Mục lục bài viết
Căn cứ pháp lý:
- Luật kinh bảo hiểm;
- Nghị định 73/2016/NĐ-CP;
- Thông tư 50/2017/TT-BTC;
1. Tái bảo hiểm là gì?
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có thể chuyển một phần nhưng không được nhượng toàn bộ trách nhiệm đã nhận bảo hiểm trong một hợp đồng bảo hiểm cho một hoặc nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trong và ngoài nước, chi nhánh nước ngoài khác.
Kinh doanh tái bảo hiểm bao gồm:
- Chuyển một phần trách nhiệm đã nhận bảo hiểm cho một hay nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác;
- Nhận bảo hiểm lại một phần hay toàn bộ trách nhiệm mà doanh nghiệp bảo hiểm khác đã nhận bảo hiểm.
2. Mức trách nhiệm giữ lại khi tái bảo hiểm
Mức trách nhiệm giữ lại tối đa trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ không quá 10% vốn chủ sở hữu.
Điều 10 Thông tư 50/2017/TT-BTC quy định:
Điều 10. Mức giữ lại
1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải tính toán mức giữ lại cho từng loại hình bảo hiểm và theo từng loại rủi ro; mức giữ lại trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ. Mức giữ lại của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải đảm bảo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 42 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP.
2. Khi tính toán mức giữ lại, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải xem xét đến các yếu tố sau:
a) Các quy định pháp luật về khả năng thanh toán;
b) Năng lực khai thác;
c) Khả năng tài chính;
d) Khả năng sẵn sàng chấp nhận rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài;
đ) Việc thu xếp bảo vệ cho các rủi ro lớn và các rủi ro thảm họa;
e) Việc cân đối các kết quả hoạt động kinh doanh;
g) Các yếu tố cấu thành của danh mục hợp đồng bảo hiểm;
h) Diễn biến thị trường tái bảo hiểm trong nước và quốc tế.
3. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài nhượng tái bảo hiểm theo chỉ định của người được bảo hiểm, tỷ lệ tái bảo hiểm chỉ định tối đa là 90% mức trách nhiệm bảo hiểm.
3. Nhượng tái bảo hiểm
Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài nhượng tái bảo hiểm theo chỉ định của người được bảo hiểm, tỷ lệ tái bảo hiểm chỉ định tối đa là 90% mức trách nhiệm bảo hiểm.
Theo Điều 11 Thông tư 50/2017/TT-BTC:
Điều 11. Nhượng tái bảo hiểm
1. Việc nhượng tái bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Điều 42, Điều 43 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP và hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này.
2. Nhượng tái bảo hiểm theo chỉ định của người được bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 42 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP là một trong các trường hợp sau:
a) Người được bảo hiểm chỉ định một hoặc một số doanh nghiệp tái bảo hiểm cụ thể và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm nhượng tái bảo hiểm cho một hoặc một số doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được chỉ định đó;
b) Người được bảo hiểm chỉ định một hoặc một số doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cụ thể và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm thu xếp tái bảo hiểm qua một hoặc một số doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đã được chỉ định đó.
Trường hợp nhượng tái bảo hiểm theo chỉ định của người được bảo hiểm, doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nước ngoài theo chỉ định của người được bảo hiểm phải đáp ứng quy định tại Điều 43 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP.
3. Đối với các loại hình tái bảo hiểm hạn chế (finite reinsurance), sau khi ký kết hợp đồng tái bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có văn bản do người đại diện theo pháp luật ký thông báo cho Bộ Tài chính các nội dung chính của hợp đồng tái bảo hiểm, mục đích ký kết hợp đồng, cam kết tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và chế độ kế toán áp dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.
4. Việc nhượng tái bảo hiểm không được phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam và doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nước ngoài.
4. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có thể nhận tái bảo hiểm trách nhiệm mà doanh nghiệp bảo hiểm khác đã nhận bảo hiểm. Khi nhận tái bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải đánh giá rủi ro để bảo đảm phù hợp với khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài và không được nhận tái bảo hiểm đối với chính những rủi ro đã nhượng tái bảo hiểm.
5. Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động nhận, nhượng tái bảo hiểm và mức giữ lại đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.
4. Điều kiện của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nước ngoài
Điều 43 Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định:
- Doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nước ngoài đang hoạt động hợp pháp và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về khả năng thanh toán theo quy định pháp luật của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.
- Doanh nghiệp đứng đầu nhận tái bảo hiểm và doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm từ 10% tổng mức trách nhiệm của mỗi hợp đồng tái bảo hiểm phải được xếp hạng tối thiểu “BBB” theo Standard & Poor’s hoặc Fitch, “B++” theo A.M.Best, “Baal” theo Moody’s hoặc các kết quả xếp hạng tương đương của các tổ chức có chức năng, kinh nghiệm xếp hạng khác tại năm tài chính gần nhất so với thời điểm giao kết hợp đồng tái bảo hiểm.
- Trường hợp tái bảo hiểm cho công ty mẹ ở nước ngoài hoặc các công ty trong cùng tập đoàn mà công ty này không có đánh giá xếp hạng tín nhiệm theo quy định nêu trên thì doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải nộp Bộ Tài chính văn bản của cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài nơi công ty nhận tái bảo hiểm đóng trụ sở chính xác nhận công ty nhận tái bảo hiểm ở nước ngoài bảo đảm khả năng thanh toán tại năm tài chính gần nhất năm nhận tái bảo hiểm.
5. Các loại hình tái bảo hiểm hiện này
- Tái bảo hiểm tạm thời
Tái bảo hiểm tạm thời hay còn gọi là tái bảo hiểm tuỳ ý lựa chọn, là hình thức tái bảo hiểm mà công ty bảo hiểm gốc chuyển nhượng cho công ty tái bảo hiểm từng dịch vụ hay từng đơn bảo hiểm một cách riêng lẻ.
Công ty tái bảo hiểm có quyền nhận hay từ chối dịch vụ và đơn bảo hiểm đó. Công ty bảo hiểm gốc có toàn quyền quyết định tái bảo hiểm cho dịch vụ nào, với tỷ lệ bao nhiêu, cho công ty tái bảo hiểm nào là tuỳ họ.
Mặt khác công ty tái bảo hiểm có quyền nhận hay từ chối hoặc chỉ nhận tái bảo hiểm với một tỷ lệ mà họ cho là thích hợp. Công ty bảo hiểm gốc có nghĩa vụ phải cung cấp cho công ty tái bảo hiểm mọi thông tin có liên quan đến dịch vụ được bảo hiểm. Trên thực tế nhà tái bảo hiểm cũng tiến hành đánh giá mức độ rủi ro của dịch vụ rồi quyết định có nhận tái bảo hiểm hay không mà không cần đầy đủ các chi tiết.
Ưu điểm:
Phương pháp này cho phép các công ty bảo hiểm nhỏ, với kinh nghiệm tương đối hạn chế có thể cạnh tranh để nhận những dịch vụ lớn nằm ngoài khả năng của mình, bởi vì họ có thể sử dụng được chuyên môn nghiệp vụ và khả năng vốn của các thị trường tái bảo hiểm quốc tế.
Cho phép công ty bảo hiểm gốc nhận những dịch vụ nằm ngoại phạm vi khai thác thông thường của mình. Những dịch vụ như vậy chủ yếu là theo yêu cầu đặc biệt của khách hàng mà công ty bảo hiểm gốc phải chấp nhận để giữ uy tín cho mình.
Một nhóm các công ty bảo hiểm gốc có quan hệ thân thiết có khả năng trao đổi các rủi ro được đánh giá là tốt trên cơ sở tạm thời để tiến hành phân tán rủi ro và đảm bảo doanh thu ổn định.
- Tái bảo hiểm cố định
Tái bảo hiểm cố định hay còn gọi là tái bảo hiểm bắt buộc, là hình thức tái bảo hiểm mà theo đó công ty nhượng phải nhượng cho nhà tái bảo hiểm tất cả các đơn vị rủi ro bảo hiểm gốc mà hai bên đã thoả thuận và quy định trong hợp đồng. Ngược lại, nhà tái bảo hiểm cũng buộc phải chấp nhận bảo hiểm toàn bộ các rủi ro đó.
Ưu điểm:
Giúp công ty nhượng chủ động chấp nhận, định phí bảo hiểm cho rủi ro bảo hiểm gốc mà không phải mất thời gian tham khảo ý kiến của của nhà tái bảo hiểm, do đó hợp đồng bảo hiểm sẽ nhanh chóng được ký kết .
Công ty nhượng được nhà tái bảo hiểm bảo vệ cho mọi rủi ro thuộc phạm vi hợp đồng, do đó khả năng an toàn của công ty bảo hiểm được đảm bảo.
Việc nhận tái bảo hiểm theo hợp đồng cố định cho phép công ty tái bảo hiểm nhận được nhiều dịch vụ hơn so với việc nhận từng hợp đồng tạm thời đơn lẻ. Nhà tái bảo hiểm có điều kiện thu được phí lớn, phù hợp với nguyên tắc "quy luật số đông" giúp nhà tái bảo hiểm có điều kiện đẩy mạnh tiến bộ kỹ thuật của ngành bảo hiểm bằng việc chấp nhận rủi ro mới.
- Tái bảo hiểm lựa chọn - bắt buộc
Là một hình thức bảo hiểm mà công ty nhượng không bắt buộc phải nhượng tất cả những dịch vụ mà mình nhận bảo hiểm, nhưng ngược lại nhà tái bảo hiểm bắt buộc phải chấp nhận các dịch vụ mà công ty nhượng đã đưa vào thỏa thuận này với điều kiện là những dịch vụ đó phải phù hợp với nội dung và điều khoản đã qui ước của hợp đồng tái bảo hiểm thỏa thuận.
Các bên tham gia hợp đồng tái bảo hiểm tuỳ ý lựa chọn - bắt buộc cần phải có sự trung thực tuyệt đối để đảm bảo lợi ích cho các nhà nhận tái bảo hiểm.
6. Vai trò của tái bảo hiểm
Tái bảo hiểm có vai trò:
Phân tán rủi ro, góp phần ổn định tài chính cho công ty bảo hiểm gốc, đặc biệt là trong những trường hợp xảy ra các sự cố thảm họa hay tích luỹ rủi ro.
Nâng cao khả năng nhận bảo hiểm của công ty bảo hiểm gốc đối với những rủi ro vượt quá khả năng tài chính của nó. Thường xảy ra đối với các hợp đồng bảo hiểm có số tiền bảo hiểm lớn, mức trách nhiệm cao liên quan đến khả năng nhận bảo hiểm của công ty bảo hiểm gốc với người tham gia bảo hiểm.
Nhờ có tái bảo hiểm mà các công ty bảo hiểm có thể nhận được những hợp đồng bảo hiểm lớn, vừa đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về biên khả năng thanh toán, vừa không phải từ chối khách hàng.
Phòng ngừa thảm họa khi các rủi ro bất thường, rủi ro mang tính thảm hoạ (bão, động đất, khủng bố, dịch bệnh…) xảy ra sẽ ảnh hưởng đến khả năng bồi thường của công ty bảo hiểm gốc. Tái bảo hiểm cho phép các công ty bảo hiểm gốc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với khách hàng bất chấp các rủi ro đó xảy ra.
- Tái bảo hiểm là một công cụ quản trị rủi ro hữu hiệu của những nhà bảo hiểm trong việc dàn trải rủi ro và tổn thất. Thông qua hoạt động tái bảo hiểm, công ty bảo hiểm gốc được hỗ trợ về mặt tài chính nhờ khoản hoa hồng tái bảo hiểm, hỗ trợ về mặt kỹ thuật…
- Công cụ giúp cho khách hàng yên tâm hơn trong việc đảm bảo khả năng thanh toán của các công ty bảo hiểm gốc. Nhờ có tái bảo hiểm mà khách hàng có thể nhận được bồi thường chính xác, đầy đủ và kịp thời.
- Tái bảo hiểm không chỉ là sự phân tán rủi ro cho những nhà bảo hiểm mà còn là sự phân tán rủi ro giữa các quốc gia với nhau vì vậy những tổn thất lớn hoàn toàn có thể được chia sẻ với số lượng đông người tham gia bảo hiểm.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.