1. Công nghệ cao là gì?

Căn cứ pháp lý: Điều 3 Luật Công nghệ cao 2008

Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

2. Khái niệm tội phạm sử dụng công nghệ cao

Xét về khái niệm “tội phạm sử dụng công nghệ cao”, hiện nay luật pháp của nhiều nước trên thế giới như Australia, Mỹ, Anh. đã có định nghĩa liên quan đến tội phạm này như: Tội phạm công nghệ cao (high-tech crime); tội phạm máy tính (computer crime): Tội phạm liên quan đến máy tính (computer-related crime); tội phạm mạng (cybercrime)... Ví dụ trong luật hình sự năm 1995 của Australia và phần 10.7 của luật Thịnh vượng chung (Commonwealth legislation - Part 10.7: Computer Offences), tội phạm công nghệ cao (hi- tech crime) được định nghĩa “là sự xâm nhập máy tính một cách trái phép; sự sửa đổi trái phép dữ liệu bao gồm việc phá hủy dữ liệu; tấn công từ chối dịch vụ (DoS); Tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DdoS) có sử dụng botnets; tạo ra và phân phối phần mềm độc hại”.

Theo Từ điển luật học Black’s Law, tội phạm máy tính (computer crime) được định nghĩa là: “tội phạm đòi hỏi về kiến thức công nghệ máy tính chẳng hạn như phá hoại hoặc ăn cắp dữ liệu máy tính hay sử dụng máy tính để thực hiện một số tội phạm khác.”.

Tại Việt Nam, theo Khoản 1 điều 3 Nghị định số 25/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07 tháng 4 năm 2014 quy định: “Tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao”. Theo khoản 1 điều 3 của Luật Công nghệ cao năm 2008 quy định: Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có. Giáo trình “Những vấn đề cơ bản về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao” của Học viện Cảnh sát nhân dân cũng có đề cập đến khái niệm về tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Theo đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao là: “Tội phạm được thực hiện bằng việc cố ý sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ thông tin ở trình độ cao tác động trái pháp luật đến thông tin số được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống máy tính, xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân”.

Nghiên cứu các định nghĩa và khái niệm trên có thế thấy điểm chung trong nội hàm của các khái niệm này đều chỉ các hành vi liên quan đến việc sử dụng máy tính, thiết bị số, khai thác mạng máy tính, mạng viễn thông để gây tổn hại cho lợi ích của các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Nhưng thực tế tại Việt Nam, tội phạm sử dụng công nghệ cao còn tác động đến thông tin và dữ liệu điện tử được lưu trữ, truyền phát trong mạng viễn thông và thiết bị số. Theo Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, hành vi sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh đã được quy định tại Điều 293. Để thực hiện hành vi này, đối tượng có thể sử dụng công cụ, thiết bị viễn thông để can thiệp, chiếm quyền sử dụng tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh hoặc cố ý sử dụng trái phép thiết bị phát tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh. Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 quy định về hành vi cố ý gây nhiễu có hại, để thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng sử dụng kiến thức về vô tuyến điện hoặc các phương tiện điện tử có chức năng phát, thu, hấp thụ sóng vô tuyến điện để tác động vào hệ thống vô tuyến điện nhằm mục đích gây hiện tượng vật lý như giao thoa, thay đổi tần số, giảm công suất phát. từ đó cản trở sự hoạt động bình thường của hệ thống thông tin vô tuyến điện. Do đó có thể thấy tội phạm này cũng không phải chỉ sử dụng phương tiện công nghệ thông tin mà còn sử dụng tri thức và phương tiện, công cụ khác để thực hiện hành vi phạm tội. Chính vì vậy, việc xây dựng khái niệm phù hợp trong quá trình nghiên cứu tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam là điều cần thiết.

 Kế thừa những quan điểm đã nghiên cứu và từ những phân tích nêu trên, có thể hiểu: Tội phạm sử dụng công nghệ cao là tội phạm sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ ở trình độ cao tác động trái pháp luật đến thông tin, dữ liệu, tín hiệu được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số, xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

3. Đặc điểm của tội phạm công nghệ cao

Khái niệm trên đã xác định đầy đủ nhất các thuộc tính bản chất của tội phạm sử dụng công nghệ cao như sau:

Thứ nhất, tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm vào trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân. Cần nhận thức rằng, khách thể loại của các tội phạm sử dụng công nghệ cao là trật tự an toàn thông tin, trong đó, trật tự an toàn thông tin được hiểu là những quy tắc xử sự (pháp lý, đạo đức hoặc quy tắc chuyên môn... ) được Nhà nước và xã hội xác lập nhằm đảm bảo an toàn thông tin được lưu trữ, xử lý trong các hệ thống máy tính, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong việc khai thác, sử dụng các thông tin đó. Theo Quyết định số 3317/ QĐ-BTC ngày 24 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài chính quy định về việc đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường máy tính và mạng máy tính, “An toàn thông tin” được hiểu là thông tin và hệ thống thông tin không bị truy cập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép. Như vậy, trật tự an toàn thông tin bao gồm các quy tắc đảm bảo an toàn thông tin và những quy tắc liên quan đến trật tự pháp luật trong khai thác, sử dụng thông tin. Một tội phạm sử dụng công nghệ cao cụ thể có thể tác động đến một hoặc cả hai khía cạnh của trật tự an toàn thông tin.

       Trong những hành vi phạm tội sử dụng công nghệ cao có những hành vi thuần tuý xâm phạm an toàn thông tin. Những hành vi đó tác động trực tiếp đến 3 thuộc tính của an toàn thông tin đó là:

Tính bảo mật (Confidentiality): Là khả năng đảm bảo cho thông tin trong hệ thống máy tính không bị tiếp cận, được xem và tiết lộ bởi những người không có những quyền đó.

-  Tính toàn vẹn (Integrity): Là khả năng đảm bảo thông tin trên hệ thống máy tính không bị thay đổi hay xoá bỏ bởi những người không có những quyền đó.

-  Tính khả dụng (Availability): là khả năng đảm bảo cho thông tin trên hệ thống máy tính luôn sẵn sàng để khai thác, sử dụng bởi những người có quyền khai thác, sử dụng hợp pháp.

Các hành vi truy cập trái phép; cản trở truyền tải dữ liệu; can thiệp vào dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số là những hành vi thuần tuý xâm phạm an toàn thông tin vì chúng tác động trực tiếp vào tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính khả dụng của mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số.

Thứ hai, tội phạm sử dụng công nghệ cao phải là những hành vi được xác định là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Ở Việt Nam, một hành vi chỉ được coi là tội phạm khi hành vi đó được quy định trong Bộ luật Hình sự. Vì vậy, khi xem xét một hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại cho xã hội có phải là tội phạm sử dụng công nghệ cao phải xem hành vi đó có được quy định trong Bộ luật Hình sự hay không.

Thứ ba, tội phạm sử dụng công nghệ cao được thực hiện bằng việc sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công  nghệ thông tin ở trình độ cao. Nghiên cứu cách xác định của Công ước Budapest năm 2011 về tội phạm mạng của Liên minh châu Âu cho thấy các hành vi sau đây được chấp nhận phổ biến là tội phạm sử dụng công nghệ cao như: Truy cập bất hợp pháp; cản trở bất hợp pháp việc truyền tải dữ liệu máy tính; can thiệp trái phép vào dữ liệu; can thiệp trái phép vào hệ thống; Sử dụng trái phép thiết bị; giả mạo liên quan đến máy tính; gian lận liên quan đến máy tính; vi phạm liên quan đến hình ảnh trẻ em khiêu dâm; vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan qua hệ thống máy tính.

Ngoài những hành vi trên, pháp luật một số nước còn quy định thêm một số hành vi khác là tội phạm sử dụng công nghệ cao. Ví dụ như tại Chương 33A Mục 7 Luật Hình sự bang Texas của Hoa Kì quy định về tội phạm viễn thông (Telecommunications crimes) có quy định các hành vi như: Điều 33A.04: Trộm cắp dịch vụ viễn thông (Sec.33A.04. Theft of telecommunications service), Điều 33A.05: Công bố thiết bị truy cập viễn thông (Sec.33A.05. Publication of telecommunications access device)... Tuy nhiên, để được coi là tội phạm sử dụng công nghệ cao, những hành vi đó phải có sự liên quan như một hệ quả trực tiếp, một sự °kéo dài” của những hành vi truy cập, cản trở bất hợp pháp, can thiệp trái phép vào dữ liệu và mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số.

Thứ tư, về chủ thể, tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể được thực hiện bằng bất kỳ ai có đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của luật hình sự. Tuy nhiên, xuất phát từ tính chất của hành vi phạm tội, chủ thể trực tiếp thực hiện tội phạm sử dụng công nghệ cao phải là những người có tri thức và kỹ năng cần thiết để trực tiếp khai thác, sử dụng thiết bị, công cụ, phương tiện công nghệ hoặc trực tiếp phát triển, ứng dụng công nghệ.

Thứ năm, tội phạm sử dụng công nghệ cao được thực hiện bởi lỗi cố ý. Khi thực hiện tội phạm sử dụng công nghệ cao, người phạm tội buộc phải ý thức rõ hành vi của mình là trái quy định pháp luật, có thể gây hậu quả xấu cho các tổ chức, cá nhân có liên quan nhưng vẫn thực hiện, mong muốn hoặc để mặc cho những hậu quả xấu xảy ra. Động cơ, mục đích phạm tội sử dụng công nghệ cao không phải là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, trong thực tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể được thực hiện do vụ lợi hoặc vi lợi ích trong cạnh tranh hay giải quyết mâu thuẫn, trả thù cá nhân... hoặc cũng có thể là sự tò mò, thử nghiệm, muốn chứng tỏ khả năng của bản thân.

4. Phân loại trong nghiên cứu tội phạm sử dụng công nghệ cao

Tội phạm sử dụng công nghệ cao được phân loại dựa vào nhiều tiêu chí phụ thuộc vào mục đích nghiên cứu khác nhau. Cách phân loại phổ biến trên thế giới là phân loại tội phạm sử dụng công nghệ cao theo cách thức, mục tiêu thực hiện tội phạm. Ví dụ như trong bài viết: Máy tính và Internet: Dưới góc nhìn tội phạm học, nhóm tác giả Masoud Nosrati, Mehdi Hariri, Alireza Shakarbeygi đã phân loại tội phạm này thành 2 nhóm. Nhóm thứ 1: Tội phạm có mục tiêu chính là mạng máy tính và thiết bị bao gồm: Virus máy tính; Tấn công từ chối dịch vụ; mã độc (“Crimes that primarily target computer networks or devices include: Computer viruses; Denial-of-service attacks; Malware (malicious code)”). Nhóm thứ 2: Tội phạm sử dụng mạng máy tính hoặc thiết bị để làm gia tăng hiệu quả phạm tội bao gồm: Đe dọa quấy rối trên mạng; lừa đảo trộm cắp thông tin nhân thân; chiến tranh thông tin; gửi thông điệp lừa đảo (“Crimes that use computer networks or devices to advance other ends include: Cyberstalking; Fraud and identity theft; Information warfare; Phishing scams”). Tại Việt Nam, trong thực tiễn nghiên cứu và trong công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng thường chọn cách phân loại theo cách thức, mục tiêu thực hiện tội phạm. Cụ thể, theo hướng dẫn 16/HD-BCA-C41 ngày 31/12/2013 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số quy định trong các Thông tư 18, 19, 20, 21, 22 ngày 1/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát nhân dân có hướng dẫn việc phân chia các nhóm đối tượng phạm tội có sử dụng công nghệ cao thành 2 hệ đó là: Hệ xâm phạm hoạt động của mạng máy tính, viễn thông và Hệ lợi dụng mạng máy tính, viễn thông để hoạt động bất hợp pháp.

Theo cách thức phân loại như trên, tội phạm sử dụng công nghệ cao gồm các loại đó là: Tội phạm sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông gây tổn hại tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính khả dụng của hệ thống máy tính và Tội phạm sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội.

Theo Bộ luật Hình sự số 100/2015/ QH13 tội phạm sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông gây tổn hại tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính khả dụng của hệ thống máy tính là nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao thuần tuý xâm phạm trật tự an toàn thông tin, các tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc loại này bao gồm: Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285) tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; (Điều 286) tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 287) tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289).

Tội phạm sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội gồm các tội phạm “truyền thống” nhưng được thực hiện với thủ đoạn mới, tức sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện tội phạm. Tội phạm này được phân loại thành các loại cụ thể sau:

-  Tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290) như: Sử dụng thông tin tải khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hoá, dịch vụ; lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng; truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng, thực hiện chiếm đoạt tài sản; lừa đảo bằng các dịch vụ viễn thông qua lnternet (VoIP); gửi các tin nhắn lừa đảo...

Tội phạm sử dụng công nghệ cao vi phạm về nội dung là những hành vi liên quan đến việc đưa, cung cấp trái pháp luật các thông tin, dịch vụ trên các mạng thông tin, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân. Nghiên cứu các tài liệu của một số quốc gia về phân loại tội phạm sử dụng công nghệ cao như Công ước Budapest về tội phạm mạng (2001) của Liên minh Châu Âu cho thấy một số hành vi thường được coi là tội phạm sử dụng công nghệ cao vi phạm về hội dung đó là: Lạm dụng, tình dục trên mạng (Cyber Sexual Abuse); Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác hoặc uy tín của các tổ chức trên mạng (Cyber Defamation); đe doạ, quấy rối trên mạng (Cyberstalking); truyền bá các nội dung kỳ thị chủng tộc, phỉ báng tôn giáo, đồi truỵ, bạo lực, cổ suý, lôi kéo thực hiện các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật; sử dụng trái phép thông tin riêng qua mạng. Các tội phạm sử dụng công nghệ cao về nội dung nêu trên, hiện chưa được quy định thành những tội danh độc lập trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.

       Tóm lại, tội phạm sử dụng công nghệ cao không phải là một tội danh độc lập được quy định trong Bộ luật Hình sự mà đó là tổ hợp của những tội phạm sử dụng tri thức về công nghệ cao để xâm phạm các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Phân loại tội phạm sử dụng công nghệ cao đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu đặc điểm tội phạm học, đặc điểm pháp lý, phân công phân cấp trong phòng chống tội phạm này. Việc đưa ra khái niệm và phân loại tội phạm công nghệ cao có ý nghĩa trong nhận thức của cán bộ chiến sỹ và thực hiện biện pháp phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian tới được hiệu quả.

5. Mạng viễn thông là gì?

Căn cứ pháp lý: Điều 3 Luật viễn thông năm 2009

Mạng viễn thông là tập hợp thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông.

Bài viết tham khảo: Một số trao đổi về tội phạm sử dụng Công nghệ cao theo quy định của pháp luật Việt Nam- Hoàng Việt Quỳnh - Bài viết đã được đăng tải trên Tạp chí KHGD CSND số 79 (tháng 8/2016)