Mục lục bài viết
1. Hành vi đỗ xe ô tô chắn cửa, chặn cửa nhà dân của tài xế có vi phạm luật không?
Theo quy định tại Điều 18 và Điều 19 Luật giao thông đường bộ 2008 có quy định về việc người điều khiển phương tiện cần đảm bảo các quy định về dừng, đỗ xe trên đường bộ, đường phố.
Theo đó, đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian. Khi người điều khiển phương tiện muốn dừng hay đỗ xe trên đường bộ thì phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết. đồng thời cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề rộng hoặc khu đất bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi. Nếu đường đã xây dựng nơi dừng, đỗ xe thì người điều khiển phải đỗ xe đúng các vị trí đó. Không được dừng hoặc đỗ xe ở các vị trí sau: bên trái đường một chiều; trên các đoạn đường cong, dốc; trên cầu hoặc gầm cầu vượt; song song với một xe khác đang dừng, đỗ; nơi dừng của xe bus; trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; Vị trí có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;...
Ngoài ra, phải cho dừng xe, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không đường cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không được gây cản trở, nghuy hiểm cho giao thông. Trong trường hợp đường phố hẹp, phải dừng và đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét. Đặc biệt, không được đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.
Do vậy, người điều khiển phương tiện giao thông hoàn toàn có quyền đỗ xe ở những nơi không có biển cấm và không trái với các quy định của luật về nguyên tắc đỗ xe. Nên, việc đỗ xe đúng quy định thì sẽ không vi phạm luật kể cả khi đỗ xe có chắn cửa, chặn cửa của người dân.
2. Có xử phạt việc đỗ xe chắn cửa, chặn cửa trước nhà dân?
Hiện nay, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể tại điều 5 nghị định có quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với trường hợp:
+ Dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
+ Đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt báo hiệu theo quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 6 điều này và trường hợp đỗ xe tại vị trí quy định được phép đỗ xe;
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi sau:
+ Dừng, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn xe; dừng xe, đỗ xe trên dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; đỗ xe trên dốc không chèn bánh.
+ Dừng xe không sát lề đường phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường quá 0,25 m; dừng xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe bus; dừng xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; dừng xe, đỗ xe không đúng vị trí quy định; dừng và đỗ xe nơi phần đường dành cho người đi bộ qua đường.
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trong các trường hợp:
+ Đỗ xe tại vị trí nơi đường bộ giao nhau hoặc trong phạm vi 05 mét tính từ mép đường sắt; đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt;
+Đỗ xe không sát lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m;
+ Đỗ xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe bus;
+ Đỗ xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước;
+ Đỗ và để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe nơi có biển báo cấm đỗ.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trong các trường hợp sau:
+ Dừng, đỗ xe tại vị trí bên trái đường một chiều hoặc bên trái (theo hướng lưu thông) của đường đôi;
+ Dừng, đỗ xe trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị khuất;
+ Dừng, đỗ xe trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng, đỗ.
+ Dừng, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông;
Có thể thấy, trong quy định của pháp luật chỉ các trường hợp đỗ xe trên tuyến đường có biến báo cấm đỗ mới có căn cứ để tiến hành xử phạt. Còn trường hợp tài xế đỗ xe chắn cửa, chặn cửa của người dân sẽ không bị xử phạt nếu như tài xế đỗ xe đúng quy định. Chính điều này đã dẫn tới tình trạng những tài xế đã hay thường xuyên đỗ xe trước cửa nhà người dân gây ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân nhưng lại không có quy định mức phạt đối với hành vi đỗ xe chắn cửa, chặn cửa nhà dân.
Mặt khác, cần xem xét mục đích đỗ xe chắn cửa, chặn cửa nhà dân ở đây là gì. Nếu do mâu thuẫn hoặc mục đích nhằm khủng bố, cản trở hoạt động kinh doanh hoặc nhằm đe dọa thì phải xem xét để xử lý hành vi này dưới góc độ gây rối trật tự công cộng nếu không có căn cứ xử phạt vi phạm giao thông. Việc đô xe chặn cửa, chắn cửa có thể gây ra sự xung đột trực tiếp giữa các bên do vậy cần làm rõ hành vi và mục đích để có giải pháp ngăn chặn kịp thời. Xem thêm: Gây rối trật tự công cộng là gì ? Quy định về gây rối trật tự công cộng
3. Người dân nên làm gì khi có ô tô chắn, chặn cửa nhà?
Khi pháp luật chưa có quy định về mức xử phạt đối với những hành vi của tài xế đỗ xe chắn cửa, chặn cửa của người dân thì người dân cần làm gì trong tình huống này?
Hiện nay, có rất nhiều vụ việc tài xế lỡ đỗ ô tô trước cửa nhà dân, khiến cho họ bức xúc ảnh hưởng đến hoạt động sống thường ngày của chủ nhà, cản trở sự ra vào của họ. Dẫn đến tình trạng người dân đã to tiếng, có lời lẽ không hợp lý, hoặc tự ý có những hành động vẽ, sơn, đập phá, cào xước xe ô tô, gây tổn hại tinh thần, sức khỏe của chủ xe,...
Nhưng trên thực tế, người dân chỉ có quyền đối với phần đất theo ranh giới của mình, còn phần vỉa hè, lòng đường là tài sản công cộng do nhà nước quản lý. Do đó, khi tài xế đỗ chắn trước cửa thì người dân không được quyền tự ý động vào xe ô tô của người khác, đặc biệt khi hành động ở mức đập phá, làm hư hại xe... Nếu người dân thực hiện hành vi nói trên thì có thể bị xử phạt về hành vi hủy hoại tài sản, và mức phạt có thể từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Và nếu nặng hơn thì hành vi này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Vẫn biết việc đỗ xe dưới lòng đường, trước cửa nhà là biện pháp bất đắc dĩ khi người điều khiển không thể tìm được bãi đỗ xe xung quanh. Thế nhưng, tài xế cần lựa chọn vị trí đỗ để không gây ách tắc giao thông, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Nếu có, hãy để lại số điện thoại, phương thức liên lạc để hạn chế tối đa những tình huống đáng buồn khác.
Trong trường hợp người dân bị ô tô chắn ngang cửa, việc cần làm là người dân cần bình tĩnh, không nên to tiếng, hoặc có hành động vẽ hay đập xe xe ô tô chắn cửa, chặn cửa nhà. Thay vào đó, hãy nói chuyện, nhắc nhở tài xế về việc đỗ xe. Hoặc báo cho lực lượng cảnh sát giao thông đến xử lý nếu ô tô đỗ sai quy định của pháp luật.
Trong trường hợp còn băn khoăn chưa rõ về các nội dung trong bài viết, mời quý khách hàng vui lòng liên hệ về tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến: 1900 6162 hoặc gửi qua email để nhận sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.