Mục lục bài viết
1. Cơ sở pháp lý
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010
Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012
Nghị định 40/2012/NĐ-CP
Nghị định 88/2019/NĐ-CP
Thông tư 25/2013/TT-NHNN
2. Thu đổi, tiêu hủy tiền khi nào?
Căn cứ quy định tại Điều 19 về “Xử lý tiền rách nát, hư hỏng” và Điều 20 về “Thu hồi, thay thế tiền”, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, pháp luật quy định về việc thu đổi, tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông và thay thế tiền đưa vào lưu thông như sau:
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước quy định tiêu chuẩn phân loại tiền rách nát, hư hỏng; đổi, thu hồi các loại tiền rách nát, hư hỏng do quá trình lưu thông; không đổi những đồng tiền rách nát, hư hỏng do hành vi huỷ hoại;
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước thu hồi và rút khỏi lưu thông các loại tiền không còn thích hợp và phát hành các loại tiền khác thay thế. Các loại tiền thu hồi được đổi lấy các loại tiền khác với giá trị tương đương trong thời hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định. Sau thời hạn thu hồi, các loại tiền thuộc diện thu hồi không còn giá trị lưu hành.
Loại tiền không còn giá trị lưu hành không phải do đổi tiền phát hành mới cũng được đình chỉ lưu hành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Điều 20 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam).
Thứ ba, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông và tiền đình chỉ lưu hành được tiêu hủy. Từ năm 2013 trở đi, Hội đồng giám sát tiêu hủy tiền không có sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính và Bộ Công an như trước kia. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện nghiệp vụ in, đúc và tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước (Điều 22 Nghị định 40/2012/NĐ-CP)
3. Tiền không đủ điều kiện lưu thông là gì?
Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định 40/2012/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 3, Điều 4 Thông tư 25/2013/TT-NHNN thì tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông là các loại tiền giấy (tiền cotton và tiền polymer), tiền kim loại, đang lưu hành nhưng bị rách nát, hư hỏng hay biến dạng như sau:
Thứ nhất, tiền rách nát, hư hỏng do quá trình lưu thông (nhóm nguyên nhân khách quan), gồm tiền giấy bị thay đổi màu sắc, mờ nhạt hình ảnh hoa văn, chữ, số; nhàu, nát, nhòe, bẩn, cũ; rách rời hay liền mảnh được can dán lại nhưng còn nguyên tờ tiền; tiền kim loại bị mòn, han gỉ, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, hoa văn, chữ, số và lớp mạ trên đồng tiền;
Thứ hai, tiền rách nát, hư hỏng do quá trình bảo quản (nhóm nguyên nhân chủ quan), gồm tiền giấy bị thủng lỗ, rách mất một phần; tiền được can dán; cháy hoặc biến dạng do tiếp xúc với nguồn nhiệt cao; giấy in, màu sắc, đặc điểm kỹ thuật bảo an của đồng tiền bị biến đổi do tác động của hóa chất (như chất tẩy rửa, axít, chất ăn mòn...); viết, vẽ, tẩy xóa; đồng tiền bị mục hoặc biến dạng bởi các lý do khác nhưng không do hành vi hủy hoại; tiền kim loại bị cong, vênh, thay đổi định dạng, hình ảnh thiết kế do tác động của ngoại lực hoặc nhiệt độ cao; bị ăn mòn do tiếp xúc với hóa chất;
Thứ ba, tiền bị lỗi kỹ thuật do quá trình in, đúc của nhà sản xuất như giấy in bị gấp nếp làm mất hình ảnh hoặc mất màu in, lấm bẩn mực in và các lỗi khác trong khâu in, đúc.
Đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông thuộc trường hợp thứ nhất và thứ ba nêu trên, Ngân hàng Nhà nước và đơn vị thu đổi có trách nhiệm thực hiện việc thu, đổi ngay cho khách hàng có nhu cầu, không hạn chế số lượng, không yêu cầu thủ tục giấy tờ. Đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông thuộc trường hợp thứ hai nêu trên thì Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước (gọi tắt là đơn vị thu đổi) tiến hành thu đổi trong 2 trường hợp, tiền rách nát, hư hỏng không phải do hành vi hủy hoại và trường hợp tờ tiền bị cháy, thủng, rách mất một phần thì diện tích còn lại tối thiểu phải bằng 60% so với diện tích tờ tiền cùng loại; nếu được can dán thì phải có diện tích tối thiểu bằng 90% so với diện tích tờ tiền cùng loại và bảo đảm nguyên gốc, nguyên bố cục một tờ tiền (mặt trước, mặt sau; trên, dưới; bên phải, bên trái), đồng thời nhận biết được các yếu tố bảo an. Đối với tiền polymer bị cháy hoặc biến dạng co nhỏ lại do tiếp xúc với nguồn nhiệt cao, thì diện tích còn lại tối thiểu phải bằng 30% so với diện tích tờ tiền cùng loại và còn giữ nguyên bố cục một tờ tiền, đồng thời nhận biết được ít nhất 2 trong các yếu tố bảo an như: yếu tố hình ẩn trong cửa sổ nhỏ, mực không màu phát quang, phát quang hàng số sêri, dây bảo hiểm, yếu tố iriodin, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu không đủ điều kiện được đổi, Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thu đổi trả lại cho khách hàng và thông báo lý do.
Trường hợp phát hiện tiền hư hỏng, biến dạng nghi do hành vi hủy hoại, Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thu đổi lập biên bản, tạm thu giữ hiện vật và chuyển ngay đến cơ quan Công an cấp xã hoặc huyện trên địa bàn để điều tra, giám định. Kết luận của cơ quan Công an là cơ sở để các đơn vị thực hiện đổi cho khách hàng hoặc xử lý hiện vật theo quy định của pháp luật (Điều 6 Thông tư 25/2013/TT-NHNN)
Việc không niêm yết công khai tại nơi giao dịch quy định thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông; từ chối đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông; không thực hiện đúng quy định về đóng gói, niêm phong, giao nhận, bảo quản, vận chuyển, kiểm kê tiền mặt; thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5 - 40 triệu đồng, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm (Khoản 1,2,5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP)
4. Đổi tiền lẻ, tiền mới
Pháp luật hiện hành chỉ có quy định về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và tổ chức liên quan trong việc đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, mà không có quy định về việc đổi tiền mới. Vì đồng tiền cũ hay mới nếu vẫn đủ tiêu chuẩn lưu thông thì đều có giá trị lưu hành như nhau và không thuộc trường hợp bắt buộc phải đổi.
Riêng đối với tiền lẻ, thì việc phát hành và lưu thông đồng tiền phải bảo đảm cân đối các loại mệnh giá phục vụ cho nhu cầu thanh toán. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ đã có những văn bản đề cập việc cung ứng tiền mệnh giá nhỏ như sau:
Thứ nhất, “Ngân hàng Trung ương cũng sẽ cung ứng các loại tiền thích hợp cho địa phương (kể cả các loại tiền mới có mệnh giá nhỏ)”. “Tại các trọng điểm dân cư, bến tàu, bến xe... nếu xét thấy cần thiết, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cần tổ chức bàn, quầy đổi tiền lưu động, nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu tiền nhỏ trong lưu thông” (Điều 19, 20 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010 và Mục 2,4 Chỉ thị số 07-CT/NH6).
Thứ hai, danh mục thiết bị, máy móc chuyên ngành ngân hàng quản lý xuất nhập khẩu cũng đã từng quy định có “máy đổi tiền tự động (đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ)”.
Thứ ba, các tổ chức tín dụng phải “bảo đảm trong kho, quỹ, quầy giao dịch của tổ chức tín dụng (kể cả các chi nhánh) phải thường xuyên có đầy đủ các loại mệnh giá, đặc biệt là các loại tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trỏ xuống để đáp ứng nhu cầu cơ cấu tiền mặt cho nền kinh tế;
Thứ tư, “Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thường xuyên nắm tình hình lưu thông tiền tệ trên địa bàn, chủ động đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ kể cả tiền giấy và tiền kim loại (không nhất thiết phải chi hết tiền kim loại mới chi tiền giấy) cho các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước.
Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương “tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết” (Mục 9 Chỉ thị số 34/CT-TTg).
Thực tế vào dịp tết các năm 2019 và 2020, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo không in ấn và phát hành thêm tiền mệnh giá nhỏ (từ 100 - 5.000 đồng) vì không cần thiết và tốn kém nhiều chi phí.
Việc đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ, đổi tiền cũ lấy tiền mới, đổi tiền xấu lấy tiền đẹp (kể cả số đẹp) hoặc ngược lại bên ngoài hệ thông Ngân hàng, Kho bạc là quan hệ dân sự, không phải là hoạt động đổi tiền theo Luật Phòng, chống rửa tiền (Điểm m khoản 3 Điều 4 Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012) hay đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cũng không phải là một dịch vụ bị cấm hay hoạt động kinh doanh có điều kiện.
Có một số chỉ thị, công văn đề cập việc đổi tiền lẻ, với nội dung như: kịp thời xử lý vi phạm đối với “dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật”; “nghiêm cấm hoạt động đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch, đặc biệt là trong khuôn viên di tích và lễ hội” hay “không đổi tiền lẻ tại di tích, lễ hội trái với quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, tất cả đều không phải là văn bản quy phạm pháp luật và yêu cầu đó chỉ có giá trị trong hệ thông Ngân hàng, chứ không có cơ sở pháp lý đối với hoạt động dịch vụ đổi tiền bên ngoài, vì chưa có quy định nào của pháp luật cấm hay quy định về việc đổi tiền cũ lấy tiền mới hay đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ và ngược lại giữa các cá nhân và pháp nhân.
Đối với việc “khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn” là một trong các trường hợp có dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng. Khi đó các tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
5. Xử phạt vi phạm hành chính khi đổi tiền không đúng quy định pháp luật
Việc xử phạt vi phạm hành chính từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi “thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật” (khoản 3.h Điều 22 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 và Điều 30.5 Nghị định 88/2019/NĐ-CP) là áp dụng đối với việc đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, mà không áp dụng đối với việc đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ hoặc đổi tiền cũ lấy tiền mới ở bên ngoài. Cụ thể, quy định đổi tiền chỉ áp dụng với ba nhóm đối tượng là: Ngân hàng Nhà nước; tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước; khách hàng là tổ chức, cá nhân giao dịch tiền mặt hoặc có nhu cầu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông với Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và Kho bạc Nhà nước (Điều 2 Thông tư 25/2013/TT-NHNN)
Như vậy, pháp luật Ngân hàng chỉ quy định về trường hợp đổi tiền đối với đồng tiền không còn đủ tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường. Còn vấn đề đổi tiền lẻ và đổi tiền mới là quan hệ dân sự, pháp luật ngân hàng không điều chỉnh.
Trên đây là phân tích pháp luật về thu, đổi tiền và tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu hành.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!
Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên tập)