Mục lục bài viết
1. Khái niệm tái bảo hiểm
Tái bảo hiểm là một loại nghiệp vụ mà nhà bảo hiểm sử dụng để chuyển một phần trách nhiệm đã chấp nhận với người được bảo hiểm cho nhà bảo hiểm khác, trên cơ sở nhượng lại cho nhà bảo hiểm đó một phần chi phí bảo hiểm thông qua hợp đồng tái bảo hiểm. Thực tế tái bảo hiểm được hình thành trên cơ sở bảo hiểm gốc nên nó luôn gắn liền với nghiệp vụ bảo hiểm gốc.
Khi công ty bảo hiểm gốc không bị giải thể, cũng như không có sự can thiệp vào nội dung quy định của hãng này. Hợp đồng tái bảo hiểm là một hợp đồng độc lập. Mối quan hệ hợp đồng giữa công ty bảo hiểm và người bảo hiểm không bị đụng chạm tới.
Công ty bảo hiểm gốc vẫn có nghĩa vụ tự mình phải trả cho người được bảo hiểm quyền lợi theo hợp đồng bảo hiểm. Mặt khác, trong trường hợp có thiệt hại, hãng bảo hiểm gốc sẽ nhận được các khoản bồi hoàn (hay một phần) từ bên tái bảo hiểm, trong phạm vi rủi ro xảy ra đã được bảo hiểm lại.
2. Chức năng ,vai trò của tái bảo hiểm
2.1 Chức năng của tái bảo hiểm
Đối với các thể loại khác nhau của tái bảo hiểm chức năng của chúng cũng khác nhau. Chức năng của tái bảo hiểm đi chủ yếu nhằm đảm bảo sự kinh doanh cho công ty bảo hiểm gốc. Sự đảm bảo này phụ thuộc vào các dạng hợp đồng tái bảo hiểm và được thể hiện ở các mức độ khác nhau:
- Có thể giảm một cách tuyệt đối sự chênh lệch của kết quả kinh doanh trong lúc tỷ lệ phí và chi bồi thường vẫn giữ nguyên.
- Có thể loại trừ được những tổn thất lớn.
- Cũng có thể loại trừ được những tổn thất lớn và đồng thời cân bằng được chênh lệch do có nhiều tổn thất xảy ra.
2.2 Vai trò của tái bảo hiểm
Tái bảo hiểm có vai trò to lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, đối với cả những người tham gia bảo hiểm. Vai trò của tái bảo hiểm được thể hiện:
- Phân tán rủi ro, góp phần ổn định tài chính cho công ty bảo hiểm gốc, đặc biệt là trong những trường hợp xảy ra các sự cố thảm họa hay tích luỹ rủi ro.
- Nâng cao khả năng nhận bảo hiểm của công ty bảo hiểm gốc đối với những rủi ro vượt quá khả năng tài chính của nó. Thường xảy ra đối với các hợp đồng bảo hiểm có số tiền bảo hiểm lớn, mức trách nhiệm cao liên quan đến khả năng nhận bảo hiểm của công ty bảo hiểm gốc với người tham gia bảo hiểm.
- Nhờ có tái bảo hiểm mà các công ty bảo hiểm có thể nhận được những hợp đồng bảo hiểm lớn, vừa đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về biên khả năng thanh toán, vừa không phải từ chối khách hàng.
- Phòng ngừa thảm họa khi các rủi ro bất thường, rủi ro mang tính thảm hoạ (bão, động đất, khủng bố, dịch bệnh…) xảy ra sẽ ảnh hưởng đến khả năng bồi thường của công ty bảo hiểm gốc. Tái bảo hiểm cho phép các công ty bảo hiểm gốc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với khách hàng bất chấp các rủi ro đó xảy ra.
- Tái bảo hiểm là một công cụ quản trị rủi ro hữu hiệu của những nhà bảo hiểm trong việc dàn trải rủi ro và tổn thất.
- Thông qua hoạt động tái bảo hiểm, công ty bảo hiểm gốc được hỗ trợ về mặt tài chính nhờ khoản hoa hồng tái bảo hiểm, hỗ trợ về mặt kỹ thuật…
- Công cụ giúp cho khách hàng yên tâm hơn trong việc đảm bảo khả năng thanh toán của các công ty bảo hiểm gốc. Nhờ có tái bảo hiểm mà khách hàng có thể nhận được bồi thường chính xác, đầy đủ và kịp thời.
- Tái bảo hiểm không chỉ là sự phân tán rủi ro cho những nhà bảo hiểm mà còn là sự phân tán rủi ro giữa các quốc gia với nhau vì vậy những tổn thất lớn hoàn toàn có thể được chia sẻ với số lượng đông người tham gia bảo hiểm.
3. Khái niệm hợp đồng tái bảo hiểm
Hợp đồng tái bảo hiểm là hợp đồng giữa doanh nghiệp bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm khác hoặc với doanh nghiệp chuyên doanh tái bảo hiểm (bên nhận tái bảo hiểm), theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm chuyển rủi ro mà họ chịu trách nhiệm cho bên nhận tái bảo hiểm tương ứng với số phí tái bảo hiểm đã nhận khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Hợp đồng tái bảo hiểm là một hợp đồng độc lập. Mối quan hệ hợp đồng giữa công ty bảo hiểm và người bảo hiểm không bị ảnh hưởng bởi hợp đồng tái bảo hiểm. Công ty bảo hiểm gốc vẫn có nghĩa vụ tự mình phải trả cho người được bảo hiểm quyền lợi theo hợp đồng bảo hiểm. Mặt khác, trong trường hợp có thiệt hại, hãng bảo hiểm gốc sẽ nhận được các khoản bồi hoàn (hay một phần) từ bên tái bảo hiểm, trong phạm vi rủi ro xảy ra đã được tái bảo hiểm.
Trong quan hệ hợp đồng tái bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ kí hợp đồng tái bảo hiểm với doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm khác hoặc doanh nghiệp chuyên doanh tái bảo hiểm) sau khi đã kí hợp đồng với người tham gia bảo hiểm. Tuy vậy, doanh nghiệp bảo hiểm là tổ chức duy nhất chịu trách nhiệm trước người tham gia bảo hiểm.
Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm chỉ có quyền yêu cầu hay khởi kiện đối với doanh nghiệp bảo hiểm mà không có các quyền này đối với doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm,
Doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm có thể thực hiện việc chuyển một phần hay toàn bộ rủi ro đã nhận tái bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác hay tổ chức bảo hiểm nước ngoài (nhượng tái bảo hiểm). Pháp luật Việt Nam quy định, việc nhượng tái bảo hiểm phải ưu tiên thu xếp tái bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam trước khi nhượng tái bảo hiểm ra nước ngoài.
4. Đặc điểm của hợp đồng tái bảo hiểm
Xét về bản chất, hợp đồng tái bảo hiểm là hợp đồng bảo hiểm vì nó thỏa mãn các dấu hiệu của hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, hợp đồng tái bảo hiểm có những đặc thù riêng so với hợp đồng bảo hiểm thông thường. Theo đó, trong hợp đồng tái bảo hiểm, đối tượng tham gia bảo hiểm là doanh nghiệp bảo hiểm gốc, bên bảo hiểm là doanh nghiệp tái bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm trong hợp đồng tái bảo hiểm là trách nhiệm dân sự của công ty bảo hiểm gốc đối với khách hàng tham gia bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm gốc.
Bản chất này cũng được ghi nhận tại khoản 2 điều 61 Luật kinh doanh bảo hiểm, cụ thể: ” Nhận bảo hiểm lại một phần hay toàn bộ trách nhiệm mà doanh nghiệp bảo hiểm khác đã nhận bảo hiểm.”
Từ bản chất nêu trên, có thể nhận định rằng hợp đồng tái bảo hiểm là hợp đồng bảo hiểm có đặc thù, với các đặc điểm sau đây:
– Thứ nhất, hợp đồng tái bảo hiểm là hợp đồng ” phái sinh ” từ hợp đồng khác là ” hợp đồng bảo hiểm gốc “. Đặc điểm này xuất phát từ bản chất của hoạt động tái bảo hiểm là doanh nghiệp tái bảo hiểm bảo hiểm lại toàn bộ hoặc một phần rủi ro mà doanh nghiệp bảo hiểm gốc phải chịu trách nhiệm dân sự đối với người tham gia bảo hiểm. Nói cách khác thì hợp đồng tái bảo hiểm chỉ hình thành khi đã có hợp đồng bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm.
– Thứ hai, chủ thể tham gia hợp đồng tái bảo hiểm luôn là doanh nghiệp bảo hiềm. Trong đó doanh nghiệp bảo hiểm gốc đóng vai trò là bên tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm với vai trò là bên bảo hiểm. Điều này khác hoàn toàn với những hợp đồng bảo hiểm thông thường có chủ thể tham gia một bên là doanh nghiệp bảo hiểm và một bên là khách hàng tham gia bảo hiểm là cá nhân hay tổ chức có nhu cầu mua bảo hiểm.
– Thứ ba, đối tượng bảo hiểm trong hợp đồng tái bảo hiểm là trách nhiệm dân sự ( trách nhiệm bồi thường bảo hiểm ) của doanh nghiệp bảo hiểm gốc đối với người tham gia bảo hiểm trong trường hợp xảy ra những rủi ro đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm gốc. Như vậy, có thể thấy dù giữa hai bản hợp đồng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau song đối tượng của hợp đồng tái bảo hiểm không đồng thời là đối tượng của hợp đồng bảo hiểm gốc.
– Thứ tư, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng tái bảo hiểm là nghĩa vụ có đi có lại. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm gốc có nghĩa vụ chuyển phí bảo hiểm thu được cho doanh nghiệp tái bảo hiểm theo tỉ lệ tương ứng với phần rủi ro mà bên tái bảo hiểm nhận, ngược lại, bên doanh nghiệp tái bảo hiểm cũng có nghĩa vụ chi trả bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm gốc với tỷ lệ nhất định.
5. Phân loại hợp đồng tái bảo hiểm
– Phân loại theo phương pháp tái bảo hiểm
+ Hợp đồng tái bảo hiểm theo số tiền bảo hiểm : Đặc điểm của loại hợp đồng này là số tiền bảo hiểm, chi phí bảo hiểm và bồi thường bảo hiểm được phân chia giữa doanh nghiệp tái bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm gốc theo tỷ lệ nhất định.
+ Hợp đồng tái bảo hiểm theo mức bồi thường ( Hợp đồng tái bảo hiểm không tỷ lệ ) : Đặc trưng của loại bảo hiểm này là phân chia trách nhiệm về số tiền bảo hiểm không đặt ra.
– Phân loại theo khía cạnh pháp lý
+ Hợp đồng tái bảo hiểm tạm thời: Đặc trưng là bảo hiểm gốc sẽ chuyển nhượng từng dịch vụ hay từng đơn bảo hiểm riêng lẻ mà họ muốn cho bất kỳ đơn vị tái bảo hiểm nào. Phía đơn vị tái bảo hiểm có quyền chấp nhận hoặc từ chối tái bảo hiểm cho đơn bảo hiểm đó theo tỷ lệ thích hợp. Mặt khác, bên bảo hiểm gốc cần cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến dịch vụ được bảo hiểm cho công ty tái bảo hiểm
+ Hợp đồng tái bảo hiểm mở: Đặc trưng của hình thức bảo hiểm này là bên tái bảo hiểm không đòi hỏi đơn vị bảo hiểm phải chuyển nhượng 100% các dịch vụ đã nhận bảo hiểm. Ngược lại, đơn vị tái bảo hiểm cần chấp nhận 100% dịch vụ bảo hiểm do đơn vị bảo hiểm gốc chuyển nhượng. Những dịch vụ đó phải thoả mãn các điều kiện, thoả thuận đã quy ước ở hợp đồng tái bảo hiểm dựa trên sự trung thực tuyệt đối.
– Phân loại theo đối tượng của hợp đồng tái bảo hiểm
+ Hợp đồng tái bảo hiểm kỹ thuật;
+ Hợp đồng tái bảo hiểm nhân thọ;
+ Hợp đồng tái bảo hiểm hàng không;
+ Hợp đồng tái bảo hiểm cháy nổ;
+ Hợp đồng tái bảo hiểm tài sản;
+ Hợp đồng tái bảo hiểm vận tải;
+ Hợp đồng tái bảo hiểm dầu khí; v.v.
Ngoài ra, nếu còn vấn đề vướng mắc hoặc băn khoăn về những nội dung trên hoặc các nội dung khác liên quan tới giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Toà án, Quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6162 để được giải đáp thêm.
Trân trọng./
Bộ phận tư vấn pháp luật BHXH - Công ty luật Minh Khuê