1. Điều kiện thành lập công ty kinh doanh dịch vụ dịch thuật

Ngành kinh doanh dịch vụ dịch thuật là ngành kinh doanh không có điều kiện vì không nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư năm 2020. Tuy nhiên, để thành lập được công ty kinh doanh dịch vụ dịch thuật vẫn cần đáp ứng một số yêu cầu tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Theo đó, các điều kiện thành lập công ty kinh doanh dịch vụ dịch thuật bao gồm:

1.1. Điều kiện, tiêu chuẩn của người dịch

Căn cứ vào Điều 27 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì người tiến hành công việc dịch thuật phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch gồm có:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

- Có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch.

Đối với ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học theo quy định tại Khoản này thì phải thông thạo ngôn ngữ cần dịch.

1.2. Tiêu chuẩn, điều kiện Cộng tác viên dịch thuật

Ngoài ra, người dịch phải chịu trách nhiệm trước khách hàng, trước cơ quan thực hiện chứng thực về tính chính xác của nội dung bản dịch; không được dịch những giấy tờ, văn bản quy định tại Điều 32 của Nghị định 23/2015/NĐ-CP để yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch. Theo đó, những giấy tờ, văn bản không được dịch để chứng thực thực chữ ký người dịch tại Điều 32 bao gồm:

- Giấy tờ, văn bản đã bị tẩy xóa, sửa chữa; thêm, bớt nội dung không hợp lệ.

- Giấy tờ, văn bản bị hư hỏng, cũ nát không xác định được nội dung.

- Giấy tờ, văn bản đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được dịch.

- Giấy tờ, văn bản có nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Nghị định này.

- Giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.

- Điều kiện về cộng tác viên khi thành lập công ty dịch thuật

Theo quy định tại Điều 28 và Điều 29 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, để trở thành cộng tác viên dịch thuật thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch quy định như trên được làm cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp trong phạm vi cả nước. Phòng Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra tiêu chuẩn, điều kiện của cộng tác viên dịch thuật và lập danh sách cộng tác viên dịch thuật của phòng, báo cáo Sở Tư pháp phê duyệt.

- Người dịch là cộng tác viên của Phòng Tư pháp phải ký hợp đồng cộng tác viên dịch thuật với Phòng Tư pháp, trong đó xác định rõ trách nhiệm của người dịch đối với nội dung, chất lượng của bản dịch.

- Người dịch là cộng tác viên của Phòng Tư pháp phải đăng ký chữ ký mẫu tại Phòng Tư pháp. Khi đăng ký chữ ký mẫu, người dịch phải nộp Văn bản đề nghị đăng ký chữ ký mẫu và trực tiếp ký trước mặt Trưởng Phòng Tư pháp 03 (ba) chữ ký mẫu trong Văn bản đề nghị đăng ký chữ ký mẫu.

2. Hồ sơ đăng ký thành lập công ty kinh doanh dịch vụ dịch thuật

Theo quy định Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì còn tùy thuộc vào loại hình công ty mà quý khách muốn thành lập như: công ty TNHH, công ty cổ phần hoặc một loại hình doanh nghiệp khác. Thông thường, hồ sơ thành lập công ty bao gồm các tài liệu như sau:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

- Dự thảo điều lệ doanh nghiệp;

- Danh sách thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên hoặc Danh sách cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần;

- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân

+ Đôi với cá nhân: Chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân còn thời hạn

+ Đối với tổ chức: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức

- Tài liệu khác trong các trường hợp được biệt;

- Văn bản ủy quyền trong trường hợp ủy quyền cho một cá nhân, tổ chức khác thực hiện thủ tục đăng ký thành lập công ty.

3. Trình tự thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ dịch thuật

Khi tiến hành đăng ký thành lập công ty kinh doanh dịch vụ dịch thuật thì cần tuân thủ theo trình tự các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

Sau khi chuẩn bị hồ sơ xong, doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư. Công ty có thể nộp hồ sơ theo 02 hình thức: trực tiếp và online. Sau 03 ngày làm việc khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty dịch thuật.

Bước 2: Thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai, các doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nội dung công bố bao gồm:

- Nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

- Danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phẩn);

- Ngành nghề kinh doanh của công ty dịch thuật.

Bên cạnh đó, cần lưu ý trường hợp công ty không thông báo công khai hoặc thông báo công khai nội dung đăng ký doanh không đúng thời hạn sẽ bị phạt tiền với mức từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng (căn cứ vào Điều 45 Nghị định 122/2021/NĐ-CP)

Bước 3: Khắc con dấu tròn và thông báo sử dụng mẫu con dấu tròn của doanh nghiệp

Công ty tiến hành liên hệ với đơn vị khắc dấu để khắc con dấu tròn. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì công ty hoàn toàn có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung thông tin trên con dấu tròn của mình. Sau khi khắc xong dấu, công ty sẽ thông báo về mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh để được cấp biên nhận. Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ thực hiện đăng tải mẫu con dấu tròn của doanh nghiệp lên cổng thông tin đăng ký quốc gia.

Bước 4: Đăng bố cáo thông tin công ty dịch thuật

Công ty dịch thuật phải công bố thông tin công khai về các thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông tin về ngành nghề kinh doanh lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy phép.

Bước 5: Hoàn thành hồ sơ để trở thành cộng tác viên dịch thuật tại Phòng tư pháp

Khi người dịch có nhu cầu làm cộng tác viên dịch thuật, thì Phòng Tư pháp kiểm tra tiêu chuẩn và điều kiện dựa vào Điều 27 Nghị định 23/2015/NĐ-CP. Những thành viên nào đủ điều kiện thì sẽ lập danh sách và báo cáo tới Sở Tư pháp để được phê duyệt.

Trên cơ sở danh sách cộng tác viên dịch thuật đã được Sở Tư pháp phê duyệt, Phòng Tư pháp niêm yết công khai tại trụ sở của Phòng Tư pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu chứng thực trong việc liên hệ với người dịch.

Khi đã trở thành cộng tác viên của Phòng tư pháp thì người dịch là cộng tác viên của Phòng Tư pháp phải ký hợp đồng cộng tác viên dịch thuật với Phòng Tư pháp, trong đó bắt buộc phải có điều khoản xác định rõ trách nhiệm của người dịch đối với nội dung, chất lượng của bản dịch do hai bên thỏa thuận, đúng quy định với pháp luật. Người dịch phải chịu trách nhiệm trước khách hàng, trước cơ quan thực hiện chứng thực về tính chính xác của nội dung bản dịch

Người dịch là cộng tác viên của Phòng Tư pháp phải đăng ký chữ ký mẫu tại Phòng Tư pháp. Khi đăng ký chữ ký mẫu, người dịch phải nộp Văn bản đề nghị đăng ký chữ ký mẫu và trực tiếp ký trước mặt Trưởng Phòng Tư pháp 03 chữ ký mẫu trong Văn bản đề nghị đăng ký chữ ký mẫu.

Quý khách có thể tham khảo thêm về: Mẫu hợp đồng dịch thuật tài liệu mới nhất năm 2023 của Luật Minh Khuê.

Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.