Mục lục bài viết
1. Quy định về xây dụng kế hoạch và phương án bảo vệ phiên tòa
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 13/2016/TT-BCA quy định về xây dựng kế hoạch và phương án bảo vệ phiên tòa như sau:
- Đơn vị Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp khi nhận được yêu cầu bảo vệ phiên tòa của Tòa án nhân dân có trách nhiệm xây dựng kế hoạch bảo vệ phiên tòa trình Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự đơn vị mình phê duyệt. Việc xây dựng kế hoạch và nội dung kế hoạch như sau:
+ Trước khi xây dựng kế hoạch bảo vệ phiên tòa phải khảo sát thực tế, nắm vững tính chất, đặc Điểm của vụ án; mức độ tội phạm; số lượng bị cáo, người làm chứng và những người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng và dự kiến số người tham dự phiên tòa; thời gian, địa Điểm xét xử, khí hậu, thời tiết; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nơi diễn ra phiên tòa, dư luận xã hội (nhất là các phiên tòa xét xử các vụ án phức tạp liên quan đến an ninh trật tự, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, khiếu kiện đông người) và những yếu tố khác có liên quan đến công tác bảo vệ phiên tòa;
+ Nội dung kế hoạch gồm: Mục đích, yêu cầu, đặc Điểm tình hình; phân công người chỉ huy chung; người chỉ huy bảo vệ trong phòng xử án, người chỉ huy bảo vệ khu vực ngoài phòng xử án; phân công cán bộ, chiến sĩ ở từng vị trí; bố trí lực lượng, trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, thời gian, địa Điểm; quy ước thông tin liên lạc; trách nhiệm phối hợp giữa các lực lượng; tổ chức thực hiện và những hoạt động cần thiết khác.
- Căn cứ vào kế hoạch bảo vệ phiên tòa, đơn vị Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp xây dựng phương án bảo vệ trình Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự đơn vị mình phê duyệt.
Nội dung phương án gồm dự kiến các tình huống có thể xảy ra và phương án xử lý các tình huống.
- Đối với việc bảo vệ phiên tòa xét xử các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp về an ninh, trật tự thì phải thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ phiên tòa.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên khi nhận được yêu cầu bảo vệ phiên tòa của Tòa án nhân dân có trách nhiệm xây dựng kế hoạch bảo vệ phiên tòa trình Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự đơn vị mình phê duyệt.
Tùy theo đặc điểm của vụ án, mức độ tội phạm và số lượng bị cáo mà lực lượng công an sẽ xây dựng phương án bảo vệ phiên tòa thích hợp và trình Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự đơn vị mình phê duyệt.
2. Hướng dẫn xử lý khi xảy ra tình huống khủng bố, bắt cóc con tin tại phiên tòa
Hướng dẫn xử lý tình huống khủng bố, bắt cóc con tin tại tòa là một trong những nội dung mới của Thông tư 117/2020/TT-BCA sửa đổi Thông tư 13/2016/TT-BCA quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa của lực lượng Công an nhân dân.
Theo đó, khi xảy ra tình huống khủng bố, bắt cóc con tin, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm như sau:
Trường hợp xảy ra tình huống khủng bố, bắt cóc con tin thì cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm báo cáo ngay Chủ tọa phiên tòa, cơ quan, lực lượng chuyên môn và khẩn trương triển khai thực hiện phương án đã được phê duyệt, sơ tán mọi người ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời, báo cáo người có thẩm quyền để chỉ đạo giải quyết; cấp cứu người bị thương (nếu có); bắt giữ ngay người có hành vi vi phạm pháp luật và bàn giao cho lực lượng chức năng giải quyết.
Đơn vị Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp khi nhận được lịch xét xử và văn bản yêu cầu bảo vệ phiên tòa (nếu có) có trách nhiệm đề nghị Tòa án trao đổi những thông tin liên quan đến vụ án để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ phiên tòa, dự kiến các tình huống có thể xảy ra và biện pháp xử lý, thống nhất với cơ quan, đơn vị có liên quan về công tác tổ chức bảo vệ phiên tòa.
Ngoài ra, theo Thông tư này thì việc xử lý tình huống cháy, nổ tại phiên tòa được sửa đổi, bổ sung theo hướng:
- Khi phát hiện vũ khí, vật liệu nổ, hoặc công cụ hỗ trợ được đưa vào phiên tòa vi phạm quy định, cán bộ và chiến sĩ đảm nhiệm bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm ngay lập tức thông báo Chủ tọa phiên tòa, cơ quan, và lực lượng chuyên môn. Họ cần khẩn trương triển khai thực hiện phương án đã được phê duyệt, sơ tán mọi người ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời báo cáo người có thẩm quyền để nhận chỉ đạo giải quyết.
- Trong tình huống cháy, nổ xảy ra, cán bộ và chiến sĩ bảo vệ phiên tòa phải hợp tác chặt chẽ với các lực lượng sơ tán để đảm bảo an toàn cho mọi người. Họ thực hiện các biện pháp và sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt đám cháy, ngay lập tức thông báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của người có thẩm quyền; tiến hành cấp cứu người bị thương (nếu có); bắt giữ ngay những người vi phạm pháp luật và bàn giao cho lực lượng chức năng giải quyết. Cũng cần phối hợp chặt chẽ với Công an địa phương trong việc khoanh vùng bảo vệ hiện trường để hỗ trợ công tác điều tra vụ việc.
3. Quan hệ phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa
Quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an và Tòa án trong công tác bảo vệ phiên tòa
- Đơn vị thi Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, khi nhận được lịch xét xử và văn bản yêu cầu bảo vệ phiên tòa (nếu có), có trách nhiệm đề xuất Tòa án trao đổi thông tin liên quan đến vụ án. Điều này nhằm hỗ trợ trong việc xây dựng kế hoạch và phương án bảo vệ phiên tòa, dự kiến các tình huống có thể xảy ra, và biện pháp xử lý. Đồng thời, công an cần thống nhất với cơ quan và đơn vị liên quan về công tác tổ chức bảo vệ phiên tòa, để đảm bảo sự hiệu quả và an toàn trong quá trình xét xử.
- Chỉ huy bảo vệ phiên tòa thông báo kịp thời đến Chủ tọa phiên tòa tình hình diễn biến sự việc có liên quan đến công tác bảo vệ phiên tòa.
Quan hệ phối hợp giữa các lực lượng Công an tham gia bảo vệ phiên tòa
- Khi có vụ việc nằm trong thẩm quyền giải quyết của nhiều người hoặc nhiều cơ quan, người hoặc cơ quan phát hiện trước đó chịu trách nhiệm giải quyết vụ việc và sau đó chuyển giao cho người hoặc cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của các lực lượng đang làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa, cần báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét và quyết định.
- Ngoài ra, khi có vụ án mà trách nhiệm giải quyết ở mỗi giai đoạn khác nhau thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác nhau, các cơ quan này sẽ cùng bàn bạc và thống nhất để giải quyết vụ án một cách hiệu quả.
Quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp với các lực lượng khác trong Công an nhân dân
Mối quan hệ hiệp đồng giữa các lực lượng tham gia bảo vệ phiên tòa tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa, với trách nhiệm chính nên lực lượng Công an nhân dân. Trong đó, lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đóng vai trò quan trọng và là nòng cốt của mối quan hệ này. Cán bộ và chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm thực hiện và tuân thủ mệnh lệnh của người chỉ huy bảo vệ phiên tòa.
Công an các đơn vị, địa phương khi được phân công để phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa, phải chủ động lập kế hoạch, xây dựng phương án, bố trí lực lượng, phương tiện và công cụ hỗ trợ theo yêu cầu của chỉ huy phiên tòa. Mục tiêu là đảm bảo an toàn cho phiên tòa và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Xem thêm: Nội quy phiên tòa xét xử vụ án hình sự theo quy định của pháp luật
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Hướng dẫn xử lý tình huống khủng bố, bắt cóc con tin tại tòa án mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!