Đất lâm nghiệp là gì? Khái niệm về đất lâm nghiệp? lưu ý khi sử dụng đất lâm nghiệp?

 Luật sư tư vấn đất đai trực tuyến, gọi:1900.6162

 

1. Khái niệm đất lâm nghiệp

Đất lâm nghiệp là một loại đất nằm trong nhóm đất nông nghiệp gồm đất có rừng tự nhiên, đất rừng trồng, đất khoanh nuôi tu bổ tái sinh phục hồi rừng, nuôi dưỡng làm giàu rừng, nghiên cứu thí nghiệm về rừng.

Theo quy định của Luật đất đai, đất rừng được chia thành 3 loại, đó là đất rừng sản xuất, : đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng với những quy chế pháp lí khác nhau. Mỗi một loại đất rừng đều được xác định với các mục đích khác nhau. Trong khi việc giao và cho thuê đất rừng sản xuất với cơ chế thoáng và kêu gọi mọi cá nhân, hộ gia đình, tổ chức kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư khai thác sử dụng hợp lí đất rừng thì đối với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng chủ yếu giao hoặc cho thuê là các tổ chức kinh tế có chức năng quản lí nguồn tài nguyên rừng mà không cho thuê đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Phần lớn các rừng phòng hộ và rừng đặc dụng đều ở nơi xung yếu, có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng, là nơi lưu giữ nguồn gen động thực vật rừng quý hiếm gắn với nhiều di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh. Bởi vậy, việc khai thác sử dụng vốn đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng chỉ giao cho các ban quản lí rừng, các doanh nghiệp quản lí và phần nào giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân sống trong các khu vực có rừng.

 

2. Phân loại đất lâm nghiệp

2.1 Đất rừng phòng hộ

Đất rừng phòng hộ là những diện tích được dùng với mục đích chống xói mòn, sạt lở, điều hòa khí hậu, giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra. Nó sẽ chia ra thành hai loại tùy vào mức độ xung yếu, đó là:
  • Rừng phòng hộ những nơi biên giới, bảo vệ nguồn nước sạch cho cộng đồng, rừng phòng hộ đầu nguồn.
  • Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát.
 

2.2 Đất rừng sản xuất

Đất rừng sản xuất sẽ được dùng chủ yêu để cung cấp lâm sản. qua đó phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của con người. Bên cạnh đó, đất rừng sản xuất cũng có thể được kết hợp với những khu giải trí, nghỉ dưỡng mang đến nhiều dịch vụ môi trường rừng.
 

2.3 Đất rừng đặc dụng

Đây là đất lâm nghiệp được quy định để dùng cho mục đích bảo tồn, gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên. Bên cạnh đó là phục vụ cho công tác nghiên cứu, thí nghiệm học liên quan đến rừng, các loại động vật, thực vật. Trừ những khu được bảo vệ nghiêm ngặt, đất rừng đặc dụng cũng được dùng trong trường hợp bảo tồn di tích quốc gia; du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng và cung ứng dịch vụ:
  • Khu dự trữ thiên nhiên
  • Khu bảo tồn loài – sinh cảnh
  • Vườn quốc gia
  • Khu rừng tín ngưỡng, bảo vệ môi trường sống đô thị, khu phát triển công nghệ cao, khu kinh tế,…
  • Vườn thực vật, rừng giống quốc gia.
 

3. Có được xây nhà trên đất lâm nghiệp không?

Theo Khoản 1, Điều 170 của Luật đất đai 2013, sử dụng đất lâm nghiệp phải đúng mục đích là đúng quy định. Vì vậy, xây nhà trên đất lâm nghiệp được xem là trái pháp luật. Những cá nhân, tổ chức nào cố tình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định.
Điều 170. Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất
1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
3. Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất.
5. Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.
6. Tuân theo các quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất.
7. Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng.
Nếu muốn xây dựng nhà trên đất lâm nghiệp phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, và phải có sự cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 

4. Đất lâm nghiệp có được chuyển nhượng không?

Theo quy định tại khoản 3, Điều 192 Luật đất đai 2013: Đất rừng sản xuất được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì có chuyển nhượng, tặng cho sau 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất của Chính phủ.
Điều 192. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống xen kẽ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nhưng chưa có điều kiện chuyển ra khỏi phân khu đó thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong phân khu đó.
2. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó.
3. Hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số sử dụng đất do Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất theo quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất này phải được thông qua xác nhận của chính quyền địa phương. Các trường hợp chuyển nhượng trái phép đều bị xử phạt hành chính theo quy định.
Theo Điều 191 Luật đất đai 2013, những trường hợp sau đây không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất lâm nghiệp:
Điều 191. Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
2. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
4. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
Những đối tượng không được phép chuyển nhượng đất:
  • Cá nhân, hộ gia đình không có hoạt động sản xuất nông nghiệp
  • Cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, người Việt đang sinh sống ngoài nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
  • Đó là khu đất thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của nhà nước, rừng sinh thái, phong hộ,…nếu không sinh sống trong đó.
 

5. Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp

- Người sở hữu đất nộp đơn xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng và giấy chứng nhận cho phòng tài chính và môi trường.
- Cơ quan thẩm định và xác minh hồ sơ, nhu cầu của người làm đơn có hợp pháp hay không. Đồng thời hướng dẫn một số nghĩa vụ tài tài chính theo yêu cầu.
- Người nộp đơn thực hiện các nghĩa vụ tài chính như quy định. Nếu hồ được duyệt thì họ có quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo mong muốn trước đó.
 

6. Xây nhà ở trên đất lâm nghiệp mức xử phạt thế nào?

Trong trường hợp của bạn xây nhà trên phần đất lâm nghiệp mà chưa tiến hành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất cũng chưa xin giấy phép xây dựng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi trên. Cụ thể, Nghị định 91/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai:
Điều 10. Sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép
Chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;…
Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

 

7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp?

1. Chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật.

2. Đưa chất thải, hóa chất độc, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy, công cụ, phương tiện vào rừng trái quy định của pháp luật; chăn, dắt, thả gia súc, vật nuôi vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, rừng mới trồng.

3. Săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật.

4. Hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng.

5. Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; quản lý các loài ngoại lai xâm hại; dịch vụ môi trường rừng.

6. Tàng trữ, mua bán, vận chuyển, chế biến, quảng cáo, trưng bày, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh lâm sản trái quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

7. Khai thác tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, môi trường rừng trái quy định của pháp luật; xây dựng, đào, bới, đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên và các hoạt động khác trái quy định của pháp luật làm thay đổi cấu trúc cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng.

8. Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng trái quy định của pháp luật; cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái quy định của pháp luật; chuyển đổi diện tích rừng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng trái quy định của pháp luật; phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới trong giao rừng, cho thuê rừng.

9. Sử dụng nguyên liệu trong chế biến lâm sản trái quy định của pháp luật.

Công ty luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)