Luật sư tư vấn:
Pháp luật về hợp đồng cho vay hiện nay sau nhiều lần bổ sung đã thể hiện những ưu điểm, đáp ứng các yêu cầu linh hoạt của quan hệ hợp đồng. Dù vậy, qua thực tiễn giao kết, thực hiện và giải quyết tranh chấp minh chứng cho thấy, vẫn còn nhiều quy định điều chỉnh quan hệ hợp đồng cho vay chưa phù hợp, chưa rõ ràng dẫn đến nhận thức, áp dụng pháp luật không thống nhất, thậm chí không phân định những thỏa thuận khung bất lợi cho bên vay, vận dụng sai pháp luật vào công tác thực thi, giải quyết tranh chấp.
Giải pháp thiết lập một quy trình thực hiện hợp đồng cho vay an toàn, hiệu quả đối với bên cho vay:
Quy trình cho vay (hay còn gọi là “quy trình tín dụng”) thường được các nghiên cứu trong khoa học ngân hàng đề cập. Cuốn sách này đóng góp thêm một số giải pháp pháp lý để tổ chức tín dụng xây dựng hoàn thiện hơn về một quy trình cho vay theo tiêu chí an toàn, hiệu quả, hạn chế thấp nhất những rủi ro phát sinh như sau:
Thứ nhất, về trách nhiệm của từng thành viên tham gia quy trình cho vay
Để thực hiện tốt quy trình cho vay vốn dĩ kéo dài, phức tạp gồm nhiều công đoạn khác nhau, tổ chức tín dụng phải kịp thời ban hành quy định nội bộ, phân định rõ trách nhiệm của từng thành viên tham gia nhằm nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân; sớm phát hiện lỗ hổng của quy trình cho vay, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục; thực hiện tốt chức năng giám sát từ khi bắt đầu cho vay, cho đến khi thu hồi hết nợ.
Trên thực tế tại các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc của tổ chức tín dụng, do quy mô và điều kiện, năng lực còn hạn chế, các bộ phận tín dụng, bộ phận kế toán cho vay vừa thực hiện chức năng chuyên môn (tìm kiêm khách hàng, thẩm định điều kiện vay vốn, phát tiền vay, thu nợ,...) đồng thời kiêm nhiệm thực hiện nghiệp vụ giám sát cho vay đối với những khoản vay do chính mình tham gia trực tiếp xét duyệt, quyết định. Điều này có những thuận lợi do đơn giản hóa công tác quản lý nhưng không bảo đảm tính độc lập, khách quan, đánh giá không đúng chất lượng tín dụng.
Thiết lập cơ chế giám sát tín dụng độc lập trong nội bộ tổ chức tín dụng, đồng thời nâng cao năng lực giám sát thông qua vai trò của bộ phận pháp chế, kiểm toán tại các đơn vị phụ thuộc của tổ chức tín dụng (chi nhánh, văn phòng đại diện) sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, hạn chế này.
Thứ hai, đánh giá năng lực bên vay, hiệu quả dự án, mục đích sử dụng vốn vay
Hoạt động này phải được tổ chức tín dụng thực hiện ngay từ khi tiếp nhận hồ sơ xin vay vốn từ khách hàng. Các tổ chức tín dụng phải suy tính đến năng lực của chủ thể vay vốn, hiệu quả khi sử dụng vốn vay, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để được cho vay. Để thực hiện tốt công tác này, tổ chức tín dụng chủ động yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết, đầy đủ, bảo đảm trung thực, khách quan; có phương thức kiểm tra, đánh giá phù hợp với từng mục đích sử dụng vốn... Theo đó, cần lưu ý sử dụng các công cụ thẩm định, kiểm định, kiểm toán độc lập đối với một số lĩnh vực đặc thù như: đầu tư bất động sản, xây dựng, tài chính,... để kết quả đạt được khách quan, dự phòng tốt những rủi ro có thể xảy ra.
Trách nhiệm định giá đúng giá trị tài sản khi đưa vào thực hiện biện pháp bảo đảm (do tổ chức tín dụng hoặc các đơn vị độc lập có chức năng thực hiện) phải “dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật, thực trạng của tài sản; phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản tại thời điểm định giá” – (Khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về Hướng dẫn thi hành điều 92 Bộ luật Tô tụng dần sự đã được sửa đổi, bổ sung của Bộ luật Tô tụng dân sự về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản), làm cơ sở để các cơ quan pháp luật tham chiếu khi có tranh chấp hoặc xử lý sai phạm. Đây là công việc khó khăn, thường dễ xảy ra sai sót do công tác thẩm định giá, xét duyệt giá trị tài sản bảo đảm không đúng quy định, chủ sồ hữu chủ động kê khai, nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng (do không thu hồi vốn vay) cho các tổ chức tín dụng.
Hoạt động đánh giá phải dự báo nguy cơ, rủi ro xảy ra kể cả khi nền kinh tế biến động theo hướng bất lợi cho các tổ chức tín dụng (chẳng hạn, vận dụng nguyên tắc định kỳ định giá tài sản bảo đảm theo thị trường đối với khoản vay trung, dài hạn, dự phòng rủi ro lãi suất...). Việc xét duyệt hạn mức cho vay cũng phải dựa trên kết quả này, có xem xét đến lịch sử vay vốn, mức độ tín nhiệm của bên vay đối với tổ chức tín dụng.
Quá trình giải ngân cũng phải phù hợp với các điều kiện hợp đồng được đặt ra, phù hợp nghiệp vụ và các quy định. Trong các điều kiện đó, tổ chức tín dụng phải làm rõ hiệu quả của mục đích sử dụng vốn tại từng thời điểm giải ngân. Dựa trên nguyên tắc, vốn vay là nguồn vốn sử dụng tạm thời, bên cho vay có thể áp dụng biện pháp bảo đảm tài sản hình thành trong tương lai đối với tài sản hình thành từ vốn vay, tháo gỡ phần nào khó khăn tài chính của bên vay cũng như kịp thời có các biện pháp xử lý phù hợp, ngăn chặn hậu quả xấu (mất vốn) xảy ra.
Thứ ba, kiểm tra, giám sát cho vay, giám sát công tác thu hồi nợ
Công tác kiểm tra, giám sát là khâu yếu nhất trong quy trình thực hiện hợp đồng cho vay của các tổ chức tín dụng như các kết luận thanh tra ngành ngân hàng thường đề cập. Theo dõi, đôn đốc thực hiện nghĩa vụ của bên vay do nhân viên, cán bộ tín dụng hoặc các bộ phận chuyên môn thực hiện thông qua các hoạt động kiểm tra, giám sát (kiểm tra tài liệu, chứng từ do bên vay cung cấp; giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, tuân thủ các cam kết hợp đồng, tuân thủ quy định của pháp luật). Kèm theo đó, các tổ chức tín dụng phải có phương án xử lý, khắc phục sai phạm cụ thể. Để thực hiện nghiệp vụ này, tổ chức tín dụng phải thường xuyên sử dụng bộ phận kiểm tra độc lập, bảo đảm khách quan, chính xác. Trường hợp thấy có nguy cơ rủi ro, tổ chức tín dụng phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, pháp lý như: ngưng giải ngân; thay đổi biện pháp, bổ sung tài sản bảo đảm,... thay vì đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ rõ ràng, gây tâm lý ức chế cho bên vay, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức tín dụng.
Công tác giám sát thu hồi nợ phải bảo đảm đúng pháp luật. Những trường hợp khách hàng vay không được chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo các điều kiện quy định, thì tổ chức tín dụng phải nhanh chóng tiến hành xử lý tài sản bảo đảm theo các bước thỏa thuận hoặc theo pháp luật (thu hồi tài sản bảo đảm để phát mãi, khỏi kiện ra Tòa án, trọng tài), kịp thời có biện pháp ngán chặn khách hàng tẩu tán tài sản.
Thứ tư, chủ động xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi tiền vay
Vận dụng các biện pháp chủ động xử lý tài sản bảo đảm là công việc hết sức cần thiết. Ngay từ khi ký kết hợp đồng các tổ chức tín dụng phải dự liệu, ghi rõ trong các điều khoản của hợp đồng cho vay quyền được lựa chọn phương thức xử lý tài sản bảo đảm và cơ chế thu giữ, bảo quản, khai thác tài sản, xác định giá trị tài sản khách quan. Trường hợp có căn cứ pháp lý phát sinh khoản nợ đến hạn chưa thanh toán hoặc các khoản lãi, phí, trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có), tổ chức tín dụng cần tiến hành ngay các bước xử lý tài sản bảo đảm như thỏa thuận. Nếu phải đưa vụ việc ra Tòa án, trọng tài giải quyết tranh chấp, cần cân nhắc hiệu quả, rủi ro về pháp lý, kể cả dự liệu các chi phí (án phí, phí giám định, phí luật sư,...) cho các hoạt động tranh tụng.
Trong giai đoạn tố tụng kéo dài này, bên cho vay (với tư cách nguyên đơn) khẩn trương yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để kê biên, phong tỏa tài sản của bên vay (bị đơn dân sự) tương ứng với khoản nợ. Nhưng chủ yếu vẫn là những tài sản chưa được áp dụng thủ tục bảo đảm nếu tài sản đã được bảo đảm không đủ để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán (mục đích là nhằm ngăn chặn hành vi chuyển dịch quyền sở hữu, giữ nguyên hiện trạng tài sản), để bảo đảm công tác giải quyết tranh chấp và thi hành án (thi hành nghĩa vụ trả nợ theo phán quyết của Tòa án).
Tóm lại, dựa trên các quy trình thực hiện hợp đồng cho vay chuẩn mực được thiết kê ban đầu, các tổ chức tín dụng kịp thời phân tích, đánh giá những rủi ro và đưa ra những giải pháp cụ thể để khoản vay an toàn, hiệu quả hơn. Ngay cả nếu có thiếu sót khi xét duyệt cho vay, cán bộ tín dụng cũng có thể kịp thời khắc phục xử lý, hạn chế thấp nhất những thiệt hại.
Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hoạt động vay vốn, giải ngân vốn... Quý khác hàng vui lòng gọi: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật ngân hàng, tài chính trực tuyến qua tổng đài điện thoại. Đội ngũ luật sư của Công ty luật Minh Khuê luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.