Mục lục bài viết
1. Điều tra viên là ai?
Điều tra viên hiểu một cách thông thường là người được giao nhiệm vụ thực hiện công tác điều tra, thu thập thông tin, chứng cứ và tìm hiểu về một vụ việc hoặc tình huống nhất định. Đây là những người có kỹ năng và kiến thức chuyên sâu về pháp luật, phương pháp điều tra, công nghệ giám định và phân tích chứng cứ, giúp họ tiến hành công tác điều tra một cách hiệu quả và chính xác. Ngoài ra, công việc điều tra yêu cầu người tiến hành phải có các kỹ năng về phân tích, suy luận, hoạt động có tính bí mật cao để giải quyết các vấn đề phức tạp và đưa ra các kết luận chính xác.
Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 cho rằng điều tra viên là người được bổ nhiệm để làm nhiệm vụ điều tra hình sự trong các vụ án. Điều tra viên phân thành 03 ngạch: sơ cấp, trung cấp, cao cấp, tương ứng với mỗi ngạch là các điều kiện khác nhau.
Những việc mà người đã được bổ nhiệm làm điều tra viên không được làm gồm:
- Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức hoặc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm.
- Tư vấn cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không đúng quy định của pháp luật.
- Lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc hoặc can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc.
- Nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền đã tự ý đưa hồ sơ, tài liệu vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan.
- Ở ngoài nơi quy định, tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết.
>> Xem thêm: Điều tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm như nào?
2. Để được bổ nhiệm điều tra viên cần đáp ứng các tiêu chí gì?
Bên canh việc thỏa mãn các tiêu chí chung để trở thành một điều tra viên tại Điều 46 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, tùy từng ngạch riêng mà điều tra viên phải đáp ứng các tiêu chí riêng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với điều tra viên sơ cấp:
Chủ thể là sĩ quan Công an nhân dân tại ngũ, sĩ quan Quân đội nhân dân tại ngũ, cán bộ Viện kiểm sát nhân dân, đáp ứng các tiêu chuẩn chung và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên sơ cấp:
- Đã tham gia công tác pháp luật tối thiểu từ 04 năm;
- Có năng lực Điều tra các vụ án thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng;
- Vượt qua kỳ thi vào ngạch Điều tra viên sơ cấp.
Thứ hai, đối với điều tra viên trung cấp:
Điều tra viên trung cấp được bổ nhiệm khi đáp ứng đủ tiêu chí chung kèm các điều kiện dưới đây:
- Đã ở ngạch điều tra viên sơ cấp tối thiểu là 05 năm.
- Khả năng điều tra các vụ án thuộc loại tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và hướng dẫn các hoạt động điều tra của điều tra viên sơ cấp;
- Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên trung cấp.
Trường hợp do nhu cầu cán bộ của Cơ quan Điều tra, người có đủ tiêu chuẩn chung, các điểm b, c và d khoản 1 Điều 48 của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 09 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên trung cấp.
Thứ ba, đối với điều tra viên cao cấp:
Người có đủ tiêu chuẩn chung và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên cao cấp:
- Đã là Điều tra viên trung cấp ít nhất 05 năm;
- Có năng lực Điều tra các vụ án thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp;
- Có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất biện pháp phòng, chống tội phạm;
- Có khả năng hướng dẫn các hoạt động Điều tra của Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp;
- Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên cao cấp.
Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của Cơ quan Điều tra, người có đủ tiêu chuẩn chung, các điểm b, c, d và đ Khoản 1 Điều 49 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, kết hợp với tham gia công tác pháp luật từ 14 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên cao cấp.
3. Điều tra viên của cơ quan điều tra được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn bao lâu?
Tại Điều 51 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định về nhiệm kỳ của điều tra viên như sau:
Một là, điều tra viên được bổ nhiệm lần đầu sẽ có một thời hạn là 05 năm. Trong thời gian này, Điều tra viên sẽ phải thực hiện các nhiệm vụ điều tra hình sự một cách chuyên nghiệp và có trách nhiệm hoàn thành công việc một cách hiệu quả và đáng tin cậy.
Hai là, sau khi hoàn thành thời hạn 05 năm, điều tra viên có thể được bổ nhiệm lại vào một nhiệm kỳ mới hoặc nâng ngạch để tiếp tục công tác điều tra hình sự. Trong trường hợp này, nhiệm kỳ mới hoặc thời hạn nâng ngạch của họ sẽ kéo dài trong vòng 10 năm.
Quy định về nhiệm kỳ của điều tra viên là một việc quan trọng để đảm bảo tính đáng tin cậy và hiệu quả của công tác điều tra hình sự. Dưới đây là một số lý do cụ thể tại sao cần thiết có quy định này:
Tạo tính ổn định và chuyên nghiệp: Khi có thời hạn nhiệm kỳ cho điều tra viên, công việc điều tra hình sự sẽ được thực hiện một cách có kế hoạch và dự đoán. Thời gian xác định giúp đảm bảo sự ổn định trong đội ngũ điều tra viên và tạo điều kiện để họ phát triển kỹ năng và chuyên môn trong công việc.
Khuyến khích hiệu quả công việc: Thời hạn nhiệm kỳ giúp tạo sự kỷ luật và tập trung trong công việc điều tra hình sự. Điều tra viên sẽ cảm thấy áp lực và có trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ trong khoảng thời gian nhất định, từ đó đảm bảo hiệu quả và đúng hạn trong việc thu thập và phân tích chứng cứ.
Tạo sự cân đối trong quản lý nhân sự: Đây là cơ hội xem xét lại hiệu suất công tác của từng điều tra viên sau một khoảng thời gian nhất định. Nếu cần thiết, họ có thể điều động, đào tạo hoặc bổ nhiệm điều tra viên khác để đảm bảo sự cân đối, chất lượng công việc tốt trong cơ quan điều tra hình sự.
Tránh tình trạng kiếm lời bất chính: Nhiệm kỳ giới hạn cũng giúp tránh tình trạng kiếm lời bất chính của điều tra viên. Khi biết rõ thời hạn công tác, điều tra viên sẽ không có suy nghĩ ăn hối lộ, làm những việc trái với quy định pháp luật mà chuyên tâm vào công việc, phục vụ công lý, duy trì và phát triển xã hội.
Thêm vào đó, Luật cũng đề cập đến hạn tuổi phục vụ cao nhất của điều tra viên là sĩ quan trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân. Hạn tuổi của họ sẽ tuân thủ theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018 và Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Bộ luật lao động năm 2019 là căn cứ quy định tuổi nghỉ hưu của điều tra viên trong Viện kiểm sát nhân dân. Lưu ý rằng, nếu điều tra viên đáp ứng đủ các điều kiện về phẩm chất, chuyên môn, nghiệp vụ và có sức khỏe tốt, và đồng ý tự nguyện tiếp tục công tác và Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân và trong Quân đội nhân dân có nhu cầu thì họ có thể được kéo dài thời gian phục vụ nhưng hạn tuổi này không vượt quá 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ, trừ nữ sĩ quan cấp tướng.
4. Vai trò của điều tra viên trong vụ án hình sự
Trong hoạt động hỏi cung:
Hỏi cung là một hoạt động quan trọng và căn cơ trong quá trình điều tra và giải quyết vụ án hình sự. Điều tra viên có nhiệm vụ thu thập thông tin, tìm hiểu sự việc, và lấy lời khai của các bên liên quan như nghi phạm, bị can, nhân chứng và người bị hại. Điều này giúp tạo nền tảng thông tin cơ bản và chứng cứ để phân tích, xác định và làm rõ sự thật về vụ án. Trong quá trình hỏi cung, điều tra viên phải tuân theo các nguyên tắc và quy trình pháp lý để đảm bảo tính chính xác, khách quan và công bằng trong việc thu thập thông tin. Một điều tra viên chuyên nghiệp sẽ được thể hiện ở chỗ: biết tạo môi trường thuận lợi; giới hạn phạm vi câu hỏi; nắm bắt tâm lý của đối tượng;...
Trong hoạt động đối chất:
Đối chất là một phương pháp kiểm tra tính xác thực của các lời khai trong quá trình điều tra hình sự. Khi thực hiện đối chất, điều tra viên tạo điều kiện để các bên liên quan đến vụ án cùng xuất hiện vào cùng một thời điểm và tại cùng một nơi, nhưng quan trọng nhất là không cho phép các bên trao đổi thông tin hay thỏa thuận với nhau về nội dung lời khai trước khi cuộc hỏi cung diễn ra. Quá trình đối chất thường được thực hiện với sự hiện diện của ít nhất hai người liên quan đến vụ án, chẳng hạn như hai bị can hoặc một bị can và một nhân chứng. Mục tiêu của đối chất là để so sánh và kiểm tra tính nhất quán của các lời khai giữa các bên liên quan.
Trong quá trình đối chất, điều tra viên thường đặt các câu hỏi tương tự cho từng bên và chú ý đến các sự khác biệt hoặc sự giống nhau trong các câu trả lời. Điều này giúp phát hiện sự không nhất quán hoặc sự thỏa thuận về nội dung lời khai giữa các bên, và từ đó, đưa ra những đánh giá và kết luận đáng tin cậy hơn về tính xác thực của thông tin. Điều tra viên lúc này phải giữ vai trò trung lập và không có sự thiên vị đối với bất kỳ bên nào, để đảm bảo tính khách quan và công bằng trong việc đánh giá thông tin thu thập được.
Trong hoạt động nhận dạng:
Nhận dạng là xác định danh tính của các nghi phạm hoặc bị can có liên quan đến vụ án. Quá trình nhận dạng yêu cầu sự cẩn thận và tỉ mỉ, nếu có bất kỳ sơ xuất hay sai sót nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, những kỹ năng, nghiệp vụ chuyên ngành mà điều tra viên có đóng góp tích cực vào quá trình điều tra và xét xử vụ án sau này.
Điều tra viên sẽ phải thu thập và kiểm tra các thông tin và chứng cứ có sẵn về các đối tượng đồng thời xem xét các tư cách và sơ hở của từng đối tượng bao gồm tuổi tác, giới tính, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, tình hình tài chính, học vấn, công việc và mối quan hệ với các bên liên quan khác. Ngoài ra, cũng cần đặc biệt chú ý, cần tập trung vào các đặc điểm như ngoại hình, dấu vết, hình xăm, vết thương,... Những thông tin này có thể giúp xác định và phân biệt các đối tượng trong trường hợp có nhiều người tương tự như vậy.
Luật Minh Khuê cũng muốn gửi tới một bài viết khác đến quý khách hàng với nội dung:
- Các hoạt động điều tra được quy định theo Bộ luật tố tụng hình sự?
- Thẩm quyền thủ trưởng, phó thủ trưởng, điều tra viên, cán bộ điều tra khi tiến hành tố tụng?
Gặp bất cứ khó khăn pháp lý nào, quý khách đừng ngần ngại gọi ngay cho Luật sư tư vấn pháp luật hình sự: 1900.6162 hoặc gửi tin nhắn vào email: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng ./.