gọi: 1900 6162

 

Trả lời:

Căn cứ bộ luật hình sự năm 2015; Luật thi hành án hình sự năm 2019; Luật người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 và Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BCA ngày 31/12/2015 quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Căn cứ Điều 42 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, điều kiện để người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài bao gồm:

“Người lao động được đi làm việc ở nước ngoài khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

2. Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài;

3. Có ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức tốt;

4. Đủ sức khoẻ theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động;

5. Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động;

6. Được cấp chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức cần thiết;

7. Không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.”

Điều 21 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BCA ngày 31/12/2015 quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

“1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.

3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.

4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.

5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.

6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.”

Căn cứ vào các quy định trên, bạn tuy đã thi hành án treo nhưng còn 5 tháng thử thách tức là bạn đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự nên bị cấm xuất cảnh. Bởi vậy bạn sẽ không được đi xuất khẩu lao động Nhật Bản.

Mặt khác, căn cứ quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì người được hưởng án treo có các nghĩa vụ sau:

Điều 87. Nghĩa vụ của người được hưởng án treo

1. Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này.

2. Thực hiệnnghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

3. Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc.

4. Chấp hành quy định tại Điều 92 của Luật này.

5. Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

6. Hằng tháng phải báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình. Trường hợp vắng mặt theo quy định tại khoản 1 Điều 92 của Luật này thì khi hết thời hạn vắng mặt, người được hưởng án treo phải báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình.

Như vậy, khi đi khỏi nơi cư trú từ 01 ngày trở lên bạn phải đến Công an phường để thực hiện việc khai báo tạm vắng. Khi đến khai báo tạm vắng, phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân và ghi vào phiếu khai báo tạm vắng. Căn cứ vào Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017; Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTPcủa Hội đồng thảm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo, người được hưởng án treo hàng tháng phải báo cáo bằng văn bản với người trực tiếp giám sát, giáo dục về tình hình rèn luyện, tu dưỡng của mình và phải chấp hành thời gian thử thách theo bản án của Tòa án. Ba tháng một lần trong thời gian thử thách bạn phải nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật cho người trực tiếp giám sát, giáo dục; nếu đi khỏi nơi cư trú từ 03 tháng đến 06 tháng thì phải có nhận xét của Công an xã nơiđến lưu trú hoặc tạm trú để trình với UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục. Bạn phải chấp hành các nghĩa vụ này và không thể đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài được.

 

3. Khi nào cần dùng Phiếu lý lịch tư pháp?

3.1 Phiếu lý lịch tư pháp là gì?

Theo khoản 4 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp 2009, Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

Như vậy, Phiếu lý lịch tư pháp được dùng khi:

- Chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không

- Ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án có thể tái hoà nhập cộng đồng.

- Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và hoạt động thống kê tư pháp hình sự.

- Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã…

 

3.2 Phiếu lý lịch tư pháp có mấy loại?

Phiếu lý lịch tư pháp có 2 loại, gồm:

- Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp theo yêu cầu của công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam và cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

 

3.4 Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan nào cấp?

Có hai cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp là Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp

- Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho các trường hợp sau:

+ Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước;

+ Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài;

+ Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.

- Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp các trường hợp sau:

+ Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú;

+ Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.

 

3.5 Thời hạn của Phiếu lý lịch tư pháp

Hiện nay Luật Lý lịch tư pháp 2009 và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành không quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp.

Tuy nhiên, tùy theo tính chất, lĩnh vực quản lý mà thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp được quy định khác nhau tại các văn bản khác.

Ví dụ:

Điều 5 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định Phiếu lý lịch tư pháp của người nhận con nuôi trong nước có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Phiếu lý lịch tư pháp của người nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 12 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi.

Bên cạnh đó, tại các Điều 20, 24 và 28 Luật Quốc tịch 2008 có nêu thành phần hồ sơ xin nhập, thôi và trở lại quốc tịch Việt Nam phải có Phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ.

 

3.6 Người có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp

- Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.

- Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.

- Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi, nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.