1. Trách nhiệm của người tham gia giao thông khi bị cảnh sát giao thông dừng xe

Theo quy định tại Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.

Theo đó, tại Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.

Như vậy, khi bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe, người tham gia giao thông có trách nhiệm phải chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, người điều khiển phương tiện phải hợp tác, dừng xe theo yêu cầu.

 

2. CSGT cấp huyện được xử phạt giao thông trên các tuyến đường nào?

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 65/2020/TT-BCA (có hiệu lực từ ngày 05/8/2020) thì Công an cấp huyện bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính, gồm:

- Các tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ không thuộc các tuyến quốc lộ trọng điểm, quốc lộ có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp (bao gồm cả các đoạn đường tránh quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thị trấn thuộc huyện).;

- Các đoạn quốc lộ thuộc các tuyến quốc lộ trọng điểm, quốc lộ có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp đi qua thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông;

- Các tuyến đường tỉnh; đường huyện; đường xã; đường chuyên dùng; đường đô thị không thuộc các tuyến đường đô thị thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (gồm các tuyến đường chính, tuyến đường có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp);

- Phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông.

(Hiện hành, Cảnh sát giao thông cấp huyện chỉ được bố trí lực lượng, tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng trong phạm vi địa giới hành chính; đường tỉnh, đường đô thị theo quyết định phân công, phân cấp của Giám đốc Công an cấp tỉnh; phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên đoạn quốc lộ đi qua địa giới hành chính quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh)

 

3. Trường hợp nào Cảnh sát giao thông được phép dừng xe ô tô

Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định, chỉ có 4 trường hợp CSGT được dừng xe ôtô, đó là:

- Phát hiện hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm khác thông qua giám sát trực tiếp hoặc các phương tiện, thiết bị kỹ thuật hỗ trợ.

- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc văn bản đề nghị của các cơ quan chức năng liên quan về việc dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, phục vụ, hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Đặc biệt chú ý, các văn bản đề nghị phải ghi rõ thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dùng để kiểm soát, xử lý và lực lượng tham gia phối hợp thực hiện.

- Nhận được tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ.

Như vậy, nếu không thuộc một trong các trường hợp trên mà tự ý yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe để kiểm tra là hành vi vi phạm pháp luật. Lúc này, người điều khiển phương tiện hoàn toàn có quyền khiếu nại CSGT để bảo vệ quyền lợi của mình.

 

4. Việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông phải bảo đảm các yêu cầu nào?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 16 về Dừng phương tiện giao thông để kiểm soát của Thông tư 65/2020/TT-BCA có quy định rõ về yêu cầu đối với việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông cụ thể:

- An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông. Khi đã dừng phương tiện giao thông phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật;

- Khi dừng, kiểm soát tại một điểm, tại Trạm Cảnh sát giao thông, phải bảo đảm yêu cầu quy định tại điểm a Khoản này và yêu cầu sau đây:

Đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng dọc theo chiều đường ở phần đường, làn đường sát lề đường hoặc vỉa hè để hình thành khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chiều dài đoạn rào chắn tối thiểu 100m đối với đường cao tốc, 50m đối với quốc lộ và 30m đối với đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường xã và đường chuyên dùng;

Khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và quy định của pháp luật khác có liên quan; đủ diện tích để bố trí, lắp đặt các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, kiểm soát, xử lý phương tiện giao thông vi phạm; bố trí Cảnh sát giao thông hướng dẫn, điều hòa giao thông, bảo đảm an toàn giao thông. Trường hợp kiểm soát trên đường cao tốc, phải đặt biển báo số 245a “Đi chậm” hoặc biển báo số 245b (đối với tuyến đường đối ngoại) về phía trước Tổ Cảnh sát giao thông theo hướng phương tiện giao thông cần kiểm soát đi tới theo quy định của pháp luật báo hiệu đường bộ;

- Khi dừng, kiểm soát phương tiện giao thông trên đường cao tốc, phải bảo đảm yêu cầu quy định tại điểm a, điểm b Khoản này và yêu cầu sau đây:

Khi kiểm soát tại một điểm chỉ được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm tại các vị trí: Khu vực Trạm thu phí, điểm đầu, điểm cuối đường cao tốc;

Khi tuần tra, kiểm soát cơ động chỉ được dừng phương tiện giao thông vào làn dừng phương tiện khẩn cấp để kiểm soát, xử lý vi phạm trong các trường hợp: Phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông tức thời; phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm; tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường cao tốc; phát hiện phương tiện giao thông dừng, đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc. Khi giải quyết xong vụ việc phải thu dọn cọc tiêu, dây căng, biển báo hiệu và di chuyển ngay.

 

5. Mức phạt đối với hành vi quay đầu bỏ chạy khi CSGT dừng xe 

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP mức xử phạt đối với người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông như sau: 

- Xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng; từ 02 - 04 tháng với trường hợp gây tai nạn. ( Căn cứ điểm b khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

- Xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng; từ 02 - 04 tháng với trường hợp gây tai nạn. ( Căn cứ điểm g khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

- Máy kéo, xe máy chuyên dùng phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng): từ 01 - 03 tháng; từ 02 - 04 tháng với trường hợp gây tai nạn. ( Căn cứ Điểm d khoản 5 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

- Xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), xe thô sơ khác phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng ( Căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

- Điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng ( Căn cứ theo Điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

- Đi bộ phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng ( Căn cứ theo Điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Trong trường hợp hành vi bỏ chạy của bạn để lại hậu quả nghiêm trọng như chống đối cảnh sát, gây tai nạn cho người đi đường,... thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự.

Các bạn có thể tham khảo thêm các bài viết của Luật Minh Khuê tại đây:  Mẫu đơn xin miễn giảm tiền xử phạt giao thông, hành chính, thuế

Công ty Luật Minh Khuê mong muốn gửi đến quý khách hàng những thông tin tư vấn hữu ích. Nếu quý khách hàng đang gặp phải bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, hãy liên hệ với Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.6162. Hoặc quý khách hàng gửi yêu cầu chi tiết qua email: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng!