Vào đầu tháng 3/2016 này, công ty mình có tuyển dụng 1 bác bảo vệ sinh năm 1965, bác đã có sổ BHXH và tham gia đóng BH từ tháng 8/2009 đã chốt sổ đến 3/2013, năm nay bác đã 51 tuổi, mình muốn hỏi luật Minh Khuê là mình tham gia BH cho bác tại công ty mình từ tháng 3/2016 có nên không hay chỉ tham gia BHYT cho bác thôi? Công ty mình là công ty tư nhân. Trân trọng cảm ơn và mong có hồi đáp từ phía luật Minh Khuê!

1. Chế độ bảo hiểm y tế theo luật

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung một số điều số 46/2014/QH13

Bộ luật lao động số 10/2012/QH13

Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 của Quốc hội

2. Nội dung tư vấn

Theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì đối tượng tham gia BHXH bao gồm:

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;...."

Như vậy, nếu người bảo vệ của công ty bạn làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc thời hạn từ 03 tháng trở lên thì công ty bạn vẫn phải tham gia BHXH cho người này.

.Kính gửi Văn phòng luật sư Minh Khuê!Trước đây, tôi và một số đồng nghiệp công tác tại một công ty Đồ ăn nhanh tại Hà Nội. Hiện nay chúng tôi đã nghỉ việc vì lý do Công ty hoạt động kém hiệu quả và công ty còn chưa thanh toán nốt lương ‎02 tháng ( tháng 11&12 / 2015) cùng các chế độ khác như BHXH, BHYT..Xin hỏi Văn phòng luật sư có thể tư vấn cho tôi và mọi người được biết để đảm bảo quyền lợi và những lợi ích chính đáng của mình.Xin trân trọng cảm ơn

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, hành vi trả lương không đúng hạn sẽ bị xử phạt hành chính:
 3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật lao động; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật lao động; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng vớvi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
 Lúc này, bạn có thể lên Ủy ban nhân dân huyện nơi bạn đã làm việc trước đó để trình bày hành vi của người sử dụng lao động. Sau quá trình tìm hiểu vụ việc, nếu thấy có đủ căn cứ, Ủy ban nhân sẽ ra quyết định xử phạt hành chính. Khi bị xử phạt hành chính thì Ủy ban nhân dân huyện sẽ buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính, tức là người sử dụng lao động sẽ buộc trả tiền công chưa trả bạn. Ngoài ra, theo quy định tại Bộ luật lao động 2019, khi chậm trả tiền lương thì người sử dụng lao động phải trả lãi suất cho thời gian chậm trả tiền lương.
 Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

Ngoài ra, về việc công ty nợ tiền BHXH, BHYT thì theo quy định tại khoản 19 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định mức phạt chậm nộp BHXH thì:

"2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

...........

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này."

Trong trường hợp này, bạn có thể trình báo hành vi của công ty bạn với Thanh tra lao động, để được cơ quan này thực hiện việc xử phạt hành chính với công ty bạn, đồng thời buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc cho thời gian bạn và những người lao động khác không được tham gia.

Gia đình tôi có 4 người! Nhưng tôi đã tham gia bhyt bố mẹ và em trai tôi thì chưa tham gia. Vậy cho tôi hỏi là tôi muốn tham gia bảo hiểm hộ gia đình có được không? Cách thức tham gia như thế nào? Mức đóng là bao nhiêu?

Trong trường hợp này bạn hoàn toàn có thể tham gia BHYT hộ gia đình cho những thành viên trong gia đình. Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Bảo hiểm y tế 2014 thì:

"3. Tất cả thành viên thuộc hộ gia đình theo quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật này phải tham gia bảo hiểm y tế. Mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi, cụ thể như sau:

a) Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở;

b) Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;

c) Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất."

Như vậy, bạn dựa vào quy định trên để xác định mức đóng. Nếu bạn đã tham gia BHYT thì lúc này bạn chì cần photo thẻ BHYT còn giá trị của mình, và bạn không phải tiếp tục đóng BHYT theo hộ gia đình

Chào LUẬT MINH KHUÊ. Em đang có thai 9 tuần nhưng hiện tại vì có 1 số lý do nên em k muốn sinh e bé ra. Em muốn nạo thai tại cơ sở y tế ở xã tại quê em k phải tại nơi đăng ký bhyt, như vậy thì em có đc hưởng chế độ của bhxh k?

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, nếu bạn nạo thai, bạn được giải quyết theo Điều 33 Luật này như sau:

"1. Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần"

Trong trường hợp của bạn, nếu bạn nạo thai do bệnh lý thì bạn mới được hưởng chế độ thai sản, còn nếu chỉ vì lý do cá nhân, thì bạn không được hưởng chế độ này khi nạo thai. 

2. Quyền của người lao động khi sử dụng bảo hiểm xã hội

1. Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
 
2. Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
 
3. Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:
 
a) Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;
 
b) Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng;
 
c) Thông qua người sử dụng lao động.
 
4. Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:
 
a) Đang hưởng lương hưu;
 
b) Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;
 
c) Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;
 
d) Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
 
5. Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 của Luật này và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội.
 
6. Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
 
7. Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
 
8. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm của người lao động

1. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

2. Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội.

3. Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.

4. Quyền của người sử dụng lao động

1. Từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

2. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

5. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

3. Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 45 và Điều 55 của Luật này đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

4. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.

5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

6. Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.

7. Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

8. Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật này.

Trân trọng ./.

Bộ phận tư vấn Luật lao động