1. Khái niệm về gia hạn tín dụng:

Gia hạn tín dụng là (Việc tổ chức tín dụng chấp thuận) kéo dài thêm khoảng thời gian ngoài thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng theo yêu cầu của bên vay. Gia hạn tín dụng là một hình thức gia hạn nợ. Khoảng thời gian tổ chức tín dụng gia hạn nợ cho bên vay được pháp luật khống chế mức tối đa. Đối với khoản nợ vay ngắn hạn, tổ chức tín dụng được gia hạn nợ tối đa không quá 12 tháng. Đối với khoản nợ vay trung hạn, dài hạn, tổ chức tín dụng được gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời gian cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Các khoản nợ được gia hạn nợ vẫn áp dụng lãi suất đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng đối với nợ trong hạn.

 

2. Điều kiện và đối tượng được xem xét gia hạn tín dụng:

2.1. Điều kiện được xem xét gia hạn nợ tín dụng:

Thuộc đối tượng được xem xét gia hạn nợ;

– Gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký;

– Có phương án sản xuất kinh doanh và phương án trả nợ khả thi sau khi được gia hạn nợ;

– Khoản nợ của khách hàng đã được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc chưa được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ nhưng Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định, đánh giá nếu áp dụng biện pháp điều chỉnh kỳ hạn trả nợ thì khách hàng cũng không trả được nợ (gốc, lãi) cho Quỹ bảo lãnh tín dụng theo đúng Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký.

 

2.2. Đối tượng được xem xét gia hạn nợ tín dụng:

Khách hàng gặp rủi ro do một trong các trường hợp sau:

– Khách hàng bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, rủi ro chính trị, chiến tranh gây ra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký.

– Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký.

– Khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan khác ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký.

Nếu muốn được gia hạn bạn phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện trong đó có điều kiện đầu tiên đó là đối tượng được gia hạn nợ thì mọi người xem xét xem mình có phải là 1 trong những đối tượng dưới đây hay không:

 

3. Cơ cấu lại thời gian trả nợ theo quy định pháp luật:

Theo điều 19 của thông tư 39/3016/TT- NHNN hoạt động cho vay tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng quy định như sau:

Tổ chức tín dụng xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, như sau:

- Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đó phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay không thay đổi.

- Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.

- Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ đã thỏa thuận.

Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về kỳ hạn trả nợ gốc và lãi tiền vay như sau:

- Trả nợ gốc, lãi tiền vay theo kỳ hạn riêng;

- Trả nợ gốc và lãi tiền vay trong cùng một kỳ hạn.

Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về việc trả nợ trước hạn.

Trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay, tổ chức tín dụng xem xét chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Điều 19 hoặc chuyển nợ quá hạn theo quy định tại Điều 20 Thông tư này vê nợ quá hạn như sau: Tổ chức tín dụng chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn.

- Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận việc tính tiền lãi phải trả phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư này như sau:

Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau: Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả. Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về thứ tự thu nợ gốc, lãi tiền vay. Đối với khoản nợ vay bị quá hạn trả nợ, tổ chức tín dụng thực hiện theo thứ tự nợ gốc thu trước, nợ lãi tiền vay thu sau.

 

4. Chấm dứt cho vay, xử lý nợ, miễn, giảm lãi tiền vay, phí :

- Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo nội dung đã thỏa thuận khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay. Khi thực hiện chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận trong thỏa thuận cho vay, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn, số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn; thời hạn hoàn trả số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn.

-Trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, thì tổ chức tín dụng có quyền áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp sau khi áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nhưng vẫn không đủ để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng, thì khách hàng có trách nhiệm tiếp tục trả đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay cho tổ chức tín dụng.

-Trường hợp khách hàng hoặc bên bảo đảm bị tòa án quyết định mở thủ tục phá sản hoặc tuyên bố phá sản, thì việc thu hồi nợ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, bên bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

-Tổ chức tín dụng có quyền quyết định miễn, giảm lãi tiền vay, phí cho khách hàng theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.

Quy định nội bộ của tổ chức tín dụng bao gồm các nội dung sau:

- Căn cứ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan, tổ chức tín dụng ban hành quy định nội bộ về cho vay, quản lý tiền vay phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng (sau đây gọi là quy định nội bộ về cho vay).

- Quy định nội bộ về cho vay của tổ chức tín dụng được thực hiện trong toàn hệ thống và phải có tối thiểu các nội dung cụ thể sau:

- Điều kiện cho vay; các nhu cầu vốn không được cho vay; phương thức cho vay; lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi tiền vay; hồ sơ cho vay và các tài liệu của khách hàng gửi tổ chức tín dụng phù hợp với đặc điểm của khoản vay, loại cho vay và đối tượng khách hàng; thu nợ; điều kiện, quy trình và thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chuyển nợ quá hạn;

- Quy trình thẩm định, phê duyệt và quyết định cho vay, trong đó quy định cụ thể thời hạn tối đa thẩm định, quyết định cho vay; phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thẩm định, phê duyệt, quyết định cho vay và các công việc khác thuộc quy trình hoạt động cho vay;

- Quy trình kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng; phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;

- Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay, thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay, việc quản lý, giám sát, theo dõi tài sản bảo đảm tiền vay phù hợp với biện pháp bảo đảm tiền vay, đặc điểm của tài sản bảo đảm tiền vay và khách hàng: Chấm dứt cho vay, xử lý nợ; miễn, giảm lãi tiền vay, phí. Nhận dạng các loại rủi ro có thể phát sinh trong quá trình cho vay; quy trình theo dõi, đánh giá và kiểm soát rủi ro; phương án xử lý rủi ro. Kiểm soát việc cho vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng, trả nợ khoản vay nước ngoài nhằm phòng ngừa và ngăn chặn việc phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng. Kiểm soát việc cho vay theo phương thức cho vay tuần hoàn và phương thức cho vay quay vòng nhằm quản lý dòng tiền của khách hàng để đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thoả thuận, phản ánh đúng chất lượng tín dụng.

-Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ về cho vay, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân gửi quy định nội bộ đó cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố; tổ chức tín dụng khác gửi cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).

 

5. Một số thuật ngữ khác liên quan đến tín dụng được sử dụng

5.1 Bên có tín dụng là gì?

Bên có, tín dụng (CREDIT) là niềm tin, xuất phát từ tiếng Latinh credito. Một thỏa thuận mà một vật có giá trị - hàng hóa, dịch vụ, hay tiền - được đưa ra trao đổi với cam kết sẽ trả lại vào một ngày trong tương lai.

Ngân hàng:

Bản thỏa thuận của người cho vay tạm ứng tiền, dựa trên dự tính khoản nợ sẽ được trả lại thực sự, hay lấy lại từ việc thu nợ trước đó, như trong tái tài trợ.

Tín dụng ngân hàng được phân loại theo: loại người vay, ví dụ, tiền vay cho người tiêu dùng (cầm cố, vay mua ô tô, thẻ tín dụng) trái với tiền vay cho doanh nghiệp (mức tín dụng thương mại, vay vốn lưu động); loại thế chấp được cầm cố, nếu có; và các điều khoản hoàn trả nợ. Một vài khoản vay ngân hàng được hoàn trả theo thời biểu cố định, ví dụ, cầm cố 30 năm; hay các khoản vay khác như khoản vay theo yêu cầu đối với doanh nghiệp mà người cho vay có thể thu hồi bất kỳ lúc nào.

Được sử dụng bởi các chuyên gia phân tích tín dụng ngân hàng và người cho vay, thay vì người vay hay khoản vay. Một người cho vay có thể nói: “ Tôi sẽ chấp thuận tín dụng nếu đó là khoản vay thời hạn bốn năm” hay “Tôi nghĩ khoản tín dụng đó thì tốt”.

Bút toán để chỉ tiền gửi vào tài khoản. Trong kế toán, bút toán ghi có thể hiện tăng bên nợ phải trả vốn của chủ sở hữu, và thu nhập, và việc giảm trong tài sản và các chi phí. Ngược với nợ.

 

5.2 Sửa đổi tín dụng là gì?

Sửa đổi tín dụng (CREDIT REPAIR) là quyền của khách hàng theo Đạo luật báo cáo tín dụng công bằng, tranh luận về các điều khoản lịch sử tín dụng công khai trong báo cáo tín dụng. Các văn phòng tín dụng sẽ thẩm tra, và sửa chữa các sai sót được xác minh theo yêu cầu của khách hàng. Nhưng các thông tin chính xác tuy gây tổn hại, không thể sửa đổi; các án quyết chống lại người vay sẽ duy trì trong báo cáo tín dụng trong bảy năm và phá sản trong mười năm.

 

5.3 Tín dụng tức thì là gì?

Tín dụng tức thì (IMMEDIATE CREDIT) là chi phiếu cung cấp khả năng có tiền trong ngày khi trình cho Ngân hàng Dự trữ Liên bang để thu tiền. Chỉ có những ngân hàng trong một thành phố mà ở đó Fed có Ngân hàng Dự trữ hoặc chi nhánh, gọi là ngân hàng dự trữ thành phố được cung cấp khả năng có tiền tức thì trên các chi phiếu thanh toán bởi Fed, trái với khả năng trì hoãn hai ngày thông thường đối với hầu hết các chi phiếu. Những ngân hàng thường cung cấp tín dụng cùng ngày đối với chi phiếu nội bộ, hoặc chi phiếu được rút ra từ những tài khoản gởi tiền trong cùng ngân hàng.

Trên đây là bài viết của công ty Luật Minh Khuê về gia hạn tín dụng và một số quy định về hoạt động cho vay tín dụng. Trân trọng.