NỘI DUNG TƯ VẤN:

Để thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực ràng buộc đối với các bên. Thì điều kiện để thỏa ước có hiệu lực thì cần phải đảm bảo các tiêu chí về trình tự, thủ tục thương lượng kí kết, nội dung, chủ thể, nguyên tắc, hình thức và loại thỏa ước lao động tập thể phải tuân theo quy định của pháp luật khi xác lập thỏa ước.

1. Điều kiện 1: Trình tự, thủ tục kí kết thỏa ước

Bước 1: Đề xuất yêu cầu kí kết thỏa ước

Trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động, nếu một bên (tập thể người lao động hoặc người sử dụng lao động) thấy cần thiết phải có thỏa ước lao động tập thể thì đề xuất yêu cầu kí kết thỏa ước với phía bên kia. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thương lượng, các bên thỏa thuận ngày bắt đầu phiên họp. Bên đề xuất yêu cầu thương lượng tập thể phải thông báo bằng văn bản cho bên kia biết về nội dung dự kiến tiến hành thương lượng tập thể chậm nhất là 5 ngày làm việc trước khi bắt đầu phiên họp thương lượng tập thể .Trường hợp một bên không thể tham gia phiên họp thương lượng đúng thời điểm bắt đầu thương lượng theo thỏa thuận thì có quyền đề nghị hoãn, nhưng thời điểm thương lượng không được quá 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thương lượng tập thể. Trước khi bắt đầu phiên họp thương lượng tập thể ít nhất 10 ngày, người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, khi tập thể lao động yêu cầu trừ những bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của người sử dụng lao động. Người lao động chịu trách nhiệm tổ chức phiên họp thương lượng tập thể theo thời gian và địa diểm do hai bên thỏa thuận.

Bước 2: Đàm phán các nội dụng của thỏa ước

Ở nội dung này các bên đưa ra yêu cầu và nội dung cần thương lượng và tiến hành thương lượng trên cơ sở xem xét những yêu cầu và các vấn đề mà mỗi bên đưa ra. Khi thương lượng thỏa ước, mỗi bên đều có chiến thuật và chiến lược đàm phán riêng để bảo vệ cho lợi ích của giới mình. Tuy nhiên họ cũng phải biết lắng nghe ý kiến của nhau và mềm dẻo trong thương lượng để đạt đến các sự dung hòa những thỏa thuận về quyền và lợi ích của mỗi bên.Việc thương lượng tập thể phải được lập thành biên bản. Biên bản phiên họp thương lượng phải có chữ kí của đại diện tập thể lao động, của người sử dụng lao động và người ghi biên bản.

Bước 3: Tổ chức lấy ý kiến của tập thể lao động về nội dung của thỏa ước

Để đảm bảo tính tập thể của thỏa ước, pháp luật quy định sau khi xây dựng dự thảo của thỏa ước, trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp thương lượng tập thể, đại diện thương lượng của bên tập thể lao động phải phổ biến rộng rãi, công khai biên bản phiên họp thương lượng tập thể cho tập thể lao động biết và lấy ý kiến của tập thể lao động về nội dung của thỏa ước bằng cách bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ kí. Kết quả lấy ý kiến phải lập thành văn bản, trong đó tổng số người được lấy ý kiến, số người tán thành, số người không tán thành. Biên bản này phải có chữ kí của đại diện ban chấp hành công đoàn. Việc lấy ý kiến của tập thể lao động về thực chất chính là một việc thông qua ý kiến của tập thể lao động về nội dung thỏa ước đồng thời là sự thể hiện của nguyên tắc công khai, minh bạch trong việc kí kết thỏa ước.

Bước 4: Kí kết thỏa ước

Sau khi các bên đã đạt được thỏa thuận và công đoàn đã lấy ý kiến biểu quyết của tập thể người lao động, các bên hoàn thiện dự thảo của thỏa ước. Việc kí kết thỏa ước được tiến hành: với phạm vi doanh nghiệp: khi có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được và với phạm vi ngành: khi có trên 50% số đại diện Ban chấp hành công đoàn cấp trên cơ sở hoặc Công đoàn cấp trên cơ sở biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được.Thỏa ước lao động tập thể được lập thành văn bản và phải được lập thành 4 bản, mỗi bên giữ một bản, một bản gửi công đoàn cấp trên và một bản gửi cơ quan có thẩm quyền để đăng kí.

2. Điều kiện 2: Nội dung của thỏa ước phải phù hợp với pháp luật lao động

Bởi nếu những thỏa thuận trong thỏa ước trái pháp luật ( theo hướng bất lợi cho người lao đọng ) thì thỏa đó sẽ bị coi là vô hiệu. Hơn nữa, trên thực tế người lao động luôn viện dẫn những quy định của pháp luật để đòi hỏi NSDLĐ đảm bảo quyền lợi cho mình nên nếu những thỏa thuận trong thỏa ước trái với pháp luật lao động, tranh chấp lao động sẽ không thường xuyên phát sinh. Bởi vậy, về nguyên tắc, nội dung của thỏa ước phải phù hợp với pháp luật lao động. Khoản 2 Điều 75 BLLĐ 2019 quy định: Nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật; khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

3. Điều kiện 3: Chủ thể tham gia thương lượng và kí kết thỏa ước

- Chủ thể tham ra thương lương thỏa ước

Trước khi chính thức kí kết thỏa ước, các bên thường trải qua quá trình thương lượng về các vấn đề nội dung của thỏa ước. Việc đàm phán này là cần thiết ,bởi nó sẽ quyết định tới quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động. Song quá trình đàm phán đó diễn ra như thế nào và đạt được kết quả hay không lại phụ thuộc rất lớn vào chủ thể tham ra đàm phán .Nếu các chủ thể tham ra đàm phán hiểu biết pháp luật, hiểu biết các hoạt động sản xuất kinh doanh và có thiện chí với nhau thì việc đàm phán sẽ diễn ra thuận lợi và nhanh chóng. Ngược lại nếu chủ thể tham ra đàm phán không có thiện chí với nhau hoặc thiếu hiểu biết thì chẳng những việc thương lượng không thành mà còn dẫn đến bất đồng và tranh chấp trong quan hệ lao động. Vì vậy không phải ai bất kì chủ thể nào cũng được tham ra vào quá trình thương lượng thỏa ước. Theo pháp luật hiện hành việc tham ra thương lượng thỏa ước chỉ thuộc quyền của một số chủ thể. Theo Điều 69 BLLĐ 2019 có quy định chủ thể tham gia thương lượng thỏa ước gồm đại diện của các bên gồm tập thể lao động và NSDLĐ:

“2. Thành phần tham gia thương lượng tập thể của mỗi bên do bên đó quyết định.

Trường hợp bên người lao động có nhiều tổ chức đại diện tham gia thương lượng tập thể theo quy định tại khoản 2 Điều 68 của Bộ luật này thì tổ chức đại diện có quyền yêu cầu thương lượng quyết định số lượng đại diện của mỗi tổ chức tham gia thương lượng.

Trường hợp bên người lao động có nhiều tổ chức đại diện tham gia thương lượng tập thể theo quy định tại khoản 3 Điều 68 của Bộ luật này thì số lượng đại diện của mỗi tổ chức do các tổ chức đó thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được thì từng tổ chức xác định số lượng đại diện tham gia tương ứng theo số lượng thành viên của tổ chức mình trên tổng số thành viên của các tổ chức.

3. Mỗi bên thương lượng tập thể có quyền mời tổ chức đại diện cấp trên của mình cử người tham gia là đại diện thương lượng và bên kia không được từ chối. Đại diện thương lượng tập thể của mỗi bên không được vượt quá số lượng quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp được bên kia đồng ý.”

Những chủ thể này có trách nhiệm đàm phán để làm sao đạt được những thỏa thuận có lợi nhất cho phía mà mình đại diện đồng thời cũng phù hợp với lợi ích của phía bên kia. Số lượng các chủ thể tham gia thương lượng thỏa ước là do hai bên thỏa thuận.

- Chủ thể tham ra kí kết thỏa ước

Các chủ thể tham gia thương lượng thỏa ước không có nghĩa đều là các chủ thể kí kết thỏa ước. Khi thương lượng thỏa ước có thể có nhiều người tham gia nhưng khi kí kết thỏa ước mỗi bên chỉ cần một đại diện.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 76 BLLĐ 2019:Thỏa ước lao động tập thể được ký kết bởi đại diện hợp pháp của các bên thương lượng.….”

Trong toàn bộ quá trình kí kết thỏa ước, giai đoạn thương lượng thỏa ước là giai đoạn rất quan trọng. Những thỏa thuận, cam kết trong thỏa ước có phù hợp với thực tế hay không, có lợi cho NLĐ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào giai đoạn này nên cần thiết phải có nhiều người tham gia. Còn kí kết thỏa ước lại là kết quả quá trình thương lượng và thủ tục sau cùng, nó mang ý nghĩa là sự cam kết về những nội dung của thỏa ước mà các bên đã thỏa thuận. Do vậy thủ tục này chỉ cần mỗi bên một đại diện.

4. Điều kiện 4: Đảm bảo nguyên tắc kí kết thỏa ước lao động tập thể

Nguyên tắc kí kết thỏa ước lao động tập thể đó là nguyên tắc thiện chí,tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, công khai, minh bạch:

Nguyên tắc hợp tác, thiện chí trong việc kí kết thỏa ước được hiểu khi các bên trong quan hệ lao động tham gia vào kí kết thỏa ước thì phải trên cơ sở của sự thỏa thuận và tự nguyện, bình đẳng. Đồng thời khi đã tham gia vào việc kí kết thỏa ước phải có nghĩa vụ tuân thủ nội dung mà mình đã cam kết.

Thỏa ước tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động với NSDLĐ về các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động nên đương nhiên việc kí kết thỏa ước phải trên cơ sở của sự tự nguyện. Sự tự nguyện ở đây được biểu hiện ở việc các bên hoàn toàn có ý thức tự giác, tự nguyện trong việc kí kết thỏa ước, có quyền quyết định kí hay không kí thỏa ước. Nếu tập thể lao động thấy cần phải kí kết thỏa ước tập thế để ràng buộc trách nhiệm của NSDLĐ trong việc đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, NSDLĐ cũng thấy cần phải kí thỏa ước để NLĐ có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ được giao thì hai bên sẽ gặp gỡ thương lượng để kí kết thỏa ước. Pháp luật không thừa nhận những thỏa ước tập thể được kí kết do sự ép buộc của một bên hay chủ thể thứ ba.

Tuy nhiên, nguyên tắc tự nguyện cũng không loại trừ việc phải chấp nhận thương lượng khi một trong hai bên yêu cầu đàm phán thương lượng thỏa ước. Điều 68 khoản 1, 2 quy định:

“ 1. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền yêu cầu thương lượng tập thể khi đạt tỷ lệ thành viên tối thiểu trên tổng số người lao động trong doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

2. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này thì tổ chức có quyền yêu cầu thương lượng là tổ chức có số thành viên nhiều nhất trong doanh nghiệp. Các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khác có thể tham gia thương lượng tập thể khi được tổ chức đại diện người lao động có quyền yêu cầu thương lượng tập thể đồng ý.” Nếu NSDLĐ không chấp nhận yêu cầu, từ chối việc thương lượng, kí kết thỏa ước sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định của Chính phủ số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/03/2020 quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội. Song việc đàm phán thương lượng có thành hay không, thỏa ước có kí được hay không lại là vấn đề không bắt buộc.

Cùng với yếu tố tự nguyện việc kí kết thỏa ước còn phải trên cơ sở bình đẳng. Sự bình đẳng trong kí kết thỏa ước được hiểu là sự bình đẳng giữa các bên về địa vị pháp lí và tư cách chủ thể khi tham gia quan hệ. Mỗi bên đều có quyền đưa ra ý kiến của mình và ý kiến của hai bên được coi trọng ngang nhau. Các bên không được lấy thế mạnh về kinh tế hoặc thế mạnh về đông người để gây áp lực buộc phía bên kia phải chấp nhận.

Ngoài ra việc kí kết thỏa ước còn phải đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch. Sự công khai, minh bạc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người lao động vì những cam kết trong thỏa ước liên quan trực tiêp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của họ. Vì thế họ phải được biết cũng như phải thể hiện ý kiến quan điểm của mình về nội dung thỏa ước theo Điều 76 khoản 1 BLLĐ 2019 quy định: Đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, trước khi ký kết, dự thảo thỏa ước lao động tập thể đã được các bên đàm phán phải được lấy ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành.……”

5. Điều kiện 5: Hình thức thỏa ước lao động

Hình thức của thỏa ước phải phù hợp với quy định của pháp luật. Hình thức là một yếu tố pháp lí quan trọng của thỏa ước, có quan hệ biện chứng với bản chất, nội dung, giá trị hiệu lực, thời điểm có hiệu lực của thỏa ước, và là phương tiện diễn đạt ý chí của các bên, cũng như để chứng minh sự tồn tại của thỏa ước. Người ta sẽ không biết đến sự tồn tại của thỏa ước, nếu nó không thể hiện bằng một hình thức xác định. Thỏa ước chỉ tồn tại dưới một hình thức duy nhất là bằng văn bản theo khoản 1 Điều 75 BLLĐ 2019 quy định:

“Thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản.

Thỏa ước lao động tập thể bao gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp và các thỏa ước lao động tập thể khác.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật Minh Khuê, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật Minh Khuê 1900.6162 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật - Công ty Luật Minh Khuê