Mục lục bài viết
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Môi trường của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Môi trường, gọi: 1900 6162
NỘI DUNG YÊU CẦU
Chào Công ty Luật Minh Khuê, tôi là Hà Thanh Vân, hiện tại đang ở Bắc Ninh. Tôi có câu hỏi như sau để gửi đến các luật sư công ty Luật Minh Khuê:
Tôi xin hỏi về yêu cầu đối với hoạt động quản lý về các loại nước thải trong khu công nghiệp?
Mong công ty sớm phản hồi câu hỏi này để tôi nắm rõ hơn quy định của pháp luật và mọi người có câu hỏi giống tôi cùng tham khảo. Trân thành cảm ơn Công ty Luật Minh Khuê.
CƠ SỞ PHÁP LÝ
Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ban hành ngày 23 tháng 06 năm 2014;
Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ban hành ngày 13 tháng 5 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường;
Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ban hành ngày 24 tháng 04 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu;
Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ban hành ngày 18 tháng 11 năm 2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ban hành ngày 30 tháng 06 năm 2015 về quản lý chất thải nguy hại;
Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định về quản lý chất thải y tế;
NỘI DUNG TƯ VẤN
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Một số lí luận về nước thải
1.1 Khái niệm nước thải
Nước thải là nước đã bị thay đổi đặc điểm, tính chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.
Sản phẩm thải lỏng là sản phẩm, dung dịch, vật liệu ở trạng thái lỏng đã hết hạn sử dụng hoặc được thải ra từ quá trình sử dụng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác. Trường hợp sản phẩm thải lỏng được thải cùng nước thải thì gọi chung là nước thải.
1.2 Nguồn tiếp nhận nước thải
Nguồn tiếp nhận nước thải là nơi nước thải được xả vào, bao gồm: Hệ thống thoát nước, sông, suối, khe, rạch, kênh, mương, hồ, ao, đầm, vùng nước biển ven bờ, vùng biển và nguồn tiếp nhận khác.
2. Quản lý nước thải khu công nghiệp
Thứ nhất, Nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp phải đảm bảo yêu cầu sau:
+) Nước thải phải được xử lý theo điều kiện ghi trong văn bản thỏa thuận với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom của khu công nghiệp để tiếp tục xử lý tại nhà máy xử lý nước thải tập trung bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận, trừ trường hợp được miễn trừ đấu nối theo quy định;
+) Nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý phải có hợp đồng xử lý nước thải với đơn vị có chức năng phù hợp theo quy định hiện hành.
Thứ hai, Mạng lưới thu gom và hệ thống thoát nước mưa, nước thải phải được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng định kỳ để bảo đảm luôn trong điều kiện vận hành bình thường.
Thứ ba, Việc quản lý và vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung phải đảm bảo:
+) Từng đơn nguyên (mô-đun) hoặc nhà máy xử lý nước thải tập trung phải vận hành thường xuyên theo quy trình công nghệ đã được phê duyệt, bảo đảm xử lý toàn bộ nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có nhật ký vận hành được ghi chép đầy đủ, lưu giữ để phục vụ cho công tác kiểm tra, thanh tra. Nhật ký vận hành bảo đảm gồm các nội dung: lượng nước thải, lượng điện tiêu thụ, hóa chất sử dụng, lượng bùn thải;
+) Thiết bị đo lưu lượng nước thải đầu vào, thiết bị quan trắc tự động duy trì hoạt động 24/24 giờ và truyền dữ liệu tự động, liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương;
+) Có ít nhất ba (03) người quản lý vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung, trong đó cán bộ phụ trách phải có trình độ cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành công nghệ môi trường, công nghệ hóa học, công nghệ sinh học, kỹ thuật điện hoặc kỹ thuật cấp, thoát nước.
Thứ tư, Các trường hợp được miễn trừ đấu nối bao gồm các cơ sở đáp ứng điều kiện như sau:
+) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định, đồng thời việc đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp tạo chi phí bất hợp lý cho cơ sở;
+) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải vượt quá khả năng tiếp nhận, xử lý của hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp, đồng thời cơ sở có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
+) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp mà khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đồng thời cơ sở có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Thứ năm, Đối với các trường hợp Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định, đồng thời việc đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp tạo chi phí bất hợp lý cho cơ sở và trường hợp Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải vượt quá khả năng tiếp nhận, xử lý của hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp, đồng thời cơ sở có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường mà chủ cơ sở thống nhất với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp về giải pháp tách đấu nối để tự xử lý nước thải và gửi báo cáo theo quy định. Báo cáo bao gồm:
+) Văn bản đề nghị và báo cáo giải pháp tách đấu nối để tự xử lý nước thải của cơ sở trong khu công nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (kèm theo kết quả quan trắc nước thải định kỳ mới nhất);
BÁO CÁO GIẢI PHÁP TÁCH ĐẤU NỐI NƯỚC THẢI CỦA CƠ SỞ TRONG KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CHẾ XUẤT, KHU CÔNG NGHỆ CAO
(Ban hành kèm theo Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
1. Thông tin chung:
- Tên chủ cơ sở:.............................................................................................................
- Người đại diện: ……………………. Chức vụ:..............................................................
- Địa chỉ: …………………….. Khu công nghiệp:............................................................
- Số điện thoại: …………. Số Fax: ……………. E-mail:.................................................
- Loại hình sản xuất kinh doanh:....................................................................................
2. Phương án tách đấu nối và tự xử lý nước thải
- Lượng nước thải phát sinh, thành phần, tính chất nước thải.
- Nguyên nhân thực tế của việc tách đấu nối nước thải.
- Mô tả phương án xử lý nước thải:
+ Công suất, công nghệ xử lý nước thải.
+ Vị trí, điểm xả ra nguồn tiếp nhận (có kèm theo sơ đồ).
+ Chương trình quan trắc chất lượng nước thải sau xử lý.
- Chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường (xác định cụ thể).
3. Cam kết và kiến nghị
Cam kết thực hiện nghiêm túc phương án xử lý nước thải đã nêu và bảo đảm nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cho phép cơ sở ……………….. tách đấu nối khỏi hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao ……………… và tự xử lý nước thải phát sinh.
| ĐẠI DIỆN CƠ SỞ |
+) Biên bản thỏa thuận tách đấu nối với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.
3. Quan trắc việc xả nước thải
Thứ nhất, Quan trắc nước thải định kỳ:
+) Các cơ sở, khu công nghiệp và dự án đã đi vào vận hành có quy mô, công suất tương đương với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và có tổng khối lượng nước thải thải ra môi trường (theo tổng công suất thiết kế của các hệ thống xử lý nước thải hoặc theo khối lượng nước thải đã được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và các hồ sơ tương đương) từ 20 m3/ngày (24 giờ) trở lên, trừ các trường hợp đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp. Tần suất quan trắc nước thải định kỳ là 03 tháng/lần. Trường hợp quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hoặc quy định về kỹ thuật quan trắc môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành có quy định tần suất quan trắc một số thông số ô nhiễm môi trường đặc thù theo ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo quy chuẩn đó;
+) Các cơ sở, dự án đã đi vào hoạt động, có quy mô công suất tương đương với đối tượng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và có tổng khối lượng nước thải thải ra môi trường (theo tổng công suất thiết kế hoặc theo khối lượng nước thải đã đăng ký trong kế hoạch bảo vệ môi trường) từ 20 m3/ngày (24 giờ) trở lên, trừ các trường hợp đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp. Tần suất quan trắc nước thải định kỳ là 06 tháng/lần. Trường hợp quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hoặc quy định về kỹ thuật quan trắc môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành có quy định tần suất quan trắc một số thông số ô nhiễm môi trường đặc thù theo ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo quy chuẩn đó;
+) Các cơ sở trên đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp thực hiện quan trắc nước thải định kỳ theo quy định của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp;
+) Thông số quan trắc nước thải định kỳ thực hiện theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường quy định. Đối với loại hình sản xuất đặc thù không có quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo ngành, lĩnh vực, các thông số quan trắc thực hiện theo quy định về kỹ thuật quan trắc môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành;
Thứ hai, Quan trắc nước thải tự động, liên tục bao gồm các đối tượng sau:
+) Khu công nghiệp, cơ sở nằm trong khu công nghiệp nhưng được miễn trừ đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung;
+) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục IIa Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và có quy mô xả thải từ 500 m3/ngày (24 giờ) trở lên tính theo công suất thiết kế của hệ thống xử lý nước thải;
+) Cơ sở xử lý chất thải nguy hại, cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung quy mô cấp tỉnh và cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất có phát sinh nước thải công nghiệp hoặc nước rỉ rác ra môi trường, thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường;
+) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b và điểm c khoản này, có quy mô xả thải từ 1.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên tính theo công suất thiết kế của hệ thống xử lý nước thải;
+) Cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường mà tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;
+) Các đối tượng khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Các Đối tượng này phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục (bao gồm thiết bị quan trắc tự động, liên tục và thiết bị lấy mẫu tự động), có camera theo dõi, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương trước ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Đối với nước làm mát có sử dụng chlorine hoặc hóa chất khử trùng gốc chlorine chỉ lắp đặt các thông số: Lưu lượng, nhiệt độ và chlorine.
Hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục, có camera theo dõi phải được thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng.
Trên đây là tư vấn, phân tích quy định pháp luật của chúng tôi. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp, bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Môi trường - Công ty luật Minh Khuê