Theo pháp luật Việt Nam hiện nay, công ty hợp danh bị gắn với một hình thức công ty khác là công ty hợp vốn đơn giản để cùng được gọi là “công ty hợp danh”. Theo tác giả, cách thức này đã dẫn đến sự nhận thức thiếu chính xác về cả hai hình thức công ty này, và còn dẫn đến nhiều quy định không thích hợp đối với chúng.
>> Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến gọi số: 1900.6162
Nguyên nhân của khiếm khuyết nêu trên thể hiện rất rõ qua Luật Doanh nghiệp năm 2005, có lẽ là do nhà làm luật thiếu nhận biết chính xác về các hình thức công ty đang tồn tại từ xưa tới nay trên thế giới, cũng như ở Việt Nam trước kia, thiếu chú trọng một cách cần thiết tới công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản. Trong tiếng Anh, công ty hợp danh được gọi là “general partnership” hay “simply partnership”, còn công ty hợp vốn đơn giản được gọi là “limited partnership”. ở các nước thuộc họ pháp luật Anh - Mỹ, mỗi dạng công ty nói trên có quy chế pháp lý riêng về thành lập và vận hành. Có lẽ, Luật Doanh nghiệp năm 2005 của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi pháp luật Hoa Kỳ?
Xét về bản chất, từ thủa ban đầu, công ty hợp danh là sự liên kết giữa các thương nhân đơn lẻ để cùng nhau hoạt động dưới một tên hãng chung. Cho đến nay, dù có đôi chút thay đổi về chủ thể tham gia vào sự liên kết đó (sẽ được phân tích sau), thì sự nhận thức như vậy về bản chất của công ty hợp danh vẫn rất có giá trị trong việc giải thích nhiều vấn đề có liên quan. Có thể hiểu một cách giản dị, công ty hợp danh là một công ty của hai hay nhiều người cùng tiến hành hoạt động kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận. Cũng có thể hiểu, một công ty hợp danh được xem là một người và cùng với nó là các chủ sở hữu của nó (1). Khác hơn thế, Luật Doanh nghiệp năm 2005 của Việt Nam định nghĩa:
“Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
a) Phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh); ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn;
b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
c) Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty” (Điều 130, khoản 1).
Định nghĩa này cho thấy hai vấn đề lớn cần phải bàn:
Vấn đề lớn thứ nhất, công ty hợp danh theo quan niệm của Luật Doanh nghiệp năm 2005 phải có ít nhất hai thành viên hợp danh, có nghĩa là hai người chịu trách nhiệm liên đới và vô hạn định đối với các khoản nợ của công ty. Điều này là đúng nếu Luật Doanh nghiệp năm 2005 không quan niệm công ty hợp danh bao gồm cả công ty hợp vốn đơn giản. Như trên đã nói, bản chất của công ty hợp danh (general partnership) đúng nghĩa là sự liên kết của các thương nhân đơn lẻ (sole trader hay sole proprietorship) để kinh doanh dưới một tên hãng chung. Vì vậy, công ty hợp danh phải có từ hai thành viên hợp trở lên, nếu không thì sẽ vẫn chỉ là thương nhân đơn lẻ. Còn đối với công ty hợp vốn đơn giản thì chỉ cần có một thành viên hợp danh (hay “thành viên nhận vốn” - gọi một cách dễ hiểu hơn và đỡ bị nhầm hơn về ngữ nghĩa) và một thành viên góp vốn là đủ. Ngay ở Hoa Kỳ người ta quan niệm: “Công ty hợp danh hữu hạn (limited partnership) bao gồm hai hay nhiều người, với ít nhất một thành viên hợp danh và một thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn” (2). Cần lưu ý thêm: “công ty hợp danh hữu hạn: gọi theo cách của chúng ta xưa kia là “công ty hợp vốn đơn giản” hay “công ty hợp tư đơn thường”. Để thấy hết quan niệm sai lầm về công ty hợp danh theo pháp luật của Việt Nam hiện nay, cần khảo sát tình huống sau:
Lại Thị Lợi và Cù Thị Như Lan cùng nhau thành lập một công ty hợp danh mang tên Lại Cù. Công ty hoạt động rất hiệu quả, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, giải quyết được rất nhiều việc làm cho một địa bàn có nhiều người thất nghiệp, thực hiện chính sách kinh tế lớn của địa phương. Không may Cù Thị Như Lan qua đời để lại tài sản cho người thừa kế duy nhất mang tên Cù Thị Khoái, không có khả năng kinh doanh và không được sự tin tưởng về mặt kinh doanh của Lại Thị Lợi. Khoái không muốn rút khỏi công ty, nhưng cũng đồng ý chỉ là thành viên góp vốn của công ty. Lợi không muốn kết nạp thêm bất kỳ ai vào công ty vì không tin tưởng và không muốn chia xẻ cơ hội kinh doanh. Biết rằng tỷ lệ quyền lợi của Lợi và Lan trong công ty Lại Cù bằng nhau.
Để giải quyết tình huống này, có các giải pháp sau:
Thứ nhất, Khoái rút khỏi công ty. Điều này trái với ý chí của Lợi và Khoái. Lưu ý: Luật tư không thể buộc bất kỳ ai hành động trái với ý muốn của họ, nếu không có lý do chính đáng từ phía cộng đồng. Giả định Khoái rút khỏi công ty, công ty chỉ còn lại mình Lợi. Lúc này công ty không thể còn là công ty hợp danh nữa, vì nó chống lại bản chất thực sự của công ty hợp danh, và xét về luật thực định thì nó cũng chống lại các quy định về công ty hợp danh.
Thứ hai, công ty Lại Cù chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Điều này trái với ý muốn của Lợi. Hơn nữa, pháp luật Việt Nam hiện không dự liệu trường hợp chuyển đổi hình thức giữa công ty đối vốn và công ty đối nhân.
Thứ ba, Khoái thay thế vị trí thành viên hợp danh của Lan trong công ty Lại Cù. Điều này trái với ý chí của Lợi và Khoái, đồng thời chống lại tính chất đối nhân (tin tưởng lẫn nhau và nhắm tới nhân thân của nhau giữa các thành viên hợp danh) của công ty hợp danh.
Thứ tư, công ty Lại Cù kết nạp thêm thành viên hợp danh mới. Điều này cũng trái với ý chí của Lợi và Khoái, đồng thời chống lại tính chất đối nhân của công ty hợp danh.
Thứ năm, công ty Lại Cù giải thể để Lợi thành lập công ty khác. Giải pháp này chống lại lợi ích của cộng đồng vì công ty đang phát triển và có nhiều đóng góp cho xã hội. Đồng thời, Lợi bị mất cơ hội làm ăn và gánh chịu chi phí lớn cho việc tạo dựng lại công ty...
Các giải pháp trên đều có các khiếm khuyết lớn có thể khiến cho luật không đi vào đời sống xã hội, nhiều khi còn cản trở việc phát triển kinh tế, xã hội. Tốt nhất là chúng ta nên chọn giải pháp mà các hệ thống tài phán trên thế giới hiện nay vẫn đang sử dụng. Đó là thiết kế quy chế pháp lý riêng cho công ty hợp danh và cho công ty hợp vốn đơn giản. Nhưng trước hết cần phải nhận thức công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản là hai hình thức công ty khác biệt. Đồng thời nhà làm luật cần thiết kế đầy đủ các giải pháp đối với việc chuyển đổi hình thức công ty.
Vấn đề lớn thứ hai, thành viên hợp danh theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 phải là cá nhân, có nghĩa là pháp nhân không thể góp vốn thành lập công ty hợp danh. ở trên đã nói, bản chất thủa ban đầu của công ty hợp danh là sự liên kết giữa các thương gia thể nhân hay thương nhân đơn lẻ để cùng kinh doanh dưới một tên hãng chung. Tuy nhiên, ngày nay khi đã cách xa cái thủa ban đầu đó hàng thiên niên kỷ, thì công ty hợp danh mang bản chất là sự liên kết giữa các thương nhân mà trong đó có cả thương gia thể nhân và thương gia pháp nhân, có nghĩa là thành viên của công ty hợp danh có thể là pháp nhân. Về mặt lý thuyết cho thấy pháp nhân mô phỏng vị trí pháp lý của thể nhân. Nó có tên gọi, cơ sở, quốc tịch, ý chí, sản nghiệp, trách nhiệm, có nghĩa là nó có các quyền dân sự như thể nhân trừ một số quyền đặc trưng của thể nhân như về gia đình, về chính trị... Đứng trước pháp luật, thể nhân hay pháp nhân đều được gọi là người, nhưng để phân biệt giữa chúng người ta gắn vào đó các tính từ. Sự phân biệt như vậy là cần thiết để thiết lập đời sống pháp lý khác nhau cho chúng, song sự phân biệt đó không làm cản trở tới việc tham gia vào các hoạt động kinh tế của pháp nhân. Về mặt pháp luật thực định, chúng ta đã thấy Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 có một hình thức đầu tư là hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hay hợp đồng hợp tác kinh doanh mà các luật gia trên thế giới quan niệm đó chính là hình thức công ty hợp danh, mặc dù khi xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 1999, nhiều quan điểm ở Quốc hội cho rằng, hình thức công ty hợp danh là quá mới đối với Việt Nam, nên đã cắt xén dự thảo để chỉ thông qua vỏn vẹn năm điều về công ty hợp danh. Điều đáng lưu ý rằng, các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thể là pháp nhân. Vậy tại sao Luật Doanh nghiệp năm 2005 cho rằng thành viên của công ty hợp danh chỉ có thể là thể nhân? Có lẽ nhà làm luật nghĩ, thành viên hợp danh của công ty hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn định đối với các khoản nợ của công ty nên buộc phải là cá nhân, vì xem điểm b, khoản 1, Điều 130 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 có bóng dáng của những nhận thức như vậy. Chịu trách nhiệm vô hạn định có nghĩa là phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình hiện có hoặc sẽ có trong tương lai. Vậy cả thể nhân và pháp nhân đều phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của họ, chỉ có điều khác biệt là pháp nhân khi đã bị thanh lý hết tài sản thì có thể không tồn tại nữa, còn thể nhân thì vẫn có cơ hội để làm ăn, có nghĩa là có thể có tài sản trong tương lai. Câu chuyện này còn liên quan tới luật phá sản mà chúng ta sẽ có dịp đề cập tới. Ngày nay, các công ty thường lựa chọn các hình thức đầu tư rất linh hoạt. Họ có thể sử dụng hình thức công ty hợp danh để tạo ra các chi nhánh chung hoặc để kiểm soát hữu hiệu một công ty hoặc nhiều công ty khác trong việc khai thác một cơ hội kinh doanh nào đó. Vậy tại sao Luật Doanh nghiệp năm 2005 lại hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức đầu tư của các thương nhân mà không có lý do chính đáng từ phía cộng đồng? Để lý giải đầy đủ cho quan niệm thành viên hợp danh có thể là pháp nhân, chúng ta còn phải nắm được vị thế pháp lý của thành viên hợp danh.
Công tyhợp danh và công ty dân sự rất gần gũi nhau, nhưng không chuyển đổi được sang nhau. Các thành viên của công ty hợp danh mặc nhiên được coi là có tư cách thương gia và liên đới chịu trách nhiệm với các khoản nợ của công ty. Cơ cấu tổ chức của công ty hợp danh gọn nhẹ, do đó nó rất thích hợp với việc tổ chức các doanh nghiệp nhỏ. Hình thức công ty này xuất hiện ngày càng nhiều trong mối liên hệ giữa các công ty để hình thành một chi nhánh chung giữa các công ty, các tập đoàn, làm cơ sở cho việc phân nhánh mới. Trong Giáo trình Luật kinh tế, Tập 1: Luật doanh nghiệp, Tình huống - Phân tích - Bình luận của Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, có đoạn viết: “Luật sư thường được xem là cơ quan bổ trợ công lý, bởi vậy các hãng luật thường hoạt động dưới dạng hợp danh chứ không phải các công ty thương mại” (3). Đọc đoạn văn này ai đó băn khoăn: Phải chăng hợp danh hay công ty hợp danh không phải là công ty thương mại? Có lẽ vẫn cấn cá ở việc xem dịch vụ pháp lý có phải là hành vi thương mại hay không và việc tổ chức dịch vụ pháp lý dưới hình thức hợp danh phải chăng là một hợp đồng dân sự, nên sự ra đời của đoạn văn trên chỉ đề cập riêng tới các công ty luật mà không nhằm nói tới công ty hợp danh nói chung. Trong khi đó, từ trước tới nay ở đâu người ta cũng nói công ty hợp danh là công ty thương mại, là thương nhân bởi hình thức và nó được phân biệt với công ty dân sự.
Trong các đặc điểm pháp lý của công ty hợp danh còn có một vấn đề phải bàn là: công ty hợp danh có tư cách pháp nhân hay không? Nhiều luật gia Việt Nam cho tới bây giờ vẫn chưa đồng tình với việc Luật Doanh nghiệp năm 2005 quan niệm công ty hợp danh có tư cách pháp nhân. Rõ ràng, công ty hợp danh cũng có tên gọi, trụ sở, quốc tịch, sản nghiệp, ý chí và trách nhiệm. Điều đó cho thấy không thể quan niệm nó là một cái gì đó khác hơn pháp nhân. Còn các thành viên của nó xét về mặt pháp lý là những người bảo lãnh liên đới cho các hoạt động của công ty. Hoàn toàn có sự tách bạch giữa tài sản của công ty và tài sản của các thành viên.
(1) QuickMBA, Law and Business, [http://www.quickmba.com/law/partnership/general/], truy cập ngày 17/2/2007.
(2) QuickMBA, Law and Business, [http://www.quickmba.com/law/partnership/general/], truy cập ngày 17/2/2007.
(3) Phạm Duy Nghĩa, Giáo trình Luật kinh tế, Tập 1: Luật doanh nghiệp, Tình huống - Phân tích - Bình luận, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2006, tr. 56.
TS Ngô Huy Cương - Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật và chủ trương của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại.)
------------------------------------------------------
THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN: