Mục lục bài viết
1. Quy định chung về rào cản thương mại
Từ nay cho tới cuối năm và những tháng đầu năm 2010, nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ áp dụng những quy định mới mà nếu doanh nghiệp không kịp thời cập nhật thì nguy cơ bị mất đơn hàng, thậm chí bị phạt là rất lớn.
1.1. Nhiều quy định mới
Đi kèm với lô hàng trên 2 triệu sản phẩm thớt vừa xuất sang Đức của Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành (TP.HCM) là bản cam kết của nhà sản xuất không sử dụng các loại hóa chất độc hại theo tiêu chuẩn REACH. Đây là quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) về hóa chất và sử dụng an toàn hóa chất, gồm các nội dung đăng ký, xem xét, cấp phép và hạn chế với hóa chất. Theo đó, không chỉ riêng công ty Đức Thành, mà các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đều phải đăng ký hoặc cam kết các loại hóa chất trong nguyên liệu sử dụng là gỗ, vecni, sơn, keo... có độc hại hay không, cũng như tỉ lệ/nồng độ các loại hóa chất này được phép là bao nhiêu để đối tác đăng ký với cơ quan quản lý tại nước sở tại nhằm dễ kiểm soát. Nếu doanh nghiệp không cung cấp, hàng xuất qua có thể bị trả về.
Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng đang gặp khó bởi Luật IUU (Illegal, unreported and unregulated fishing - những quy định về hạn chế các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp không có báo cáo và không theo quy định), được EU áp dụng từ ngày 1/1/2010. Quy định này yêu cầu tất cả các lô hàng hải sản khai thác phải có chứng nhận tên tàu khai thác, vùng biển khai thác..., nếu thiếu sẽ không được phép xuất vào EU. Đây là yêu cầu khó đáp ứng được trong thời gian còn lại của năm 2009 khi EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Các chuyên gia thương mại nhận định, chính sách này có thể trở thành một hàng rào phi thuế quan đối với thủy sản Việt Nam.
>> Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số: 0986.386.648
Vấn đề của chúng ta là cần phải nhanh chóng tổ chức lại sản xuất và kinh doanh theo yêu cầu của nước nhập khẩu
Mặt hàng hoa quả cũng bị “siết” khi Chính phủ Indonesia vừa ra một quy định mới áp dụng từ ngày 18/8/2009, yêu cầu các nhà xuất khẩu trái cây, rau quả sang Indonesia phải có giấy chứng nhận phân tích an toàn vệ sinh thực phẩm (CoA) do cơ quan kiểm dịch cấp.
Mỹ cũng ban hành đạo luật cải tiến an toàn sản phẩm tiêu dùng (CPSIA) có hiệu lực từ 10/2/2010 áp dụng đối với ngành dệt may, trong đó danh mục các sản phẩm bị hạn chế nhập khẩu ngày một dài ra. Thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng đòi hỏi khá nghiêm ngặt đối với hàng hóa nhập khẩu.
1.2. Nguy cơ bị kiện
Cảnh báo của Bộ Công Thương cho biết, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang tiềm ẩn nguy cơ bị kiện bán phá giá, chống trợ cấp. Bởi hiện hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang mang tính tập trung quá lớn về mặt thị trường. 7 thị trường xuất khẩu tập trung của hàng hóa Việt Nam gồm Hoa Kỳ, Nhật, Trung Quốc, Úc, Singapore, Đức và Anh. Việt Nam đang tập trung xuất khẩu vào 9 mặt hàng được đánh giá là chủ lực, có tốc độ tăng trưởng nhanh và chiếm gần đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Việt Nam đứng thứ 39/260 nước có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu của Việt Nam rất cao (tới 20%/năm), trong khi tốc độ tăng trưởng bình quân trên thế giới khoảng 6% - 8%/năm. Tiếp đó, những yếu tố khiến các nhà sản xuất Việt Nam dễ rơi vào các vụ kiện phá giá là hoạt động sản xuất gia công và xuất khẩu hàng nguyên liệu nông sản thô, ít qua chế biến, còn chiếm tỉ trọng cao, dẫn tới giá cả hàng hóa rẻ hơn . 20% trên năm là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân của VN những năm gần đây
Việt Nam cũng mất cân đối về cán cân thương mại ở các thị trường xuất khẩu chủ lực: tại thị trường Hoa Kỳ Việt Nam đang xuất khẩu lớn gấp 8 lần so với nhập khẩu; tại thị trường Đức và Anh, Việt Nam đang xuất vào gấp 2 lần; tại thị trường Úc, Việt Nam cũng xuất khẩu nhiều gấp 5 lần so với nhập. Do vậy, tính đến tháng 7/2009, Việt Nam đã bị kiện 39 vụ. Việt Nam đang nằm ở trong danh sách 100 nước phải đối mặt với kiện bán phá giá.
1.3. Phải tìm cách thích ứng
Thực tế các hàng rào thương mại do các nước dựng lên đều hết sức ngặt nghèo với mục đích hạn chế nhập khẩu và áp dụng cho các nước trên toàn thế giới. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không còn cách nào khác là phải chấp nhận. Bộ Công Thương cho rằng, vấn đề của chúng ta là cần phải nhanh chóng tổ chức lại sản xuất và kinh doanh theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Để chủ động, điều đầu tiên là doanh nghiệp cần phải nắm thật kỹ các quy định và phải tuân thủ nghiêm ngặt. Thực tế, hiện nay các doanh nghiệp chỉ biết và thực hiện các quy định mới khi đối tác yêu cầu mà không có một đầu mối quản lý một cách hệ thống và cập nhật các yêu cầu mang tính quy chuẩn tại các thị trường nhập khẩu.
Chẳng hạn, liên quan tới gần 200 hóa chất bị cấm nhập và sử dụng trong ngành dệt may và da giày, việc thực hiện đăng ký hóa chất đang gây lúng túng rất lớn cho các doanh nghiệp do việc tìm hiểu các quy định và thủ tục cụ thể rất khó, bởi các doanh nghiệp không biết cách xác định hóa chất trong sản phẩm của mình như thế nào mới đúng.
Đối với các vụ kiện, các doanh nghiệp cần tìm hiểu lý do vì sao bị kiện. Đồng thời, cần có những biện pháp phòng tránh để khỏi vướng vào các vụ kiện và cách thức giải quyết tốt nếu vụ kiện xảy ra. Kinh nghiệm giải quyết các vụ kiện đã qua cho thấy, doanh nghiệp cần tham gia tích cực vào quá trình điều tra của vụ kiện, sự hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, thậm chí giảm thiểu thiệt hại. Sự chủ động còn thể hiện ở việc làm minh bạch, rõ ràng sổ sách từ khâu thu mua nguyên liệu đến khâu xuất.
Một giải pháp khác khá quan trọng đó là điều tiết thị trường. Tuy nhiên, việc này phải do cơ quan quản lý chức năng thực hiện bởi thông tin về tình hình của thị trường đó chỉ có cơ quan ban ngành mới có thể tiếp cận. Cơ quan quản lý cần sớm có cảnh báo cho doanh nghiệp về việc mặt hàng nào đó quá tập trung vào thị trường, có sự tăng trưởng nóng… để điều tiết xuất khẩu.
2. Vượt rào cản thương mại bằng cách nào?
Khó khăn và thách thức mà các rào cản thương mại, các vụ kiện chống bán phá giá nhiều khi là rất bất công và gây nên những tổn thất mà DN Việt Nam phải gánh chịu. Làm thế nào để DN có thể giảm thiểu được những thiệt hại do rào cản thương mại gây ra: muốn vậy, các DN phải thường xuyên thu thập thông tin về thị trường, đối phó với khó khăn và tăng cường liên kết với các đối tác cùng với sự hỗ trợ của các hiệp hội sản xuất kinh doanh và cơ quan Nhà nước.
Rào cản thương mại là những rào cản kỹ thuật do các nước nhập khẩu thiết lập nên nhằm bảo vệ sản xuất trong nước; trong đó qui định các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì và các quy định về hóa chất bị cấm trong các sản phẩm thực phẩm. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu mà các rào cản thương mại lại càng gia tăng do các nước đều muốn đưa ra các giải pháp để ngăn chặn hàng hoá nhập khẩu và bảo hộ sản xuất trong nước. Vì thế, các DN và hiệp hội của nước ta nên nắm bắt những thay đổi và biến động về rào cản thương mại nhằm bảo vệ sản xuất của mình. Ví dụ, thuế suất nhập khẩu thực ra sẽ thấp nếu không có luật chống bán phá giá nhưng các DN sẽ phải chịu một mức thuế suất nhập khẩu cao hơn nhiều nếu thuế chống bán phá giá được áp đặt. Để đối phó với rào cản thương mại, DN Việt Nam cần nắm rõ các qui định của pháp luật cũng như các tiêu chuẩn và quy định về thị trường ở các nước xuất khẩu và sử dụng dịch vụ pháp lý (nếu cần) nhằm bảo vệ mình. Trong thực tế, nhiều DN Việt Nam chưa quen với luật pháp quốc tế, đặc biệt là các hiệp định thương mại đa phương và song phương để từ đó biết “tận dụng” những “ưu thế” của rào cản thương mại.
Để ứng phó với những thách thức này, các chuyên gia nhấn mạnh, khi định triển khai hoạt động kinh doanh với đối tác nước ngoài, các DN nên tập trung nghiên cứu kỹ các Hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương. Đặc biệt, tránh trường hợp như trước đây để đến khi có sự vụ xảy ra mới cần tư vấn của luật sư, các DN phải nhạy bén hơn, phải sử dụng tư vấn pháp lý ngay từ khâu chuẩn bị đàm phán, trong đàm phán, cho đến khâu ký kết hợp đồng, kể cả khi có tranh chấp thương mại. Ngoài ra, nên tận dụng tối đa, kịp thời những cơ hội, lợi thế và hạn chế những thách thức tiềm ẩn, ví dụ như rủi ro thay đổi chính sách, các biện pháp bảo hộ của nước có đối tác. DN Việt Nam cần thiết phải xây dựng tính cộng đồng cao hơn nữa, biết bảo vệ nhau để tự bảo vệ lợi ích của mình khi tham gia xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Thực tế cho thấy, mặc dù đã tham gia hội nhập sâu rộng nhưng các DN Việt Nam vẫn giữ đặc điểm không mấy thiện cảm đó là “mạnh ai nấy làm” thiếu tinh thần đoàn kết để tạo sức mạnh. Khi tự canh tranh với nhau để xuất khẩu vào thị trường nào đấy thì rất nhiều DN cùng chen nhau bằng mọi cách phải vào bằng được thị trường đó.
Cơ quan nhà nước ở nước ngoài cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các DN Việt Nam. Ông Trần Hữu Huỳnh, Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, để giảm thiểu rủi ro xảy ra trong giao dịch thương mại quốc tế cần có hệ thống cảnh báo sớm cho các bên liên quan. Điều này sẽ giúp DN và hiệp hội tiếp cận thông tin thị trường; mở rộng thị trường của họ ở nước ngoài. Thị trường mà DN có khả năng phải đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá cũng cần được vận động.
Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng và kinh nghiệm đối phó với rào cản thương mại của một số nước trên thế giới, nhiều chuyên gia đã rút ra 8 bài học quan trọng giúp các DN Việt Nam đối phó với các vụ kiện bán phá giá:
- Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong điều tiết xuất khẩu thông qua các công cụ thuế xuất khẩu; hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu… để tạo cơ cấu xuất khẩu hợp lý, giảm thiểu các vụ kiện chống bán phá giá ở nước nhập khẩu.
- Nhà nước xuất khẩu (nước bị kiện) không can thiệp trực tiếp vào các vụ kiện mà chỉ gián tiếp cung cấp thông tin về thị trường, về nguy cơ bị kiện chống bán phá giá hoặc thông tin qua con đường ngoại giao để gây sức ép với nước nhập khẩu.
- Nâng cao vai trò của hiệp hội ngành hàng xuất khẩu trong điều tiết xuất khẩu ngành hàng, trong tập hợp các DN đoàn kết tham gia tích cực vào các vụ kiện, phổ biến kinh nghiệm và tổ chức huấn luyện đào tạo các DN đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá.
- Cần khởi kiện (đóng vai trò là nguyên đơn) khi có hiện tượng bán phá giá vừa để bảo hộ thị trường nội địa, vừa trả đũa, tự vệ, đảm bảo sự công bằng trong thương mại quốc tế.
- Khi bị khởi kiện, DN phải tích cực ngay từ đầu tham gia “hầu kiện” để bảo vệ quyền lợi của mình.
- Minh bạch hồ sơ, thu thập đầy đủ các chứng từ hạch toán chi phí kinh doanh của mình phù hợp với chuẩn mực kế toán và kiểm toán quốc tế.
- Kích thích phát triển các công ty luật có khả năng bảo vệ các DN trước các vụ kiện bán phá giá; khuyến khích sử dụng dịch vụ tư vấn luật.
- Nâng cao trình độ của các luật sư, của những nhà quản trị xuất khẩu về kiến thức đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá (cả khi DN là bị đơn, lẫn khi là nguyên đơn).
THAM KHẢO DỊCH VỤ LIÊN QUAN:
1. Dịch vụ tư vấn sở hữu trí tuệ;
2. Tư vấn đăng ký mã số, mã vạch;
3. Dịch vụ đăng ký bản quyền tác giả;
4. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Hoa Kỳ;
5. Tư vấn thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
6. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại EU;
7. Dịch vụ tư vấn bảo hộ thương hiệu doanh nghiệp;