Mục lục bài viết
1. Công thức nấu ăn có thể được đăng ký bản quyền
Công thức nấu ăn là một danh sách các hướng dẫn cho thấy làm thế nào để chuẩn bị và chế biến một món ăn. Công thức nấu ăn thường bao gồm một số phần như: Tên của món ăn được thực hiện, Thời gian thực hiện, Các thành phần cần thiết cùng với số lượng, Các thiết bị cần thiết, Một danh sách các bước cần thực hiện như: sơ chế, nấu, trình bày, ... hay số lượng người cho một phần ăn, ...
Công thức nấu ăn được hiểu làm một tập hợp các hướng dẫn để nấu được một món ăn. Các bước hướng dẫn này thường bao gồm nguyên liệu, phụ thuộc theo một liều lượng nhất định. Vì vậy, khó để có thể xác định công thức nấu ăn thuộc đối tượng nào của sở hữu trí tuệ. Song, tên món ăn hay công thức cũng được bảo hộ bằng cách đăng ký nhãn hiệu, với điều kiện là nó có khả năng nhận biết, phân biệt và được sử dụng, hoặc dự định sẽ được sử dụng, trong quá trình thương mại. Tuy nhiên, nếu như muốn bảo vệ công thức và không muốn cho bất kỳ ai sao chép hay tự tạo ra thì nó nên được giữ bí mật.
Tại các nước trên thế giới, công thức nấu ăn không thể được bảo vệ bằng bảo hộ thương hiệu vì bản chất của chúng mang tính chức năng và chúng liên quan tới quy trình, phương pháp hoặc thủ tục. Theo pháp luật của một số nước, điều này bị loại khỏi trường hợp được bảo hộ bản quyền. Mặc dù vậy, nếu công thức nấu ăn đáp ứng được các điều kiện là đối tượng của quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp thì hoàn toàn có thể được bảo hộ.
Theo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ được quy định cụ thể như sau:
- Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa;
- Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý;
- Đối tượng quyền đối với giống cây trồng và vật liệu nhân giống.
Theo đó, công thức nấu ăn không được xác định cụ thể là một loại hình tác phẩm được bảo hộ bản quyền tác giả, những vẫn có thể được bảo hộ dưới quyền tác phẩm hoặc bí mật kinh doanh. Quyền tác gải đối với tác phẩm và quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh đều được thiết lập mà không cần phải đăng ký nếu phù hợp với các điều kiện pháp luật quy định. Mặc dù vậy, việc tiến hành đăng ký bản quyền công thức nấu ăn vẫn là việc làm cần thiết để có cơ sở pháp lý vững chắc hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của tác giả.
2. Cách thức đăng ký bản quyền công thức nấu ăn
Công thức nấu ăn đối với cá nhân người sáng tạo hay doanh nghiệp, công ty thực phẩm sẽ thuộc về bí mật kinh doanh. Tuy nhiên thủ tục đăng ký bảo hộ bí mật kinh doanh thường kéo dài và phức tạo hơn nhiều so với thủ tục bảo hộ quyền tác giả. Nên thông thường việc đầu tiên khi muốn xây dựng hàng lang pháp lý vững chắc bảo vệ công thức nấu ăn của mình, tác giả nên lựa chọn đăng ký bản quyền công thức nấu ăn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Bí mật kinh doanh:
Việc bảo hộ công thức nấu ăn dưới dạng bí mật doanh nghiệp là cách thức thông thường và tối ưu nhất, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, công ty thực phẩm. Như các hãng đồ ăn nhanh giữ kín công thức làm móng gà chiên giòn, nước sốt chấm; hay các hãng nước giữ bí mật công thức pha chế các loại nước uống, ...
Điều kiện để được bảo hộ bí mật kinh doanh, chủ sở hữu cần đáp ứng những điều sau đây:
- Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
- Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó ;
- Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Theo đó, chỉ khi nào công thức nấu ăn của bạn đáp ứng được các tiêu chí nêu trên thì mới được pháp luật công nhận bảo hộ. Nếu thiếu một trong các điều kiện đó thì bản quyền công thức nấu ăn không được bảo hộ. Ngoài ra, cũng cần lưu ý quy định về các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh, cụ thể bao gồm:
- Bí mật về nhân thân;
- Bí mật về quản lý nhà nước;
- Bí mật về quốc phòng, an ninh;
- Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.
Để được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh, chủ sở hữu phải chứng minh có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh đó và thực hiện việc bảo mật. Chủ sở hữu sẽ không phải mất thời gian, công sức cũng như chi phí để tiến hành thủ tục xác lập quyền tại cơ quan có thẩm quyền. Khi bí mật này lộ ra, đồng nghĩa với việc không đáp ứng được điều kiện bảo hộ đối với bí mật kinh doanh và pháp luật sẽ không bảo hộ.
Pháp luật hiện nay không có xác định rõ ràng về thủ tục đăng ký bảo hộ bí mật kinh doanh, do đó doanh nghiệp nếu muốn đăng ký bí mật kinh doanh có thể đăng ký dưới dạng bảo hộ sáng chế. Tuy nhiên, để được bảo hộ là sáng chế thì bí mật kinh doanh đó phải đáp ứng được tất cả các điều kiện để được xem là một sáng chế theo quy định của pháp luật. Đồng thời cần lưu ý việc đăng ký bảo hộ sáng chế này sẽ có một bất lợi là thời gian bảo hộ bằng sáng chế là 20 năm. Hết 20 năm, sáng chế đó (tức bí mật doanh nghiệp) sẽ phải công bố công khai. Do đó, doanh nghiệp sẽ không còn nắm được ưu thế trong lĩnh vực kinh doanh của mình nữa, không còn bảo hộ được bí mật kinh doanh.
- Sáng chế:
Cách thức thứ hai là chủ sở hữu có thể đăng ký công thức nấu ăn dưới dạng sáng chế. Ưu điểm của cách thức bảo hộ này là có thể lộ công thức mà không bị bên thứ ba lấy cắp hay dễ dàng chuyển giao quyền sử dụng đối với công thức. Song, sáng chế là một đối tượng đòi hỏi cao ở yêu cầu bảo hộ.
Điều kiện chung đối với sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế khi đáp ứng được các tiêu chí sau:
- Có tính mới;
- Có trình độ sáng tạo;
- Có khả năng áp dụng công nghiệp.
+ Đối với sáng chế có tính mới, được xác định khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên;
- Sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó;
- Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được người có quyền đăng ký hoặc người có được thông tin về sáng chế một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ người đó bộc lộ công khai với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp tại Việt Nam trong thời hạn mười hai tháng kể từ ngày bộc lộ.
+ Đối với điều kiện sáng chế có trình độ sáng tạo, cụ thể cần đáp ứng:
- Nếu sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng;
- Việc đánh giá trình độ sáng tạo được thể hiện thông qua các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn, trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên.
+ Đối với sáng chế có khả năng áp dụng công nghiệp, cần đáp ứng điều kiện về việc sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.
Theo đó, để có thể được cấp bằng sáng chế đối với công thức nấu ăn cần đáp ứng được đầy đủ các điều kiện đã nêu ở trên. Đặc biệt tính mới được yêu cầu là mới trên phạm vi toàn thế giới. Trong khi đó, ẩm thực là lĩnh vực lâu đời, chứa nhiều bí quyết nấu ăn, pha chế được công khai. Do vậy, để đạt được khả năng bảo hộ sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ như vào thời điểm nộp đơn, các bản mô tả cũng như việc làm rõ đó là một giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình, phương pháp.
- Tác phẩm:
Cách thức thứ ba là đăng ký bản quyền dưới hình thức bản quyền tác giả dưới dạng tác phẩm. Chủ sở hữu có thể viết ra, mô tả ra trình tự cũng như toàn bộ các phương pháp, quy trình để làm nổi bật công thức ngành ẩm thực. Tuy nhiên, việc đăng ký bảo hộ dưới hình thức này không có nhiều ý nghĩa cũng như lợi ích khi tiến hành kinh doanh. Bởi lẽ, công thức sẽ dễ dàng bị bộc lộ trong quá trình bảo hộ, đồng thời quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức thể hiện chứ không áp dụng đối với nội dung, ý tưởng của tác phẩm. Mặc khác, quyền tác giả không bảo vệ được chủ sở hữu trong trường hợp tranh chấp xảy ra.
Công thức nấu ăn hoàn toàn có thể đăng ký bảo hộ quyền tác giả được dưới hai dạng sau:
- Một là, bảo hộ sản phẩm dưới dạng một tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết. Tức là một cá nhân, tổ chức là tác giả sáng tạo ra món ăn có thể đăng ký dưới dạng tác phẩm khác giới thiệu về cách thức thực hiện món ăn, giới thiệu về nguyên liệu cần chuẩn bị, cách sơ chế, tẩm ướp như thế nào, thời gian chế biến bao lâu, ... Và sự hướng dẫn của tác phẩm này phải được thể hiện thông qua chữ viết, cụ thể là bằng tiếng Việt;
- Hai là, đăng ký bản quyền công thức nấu ăn dưới dạng là một tác phẩm giáo trình. Ví dụ công thức này được áp dụng giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng có các chuyên ngành liên quan đến nấu ăn hay các trường trung cấp đào tạo về đầu bếp, ...
Như vậy, tùy vào mục đích và nhu cầu sử dụng của tác giả mà người sáng tạo có thể đăng ký lựa chọn các loại hình tác phẩm đăng ký phù hợp và dễ dàng thuận lợi thực hiện trong việc đăng ký bản quyền.
3. Tại sao nên đăng ký bản quyền công thức nấu ăn
Khi đăng ký bản quyền thành công, chủ sở hữu sẽ có được những đặc quyền sau đây:
- Áp dụng bí mật kinh doanh để sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ, thương mại hàng hóa;
- Bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu sản phẩm được sản xuất do áp dụng bí mật kinh doanh.
Đồng thời, chủ sở hữu bí mật kinh doanh đối với bản quyền công thức nấu ăn sẽ không có quyền cấm người khác thực hiện các hành vi sau:
- Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh thu được khi không biết và không có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được một cách bất hợp pháp;
- Bộc lộ dữ liệu bí mật nhằm bảo vệ công chứng;
- Sử dụng dữ liệu bí mật không nhằm mục đích thương mại;
- Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra một cách độc lập;
- Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra do phân tích, đánh giá sản phẩm được phân phối hợp pháp đối với điều kiện người phân tích, đánh giá không có thỏa thuận khác với chủ sở hữu bí mật kinh doanh hoặc người bán hàng.
4. Thủ tục đăng ký bản quyền công thức nấu ăn mới nhất
Tuy không được xếp vào đối tượng đăng ký bản quyền cụ thể, tuy nhiên chủ sở hữu có thể đăng ký bản quyền công thức nấu ăn nếu thể hiện nó dưới một hình thức cụ thể như tác phẩm, văn bản bô tả trình tự cũng như toàn bộ phương pháp, quy trình để làm nổi bật công thức của món ăn. Sau khi đã xác định và thể hiện công thức của mình dưới một hình thức phù hợp với quy định bảo hộ quyền tác giả, thì chủ sở hữu cần tiến hành các trình tự thủ tục sau đây:
- Hồ sơ đăng ký bản quyền công thức nấu ăn:
Để đăng ký bản quyền công thức nấu ăn, chủ sở hữu cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả;
- 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả;
- Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung. Chứng minh nhân dân công chứng của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm;
- Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty (nếu chủ sở hữu là công ty).
Mỗi loại hình khác nhau, mỗi trường hợp đăng ký quyền tác giả sẽ có thành phần hồ sơ đăng ký khác nhau. Chủ đơn cần phải xác định rõ ràng loại hình tác phẩm cần bảo hộ để có thể chuẩn bị hồ sơ cho phù hợp.
- Nơi đăng ký bản quyền công thức nấu ăn:
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục đăng ký quyền tác giả là Cục Bản quyền tác giả. Cục bản quyền tác giả có tụ sở chính tại Hà Nội và 02 văn phòng đại diện tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Chủ đơn đăng ký bản quyền công thức nấu ăn có thể gửi đến địa chỉ:
+ Cục bản quyền tác giả : số 33 ngõ 284/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, Thành phố Hà Nội
+ Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh: số 170 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
+ Văn phòng đại diện tại Thành phố Đà Nẵng: số 58 Phân Chu Trinh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Hồ sơ có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến một trong ba địa chỉ nêu trên.
- Thời gian đăng ký bản quyền công thức nấu ăn:
Trong thời gian 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ được nộp và được Cục bản quyền tác giả chấp nhận hợp lệ, Cục bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp hồ sơ. Trường hợp hồ sơ thiếu, sai sót cần điều chỉnh Cục bản quyền tác giả sẽ có thông báo cho chủ đơn.
- Thời hạn bảo hộ bản quyền công thức nấu ăn:
Đối với bảo hộ quyền tác giả của bất kỳ đối tượng nào, thời hạn bảo hộ sẽ được phân chia rõ giữa thời hạn bảo hộ quyền nhân thân và quyền tài sản. Với công thức nấu ăn được thể hiện dưới loại hình tác phẩm viết, thời hạn bảo hộ được tính như sau:
+ Bảo hộ quyền nhân thân của quyền tác giả tác phẩm viết: Đa số những quyền nhân thân sẽ được bảo hộ vô thời hạn, cụ thể bao gồm các quyền sau:
- Đặt tên cho tác phẩm;
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
+ Bảo hộ quyền tài sản của quyền tác giả với tác phẩm viết: Với quyền "Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm", và quyền tài sản tác phẩm viết, pháp luật bảo hộ:
- Suốt đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết;
- Trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
Việc đăng ký bản quyền công thức nấu ăn là việc làm cần thực hiện, được tiến hành nhanh chóng, đảm bảo an toàn khi sử dụng công thức nấu ăn công bố trên thị trường. Bản quyền công thức nấu ăn có thể được bảo hộ dưới dạng tác phẩm hoặc bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, việc bảo hộ công thức nấu ăn dưới dạng tác phẩm sẽ không có nhiều ý nghĩa, bởi quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức thể hiện chứ không áp dụng với nội dụng, ý tưởng của sản phẩm. Bởi khi đăng ký bản quyền công thức nấu ăn dưới dạng tác phẩm, giáo trình thì đồng nghĩa với việc công thức nấu ăn đó không còn được giữ bí mật và công khai trên thị trường. Như vậy, việc bảo hộ công thức nấu ăn dưới dạng bí mật kinh doanh sẽ hữu ích hơn. Trên thực tế đã có nhiều công thức chế biến đồ uống, thực phẩm được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh, điển hình như công thức bí mật của hãng đồ ăn nhanh KFC đã giữ kín công thức món gà chiên giòn.
Trên đây là bài viết tham khảo của công ty Luật Minh Khuê về cách đăng ký bản quyền công thức nấu ăn mới nhất. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho quý khách hàng.
Mọi vướng mắc, không hiểu nào về vấn đề này hay bất kỳ vấn đề pháp lý liên quan nào khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí của công ty Luật Minh Khuê chúng tôi 1900.6162 để nhanh chóng nhận được sự giải đáp kịp thời, dễ hiểu đến từ đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm chuyên môn.
Trong trường hợp Bạn muốn sử dụng dịch vụ đăng ký bản quyền với công thức nấu ăn hãy liên hệ với Luật sư: Tô Thị Phương Dung qua số: 0986.386.648 để được tư vấn và báo giá chi tiết.
Rất mong nhận được sự hợp tác của quý khách hàng. Xin chân thành cảm ơn!