Mục lục bài viết
Kính chào công ty Luật Minh Khuê. Xin luật sư cho hỏi dự án đầu tư là gì? Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về nguyên tắc thực hiện dự án đầu tư? Nhà đầu tư có phải thực hiện ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư hay không? Rất mong nhận được giải đáp từ luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Ngọc Huy - Vĩnh Phúc
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Đầu tư của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Đầu tư, gọi: 1900 6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
- Luật đầu tư năm 2020;
- Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.
2. Dự án đầu tư là gì?
Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.
3. Nguyên tắc thực hiện dự án đầu tư
Điều 42 Luật đầu tư năm 2020 quy định về nguyên tắc thực hiện dự án đầu tư như sau:
- Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, việc chấp thuận chủ trương đầu tư phải được thực hiện trước khi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư.
- Đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thực hiện dự án đầu tư.
- Nhà đầu tư có trách nhiệm tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng, lao động, phòng cháy và chữa cháy, quy định khác của pháp luật có liên quan, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có) và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư.
4. Bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
Điều 43 Luật đầu tư năm 2020 quy định về bảo đảm thực hiện dự án đầu tư như sau:
Nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ các trường hợp sau đây:
+ Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
+ Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;
+ Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
+ Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.
Căn cứ vào quy mô, tính chất và tiến độ thực hiện của từng dự án đầu tư, mức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư từ 01% đến 03% vốn đầu tư của dự án đầu tư. Trường hợp dự án đầu tư gồm nhiều giai đoạn đầu tư thì số tiền ký quỹ được nộp và hoàn trả theo từng giai đoạn thực hiện dự án đầu tư, trừ trường hợp không được hoàn trả.
Bên cạnh đó, bảo đảm thực hiện dự án đầu tư đã được hướng dẫn chi tiết tại Điều 25 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP
Trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 43 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Trường hợp bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ, tổ chức tín dụng có trách nhiệm nộp số tiền ký quỹ mà nhà đầu tư phải nộp trong trường hợp quy định tại khoản 10 Điều 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Hợp đồng bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ giữa tổ chức tín dụng và nhà đầu tư được ký kết và thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tín dụng, bảo lãnh ngân hàng và pháp luật có liên quan.
Như vậy, so với quy định hiện hành tại Luật đầu tư cũ năm 2014, Luật đầu tư năm 2020 đã bổ sung thêm hình thức bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.
Lưu ý:
- Đối với dự án đầu tư đã thực hiện hoặc được chấp thuận, cho phép thực hiện theo quy định trước ngày 01/7/2015 mà thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư không phải thực hiện ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ.
- Trường hợp nhà đầu tư điều chỉnh mục tiêu, tiến độ thực hiện dự án đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất sau khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thì phải thực hiện ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ theo quy định.
4.1. Thủ tục bảo đảm thực hiện dự án của nhà đầu tư
Nghĩa vụ bảo đảm thực hiện dự án của nhà đầu tư được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư.
Thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án đầu tư gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
+ Tên dự án, mục tiêu, địa điểm, quy mô, vốn đầu tư, tiến độ thực hiện, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
+ Biện pháp bảo đảm thực hiện dự án đầu tư (ký quỹ hoặc bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định tại khoản 1 Điều 25 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP);
+ Số tiền bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được xác định theo quy định;
+ Thời điểm, thời hạn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định;
+ Điều kiện hoàn trả, điều chỉnh, chấm dứt bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại khoản 9 Điều 25 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP;
+ Biện pháp xử lý trong trường hợp quy định tại khoản 10 Điều 25 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP;
+ Các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm khác của các bên liên quan trong việc bảo đảm thực hiện nội dung trong thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;
+ Những nội dung khác theo thỏa thuận giữa các bên nhưng không được trái với quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
4.2. Mức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
Mức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên vốn đầu tư của dự án đầu tư theo nguyên tắc lũy tiến từng phần như sau:
a) Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức bảo đảm là 3%;
b) Đối với phần vốn trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng, mức bảo đảm là 2%;
c) Đối với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng, mức bảo đảm là 1%.
Vốn đầu tư của dự án được xác định để làm căn cứ tính mức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư không bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp cho nhà nước và chi phí xây dựng các công trình thuộc dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nghĩa vụ bàn giao cho nhà nước quản lý sau khi hoàn thành (nếu có). Trường hợp tại thời điểm ký kết Thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án đầu tư mà chưa xác định được chính xác các chi phí xây dựng các công trình bàn giao cho Nhà nước thì cơ quan đăng ký đầu tư căn cứ vào dự toán chi phí trong Đề xuất dự án do nhà đầu tư lập để xác định số tiền bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.
4.3. Giảm tiền bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
Trừ các dự án không được áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Luật Đầu tư năm 2020, nhà đầu tư được giảm tiền bảo đảm thực hiện dự án trong các trường hợp sau:
- Giảm 25% đối với dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định tại Phụ lục II; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP;
- Giảm 50% đối với dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định tại Phụ lục II; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Phụ lục III của Nghị định 31/2021/NĐ-CP; dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
4.4. Thời điểm, thời hạn thực hiện bảo đảm dự án đầu tư
Nhà đầu tư thực hiện ký quỹ hoặc nộp chứng thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng về nghĩa vụ ký quỹ sau khi được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận nhà đầu tư hoặc Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá và trước khi tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với trường hợp nhà đầu tư không tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) hoặc trước thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (đối với trường hợp nhà đầu tư đã tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện dự án thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và được Nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất hằng năm);
Thời hạn bảo đảm thực hiện dự án được tính từ thời điểm thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP đến thời điểm số tiền ký quỹ được hoàn trả cho nhà đầu tư hoặc được nộp vào ngân sách nhà nước hoặc đến thời điểm chấm dứt hiệu lực của bảo lãnh.
Xem thêm tại Điều 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP để cập nhật rõ hơn về thủ tục bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp - Công ty luật Minh Khuê