1. Khái niệm về Điều tra viên

Hiện nay, trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự (CQĐTHS) năm 2015 và các văn bản pháp luật tố tụng hình sự có liên quan nêu ra một số khái niệm nhưng chưa cụ thể, đầy đủ về Điều tra viên (ĐTV). Theo một số tài liệu có liên quan đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về điều tra viên như sau:
- Theo tiếng Hán, thì có thể hiểu về “điều tra” là tìm tòi, xét hỏi người, việc để tìm ra sự thật; còn “viên” là viên chức, người nhận lãnh chức vụ của nhà nước. Do đó, điều tra viên được hiểu một cách đơn giản là những viên chức nhà nước được giao nhiệm vụ chuyên tìm tòi, xét hỏi người, việc để tìm ra sự thật. Đây là một khái niệm theo cách giải nghĩa đơn giản, thông thường trong cuộc sống không có căn cứ pháp lý.
- Theo Từ điển Bách khoa Công an nhân dân (CAND), thì Điều tra viên được hiểu là một chức danh Nhà nước để chỉ cán bộ làm trong cơ quan điều tra, có nhiệm vụ tiến hành các biện pháp điều tra do Luật Tố tụng hình sự (TTHS) quy  định và phải chịu trách nhiệm về những hoạt động điều tra của mình. Khái niệm này cũng chưa bao quát đầy đủ, chưa thể hiện rõ vị trí pháp lý của Đđiều tra viên trong hoạt động TTHS.
Một số giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam ở các cơ sở đào tạo của nước ta cũng đề cập đến khái niệm điều tra viên theo nhiều khía cạnh khác nhau, đó là:
- Giáo trình Luật TTHS Việt Nam dành cho hệ đào tạo sau đại học của Học viện Cảnh sát nhân dân đề cập đến khái niệm điều tra viên như sau: “Điều tra viên là người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ được phân công của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự nhằm thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm có xảy ra hay không, ai là người thực hiện tội phạm và những tình tiết khác của vụ án”.
- Giáo trình Luật TTHS Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội, đưa ra khái niệm về điều tra viên khá ngắn gọn: “Điều tra viên là người trực tiếp tiến hành các hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự”.
Pháp lệnh về TCĐTHS năm 2004 (Điều 29) đưa ra khái niệm về điều tra viên:  “Điều tra viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ điều tra vụ án hình sự”. Luật Tổ chức CQĐTHS năm 2015 (Điều 45) thì có khái niệm ngắn gọn hơn là: “Điều tra viên là người được bổ nhiệm để làm nhiệm vụ điều tra hình sự”. Điều tra viên gồm có các ngạch sau: Điều tra viên sơ cấp, điều tra viên trung cấp, điều tra viên cao cấp.
 

2. Đặc điểm của Điều tra viên

Từ các khái niệm về điều tra viên đã nêu ở trên, có thể rút ra được những đặc điểm của Điều tra viên như sau:
Thứ nhất, điều tra viên là chức danh tư pháp, là người tiến hành tố tụng trong cơ quan điều tra, được lựa chọn theo tiêu chuẩn luật định về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, năng lực thực tế và các chứng chỉ nghề nghiệp để phục vụ cho hoạt động điều tra hình sự và được người có thẩm quyền bổ nhiệm.
Thứ hai, điều tra viên được tiến hành các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật và theo sự phân công của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra.
Thứ ba, trong hoạt động điều tra hình sự điều tra viên có các nhiệm vụ, quyền hạn  và trách nhiệm theo quy định của Luật TTHS và Luật Tổ chức CQĐTHS, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra về hành vi, quyết định của mình.
Từ những phân tích các quan điểm khác nhau về khái niệm điều tra viên, đặc điểm của điều tra viên, theo quan điểm của cá nhân có thể đưa ra khái niệm khoa học đầy đủ về điều tra viên như sau: “Điều tra viên là người tiến hành tố tụng trong cơ quan điều tra, có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật, được cơ quan cấp có thẩm quyền bổ nhiệm có thời hạn, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ điều tra vụ án hình sự, sử dụng các biện pháp điều tra để xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ theo sự phân công của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra về các hoạt động của mình”
 

3. Địa vị pháp lý của Điều tra viên

Địa vị pháp lý của điều tra viên hiện nay được xác định thông qua các quy định của Bộ Luật TTHS năm 2015, Luật Tổ chức CQĐTHS năm 2015, có thể khái quát như sau:
Theo Điều 34 Bộ luật TTHS năm 2015 (trước đây ở Điều 33 Bộ luật TTHS năm 2003) đã quy định cụ thể điều tra viên là một trong số những người tiến hành tố tụng. Điều luật này đã xác định địa vị pháp lý của điều tra viên là “người tiến hành tố tụng”  thuộc Cơ quan điều tra, tương tự các chức danh tư pháp khác thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng khác như: Viện kiểm sát, Tòa án... Các văn bản quy định khác có liên quan cũng chưa có điều khoản nào quy định cụ thể hơn, giải thích rõ hơn về quy định này, hoặc khái niệm về người tiến hành tố tụng. Theo giải thích về mặt khoa học của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Anh thì “người tiến hành tố tụng” là khái niệm dùng để chỉ những người được bổ nhiệm, được bầu hoặc được phân công để thực hiện các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, kiểm sát và xét xử theo quy định của pháp luật. Khi thực hiện nhiệm vụ được phân công, người tiến hành tố tụng có những nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 49 Bộ luật TTHS năm 2015 (trước đây là Điều 42 Bộ luật TTHS năm 2003) nhằm đảm bảo tính khách quan khi thực hiện nhiệm vụ được phân công. Cách giải thích này là phù hợp với các quy định khác về địa vị pháp lý của điều tra viên.
 

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên

được quy định chi tiết tại Điều 37 Bộ  LTTHS năm 2015 như sau:
- Trực tiếp kiểm tra, xác minh và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm;
- Lập hồ sơ vụ án hình sự;
- Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa, yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật;
- Triệu tập và hỏi cung bị can, triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự;
- Quyết định áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, quyết định dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát, quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội;
- Thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, xử lý vật chứng; Tiến hành khám nghiệm hiện trường, khai quật tử thi, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra theo quy định của Bộ luật TTHS. điều tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra về hành vi, quyết định của mình.
Điều luật này đã quy định cụ thể “những nhiệm vụ và quyền hạn” của điều tra viên tương xứng với Điều 34 BLTTHS năm 2015 quy định điều tra viên là “người tiến hành tố tụng” tương tự các chức danh tư pháp thuộc các cơ quan tố tụng khác, như: Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát, Thẩm phán của Toà án,... Các nội dung quy định tại Khoản 1 về “những nhiệm vụ và quyền hạn” của điều tra viên chủ yếu quy định về các biện pháp điều tra mà điều tra viên được phép thực hiện. Khoản 2 của điều luật cũng quy định rất chung về trách nhiệm của điều tra viên là “phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra về hành vi, quyết định của mình”.
Bên cạnh đó tại các điều 45, 46, 47, 48, 49, 50, 51, 54, 56 Luật Tổ chức CQĐTHS năm 2015 đã quy định: về khái niệm điều tra viên; tiêu chuẩn chung của điều tra viên; tiêu chuẩn bổ nhiệm điều tra viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp; bổ nhiệm điều tra viên trong trường hợp đặc biệt; nhiệm kỳ của điều tra viên; về những việc điều tra viên không được làm; về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức điều tra viên.
Như vậy, có thể xác định địa vị pháp lý của điều tra viên tương tự các chức danh tư pháp thuộc các cơ quan tố tụng khác, như: Kiểm sát viên, Thẩm phán... điều tra viên là một trong số những người tiến hành tố tụng, được tiến hành áp dụng một số biện pháp điều tra theo quy định của luật tố tụng hình sự khi được Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra phân công điều tra vụ án hình sự, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình.
 

5. Hoạt động của Điều tra viên

Điều tra là hoạt động thu thập tin, tài liệu, tình hình… phản ánh sự thật về một tổ chức, con người, sự việc, hiện tượng hoặc mục tiêu, địa bàn, lĩnh vực phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Điều tra được tiến hành dưới nhiều hình thức: Trực tiếp hoặc gián tiếp; công khai hoặc bí mật; trên phạm vi rộng (diện) hay hẹp (điểm). Hoạt động điều tra là hoạt động ban đầu rất quan trọng và hết sức cần thiết đối với tất cả các vụ án hình sự, để buộc những “dấu vết” của vụ án phải “lên tiếng”. Theo Pháp luật của nhiều nước và Việt Nam đều quy định những cơ sở pháp lý đối với hoạt động điều tra như: Hệ thống các cơ quan điều tra, thẩm quyền điều tra, thời hạn điều tra, các biện pháp điều tra, người tiến hành điều tra... Nhưng việc đưa ra khái niệm chính thức, tổng quát về “hoạt động điều tra” chưa được quy định trong Bộ luật TTHS. Hiện nay về mặt lý luận, có một số quan điểm khác nhau về khái niệm “hoạt động điều tra” như sau:
Quan điểm thứ nhất:
Điều tra là hoạt động tìm tòi, xét hỏi người, việc để tìm cho ra sự thật.
Quan điểm thứ hai: Về hình sự, điều tra là các công cuộc truy tầm thủ phạm, thâu thập chứng cứ, ghi chép dấu tích, thường được các nhân viên cảnh sát làm  ngay khi việc phạm pháp mới xảy ra, lắm khi chưa có vết tích khả nghi, hãy còn bị dư luận bàn tán. Những công việc điều tra gồm: lấy lời khai nhân chứng, lấy khẩu cung nghi phạm, kiểm soát lý lịch, xét người, khám nhà, bắt giam,
Quan điểm thứ ba: Điều tra là giai đoạn tố tụng hình sự, trong đó cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật TTHS quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở cho việc xét xử của Toà án
Quan điểm thứ tư: Điều tra là hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra và những cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm xác định tội phạm và người có hành vi phạm tội, lập hồ sơ để đề nghị truy tố, tìm ra nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa. Hoạt động điều tra phải tôn trọng sự thật, tiến hành một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội hoặc vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can. Mọi hoạt động điều tra phải tuân theo pháp luật, chấp hành các nguyên tắc và thủ tục do Bộ luật TTHS quy định.
Trong số các quan điểm nêu trên thì quan điểm thứ tư là tương đối đầy đủ, toàn diện, thể hiện các yếu tố đặc trưng của hoạt động điều tra. Quan điểm này đã nêu được chủ thể áp dụng các biện pháp điều tra (cơ quan điều tra và những cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra), nêu được các nhiệm vụ của hoạt động điều tra (xác định tội phạm và người có hành vi phạm tội, lập hồ sơ đề nghị truy tố, tìm ra nguyên nhân và điều kiện phạm tội để có những biện pháp khắc phục, ngăn ngừa), những cơ sở pháp lý cho hoạt động điều tra (BLTTHS, Luật Tổ chức CQĐTHS), và những nguyên tắc của hoạt động điều tra.
Theo quy định của BLTTHS năm 2015, Luật Tổ chức CQĐTHS năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác thì để điều tra vụ án hình sự (VAHS), làm rõ những vấn đề cần phải chứng minh trong VAHS, cơ quan điều tra và điều tra viên được tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật như: “khám nghiệm hiện trường, khai quật tử thi, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, khám xét (người, chổ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện), thu giữ, tạm giữ (thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử), kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, lấy lời khai người làm chứng, lấy lời khai người bị hại, hỏi cung bị can, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, trưng cầu giám định...”
Khi được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra VAHS, điều tra viên có những nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 37 Bộ LTTHS năm 2015 như sau: Trực tiếp kiểm tra, xác minh và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm; Lập hồ sơ vụ án hình sự; Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật; Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự; Quyết định áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can; quyết định dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại; quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát; quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; Thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, xử lý vật chứng; Tiến hành khám nghiệm hiện trường, khai quật tử thi, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan điều tra theo quy định của BLTTHS.
Bên cạnh những nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên thì điều tra viên còn có trách nhiệm như sau: Áp dụng các biện pháp theo quy định của BLTTHS và pháp luật khác có liên quan để điều tra, xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy  đủ; Tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; Từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong các trường hợp do BLTTHS quy định; Chấp hành quy định của pháp luật về những việc cán bộ, công chức hoặc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm; Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra về hành vi, quyết định của mình; Có mặt tại phiên tòa khi Hội đồng xét xử triệu tập đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án mà mình thụ lý.
Không phải trong bất kỳ vụ án nào cơ quan điều tra, điều tra viên đều phải sử dụng tất cả các hoạt động điều tra trong quá trình điều tra VAHS. Trong số các hoạt động điều tra, chỉ có hoạt động điều tra “khám nghiệm hiện trường” là hoạt động được BLTTHS quy định rõ là có thể tiến hành trước khi khởi tố VAHS, còn lại hầu như không quy định thời điểm có thể tiến hành. Tùy thuộc vào yêu cầu điều tra của từng vụ án cụ thể mà áp dụng các hoạt động điều tra phù hợp, có sự khác nhau về số lượng và thứ tự tiến hành các hoạt động điều tra.
Trong quá trình điều tra VAHS, cơ quan điều tra, điều tra viên cùng với việc tiến hành các hoạt động điều tra, còn được áp dụng các biện pháp ngăn chặn như: bắt người trong trường hợp khẩn cấp, quả tang, tạm giữ người, bắt bị can để tạm giam và tạm giam bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú, cho người thân, tổ chức của bị can bảo lĩnh, cho đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm sự có mặt của bị can theo giấy triệu tập. Đối với các biện pháp ngăn chặn, các hoạt động điều tra quan trọng khác thì điều tra viên không có thẩm quyền quyết định mà chỉ có quyền đề xuất, tổ chức thi hành và trực tiếp thi hành, cụ thể như: Khởi tố vụ án, khởi tố bị can; Bắt khẩn cấp, bắt tạm giam; Tạm giữ, tạm giam; Kê biên tài sản; Trưng cầu giám định…
Hoạt động điều tra vụ án hình sự của cơ quan điều tra, điều tra viên là hoạt động tố tụng, đồng thời là hoạt động nghiệp vụ. Để đảm bảo công tác điều tra tội phạm đạt hiệu quả thì cơ quan điều tra vừa phải tuân thủ các quy định của pháp luật, vừa áp dụng các biện pháp nghiệp vụ. Nếu chỉ áp dụng các hoạt động điều tra tố tụng của BLTTHS cho phép mà không nắm được các biện pháp nghiệp vụ thì hiệu quả điều tra sẽ rất hạn chế. Ngược lại, nếu chỉ sử dụng biện pháp nghiệp vụ mà bỏ qua các quy định của BLTTHS thì sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật và các thông tin, tài liệu thu thập được sẽ không có giá trị chứng minh tội phạm.
Công ty Luật Minh Khuê (tổng hợp)