Luật sư tư vấn:

1. Thời gian chuyển người lao động đi làm công việc khác? 

Xin chào Luật sư công ty Luật Minh Khuê hiện tại tôi đang có một số vướng mắc cần được hỗ trợ như sau: Hiện tại công ty tôi đang có 1 phòng gồm: trưởng phòng và các nhân viên. Trong thời gian làm việc trưởng phòng thường xuyên không hoàn thành công việc. Vì lý do đó ban giám đốc công ty có quyết định tuyển người mới vào thay thế vị trí trưởng phòng và có hướng điều chuyển trưởng phòng xuống nhân viên. Như vậy trong trường hợp này công ty tôi phải làm thủ tục gì (có cần soạn phụ lục hợp đồng lao động/ hay quyết định).

Mức lương của người trưởng phòng khi chuyển xuống làm nhân viên có thay đổi không và nếu thay đổi thì sẽ được tính như thế nào?Thời gian báo trước cho việc điều chuyển này là bao lâu?

Rất mong nhận được sự phản hồi từ bên phía Công ty luật Minh Khuê, tôi xin chân thành cảm ơn ạ!

Trả lời

Điều 29 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về việc chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, cụ thể như sau:

"Điều 29. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động

1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.

Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.

2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.

3. Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

4. Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật này".

 

1.1 Có được chuyển người lao động sang vị trí công việc khác không và phải báo trước bao lâu?

Như vậy căn cứ theo quy định của pháp luật về lao động thì người sử dụng lao động chỉ được phép tạm chuyển người lao động làm một công việc khác so với hợp đồng lao động trong trường hợp công ty đang gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các sự cố về điện nước hoặc do nhu cầu sản xuất kinh doanh. Nhưng thời hạn tạm chuyển người lao động sang làm một công việc khác so với hợp đồng lao động chỉ được tối đa không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm. Khi người sử dụng lao động muốn tạm chuyển người lao động sang làm một công việc khác so với hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc (trong nội dung thông báo phải ghi rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và giới tính của người sử dụng lao động).

Nếu như trong trường hợp công ty bạn muốn được chuyển vị trí việc làm của người trưởng phòng sang một công việc khác với thời hạn quá 60 ngày cộng dồn trong vòng 1 năm thì phải được sự đồng ý của người lao động (người lao động phải có văn bản đồng ý).

Việc chuyển người lao động sang làm một công việc khác so với hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.

 

1.2 Tiền lương của người lao động khi chuyển sang một công việc khác so với hợp đồng lao động

Căn cứ Theo Khoản 3,4 Điều 29 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về việc trả lương cho người lao động khi điều chuyển người lao động sang làm một công việc khác so với hợp đồng lao động, cụ thể như sau:

- Khi người lao động được chuyển sang làm một công việc mới theo hợp đồng lao động thfi sẽ được trả lương theo công việc mới. Nếu trong trường hợp tiền lương ở công việc mới thấp hơn so với tiền lương ở công việc cũ thì người lao động sẽ được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương của công việc mới phải ít nhất bằng 85% tiền lương so với công ty cũ nhưng phần tiền lương này không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

- Đối với trường hợp người lao động mà không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động với thời gian trên 60 ngày cộng dồn trong một năm mà phải ngừng công việc thì người sử dụng lao động phải trả tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

>> Xem thêm: Điều chuyển công tác không có sự đồng ý của người lao động?

 

2. Có bị điều chuyển công tác khi chồng của công chức/viên chức phạm tội?

Thưa Luật sư tôi tên là Lương Thị Nụ hiện là chủ tịch Công đoàn Giáo dục huyện. Tôi xin nhờ Luật sư tư vấn cho tôi trường hợp như sau: Hiện tại đơn vị tôi đang có một đồng chí hiệu trưởng đang công tác thì chồng cô ấy phạm tội buôn bán ma túy theo quy định của Pháp luật hình sự.

Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành thì cô hiệu trưởng đó có bị cách chức và điều chuyển công tác không (đồng chí hiệu trưởng đó luôn hoàn thành tốt các nghĩa vụ được giao).

Tôi xin chân thành cảm ơn ạ!

Trả lời

Trong trường hợp này, cần phải xác định đồng chí hiệu trưởng là công chức hay viên chức thì mới xác định được luật nào là luật áp dụng: Luật Cán bộ, công chức năm 2008 hay Luật Viên chức năm 2010.

Điều 12 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

"Điều 12. Áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức theo quy định tại Điều 11 Nghị định này mà tái phạm hoặc cán bộ đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này mà tái phạm;

2. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này;

3. Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này nhưng chưa đến mức buộc thôi việc, người vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ;

4. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ".

Điều 12 Nghị định 27/2012/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Viên chức năm 2012 quy định như sau:

"Điều 12. Cách chức
Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với viên chức quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng;
2. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ;
3. Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ;
4. Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức."

Theo dữ liệu bạn đưa ra thì chồng đồng chí hiệu trưởng này có hành vi buôn ma túy và đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ không phải là đồng chí hiệu trưởng. Do đó, đối chiếu theo quy định pháp luật trên thì đồng chí hiệu trưởng này không bị cách chức.

>> Xem thêm: Mẫu quyết định thuyên chuyển công tác mới nhất

 

3. Cơ quan nào ra quyết định luân chuyển viên chức?

Kính chào Luật Minh Khuê, tôi có một vấn đề mong các luật sư giải đáp cho tôi như sau: Tôi là công chức Văn hóa - Xã hội xã Tân Thành, huyện Thường Xuân. Tôi tốt nghiệp ngành quản lý văn hóa cơ sở. Hiện nay thủ trưởng đơn vị đề nghị với Ủy ban nhân dân huyện chuyển tôi sang vị trí công tác khác cụ thể là Văn phòng - Thống kê tại đơn vị cũ. Như vậy có đúng luật hay không ạ? Cấp nào có thẩm quyền ra quyết định luân chuyển.
Mong nhận được sự hỗ trợ của Luật sư, tôi xin chân thành cảm ơn ạ!

Trả lời

Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về vấn đề luân chuyển công chức, cụ thể từ Điều 55 đến Điều 64 của Nghị định trên.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 26 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định như sau:

"Điều 26. Điều động công chức

3. Trình tự, thủ tục điều động công chức:

a) Căn cứ quy hoạch, nhu cầu công tác và năng lực, sở trường của công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức được phân công, phân cấp quản lý công chức xây dựng kế hoạch, biện pháp điều động công chức thuộc phạm vi quản lý, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện;

b) Lập danh sách công chức cần điều động;

c) Biện pháp thực hiện cụ thể đối với từng trường hợp;

d) Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì thực hiện trình tự, thủ tục điều động như trường hợp bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý từ nguồn nhân sự nơi khác quy định tại khoản 3 Điều 46 Nghị định này".

Như vậy, theo quy định trên thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị của bạn có quyền ra quyết định luân chuyển. Xem thêm: Mẫu Đơn xin chuyển công tác của viên chức mới nhất

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.