Mục lục bài viết
1. Điều kiện thành lập hộ kinh doanh cá thể
Để thành lập hộ kinh doanh cá thể thì các cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, cụ thể là:
- Hộ kinh doanh phải do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
- Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.
2. Ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể là gì?
Ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể được hiểu là lĩnh vực cụ thể mà hộ kinh doanh đó thực hiện hoạt động kinh doanh của mình. Hộ kinh doanh cá thể có nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký kinh doanh đúng và phù hợp với lĩnh vực hoạt động của loại hình doanh nghiệp của mình và không trái với quy định của pháp luật. Điều này giúp nâng cao hiệu quả làm việc của hộ kinh doanh, đồng thời cơ sở để doanh nghiệp thực hiện những quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Khi thành lập doanh nghiệp nói chung và hộ kinh doanh cá thể nói riêng thì bắt buộc phải lựa chọn ngành, nghề kinh doanh phù hợp với định hướng phát triển và theo quy định pháp luật. Hộ kinh doanh cá thể chỉ được phép kinh doanh trong phạm vi những ngành nghề đã đăng ký. Chủ hộ kinh doanh sẽ được toàn quyền tùy ý lựa chọn ngành, nghề mình muốn kinh doanh hoặc dự định trong tương lai sẽ tiên hành kinh doanh. Việc lựa chọn ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể sẽ được thực hiện theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
3. Hộ kinh doanh cá thể được đăng ký tối đa là bao nhiêu ngành, nghề kinh doanh?
Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì khi đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh ghi ngành, nghề kinh doanh trên giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ghi nhận thông tin về ngành, nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Theo đó, trước khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh phải lựa chọn trước ngành, nghề kinh doanh và ghi vào giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ-CP cũng có đưa ra quy định về ngành, nghề kinh doanh mà hộ kinh doanh được đăng ký như sau:
- Hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.
- Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Ta có thể thấy, từ những căn cứ nêu trên, pháp luật hiện nay không giới hạn số ngành, nghề kinh doanh mà hộ kinh doanh được phép đăng ký. Tức là, hộ kinh doanh có thể đăng ký nhiều ngành, nghề. Tuy nhiên, những ngành, nghề kinh doanh này phải được cơ quan đăng ký kinh doanh chấp thuận và thỏa mãn cả 02 điều kiện sau:
- Các ngành nghề đăng ký kinh doanh không phải là ngành, nghề kinh doanh bị cấm theo quy định của pháp luật;
- Có đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đó. Nghĩa là những ngành, nghề cần phải xin giấy phép con thì hộ kinh doanh phải thủ tục để được cấp giấy phép.
Hộ kinh doanh có thể đăng ký những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Các hoạt động đầu tư kinh doanh theo bị cấm được quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020, cụ thể bao gồm:
- Kinh doanh các chất ma túy;
- Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
- Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
- Kinh doanh mại dâm;
- Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
- Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
- Kinh doanh pháo nổ;
- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp được sản xuất, sử dụng sản phẩm gồm: các chất ma túy; các loại hóa chất, khoáng vật; các mẫu vật loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc tự nhiên vào trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh. Nhưng việc sản xuất, sử dụng các sản phẩm này phải được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 03 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Như vậy, về số lượng ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh thì pháp luật hiện hành không quy định cụ thể tối đa là bao nhiêu. Do đó, hộ kinh doanh có thể đăng ký nhiều ngành, nghề và những ngành, nghề kinh doanh này sẽ được cơ quan đăng ký kinh doanh chấp thuận nếu đáp ứng cả 02 điều kiện là: không phải ngành, nghề kinh doanh bị cấm và phải có đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đó.
4. Cách ghi ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh được lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg để ghi ngành, nghề kinh doanh trong các văn bản sau: Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Theo đó:
- Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
- Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
- Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.
Lưu ý: Hộ kinh doanh có thể ghi ngành, nghề chi tiết hơn theo nội dung tại Phụ lục được ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.
Ví dụ: 5820: Xuất bản phần mềm
Chi tiết: Nhóm này gồm:
- Xuất bản các phần mềm làm sẵn (không định dạng) như: hệ thống điều hành; kinh doanh và các ứng dụng khác; chương trình trò chơi máy vi tính.
- Xuất bản và phát hành các trò chơi điện tử trực tuyến.
Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.