1. Quyền riêng tư là gì?

Quyền riêng tư được coi là một phần quan trọng của quyền tự do cá nhân và sự tự chủ. Nó đảm bảo cho mỗi người quyền tự quyết về việc tiết lộ và giữ bí mật các thông tin cá nhân của mình. Quyền này cung cấp sự bảo vệ trước việc thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân mà không có sự đồng ý của người liên quan.

Trong nhiều quốc gia, quyền riêng tư được bảo vệ bằng các quy định pháp lý. Nhiều hiến pháp quốc gia, tuyên ngôn nhân quyền và luật pháp về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được thiết lập để đảm bảo quyền riêng tư của cá nhân. Tại Viết Nam, Hiến pháp năm 2013 hiện hành quy định tại khoản 1 Điều 21 quy định về quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư như sau:

“Điều 21.

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.”

Từ quy định của Hiện pháp, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình là những quyền được bảo vệ bởi pháp luật.

Tuy nhiên, quyền riêng tư không phải là một quyền tuyệt đối và có thể bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như trong trường hợp an ninh quốc gia, công lý hoặc lợi ích công chung. Trong những trường hợp này, sự can thiệp vào quyền riêng tư có thể xảy ra dưới sự giám sát và kiểm soát của pháp luật.

 

2. Đọc trộm tin nhắn, thư, email của người khác có làm sao không?

Tại Khoản 3 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

"Điều 38.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định."

Từ quy định trên cho thấy, việc xâm phạm quyền bí mật này có thể xảy ra thông qua việc đọc trộm tin nhắn, thư từ, và thông tin cá nhân khác như email, gmail... của người khác, và đây là một hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều người không nhận thức được rằng việc đọc trộm tin nhắn của người khác là vi phạm pháp luật mà họ coi việc đọc tin nhắn của người khác là một điều rất bình thường. Thậm chí, vấn đề này được diễn ra hàng giờ, hàng ngày trong đời sống của mỗi cá nhân. 

Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, chỉ cần gõ từ khoá "cách bẻ khoá điện thoại/máy tính" là hiển thị hàng trăm kết quả chào hàng bán loại dịch vụ này. Có thể hiện hiện ra cả đường link tải ứng dụng về để bẻ khoá, đọc trộm tin nhắn, thư từ,... cài đặt cho điện thoại, ipad, máy tính.

 

3. Đọc trộm tin nhắn, thư, email của người khác bị xử phạt như thế nào?

3.1. Phạt hành chính 

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt trong trường hợp vi phạm quy định về lưu trữ, cung cấp, thu thập, sử dụng thông tin....  như sau:

"Điều 102. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin....   

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:... 

o) Chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa trên mạng dưới bất kỳ hình thức nào;

p) Cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa trên mạng;

q) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;

r) Thu giữ thư, điện báo, điện tín trái pháp luật.”

Theo quy định trên, nếu người nào chiếm đoạt, cố ý lấy thông tin, nội dung thư của người khác để lan truyền trên mạng, thu giữ thư, điện báo điện tín trái pháp luật có thể bị phạt tiền đến 20.000.000 đồng. 

Đồng thời tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình tại khoản 2 Điều 54 như sau:

"2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

b) Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;

c) Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.''

Vậy, nếu bất cứ cá nhân nào, kể cả bạn bè, người thân tự ý đọc tin nhắn của chủ tin nhắn, chưa có sự cho phép của họ đã lan truyền thông tin đời tư cho người khác với mục đích chế giễu, xúc phạm. Thậm chí đăng tải thông tin, hình ảnh trên các trang mạng xã hội để nhục mạ, chửi mắng quá đáng xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Những hành vi này có thể bị phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng, đồng thời có thể áp dụng biện pháp khắc phục như:

- Buộc yêu cầu xin lỗi công khai nếu nạn nhân có yêu cầu;

- Buộc thu hồi tài liệu, bài viết, hình ảnh,... nếu đăng tin, phát tán thông tin cá nhân của nạn nhân.

Do đó, để tuân thủ pháp luật và tôn trọng quyền riêng tư của người khác, chúng ta nên tránh việc đọc trộm tin nhắn của người khác mà không có sự đồng ý của họ. Nếu bạn có nhu cầu truy cập thông tin của người khác, hãy luôn tuân thủ quy định pháp luật và tìm cách hợp pháp để thu thập thông tin đó.

 

3.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Để đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người trộm đọc tin nhắn, thư từ,... kẻ đó có hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Hành vi này có thể bao gồm việc truy cập, thu thập, tiết lộ, sử dụng hoặc biến đổi thông tin riêng tư của người khác mà không có sự cho phép của họ. Mục đích của những hành vi vi phạm có thể liên quan đến việc thu thập thông tin nhạy cảm, lợi ích cá nhân hoặc tổ chức, gây thiệt hại đến người bị xâm phạm hoặc trục lợi tài chính.

Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác. Người nào có hành vi xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện thoại,... hoặc các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác mà trước đây họ từng bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị phạt như sau:

- Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Nếu người thực hiện hiện hành vi xâm phạm quyền riêng tư mà có thêm hành vi dưới đây thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

- Phạm tội có tổ chức;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để xâm phạm thư tín, điện thoại,...;

- phạm tội 02 lần trở lên hoặc khiến nạn nhân tự sát.

- Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác 

Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Khách hàng có thể tham khảo thêm bài viết: Quấy rối người khác qua tin nhắn có bị xử phạt? của Luật Minh Khuê.

Công ty Luật Minh Khuê mong muốn gửi đến quý khách hàng những thông tin tư vấn hữu ích. Nếu quý khách hàng đang gặp phải bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, hãy liên hệ với Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.6162. Hoặc quý khách hàng gửi yêu cầu chi tiết qua email: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng!