1. Những thay đổi ở Châu Âu

Tuyên ngôn độc lập Mỹ được soạn cùng năm với tác phẩm Wealth of Nations của Smith, đánh dấu sự ra đời của một quốc gia mới và cuộc phát động đấu tranh giành độc lập kinh tế. Ớ châu Âu, tác động của tái tổ chức xã hội tiếp theo sau Cách mạng Pháp ảnh hưởng khắp châu lục. Trùng hợp với hai sự kiện chấn động này là sự phát triển vững chắc của xã hội công nghiệp và hệ thống nhà máy ở Anh, châu Âu và Mỹ.

Hệ thống nhà máy báo hiệu những biến đổi quan trọng trong cảnh quan xã hội và kinh tế. Nhiều tác giả đương thời cảm thấy giai cấp công nhân bị quấy rầy bởi nhiều phí tổn của những thay đổi này trong hình thức dời chỗ kinh tế và đông nghịt người ở đô thị. Giới phê bình trong thời kỳ đặt ra nhiều câu hỏi lợi ích của công nghiệp hóa và hiệu lực của hệ thống phân tích đều phải tìm để giải thích kết quả và xung lượng của một xã hội công nghiệp mới. Vì thế, thế kỷ 19 là chiến trường tri thức trong các thể loại trong văn học, phương pháp luận và các cuộc đấu về phân tích ở phạm vi nhỏ hơn trong các ngành khoa học xã hội.

Không phải mọi quốc gia đều là bãi chiến trường với cùng mức độ. Chẳng hạn nước Anh và châu Âu bị cách biệt tri thức cũng như địa lý. Nước Anh đã có truyền thống cá nhân chủ nghĩa lâu đời ít nhất từ thời của John Locke. Chủ nghĩa này được phản ánh trong chính phủ Nghị viện của Anh (chế độ quân chủ giới hạn), tồn tại bên cạnh chế độ quân chủ chuyên chế của châu Âu trong thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Được kiềm chế bằng quan điểm bảo thủ của Edmund Burke về thay đổi xã hội, chủ nghĩa cá nhân Anh và chủ nghĩa Tự do thoát khỏi sự kiện xã hội chấn động của Cách mạng Pháp và đạt đỉnh điểm, trong lĩnh vực kinh tế, trong những trước tác quen thuộc với ngày nay của Adam Smiths và các nhà kinh tế học cổ điển.

Trái lại, tư tưởng ở châu Âu, phần lớn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy lý Cartesia, phủ nhận những vấn đề duy vật trong việc tìm kiếm chân lý bên trong. Các triết gia châu Âu trong thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 đều chú ý nhiều đến hoạt động tập thể hơn là cá nhân.

Liên kết mật thiết với những tư tưởng xã hội chủ nghĩa là dòng tư tưởng xuất hiện gần cuối thế kỷ 18, trở nên dễ phân biệt trong nửa đầu thế kỷ 19: quan niệm cho rằng xã hội tiến triển hay tiến bộ thông qua một loạt các giai đoạn, giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước. Quan niệm này xuất hiện lần đầu tiên như thuyết lịch sử, sau này trở thành thuyết kinh tế.

Một phần được khuấy động bằng triết học duy lý trong thời kỳ Ánh sáng, Cách mạng Pháp và kết quả cách mạng chứng tỏ rằng chỉ riêng lý lẽ không thể mang lại sự hoàn thiện xã hội, như những người duy lý trước đây giả định. Vì thế Condorcet xem như sai sót của quá khứ, và nhất là của cuộc Cách mạng Pháp như một bộ phận trong giai đoạn quá dộ trên tuyến trình dẫn đến sự hoàn thiện xã hội. Trong nghiên cứu tính chất lịch sử , Condorcet nhận thức rõ thực tế sự phát triển tiến bộ xã hội gập ghềnh hơn sự phát triển kiến thức. Ông quy sự chậm trễ này trong phát triển xã hội cho thực tế lịch sử, cho đến thời điểm ấy luôn là lịch sử của cá nhân chứ không phải lịch sử quần chúng nhân dân. Do đó, nhu cầu và hạnh phúc của xã hội hy sinh cho nhu cầu và hạnh phúc của một ít người. Cordorcet tìm cách sửa lại điều này bằng cách làm cho lịch sử phải nghiên cứu quần chúng nhân dân. Vì thế ông hình thành hai chủ đề quan trọng mà trong một số biện pháp làm nền tảng cho hầu hết những ý kiến phê bình chủ nghĩa Tư bản trong suốt thế kỷ 19: quan điểm luật phát triển lịch sử “tự nhiên” và quan điểm lịch sử “chủ nghĩa tập thể” như sự nghiên cứu quần chúng nhân dân.

2. Friedrich List

Friedrich List (1789-1846), là con của thợ nhuộm Johannes List và hôn thê là bà Maria Magdalena, được sinh ra ở thị trấn Reutlingen. Người ta không biết rõ ông sinh ngày nào, ngày 6 tháng 8 năm 1789 là ngày ông được rửa tội. Sau khi học song trường Latein (Lateinschule), ông bắt đầu học nghề tại tiệm của cha ông. Tuy nhiên ông không thích nghề tay chân, nên vào năm 1805 đã đổi sang làm việc trong ngành hành chánh. Ông làm việc tại nhiều thành phố khác nhau, và sau một thời gian trở thành kiểm soát viên về Tài chánh và Hàng hóa. Sau khi chuyển tới làm việc tại Tübingen, vào năm 1811 List cũng tham dự nghe giảng tại đại học ở đó.

Năm 1819, ông là lãnh tụ Hiệp hội các nhà sản xuất và thương gia Đức, cũng chính là linh hồn trong phong trào liên hiệp các bang ở Đức.

Kinh tế gia List là nhà tiên phong tranh đấu cho vấn đề quan thuế chung giữa các nước Đức. Ông là người cổ vũ hoàn thành bách khoa tự điển quốc gia Rotteck-Welcker, và cũng là chủ nhiệm của quyển bách khoa này cùng với giáo sư Rotteck và Welcker. Ngoài ra ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển phong trào cấp tiến (Liberalismus) tại Đức. Ông là đại diện Đức đầu tiên của ngành kinh tế học tân tiến. Với những ý tưởng chính trị kinh tế (thí dụ như giáo dục quan thuế (Erziehungszoll), hệ thống sáng kiến quốc gia (Nationales Innovationssystem) ông đã đặt lên nhiều câu hỏi, mà ngành Kinh tế Phát triển đã nghiên cứu từ giữa thế kỷ thứ 20. Lý thuyết phát triển của ông ta được nhiều nước Đông Á nghiên cứu và áp dụng trong lĩnh vực chính trị kinh tế.

3. Tình hình Đức nửa đầu thế kỷ 19

Sự thống nhất kinh tế, chính trị vốn là đặc điểm của nhiều nước châu Âu vào nửa đầu thế kỷ 19 nhưng hoàn toàn không có ở Đức. Hòa ước kết thúc sự tham gia của Đức trong các cuộc chiến Napoleon vẫn để lại tình trạng quốc gia này chia thành 39 bang khác nhau, hầu hết là những chế độ quân chủ riêng biệt về kinh tế và chính trị cô lập với nhau. Sự cô lập như thế chủ yếu là do kết quả của một hệ thống thuế quan phức tạp giữa các bang làm suy yếu sự trao đổi hàng hóa tự do và thoải mái. Thế nhưng, cùng lúc, lại không hề có thuế nhập khẩu. Vì thế sản phẩm thặng dư của Anh (và của nhiều nước khác) tìm đường vào thị trường Đức, và bán với giá cực thấp.

Trong những tình huống này, chính sự tồn tại quyền lợi của các nhà sản xuất và thương gia Đức bị đe dọa, vào những năm 1830, giữa các bang ở Đức nổi lên lời kêu gọi thống nhất kinh tế và biểu thuế đồng hạng. Chính phong trào này thu hút sự quan tâm và nghị lực của List.

4. Chính sách bảo hộ mậu dịch và các giai đoạn phát triển kinh tế

Trong phân tích của Friedrich List về hệ thống kinh tế chính trị học quốc gia, List áp dụng phương pháp nghiên cứu của Saint-Simon: quan niệm cho rằng nền kinh tế phải trải qua các giai đoạn liên tiếp nhau trước khi đi đến giai đoạn “trưởng thành”. Các giai đoạn phát triển lịch sử theo List gồm: (1) man rợ, (2) mục đồng, (3) nông nghiệp, (4) công nghiệp-nông nghiệp và (5) công nghiệp-nông nghiệp-thương mại. Như Sismondi và Saint-Simon, List quan tâm nhiều đến sự quá độ giữa các giai đoạn phát triển kinh tế cũng như quan tâm nhiều đến kết quả sau cùng. Ông nhận thấy thông qua ba giai đoạn đầu, mậu dịch tự do giữa các bang và các quốc gia sẽ phát triển nhanh nhất nhưng các nền kinh tế trong thời kỳ quá độ giữa hai giai đoạn sau cùng đòi hỏi chính sách bảo hộ kinh tế cho đến khi đạt đến giai đoạn sau cùng. Mậu dịch tự do một lần nữa được đảm bảo, khi đạt đến giai đoạn phát triển sau cùng:

“Để bảo vệ chống lại sự thoái hóa và lười nhác của các nhà sản xuất và thương gia trong nước”. (The National System of Political Economy, trang 143ff).

Qua sự phân loại và sự chứng nhận của List, chỉ có nước Anh đạt đến giai đoạn phát triển kinh tế cuối cùng. Tuy nhiên trong khi các quốc gia châu Âu và Mỹ cố sức để đạt đến giai đoạn cực thịnh này, thì hàng nhập khẩu của Anh cản trở ngành sản xuất trong nước phát triển. List cảm thấy cho đến khi các quốc gia đạt đến giai đoạn phát triển cuối cùng, thì sự cạnh tranh quốc tế không thể tồn tại trên cơ sở bình đẳng. Vì thế ông ủng hộ thuế quan bảo hộ đối với nước Đức cho đến khi đạt đến sức mạnh kinh tế quốc gia cao nhất.

Điều quan trọng cần lưu ý là List không phải là người theo chính sách bảo hộ mậu dịch hoàn toàn, đúng ra ông cho rằng bảo hộ mậu dịch được đảm bảo ở các giai đoạn tới hạn trong lịch sử. Tác phẩm của ông đầy rẫy những ví dụ vay mượn từ lịch sử và kinh nghiệm cho thấy sự bảo hộ kinh tế là cách duy nhất dành cho một quốc gia đang hình thành để tự thành lập. List cho rằng kinh nghiệm của Mỹ là sự xác minh cho quan điểm của ông, dĩ nhiên ông tìm thấy sự ủng hộ sẵn có ở những người theo chính sách bảo hộ mậu dịch ở Mỹ, nhất là Alexander Hamilton và Henry Carey.

5. Sự chỉ trích kinh tế học cổ điển của List

List cực lực phản đối những khuynh hướng theo chính thể chuyên chế, chủ nghĩa thế giới của các nhà kinh tế học cổ điển. Ông cho rằng họ rút ra các nguyên tắc khi ấy được giả định là áp dụng cho mọi quốc gia và mọi thời đại. Trái lại, thuyết và phương pháp luận của List mang nặng tính chất dân tộc chủ nghĩa và lịch sử. Thuyết các giai đoạn phát triển kinh tế của ông chẳng hạn được tính toán nhằm chứng minh tính không hiệu quả của kinh tế học cổ điển phải thừa nhận và phản ánh tính đa dạng của các điều kiện hiện có trong các quốc gia khác nhau và nhất là ở Đức.

Như Sismondi, List nói chung cho kinh tế học phải lệ thuộc vào chính trị học. Theo quan điểm của ông, đối với chính khách phải hiểu rằng sự tự do trao đổi sản phẩm lẫn nhau sẽ làm tăng của cải (như được các nhà kinh tế học cổ điển chứng minh), mà còn phải hiểu sự phân loại hành động như thế đôi với chính quốc của mình. Vì thế, List lập luận mậu dịch tự do thay cho dân số hay công nghiệp trong nước là không đáng mong muốn. Ngoài ra, List không hy sinh tương lai để đổi lấy hiện tại. Ông cho rằng biên độ kinh tế quyết định trong phát triển kinh tế không phải là của cải (được tính bằng giá trị trao đổi) mà bằng sức sản xuất. Theo nguyên văn của ông, “Khả năng tạo ra của cải là ... quan trọng vô hạn hơn chính của cải”. (The National System of Political Economy, trang 108). Vì thế, tài nguyên kinh tế phải được bảo vệ sao cho đảm bảo sự sinh tồn và phát triển trong tương lai. Quan điểm này hình thành sự biện hộ cho lập luận bảo hộ mậu dịch của List, cũng nằm trong nguồn gốc lập luận(1) “công nghiệp non trẻ” phổ biến để ủng hộ biểu thuế bảo hộ.

Đối với List, mục tiêu cuối cùng của hoạt động kinh tế phải là phát triển quốc gia và tăng dần sức mạnh kinh tế. Về điều này, ông (cũng như Marx sau này) nhận thức công nghiệp không gì khác hơn là kết quả đơn thuần của lao động và Tư bản. Đúng ra, ông xem công nghiệp như lực lượng xã hội mà chính bản thân lực lượng này hình thành và cải thiện lao động và Tư bản. Ngoài việc tác dụng đến sản xuất hiện tại, công nghiệp còn tạo ra xung lực và hướng dẫn sản xuất trong tương lai. Vì thế, List đề nghị đưa công nghiệp vào các quốc gia kém phát triển thậm chí phải trả giá bằng tổn thất hiện tại.

Sự độc đáo của List trong lý thuyết và phương pháp kinh tế bao gồm cách sử dụng có hệ thống so sánh lịch sử như một phương tiện chứng minh tính giá trị của các vấn đề kinh tế và trong phần giới thiệu những quan điểm mới, hữu dụng trong sự tương phản với tính chính thống kinh tế của chủ nghĩa Tự do cổ điển. Khi trải rộng khuôn khổ động lực của sự phát triển kinh tế cổ điển bằng cách miêu tả phát triển kinh tế như một chuỗi các giai đoạn lịch sử tiếp nối, ông tạo ra điểm tập hợp phương pháp luận cho các nhà kinh tế thuộc trường phái lịch sử Đức. Vì thế List xứng đáng được xem là người tiên phong của trường phái này.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm)