Mục lục bài viết
1. Thông qua mạng Internet chiếm đoạt tài sản phạm tội gì?
>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự gọi: 1900.6162
Trả lời:
Hình thức sử dụng mạng máy tính chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 290 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau:
"Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;
đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản."
Thứ nhất về chủ thể: là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.
Thứ hai về khách thể: Tội phạm xâm phạm hoạt động bình thường trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.
Thứ ba về mặt khách quan
Hành vi chiếm đoạt tài sản bằng các công cụ phạm tội như sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet và thiết bị số thể hiện ở một số dạng như sau:
+ Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hoá, dịch vụ. Trong đó, làm giả thẻ ngân hàng là việc cá nhân không có thẩm quyền sản xuất, phát hành thẻ ngân hàng nhưng sản xuất thẻ giống như thẻ ngân hàng (trong đó có chứa đựng thông tin, dữ liệu như thẻ của ngân hàng phát hành).
+ Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản, tức là việc cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa hoặc sử dụng mã truy cập của người khác mà không được sự cho phép của người đó để truy cập vào tài khoản không phải của mình để chiếm đoạt tài sản.
+ Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hành vi lừa đảo ở đây thể hiện ở việc sử dụng thủ đoạn gian dối, đưa ra những thông tin sai sự thật về một sản phẩm, một vấn đề, lĩnh vực trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu trên mạng nhằm tạo niềm tin cho người chủ tài sản, người quản lý tài sản, làm cho họ tưởng là thật và mua, bán hoặc đầu tư vào lĩnh vực đó.
+Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hành vi khác ở đây có thể là gửi tin nhắn lừa trúng thưởng nhưng thực tế không có giải thưởng để chiếm đoạt phí dịch vụ tin nhắn; quảng cáo bán hàng trên mạng Internet, mạng viễn thông nhưng không giao
Thứ tư về mặt chủ quan: Tội phạm thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý.
Thứ năm về Hình phạt: Có 4 khung hình phạt chính:
- Khung 1: người phạm tội thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 290 Bộ luật hình sự thì bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
- Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 290 Bộ luật hình sự, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm;
- Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 290 Bộ luật hình sự, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm;
- Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 290 Bộ luật hình sự, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm;
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
2. Hành vi chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào ?
Thưa luật sư, Tôi xin việc cho em gái có đóng trước cho người xin việc 30 triệu VNĐ. Có viết giấy nhận tiền và người làm chứng. Nhưng đến nay đã được hơn 1 năm không xin được việc. tôi có hỏi lấy lại số tiền trên, nhưng họ hứa hẹn rất nhiều lần vẫn không trả. cho tôi hỏi có thể đưa ra trước pháp luật để đòi lại công bằng được không?
Trả lời:
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
"Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản."
Theo đó, những người nhận xin việc, nhận tiền của người xin việc bằng việc giao kết hợp đồng (bằng lời nói, bằng văn bản...) nhưng sau đó không xin được việc cho họ và cũng tìm cách lảng tránh, không trả lại tiền. Như vậy, hành vi này đã đủ các yếu tố để cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn cần nộp đơn tố giác tội phạm cho cơ quan công an có thẩm quyền. Khi nộp đơn tố giác, bạn cần nộp những chứng cứ chứng minh việc giao tiền cho người nhận xin việc và các căn cứ cho thấy họ có hành động trốn tránh, không chấp nhận trả lại tiền làm cơ sở thụ lý vụ án.
3. Thời gian điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự?
Thưa luật sư, xin hỏi: Tôi muốn làm đơn yêu cầu khởi tố đối với việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì thủ tục gồm những gì và gửi đơn cho cơ quan nào đầu tiên ? Thời gian giải quyết là bao lâu?
>> Luật sư tư vấn luật hình sự về hành vi chiếm đoạt tài sản, gọi: 1900.6162
Căn cứ vào điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định cụ thể như sau:
Điều 146. Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 145 của Bộ luật này phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận; có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.
Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gửi qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận....
3. Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Thứ nhất, vậy đối với trường hợp này của bạn để thuận lợi nhất cho bạn thì bạn có thể gửi đơn đến cơ quan tiến hành tố tụng là cơ quan công an nơi xảy ra hành vi phạm tội và trong thời hạn quy định cơ quan đã nhận đơn của bạn có nhiệm vụ tiến hành xác minh, kiểm tra thông tin và sẽ ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Nếu bạn có được những chứng cứ ban đầu hoặc chứng cứ chứng minh thông tin bạn tố cáo về hành vi phạm tội là chính xác thì bạn có thể gửi cho cơ quan công an.
Thứ hai, Về thời hạn giải quyết đối với giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:
a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.
Thứ ba, Về thời hạn truy tố của Viện kiểm sát sẽ căn cứ vào khoản 1 điều 240 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định cụ thể như sau:
Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định:
a) Truy tố bị can trước Tòa án;
b) Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;
c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.
Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra một trong những quyết định nêu trên, Viện kiểm sát phải thông báo cho bị can, người bào chữa biết; giao bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án cho bị can. Người bào chữa được đọc bản cáo trạng, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa theo quy định của pháp luật và đề xuất yêu cầu.
Thứ tư, Về thời hạn chuẩn bị xét xử:
Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:
a) Đưa vụ án ra xét xử;
b) Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;
c) Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.
Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.
4. Tố giác tội phạm hay khởi kiện tại tòa án?
Thưa luật sư, Em tên là Lê Thị K.N 22 tuổi. Em có mua 1 chiếc xe máy là 13 triệu 500 ngàn đồng có giấy tờ xe, giấy mua bán đứng tên em, bộ hồ sơ gốc . Nhưng quê ở xa lại đang đi làm nên chưa có thời gian thay đổi giấy tờ được. Em có quen 1 người anh ta tên Nguyễn Văn C 25 tuổi. Do tin tưởng, anh C liên tục đưa ra những lời lẽ đường mật để em tin vào mối quan hệ giữa em và anh C có thể tiến tới hôn nhân. Em đã cho anh C mượn xe để đi, nhưng anh C lại đi cầm cố và lấy xe của anh C đang bị cầm ở tiệm đó ra. Nhưng đến nay, phát hiện anh C đang có vợ, em đòi lại xe từ anh C thì anh C dọa sẽ chặn đánh em , đòi giết em. Ngay bữa đó anh ta lại nhà em đánh em sợ quá kêu cứu thì ảnh siêt cổ em. Sợ quá em mới lại nhà anh ta nói chuyện với gia đình thì gia đình anh ta chửi bới em. Giờ em đây nên làm gì để anh ta trả lại xe cho em ?
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162
Trả lời:
Trong trường hợp của bạn, bạn có 2 sự lựa chọn để đòi lại tài sản của mình
Trường hợp 1: Đòi lại tài sản trên bằng con đường tố giác tội phạm theo quy định của pháp luật về tố giác tội phạm.
Theo như thông tin bạn cung cấp, có thể khái quát như sau: Anh C lợi dụng mối quan hệ tình cảm của bạn, lừa dối mượn xe rồi mang xe của bạn đi cầm cố và giờ không có ý định trả lại tai sản đó cho bạn. Như vậy, theo quy định tại BLHS anh ta có thể bị truy tố về tội danh lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của bạn tại Khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Chiếc xe máy của bạn giá trị chắc chắn lớn hơn 4 triệu đồng và các yếu tố khác, đủ để cấu thành tội phạm đối với C.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 ,Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.
Sau khi gửi đơn tố giác, quyền và nghĩa vụ của bạn là cung cấp mọi thông tin đúng sự thật cho cơ quan điều tra nếu cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án theo đơn tố giác nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Sau khi xử lí về hình sự, tòa án sẽ giải quyết yêu cầu về mặt dân sự cho bạn.
Trường hợp 2: Đòi lại tài sản bằng con đường khởi kiện dân sự tại Tòa án.
Theo như quy định tại Bộ luật dân sự 2015, C đã chiếm đoạt và sử dụng tài sản của bạn trái pháp luật, theo đó, quy định tại Điều 164 BLDS 2015 thì bạn có quyền:
1.Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Bạn cũng có quyền đòi lại tài sản này từ người nhận cầm cố theo quy định tại Điều 168 BLDS 2015: Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật dân sự.
Theo phương án này, bạn gửi đơn khởi kiện tới Tòa án có thẩm quyền . Ở đây là Tòa án cấp huyện nơi bị đơn cư trú, hoặc làm việc.
5. Tư vấn về cách xử lý hành vi chiếm đoạt tài sản?
Thưa luật sư, Tôi mới làm kế toán công nợ được 1 tháng tại một công ty phân phối sản phẩm. Chưa được ký hợp đồng lao động. Vừa qua công ty tôi sảy ra sự việc là một anh Quản lý điều hành hàng hóa, xe hàng cho các siêu thị.
Trong các hàng chuyển đi là anh đã thu tiền mặt nhưng không nộp về cho công ty, mà tôi là một trong số những người khác quản lý công nợ đó. Nhưng đến nay anh Quản lý đó đã ôm tiền và bỏ trốn khỏi công ty. Giám đốc công ty đã yêu cầu chúng tôi viết bản tường trình sự việc và viết Đơn tố cáo anh quản lý kia về hành vi chiếm đoạt tài sản. Tôi đang băn khoăn có nên viết không? Vì tôi nghĩ tôi chưa có gì dàng buộc với công ty mà tự dưng viết đơn tố cáo anh kia là chiếm đoạt tài sản của tôi, thì có phải tôi đã tự nhận số tiền nợ đó về mình không? Mà sự việc trên tôi đã báo cáo với Quản lý công nợ cấp trên của tôi về vấn đề nợ đọng này rồi mà chưa được giải quyết thì anh ta đã bỏ trốn.
>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến, gọi: 1900.6162
Trả lời:
Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được hiểu là việc một người thông qua hình thức Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Như vậy nếu chứng minh được hành vi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt số tiền trên thì bạn làm đơn tố giác tới cơ quan điều tra công an cấp huyện nơi xảy ra sự việc để tố giác hành vi của quản lý điều hành.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Trân trọng./.