Mục lục bài viết
Căn cứ pháp lý:
- Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR)
- Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR);
- Hiến pháp Việt Nam năm 2013
- Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015;
- Bộ Luật Hình sự Việt Nam 2015;
- Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam 2010;
- Luật An toàn thông tin mạng Việt Nam 2018;
- Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.
1. Quyền được bảo vệ đời tư là gì?
Quyền được bảo vệ đời tư (right to privacy) hoặc Quyền riêng tư, trước hết được đề cập trong Điều 12 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR): "không ai phải chịu sự can thiệp một cách tuỳ tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy." Quyền bảo vệ đời tư được nhắc đến từ khá lâu. Trong hiến pháp quốc gia của trên 150 nước đề cập tới quyền này.
Ở Việt Nam Quyền bảo vệ đời tư được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, tuy nhiên trên thực tế vẫn chưa có cơ chế pháp lý đặc thù và phù hợp để xử lý.
2. Quy định của pháp luật quốc tế về quyền riêng tư
Quyền được bảo vệ đời tư được tái khẳng định trong Điều 17 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), trong đó nêu rằng: Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.
Điều 17 nhằm ngăn chặn những hành vi xâm phạm tùy tiện và bất hợp pháp vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, danh dự, uy tín của mọi người mà có thể do các quan chức nhà nước hay do các thể nhân và pháp nhân khác gây ra (đoạn 1). Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ ngăn chặn cả các quan chức nhà nước và các thể nhân hay pháp nhân khác có những hành động xâm phạm tùy tiện và bất hợp pháp như vậy (đoạn 9).
Những can thiệp hợp pháp vào đời tư phải được quy định trong pháp luật, và phải phù hợp với các quy định khác của ICCPR (đoạn 3).
Bình luận chung số 16 thông qua tại phiên họp lần thứ 31 năm 1988 của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc có làm rõ một số khía cạnh của Quyền này.
Vì sự an toàn của tất cả mọi người trong xã hội, quyền về sự riêng tư không phải là quyền tuyệt đối. Tuy nhiên, các quốc gia chỉ nên thu thập thông tin về đời tư nếu như những thông tin đó là thiết yếu để bảo đảm lợi ích chung của xã hội như được thừa nhận trong ICCPR.
Theo quy định ở Điều 17, tính toàn vẹn và bảo mật của thư tín phải được bảo đảm cả về mặt pháp lý và thực tế. Thư từ phải được giao tận tay người nhận mà không bị chặn lại, mở ra hay nói cách khác là xem trước. Việc theo dõi, bất kể bằng biện pháp điện tử hay các biện pháp khác, ví dụ như nghe trộm điện thoại, điện tín...đều bị nghiêm cấm. Việc lục soát nhà cửa phải bị giới hạn chỉ được sử dụng trong trường hợp để tìm chứng cứ cần thiết và không được phép gây phiền nhiễu cho chủ nhà.
Việc khám xét thân thể phải theo cách thức phù hợp để bảo đảm nhân phẩm của người bị khám xét; người khám xét phải cùng giới tính với người bị khám xét (đoạn 8).
Theo đoạn 10, việc thu thập và lưu giữ các thông tin cá nhân trong máy tính, các ngân hàng dữ liệu và các thiết bị khác, cho dù là bởi các quan chức nhà nước hay các thể nhân, pháp nhân khác, đều phải được quy định trong pháp luật. Nhà nước phải có những biện pháp hiệu quả để bảo đảm rằng những thông tin cá nhân đó không rơi vào tay những người không được pháp luật cho phép và không bị sử dụng vào các mục đích trái với Công ước. Để bảo đảm bảo vệ đời tư một cách hiệu quả, mỗi cá nhân cần có quyền được biết liệu thông tin cá nhân của mình có bị thu thập, lưu giữ bởi chủ thể nào không và nếu có, thì ở đâu, nhằm mục đích gì, chủ thể quản lý thông tin cá nhân của mình là ai? Thêm vào đó, mỗi cá nhân cũng cần có quyền yêu cầu sửa chữa hoặc xóa bỏ thông tin cá nhân của mình nếu thông tin đang được lưu trữ không chính xác, hoặc bị thu thập hay lưu trữ một cách trái pháp luật.
Luật bảo vệ quyền riêng tư
- Luật bảo vệ quyền riêng tư (Privacy law):
- Luật riêng tư về y tế (Health privacy laws)
- Luật riêng tư về tài chính (Financial privacy laws)
- Luật riêng tư trên Internet (Online privacy laws)
- Luật riêng tư trong giao tiếp (Communication privacy laws)
- Luật riêng tư thông tin (Information privacy laws)
- Bảo vệ riêng tư tại nhà (Privacy in one's home)
3. Nội dung chủ yếu của quyền riêng tư
Về nội hàm của quyền riêng tư, năm 2004 Tổ chức Bảo mật quốc tế và Trung tâm Bảo mật thông tin điện tử đã công bố báo cáo nghiên cứu với tiêu đề “Sự riêng tư và nhân quyền”, khái quát hóa sự phát triển của pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư ở 50 quốc gia. Theo đó, quyền riêng tư được nhận thức bao gồm 4 nội dung chủ yếu như sau:
Một là, sự riêng tư về thông tin cá nhân: bao gồm việc ban hành các quy tắc quản lý trong việc thu thập và xử lý các dữ liệu cá nhân như thông tin tín dụng, hồ sơ y tế và các hồ sơ của chính quyền lưu trữ về công dân đó. Nó còn được gọi là “bảo vệ dữ liệu”.
Hai là, sự riêng tư về cơ thể: liên quan đến việc bảo vệ thân thể (vật chất) của người dân đối với hình thức xâm hại như xét nghiệm di truyền, thử nghiệm ma túy và thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể.
Ba là, sự riêng tư về thông tin liên lạc: bao gồm bảo mật và riêng tư về thư từ, bưu phẩm, điện thoại, thư điện tử và các hình thức truyền thông khác.
Bốn là, sự riêng tư về nơi cư trú: liên quan đến việc ban hành các giới hạn đối với sự xâm nhập vào môi trường sống của cá nhân, nơi làm việc hoặc không gian công cộng. Điều này bao gồm tìm kiếm thông tin, theo dõi bằng video và kiểm tra giấy tờ tùy thân.
Cùng với quá trình phát triển nhận thức về quyền riêng tư, các văn kiện pháp lý quốc tế có liên quan còn cho thấy có khái niệm “quyền được bảo vệ bí mật dữ liệu cá nhân”, là khái niệm gần gũi nhất với khái niệm “quyền riêng tư” nhưng có một số khía cạnh khác biệt, theo đó “quyền được bảo vệ bí mật dữ liệu cá nhân” được hiểu là: (i) Quyền được sở hữu các thông tin cá nhân, yêu cầu chủ thể nắm giữ thông tin chỉnh sửa thông tin cá nhân nhằm bảo đảm tính toàn vẹn, chính xác của thông tin cá nhân của mình. (ii) Quyền cho phép bên thứ ba tiếp cận thông tin cá nhân của mình. (iii) Quyền yêu cầu nhà nước, các tổ chức hoặc chủ thể khác có liên quan có các biện pháp bảo đảm tính bí mật của thông tin, ví dụ như vô danh hóa thông tin cá nhân,… (iv) Quyền yêu cầu chủ thể nắm giữ thông tin bồi thường khi có hành vi xâm phạm thông tin trái pháp luật, gây thiệt hại cho cá nhân.
4. Pháp luật về quyền riêng tư ở Việt Nam
Hiện nay, nước ta chưa có đạo luật riêng về vấn đề này. Tuy nhiên, Việt Nam đã công nhận và bảo hộ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong các văn bản quy phạm pháp luật như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và pháp luật chuyên ngành. Cụ thể, tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn; Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật... Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình...
Trong pháp luật hình sự, tại Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 triệu đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm: Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào; Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác…
Trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005, tại khoản 2 Điều 46 có quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Và tại Điều 16 của Luật An toàn thông tin mạng có quy định nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng như sau: Cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng…
5. Bảo vệ quyền riêng tư theo Luật An toàn thông tin mạng Việt Nam 2018
Từ những viện dẫn nêu trên cho thấy, đến nay nước ta đã xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ và hoàn thiện về việc bảo vệ quyền bí mật đời tư. Tuy nhiên, pháp luật về bảo vệ quyền bí mật đời tư còn một số điểm hạn chế cần được khắc phục bằng một đạo luật riêng.
Thứ nhất là định nghĩa về thông tin cá nhân thuộc phạm trù bí mật còn chưa thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Ví dụ như trong Luật An toàn thông tin mạng quy định “Thông tin cá nhân là thông tin gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể”. Tuy nhiên, ở Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử lại quy định: “Thông tin cá nhân là các thông tin góp phần định danh một cá nhân cụ thể, bao gồm tên, tuổi, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại, thông tin y tế, số tài khoản cá nhân...”. Như vậy, định nghĩa về thông tin cá nhân ở Luật An toàn thông tin mạng ngắn gọn, trong khi ở Nghị định số 52/2013/NĐ-CP lại quy định cụ thể, chi tiết.
Thứ hai, trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành đã sử dụng cụm từ “thông tin của người tiêu dùng” để hàm chứa thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Thế nhưng, ở Luật An toàn thông tin mạng và Nghị định số 52/2013/NĐ-CP lại dùng cụm từ thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành trong lĩnh vực an ninh mạng mới tập trung điều chỉnh việc bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường, mà chưa có quy định cụ thể về bảo vệ thông tin cá nhân trong môi trường truyền thống. Điều này tạo ra kẽ hở giữa các quy phạp pháp luật điều chỉnh không gian thực và không gian ảo, không phù hợp với thực tiễn của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.
Thứ ba, các quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân hiện hành chưa bắt kịp thực tiễn sử dụng các dữ liệu cá nhân như dữ liệu về hình ảnh cá nhân (công nghệ nhận diện khuôn mặt), các dữ liệu sinh trắc (vân tay, mắt…). Đồng thời, các văn bản pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân chưa dự liệu tới những tình huống thực tế trong thu thập, xử lý thông tin cá nhân. Ví dụ như: Việc thu thập và xử lý thông tin cá nhân là trẻ em cần lấy ý kiến đồng ý của những ai, việc chuyển thông tin cá nhân xuyên biên giới cần được kiểm soát như thế nào, việc vô danh hóa thông tin cá nhân để sử dụng phải chịu những ràng buộc pháp lý như thế nào… Và đặc biệt, hiện chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với chủ thể có hành vi sai trái trong thu thập và sử dụng thông tin cá nhân.
Thứ tư, trong Bộ luật Hình sự hiện nay mới chỉ có một số quy định bước đầu về tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” (Điều 159) và tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” (Điều 288). Thế nhưng, nội dung của 2 tội danh này chưa quy định cụ thể, trực tiếp về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới thông tin cá nhân đang diễn ra hiện nay.
Từ thực tế cuộc sống và những viện dẫn nêu trên cho thấy, quyền bí mật cá nhân là một trong những quyền cơ bản của công dân, được Nhà nước bảo hộ bằng các quy định cụ thể trong các văn bản quy phạp pháp luật từ Hiến pháp đến các đạo luật chuyên ngành và nhiều nghị định của Chính phủ. Do nội hàm của một vấn đề nhưng lại được quy định riêng lẻ trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nên đã dẫn tới những kẽ hở, độ vênh và khó cho việc thực thi. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đã đến lúc cần xây dựng đạo luật riêng về quyền bí mật cá nhân, bí mật gia đình, trong đó cũng cần quy định cụ thể trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và Nhà nước trong việc bảo đảm thực thi quyền này.
Bài viết tham khảo:
1. Nhận thức pháp lý về quyền riêng tư; PGS. TS. LS. Chu Hồng Thanh (Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam)
2. Luật về quyền riêng tư – Báo điện tử Bình Phước
3. Quyền được bảo vệ đời tư - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia