1. LPG /LNG /CNG là gì?

LPG, LNG và CNG là những loại khí, thuật ngữ đặc thù của ngành khí và ngành nhiên liệu. Tuy nhiên, với sự tương đồng gần sát của tên gọi sẽ dễ gây nhầm lẫn cho những ai cần tìm hiểu về những loại khí này, đặc biệt là những thương nhân muốn kinh doanh loại hình này. Vậy nên các bạn cần hiểu rõ được những sự khác biệt, những đặc tính, thành phần cũng như ứng dụng của từng loại để có thể dễ dàng nhận biết được 3 loại khí này. 

1.1. LPG - Khí dầu mỏ hóa lỏng

LPG là tên viết tắt của Liquefied Petroleum Gas hay còn gọi là Gas Dầu khí hóa lỏng hoặc Gas Dầu khí lỏng. Là một loại sản phẩm thuộc nhóm các loại khí  hydrocacbon có nguồn gốc từ dầu mỏ với những thành phần chính là propan (C3H8), butan (C4H10).  Ở điều kiện nhiệt độ và áp suất bình thường, khí LPG tồn tại ở dạng khí, nhưng có thể được chuyển sang dạng chất lỏng khi được ép áp suất hoặc làm lạnh với nhiệt độ nhất định.

Ứng dụng của khí LPG:

  • Làm nhiên liệu xe cộ và phương tiện vận tải
  • Sử dụng để làm chất làm lạnh
  • Dùng là đầu vào ứng dụng cho công nghệ hóa chất
  • Trong nông nghiệp, khí LPG được sử dụng để sấy khô cho các loại nông sản
  • Sử dụng để sưởi ấm
  • Làm nhiên liệu đốt cháy trong nấu nướng
  • Làm nhiên liệu quan trọng trong các khu công nghiệp
  • Làm nhiên liệu chạy tuabin phát điện an toàn và tiết kiệm

1.2. LNG - Khí thiên nhiên hóa lỏng

LNG là tên viết tắt của Liquefied Natural Gas là loại khí thiên nhiên được hóa lỏng khi làm lạnh sâu đến 162^{\circ}C, có thành phần chủ yếu là methane (CH4). Là một sản phẩm hydrocacbon ở dạng lỏng, so với khí gas thì nguồn cung cấp LNG dồi dào hơn, số lần phải tiếp thêm nhiên liêu thấp hơn và quan trọng là loại khí này thân thiện với môi trường, một điều quan trọng được đề cao khi sử dụng nhiên liệu, khoáng sản tự nhiên. Do đó LNG được ứng dụng rộng rãi trong các nhà máy điện, các khu công nghiệp.

Mặc dù khí LNG có những ưu điểm nổi bật so với xăng dầu và giảm ô nhiễm môi trường, nhưng hiện nay LNG vẫn chưa được áp dụng rộng rãi tại các nước đang phát triển. Chủ yếu là do mức chi phí khâu đầu tư vào phương tiện để lưu trữ, vận chuyển, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng nhưng các thiết bị máy móc chế biến rất cao.

1.3. CNG - Khí thiên nhiên nén

CNG là tên viết tắt của Compressed Natural Gas, là khí thiên nhiên nén, với thành phần chứa 85% đến 95% là methane (CH4) được lấy từ những mỏ khí thiên nhiên, đồng hành trong quá trình khai thác mỏ dầu và được nén ở áp suất cao từ 200 đến 250 bar vào bồ chuyên dụng để vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Với ưu điểm giảm chi phí bảo dưỡng sửa chữa so với việc sử dụng các nhiên liệu khác, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và là loại nhiên liệu sạch, kéo dài tuổi thọ của thiết bị sử dụng nhiên liệu. CNG chắc chắn là một lựa chọn đáng có với những nhà kinh doanh và người tiêu dụng.

2. Điều kiện kinh doanh LPG /LNG /CNG

Đầu tiên các thương nhân cần đáp ứng những điều kiện về kinh doanh hóa chất. Cụ thể là:

  • Là tổ chức, cá nhân được thành lập theo quy định của pháp luật
  • Có cơ sở vật chất - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu trong kinh doanh hóa chất. Cụ thể là yêu cầu về kho xưởng, kho chứa; yêu cầu về công nghệ, thiết bị dụng cụ, bao bì; yêu cầu đối với bảo quan, vận chuyển hàng hóa chất,...
  • Có cửa hàng hoặc địa điểm hoạt động kinh doanh, nơi bày bán đảm bảo các yêu cầu về an toàn hóa chất, an toàn phòng cháy, chống cháy nổ theo quy định
  • Có kho chứa hoặc có hợp đồng thuê kho chứa hóa chất hoặc sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất đáo ứng được các điều kiện về bảo quản an toàn háo chất, an toàn phòng chống cháy nổ
  • Người phụ trách về an toàn hóa chất của cơ sở kinh doanh cần phải có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất
  • Người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh về phòng, ban, chi nhánh trực thuộc, phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương; cấp phó của người đứng đầu, cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn hóa chất của cơ sở; người trực tiếp giám sát về an toàn hóa chất nơi làm việc; người lao động liên quan trực tiếp đến hóa chất phải được huấn luyện an toàn hóa chất.

Các thương nhân có nhu cầu kinh doanh loại hình này cần đáp ứng được các yêu cầu:

  • Là thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật
  • Có bồn chứa khí hoặc hợp đồng thuê bồn chứa khi hoặc có chai LPG hoặc hợp đồng thuê chai LPG
  • Đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo đúng quy định của pháp luật
  • Đối với thương nhận kinh doanh mua bán khí qua đường ống ngoài cần đáp ứng các điều kiện về quy định trên còn phải có trạm cấp khí đầy đủ các điều kiện về an toàn trong hoạt động kinh doanh theo quy định trong nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí
  • Đối với thương nhận kinh doanh mua bán LNG ngoài điều kiện quy định trên còn cần có trạm cấp LNG hoặc trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải đáp ứng các điều kiện về an toàn, phòng cháy, chữa cháy
  • Đối với thương nhận kinh doanh mua bán sản phẩm CNG ngoài đáp ứng các điều kiện chung trên thì phải có xe bồn CNG, trạm nén CNG, trạm cấp CNG hoặc trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

3. Điều kiện đối với trạm cấp LPG /LNG /CNG

Những thương nhân trạm cấp LPG /LNG /CNG  cần phải đáp ứng những điều kiện quy định tại Điều 12 Nghị định 87/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh khí như sau:

  • Trạm cấp phải thuộc thương nhân được thành lập theo đúng quy định của pháp luật
  • Trạm cấp phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng
  • Đáp ứng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy

Bên cạnh đó, trạm cấp cũng cần đảm bảo an toàn đối với trạm cấp. Cụ thể như sau:

- Khoảng cách từ bồn chứa khí tới bồn chứa chất lỏng dễ cháy khác có điểm bắt cháy dưới 65^{\circ}C không được nhỏ hơn 07 m 

- Quy định đối với khu vực tiếp nhận khí từ xe bồn:

  • Tại lối vào dành cho xe bồn, phải có biển báo hạn chế tốc độ
  • Khu vực tiếp nhận xe bồn phải có ký hiệu đánh dấu rõ ràng, phải có biển báo hiệu vị trí tiếp nhận xe bồn và không cho người không có nhiệm vụ qua lại khi nhận khí vào bồn chứa
  • Đầu xe bồn khi nhập khí phải hướng ra đường chính hoặc đường thoát hiểm và không bị cản trở khi sơ tán khẩn cấp

- Phải đảm bảo cho xe chữa cháy ra, vào trạm trong trường hợp cần thiết

- Các thiết bị đặt trong khu vực có nguy cơ bị hư hại phải được bảo vệ bằng các biện pháp an toàn như rào chắn, cột sắt, cột bê tông và có biển cảnh báo. Các thiết bị an toàn này phải không làm ảnh hưởng tới độ thông thoáng của khu vực tồn chứa khí

4. Trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận mua bán LPG /LNG /CNG

Căn cứ theo Điều 43 Nghị định 87/2018/NĐ-CP quy định như sau:

Thương nhân đáp ứng đầy đủ điều kiện về kinh doanh mua bán LPG /LNG /CNG gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua mạng điện tử đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cụ thể là trụ sở Sở Công thương. Hồ sơ bao gồm:

  • Giấy đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán LPG /LNG /CNG theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Nghị định 87/2018/NĐ-CP
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
  • Bản sao Giấy chứng nhận kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bồn chứa
  • Tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy
  • Đối với thương nhân kinh doanh mua bán LPG chỉ có chai LPG hoặc thuê chai LPG, ngoài các giấy tờ quy định trên thì cần phải bổ sung các giấy tờ sau:

a) Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định chai LPG còn hiệu lực

b) Bản sao Giấy chứng nhận hợp quy đối với chai LPG

  • Đối với các thương nhân kinh doanh mua bán khí qua đường ống ngoài thì phải bổ sung thêm tài liệu chứng minh có đường ống vận chuyển khí hoặc hợp đồng thuê đường ống vận chuyển khí; bản sao Giấy chứng nhận kiểm định đường ống còn hiệu lực và tài liệu chứng minh có trạm cấp khí đáp ứng các quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định pháp luật có liên quan
  • Đối với LNG cần phải bổ sung tài liệu chứng minh có trạm cấp LNG đáp ứng các quy định về an toàn trong hoạt động kinh doanh khí hoặc trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải đã được cấp Giấy chứng nhận còn hiệu lực
  • Đối với CNG thì cần bổ sung thêm:

a) Tài liệu chứng minh có xe bồn CNG đã được kiểm định còn hiệu lực

b) Tài liệu chứng minh có trạm cấp CNG hoặc trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải đáp ứng các quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan

c) Tài liệu chứng minh có trạm nén CNG đáp ứng các quy định về an toàn, phòng cháy, chữa cháy theo quy định pháp luật.

Với trường hợp, hồ sơ không đầy đủ, chưa hợp lệ, Sở Công thương sẽ có văn bản yêu cầu bổ sung

  • Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Sở Công thương có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do
  • Thương nhân khi nộp hồ sơ phải nộp phí thẩm định điều kiện kinh doanh theo quy định về phí và lệ phí
  • Giấy chứng nhận đủ điều kiện có thời hạn hiệu lực là 10 năm kể từ ngày cấp mới.

Bài viết liên quan: Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán LPG/LNG/CNG

Trên đây là bài viết Điều kiện đối với trạm cấp LPG/LNG/CNG của Luật Minh Khuê gửi tới các bạn đọc. Mọi thắc mắc xin liên hệ qua tổng đài: 1900.6162 hoặc qua địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và giải đáp thắc mắc của quý khách hàng. Xin trân trọng cảm ơn!