1. Liên minh Châu Âu (EU) là gì?
European Union hay còn gọi là Liên minh Châu Âu, là một tổ chức liên chính phủ của các nước Châu Âu. Từ 6 thành viên ban đầu, hiện nay EU đã có tới 28 quốc gia thành viên. Liên minh Châu Âu được thành lâpk với tên gọi hiện nay theo Hiệp ước về Liên minh Châu Âu năm 1992, thường gọi là Hiệp ước Maastricht. Tuy nhiên, nhiều phương diện của Liên minh Châu Âu đã có từ trước, kể từ thập niên 1950 thông qua một loạt các tổ chức tiền thân.
Mục đích ra đời ban đầu của Liên minh Châu Âu là thúc đẩy tiến trình hợp tác kinh tế, với triết lí khi các nước tiến hành thương mại với nhau thì sẽ phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế, từ đó tránh được xung đột giữa các quốc gia. Cho đến nay, mục đích của EU đã được mở rộng, nhằm thiết lập và hoàn thiện thị trường nội bộ thống nhất thông qua phát hành một đồng tiền duy nhất, xoá bỏ hàng rào thuế quan cũng như những rào cản, hạn chế đối với việc tự do di chuyển vốn, sức lao động, hàng hoá và dịch vụ,... Từ đó, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các quốc gia, cùng nhau xây dựng Châu Âu thành một khối liên kết cực mạnh trong nền kinh tế thế giới.
Có thể nói, Liên minh Châu Âu là tổ chức liên kết khu vực lớn nhất thế giới. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với xu thế toàn cầu hoá, khuynh hướng liên kết khu vực cũng diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tiêu biểu là quá trình hình thành và phát triển của Liên minh Châu Âu.
Từ lúc mới thành lập, Liên minh Châu Âu chỉ có 6 nước, đến năm 1995, EU đã phát triển thành 15 nước thành viên, đến năm 2004 EU đã kết nạp thêm 10 nước và cứ qua từng năm phát triển thì Liên minh Châu Âu đã nâng tổng số thành viên lên 28 nước. Sự ra đời của EU như đã nói ở trên, ban đầu để tạo sự phát triển và đối trọng về mặt kinh tế giữa các quốc gia. Cho đến nay, các quốc gia trong khuôn khổ EU đã không chỉ tăng cường hợp tác, liên kết về mặt kinh tế mà còn trên khía cạnh luật pháp, nhần quyền, an ninh và đối ngoại.
2. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là gì?
Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) thành lập vào ngày 08/8/1967 ở Bangkok, Thái Lan với 5 nước thành viên là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Sau đó, Brunei gia nhập ASEAN vào ngày 07/1/1984, Việt Nam tham gia vào ngày 28/7/1995, Lào và Myanmar tham gia ngày 23/7/1997 và Campuchia tham gia ngày 30/4/1999. Văn bản thành lập tổ chức này là Tuyên bố Bangkok, nêu rõ một trong các mục tiêu chính của ASEAN là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Các nước thành viên ASEAN đã kí kết nhiều hiệp định để đáp ứng nhu cầu hội nhập khu vực ngày càng tăng. Hoạt động kí kết điều ước trong lĩnh vực kinh tế diễn ra rất sôi động trong nhiều năm gần đây, vì ASEAN quyết tâm nâng cao tính cạnh tranh khu vực. Tuyên bố hoà hợp Bali năm 2003 đã nói rõ việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ là mục tiêu của hoạt động hội nhập kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, Hiến chương ASEAN được thông qua năm 2007 cũng quy định rõ tư cách pháp lý và một cơ cấu phức tạp hơn cho tổ chức này, tạo ra cơ sở để tiến hành các nỗ lực hội nhập tích cực nhằm xây dựng các cộng đồng chính trị - an ninh, cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hoá - xã hội. Từ đó có cơ sở để xem xét các quy định hiện hành của ASEAN điều chỉnh hội nhập thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và đầu tư trong khuôn khổ các nước ASEAN với nhau và với các hiệp hội bên ngoài.
3. Những điểm giống nhau giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)
Thứ nhất, EU và ASEAN có chung bối cảnh lịch sử. Các nước ở khu vực Châu Âu và Đông Nam Á khi hình thành liên minh khu vực thì đều chịu tác động của cuộc chiến tranh lạnh và đối đầu Đông - Tây. Tại thời điểm đó, từ liên minh chống phát xít, sau chiến tranh, hai cường quốc Liên Xô - Mĩ nhanh chóng chuyển sang thế đối đầu và đi tới chiến tranh lạnh.Trước hết, đó là sự đối lập về mục tiêu và chiến lược giữa hai cường quốc. Trong khi Liên Xô chủ trương duy trì hoà bình, an ninh thế giới, bảo vệ những thành quả của chủ nghĩa xã hội và đẩy mạnh phong trào cách mạng thế giới thì Mĩ lại ra sức chống phá Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi phong trào cách mạng nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới. Như vậy, có thể nói, chiến tranh lạnh là cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai phe - phe tư bản chủ nghĩa do Mĩ đứng đầu và phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô làm trụ cột. Chiến tranh lạnh đã diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực, từ chính trị, quân sự đến kinh tế, văn hoá - tư tưởng,... ngoại trừ sự xung đột trực tiếp bằng quân sự giữa hai siêu cường. Tuy không nổ ra một cuộc chiến tranh thế giới nhưng gần nửa thế kỉ của chiến tranh lạnh, thế giới luôn trong tình trạng căng thẳng. Cả EU và ASEAN đều ra đời trong bối cảnh lịch sử căng thẳng như thế.
Thứ hai, EU và ASEAN đều xuất phát từ nhu cầu muốn liên kết, hợp tác giữa các nước. Đây là yếu tố quyết định cho sự ra đời của hai liên minh khu vực. Sự tham gia vào hai liên minh khu vực này đều dựa trên thiện chí, sự tự nguyện của các quốc gia thành viên. Vì vậy, cả EU và ASEAN đều ra đời từ thực tiễn, nhu cầu muốn được liên kết để cùng phát triển kinh tế giữa các nước.
Thứ ba, liên minh khu vực ở Châu Âu và Đông Nam Á đều chịu những tác động lớn của cuộc các mạng khoa học - kĩ thuật. Với quy mô rộng lớn, nội dung sâu sắc và toàn diện, nhịp điệu vô cùng nhanh chóng, cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật đã đem lại bao nhiêu thành tựu kì diệu và những thay đổi to lớn trong đời sống nhân loại. Chính vì sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật nên từ đầu những năm 80 của thế kỉ XX, thế giới đã diễn ra xu thế toàn cầu hoá. Về bản chất, toàn cầu hoá là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, những ảnh hưởng tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy nên có sự ra đời của hai liên minh khu vục cho đến nay.
Thứ tư, sự hình thành liên kết của khu vực đều xuất phát sau khi các quốc gia đã có được độc lập, khôi phục kinh tế và đã bước vào phát triển nhưng vẫn còn khó khăn. Từ đó, họ nảy sinh như cầu đoàn kết và chia sẻ để hỗ trợ lẫn nhau.
Thứ năm, quá trình liên kết và mở rộng thành viên đều của Liên minh Châu Âu và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á diễn ra trong thời gian dài và gặp rất nhiều trở ngại
Thứ sáu, số lượng thành viên ban đầu còn ít, từ những năm 90, sau khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc thì liên minh khu vực không ngừng được mở rộng và lớn mạnh, trở nên có vị thế cao trên trường quốc tế.
Như vậy, sự ra đời của EU và ASEAN là kết quả của xu thế toàn cầu hoá, là một thực tế không thể đảo ngược. Nó có mặt tích cực và cũng có mặt tiêu cực, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển. Đây có thể là cơ hội to lớn nhưng cũng là thách thức rất to lớn. Do đó, "nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, phát triển mạnh mẽ trong thời kì mới là vấn đề sống còn đối với Đảng và nhân dân ta"
Trên đây là những thông tin về Liên minh Châu Âu và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, cũng như những điểm giống nhau giữa hai liên kết này. Hy vọng bài viết này sẽ đem lại cho bạn những kiến thức bổ ích. Xin chân thành cảm ơn!