Mục lục bài viết
- 1. Tội đánh bạc sẽ bị xử lý như thế nào?
- 2. Quy định về chấp hành án do phạm tội đánh bạc?
- 3. Đã bị phạt hành chính về tội đánh bạc mà tái phạm thì có bị phạt tù không?
- 4. Phạm tội đánh bạc lần đầu có bị phạt tù không?
- 5. Thời gian tạm giữ, tạm giam đối với tội đánh bạc?
- 6. Tội đánh bạc trái phép được xử lý như thế nào?
1. Tội đánh bạc sẽ bị xử lý như thế nào?
Chào Luật sư! Tôi muốn hỏi Luật sư về tội đánh bạc về tội đánh bạc sẽ bị xử lý như thế nào khi thu giữ trên chiếu bạc với số tiền hơn 10 triệu đồng, với 10 người cùng chơi. Theo đó còn có số tiền thu giữ trong túi của tất cả mọi người số tiền là gần 100 triệu đồng và phương tiện xe máy và ô tô đi lại của tất cả mọi người nữa ?
Cảm ơn!
>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến, gọi: 1900.6162
- Căn cứ theo điều 321,Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về tội đánh bạc, về tội này hành vi đánh bạc thắng thua bằng tiền mà có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
Điều 321. Tội đánh bạc
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua thắng bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
>> Như vậy hành vi đánh bạc của anh có giá trị là hơn 10 triệu đồng (trên 5.000.000 đồng) đã thoả mãn tội đánh bạc nêu trên, nên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhẹ sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, nặng sẽ bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Kèm theo đó anh còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
1. Cách tính tiền, giá trị vật dùng để đánh bạc thì không tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ từng lần để xem xét như sau:
+) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 5.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Đánh bạc;
+) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đánh bạc đối với lần đánh bạc đó;
+) Trường hợp đánh bạc từ 02 lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần”.
+) Trường hợp đánh bạc từ 05 lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp”.
2. Số tiền hoặc giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc được xác định như sau:
+) Tiền hoặc hiện vật thu giữ trên chiếu bạc;
+) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;
+) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
>> Như vậy, ngoài tiền và hiện vật sử dụng để chơi bạc (được trực tiếp tại chiếu bạc), những tài sản trên người gồm cả tiền và hiện vật bị cơ quan chức năng thu giữ mà “có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc” thì cũng sẽ được xác định là tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc.
2. Quy định về chấp hành án do phạm tội đánh bạc?
Thưa Công ty Luật Minh Khuê, tôi có câu hỏi muốn được giải đáp: Mẹ tôi phạm tội đánh bạc, Tòa án tuyên án 4 tháng tù giam. gia đình tôi phải làm sao để mẹ tôi không phải chấp hành án?
Cảm ơn!
>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến gọi: 1900.6162
Luật sư tư vấn:
Căn cứ vào những thông tin bạn cung cấp xin được tư vấn cho bạn như sau:
Điều 321. Tội đánh bạc (Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Như vậy, Tòa án tuyên mẹ bạn 4 tháng tù giam là có căn cứ pháp lý. Khi bản án đã tuyên thì mẹ bạn có nghĩa vụ chấp hành án.
Tuy nhiên, Điều 65 Bộ luật hình sự quy định về án treo:
1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này.
4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
5. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật hình sự.
Cho nên nếu mẹ bạn có đủ các điều kiện thuộc trường hợp quy định nêu trên thì mẹ bạn có thể được hưởng án treo.
3. Đã bị phạt hành chính về tội đánh bạc mà tái phạm thì có bị phạt tù không?
Xin chào công ty luật minh khuê, tháng 8 năm 2016 tôi có bị bắt vì tội đánh bạc và bị truy tố và bị tòa an nhân huyện xử phạt hành chính với số tiền 5 triệu đồng vì hoàn cảnh tôi không có tiền để nộp phạt số tiền trên. Đên tháng 11 năm 2017 tội lại bị bắt về tội đánh bạc.
Vậy tôi muốn hỏi tôi có bị phạt tù hay hưởng án cải tạo không giam giữ ạ ?
Cảm ơn!
Luật sư trả lời:
Vấn đề của bạn chúng tôi xin giải quyết như sau: Căn cứ khoản 1 điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trường hợp của bạn là đã bị bắt bởi tội đánh bạc tháng 8 năm 2016, bị Tòa án Nhân dân huyện phạt hành chính với số tiền 5.000.000 đồng. Nhưng vì lý do hoàn cảnh mà số tiền đó vẫn chưa được nộp nên bạn vẫn chưa được xóa án tích về hành vi đánh bạc. Đến tháng 11 năm 2017 bạn lại bị bắt về tội đánh bạc nên căn cứ theo khoản 1, điều 321 bộ luật Hình sự, bạn sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
4. Phạm tội đánh bạc lần đầu có bị phạt tù không?
Thưa luật sư, xin hỏi: cách đây không lâu tôi và 5 người bạn cùng chơi có rủ nhau đánh bài trong một đám cưới; sau đó bị công an địa phương bắt quả tang. Số tiền đánh bạc là gần 8 triệu. Chúng tôi đã bị khởi tố về tội đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là lần đầu tiên tôi vi phạm bị bắt.
Vậy cho tôi hỏi với trường hợp của tôi có bị áp dụng biện pháp phạt tù không? nếu có tôi có thể xin án treo được không?
Luật sư tư vấn:
Theo thông tin được cung cấp thì bạn bị khởi tố về tội phạm đánh bạc, tội phạm này được quy định trong Bộ luật hình sự như sau:
"Điều 321. Tội đánh bạc
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”.
Có thể thấy, quyết định khởi tố về tội đánh bạc là hoàn toàn đúng pháp luật vì giá trị hiện vật tối thiểu là 5.000.000 đồng nếu vi phạm lần đầu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc, trường hợp của bạn thì hiện vật, tiền đã có giá trị vượt mức tối thiểu 5.000.000 đồng.
Cũng theo quy định điều 321 kể trên, khi cá nhân phạm tội này thì sẽ bị áp dụng một trong các biện pháp xử phạt hình sự như sau:
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng,
2. Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc
3. Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
Luật không hướng dẫn trường hợp nào thì sẽ áp dụng hình phạt tù, trường hợp nào thì áp dụng cải tạo không giam giữ, phạt tiền; mà tùy thuộc vào các tình tiết giảm nhẹ, nhân thân, hoàn cảnh phạm tội... mà Tòa án sẽ ấn định hình phạt với bị cáo. Vì thế đối với trường hợp của bạn việc bị phạt tù là có thể xảy ra.
Gỉa sử bạn bị áp dụng hình phạt tù, để có thể được hưởng án treo bạn cần phải thỏa mãn 3 điều kiện hưởng án treo mà điều 65 Bộ luật hình sự như sau:
1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm,
2. Căn cứ vào nhân thân của người phạm tội
3. Các tình tiết giảm nhẹ
Như vậy đối với trường hợp của bạn, bạn vẫn có thể bị áp dụng phạt tù; tuy nhiên nhận thấy đây là lần đầu tiên phạm tội và là tội ít nghiêm trọng, và với một số tình tiết khác như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải... thì bạn có thể xin Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách.
5. Thời gian tạm giữ, tạm giam đối với tội đánh bạc?
Chào luật sư, ngày 29/2/2016 tại chung cư A bắt quả tang 11 người đang đánh bạc. Tổng cộng trên chiếu thu được là hơn 13 triệu. Sau đó mấy hôm 8 người đã bảo lãnh ra còn 3 người vẫn bị giữ. Gồm chủ nhà, nhà cái và 1 người có tiền án cũng tội đánh bạc vào tháng 5/2014 và đã bị xử 6 tháng án treo và hết hạn 15 tháng tính đến thời điểm bị bắt.
Tiếp đến hôm 5/6/2016 thêm 1 người ra nữa là chủ nhà đã ra. Còn 2 người là nhà cái và một người có tiền án như đã nói. Vậy xin hỏi thời hạn tạm giam đến nay đã 3 tháng 29 ngày có đúng luật không? Có thể xin để được tại ngoại không? (Tôi hỏi đối với trường hợp người có tiền án ạ )
Tôi xin cảm ơn !
Luật sư tư vấn:
Do yêu cầu bạn hỏi chỉ về người có đã có tiền án trước đây, nên nội dung câu trả lời dưới đây chúng tôi sẽ tập trung phân tích về người này.
Thứ nhất, trường hợp người này đã từng bị kết án 6 tháng án treo vào tháng 5/2014, tính đến thời điểm ngày 29/2/2016 bị bắt về tội đánh bạc. Thì trước đó người này đã được xóa án tích rồi. Căn cứ được quy định tại Điều 70 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017;
Điều 70. Đương nhiên được xoá án tích
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Như vậy, người này không còn được coi là có tiền án, tiền sự nữa. Khi phạm tội, sẽ được xử lý như đối với trường hợp người chưa từng bị kết án.
Về trường hợp nhóm người bị bắt quả tang khi đánh bạc có dấu hiệu cấu thành tội phạm theo Điều 321 BLHS được quy định như sau:
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
Đây là trường hợp phạm tội quả tang nên những người này sẽ bị tam giữ để chờ cơ quan điều tra xác minh thêm các chứng cứ, tình tiết liên quan đến vụ án. Người bị tạm giữ có các quyền như sau:
a) Được biết lý do mình bị tạm giữ; nhận quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
c) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
d) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
g) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về việc tạm giữ.
Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.
Đối với trường hợp này, có dấu hiệu phạm tội nên người này sẽ bị tạm giam để điều tra. Về thời hạn tạm giam bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:
Điều 173. Thời hạn tạm giam để điều tra
1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo thông tin bạn cung cấp, hiện vật thu giữ được do hành vi đánh bạc gây ra là 11 triệu đồng. Người này có thể bị truy cứu TNHS theo khoản 1 Điều 321 BLHS đây là tội ít nghiêm trọng, do đó thời gian tạm giam để điều tra đối với người này là không quá hai tháng.
Do vậy, việc người này tạm giam tận 3 tháng 29 ngày là đã vi phạm pháp luật, bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi vi phạm này.
Về việc có được tại ngoại không?
Tại Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về điều kiện và thủ tục bảo lĩnh như sau:
1. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.
2. Cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 02 người. Cá nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.
Trong giấy cam đoan, cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều này. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.
Căn cứ quy định trên thì trong giai đoạn điều tra, gia đình người này có thể làm đơn bảo lĩnh.. Tuy nhiên việc người này có được bảo lĩnh hay không tại giai đoạn điều tra do Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ phạm tội của người đó. Gia đình có thể cử ra ít nhất hai người (đáp ứng các điều kiện nói trên) làm đơn xin bảo lãnh cho người này tại ngoại, đơn này phải có xác nhận của UBND cấp xã - nơi người bảo lãnh cư trú, sau đó gửi đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để được xem xét giải quyết.
6. Tội đánh bạc trái phép được xử lý như thế nào?
Thưa luật sư, xin hỏi: Tôi có người em vi phạm tội đánh bạc trái phép, lúc bị bắt trên chiếu bạc có 2 triệu đồng, khám xét thu được thêm là 4 triệu đồng, tổng cộng là 6 triệu đồng. Em tôi đã bị tạm giữ để điều tra khoảng 45 ngày sau đó được tại ngoại 45 ngày và nhận được kết luận điều tra như sau: - Em tôi đánh khoảng 10 - 15 ván, mỗi ván từ 20 đến 50 ngàn đồng. Lúc bị bắt em tôi đang thắng được khoảng 100 ngàn đồng, Kiểm tra trên người em tôi có 300 ngàn đồng. Nay em tôi đang bị triệu tập giam giữ lại để chờ tòa xử.
Xin văn phòng luật sư cho tôi hỏi em tôi phải chịu hình phạt như thế nào?
Cảm ơn!
Tội đánh bạc được quy định cụ thể tại Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 . Theo đó “Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
** Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét; cụ thể như sau:
- Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 5.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc;
- Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó;
- Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần”;
- Trường hợp đánh bạc từ năm lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp”.
Bên cạnh đó, Điều 38 Bộ luật hình sự quy định: "Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù."
Như vậy, với trường hợp mà bạn nêu thì với số tiền thu được của một lần đánh là 6 triệu đồng thì hành vi của em bạn đã đủ dấu hiệu cấu thành tội đánh bạc theo quy định tại Điều 321 của Bộ luật hình sự.
Trường hợp em bạn bị tạm giam 45 ngày để điều tra sẽ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email Tư vấn pháp luật hình sự qua Email hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến: 1900.6162 . Chúng tôi sẵn sàng giải đáp. Trân trọng!