Mục lục bài viết
1.Khái niệm nhượng quyền thương mại
Nhượng quyền thương mại là cách thức tổ chức kinh doanh đã tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực phân phối hàng hoá và dịch vụ trong hầu hết các ngành kinh tế và làm thay đổi tình hình kinh tế của hầu hết các nước. Nghĩa gốc của thuật ngữ ‘nhượng quyền thương mại’ là trao cho ai đó quyền tự do thực hiện việc gì đó hoặc quyền sử dụng cái gì đó ở một địa điểm nhất định. Thuật ngữ này bắt nguồn từ động từ tiếng Pháp ‘afranchir’ có nghĩa là ‘được tự do làm’. Tuy vậy, ngày nay thuật ngữ nhượng quyền thương mại thường đề cập mối quan hệ thương mại trong phân phối hàng hoá và dịch vụ. Ở nghĩa rộng nhất, nhượng quyền thương mại có thể được diễn giải là Các giao dịch trong đó một bên trao quyền cho bên khác được khai thác quyền sở hữu trí tuệ có thể liên quan tới, nhưng không hàm nghĩa toàn bộ, tên thương mại, sáng chế, nhãn hiệu, phân phối trang thiết bị, nhân vật hư cấu, hoặc tên của nhân vật nổi tiếng, hoặc bản thiết kế kinh doanh - được coi là yếu tố cơ bản trong nhượng quyền công thức kinh doanh. Nhượng quyền thương mại thường được chia thành ba loại: ‘Nhượng quyền thương mại sản phẩm’ (the ‘product franchise’), ‘nhượng quyền thương mại sản xuất hoặc chế biến’ (the ‘processing or manufacturing franchise’), và ‘nhượng quyền công thức kinh doanh’ (the ‘business format franchise’). Trong ‘nhượng quyền thương mại sản phẩm’ (the ‘product franchise’), bên nhận quyền là nhà phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ, đối với một loại sản phẩm nhất định trong một phạm vi lãnh thổ nào đó và gắn liền với nhãn hiệu của bên nhượng quyền. Đối với ‘nhượng quyền sản xuất hoặc chế biến’ (the ‘processing or manufacturing franchise’), bên nhượng quyền chuyển giao bí quyết hoặc nguyên liệu thiết yếu cho bên nhận quyền và có thể sử dụng dưới nhãn hiệu của bên nhượng quyền trong một phạm vi lãnh thổ nhất định. Cả hai loại nhượng quyền này được gọi chung là ‘nhượng quyền sản phẩm và tên thương mại’ (the ‘product and trade name franchises’). Trong ‘nhượng quyền công thức kinh doanh’ (the ‘business format franchise’), bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền sử dụng một công thức kinh doanh đặc biệt trong phạm vi lãnh thổ nào đó và dưới nhãn hiệu của bên nhượng quyền. Quan hệ nhượng quyền thương mại bao gồm ‘thoả thuận nhượng quyền đơn cơ sở’ (‘single-unit franchise arrangement’) và ‘thoả thuận nhượng quyền đa cơ sở’ (‘multi-unit franchise arrangement’). ‘Nhượng quyền đơn cơ sở’ là thoả thuận theo đó bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền được mở một cơ sở nhượng quyền. ‘Nhượng quyền đa cơ sở’ là thoả thuận theo đó bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền được mở từ hai cơ sở nhượng quyền trở lên. ‘Nhượng quyền đa cơ sở’ có hai loại: ‘nhượng quyền phát triển khu vực’ (the ‘area development franchise’ ) và ‘nhượng quyền thương mại tổng thể’ (the ‘master franchise’ ). ‘Nhượng quyền phát triển khu vực’ là thoả thuận theo đó bên nhượng quyền trao cho bên nhận quyền (còn gọi là ‘nhà phát triển khu vực’) các quyền và nghĩa vụ để mở và vận hành từ hai cơ sở nhượng quyền trở lên trong một khu vực địa lí nhất định. ‘Nhượng quyền thương mại tổng thể’ là thoả thuận theo đó bên nhượng quyền trao cho bên nhận quyền quyền khai thác một khu vực địa lí nhất định, thông qua việc cho phép bên nhận quyền cấp lại quyền thương mại mà mình đã nhận từ bên nhượng quyền ban đầu cho bên nhận quyền thứ cấp, và trong hầu hết trường hợp còn được phép mở và tự vận hành các cơ sở nhượng quyền.
2.Sự phát triển của nhượng quyền thương mại
Có người cho rằng hoạt động nhượng quyền thương mại đầu tiên là các thoả thuận tài chính và cho phép bán sản phẩm bia giữa các xưởng sản xuất bia và chủ quán rượu ở Đức và ở Anh từ trước thế kỉ XVIII. Các học giả khác thì khẳng định nhượng quyền thương mại xuất hiện lần đầu tiên khi Nữ hoàng I-da-ben-la của Tây Ban Nha cho phép Cri-xtốp Cô-lông tìm đường tới phương Đông. Tuy nhiên, người ta cũng chấp nhận rộng rãi rằng nhượng quyền thương mại sớm nhất xuất hiện ở Hoa Kỳ khi công ty Máy khâu Xanh-gie (‘Singer Sewing Machine’) thiết lập hệ thống phân phối vào khoảng năm 1850. Tuy thế, phải đến đầu thế kỉ XX thì nhượng quyền thương mại mới trở nên phổ biến. Sự thành công của cách mạng công nghiệp ở Hoa Kỳ trong thời kì chuyển giao từ thế kỉ XIX sang thế kỉ XX mang lại bước phát triển lớn về kĩ thuật, giao thông và truyền thông và đã tạo nên xã hội sản xuất phồn thịnh. Trong bối cảnh đó, các nhà sản xuất nhận ra rằng việc phân phối sản phẩm tới các thị trường địa phương là chìa khoá cho thành công. Các nhà sản xuất đồ uống và ô-tô đi tiên phong trong việc sử dụng nhượng quyền thương mại như phương thức phân phối hiệu quả và nhượng quyền thương mại đã được sử dụng ngày càng phổ biến trong giai đoạn 1920-1949. Kể từ những năm cuối thập niên thứ tư của thế kỉ XX, sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, nhượng quyền thương mại đã phát triển như vũ bão ở nhiều quốc gia. Mặc dù tốc độ phát triển nhượng quyền thương mại bị giảm nhẹ do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong thời gian vừa qua, nhưng nhượng quyền thương mại vẫn là một xu hướng kinh tế phổ biến và có thể giúp phục hồi kinh tế. Nhượng quyền thương mại phôi thai ở Việt Nam từ giữa những năm 90 của thế kỉ trước. Giống như hầu hết các nước, nhượng quyền thương mại bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam thông qua sự xâm nhập của các nhà nhượng quyền nước ngoài. Các hệ thống nhượng quyền đồ ăn nhanh nước ngoài như Jollibee (xuất xứ Phi-líp-pin, đến Việt Nam năm 1996), Lotteria (xuất xứ Nhật Bản, đến Việt Nam năm 1997), và KFC (xuất xứ Hoa Kỳ, đến Việt Nam năm 1997) là những nhà nhượng quyền tiên phong ở Việt Nam. Sự xâm nhập của các nhà nhượng quyền nước ngoài này đã giới thiệu hình ảnh rất thực tế về nhượng quyền và thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp nội địa. Các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu mô hình nhượng quyền. Mặc dù các doanh nghiệp trong nước rất quan tâm đến hoạt động nhượng quyền thương mại, nhưng sự phát triển của nhượng quyền thương mại ở Việt Nam đã bị kìm hãm trong suốt thập niên 1996-2005 do sự thiếu vắng một khuôn khổ pháp luật rõ ràng cho lĩnh vực này. Nhượng quyền thương mại chuyển sang một giai đoạn phát triển ổn định kể từ khi Việt Nam giới thiệu các quy định pháp luật điều chỉnh riêng về nhượng quyền thương mại vào năm 2005.
3.Nhượng quyền thương mại quốc tế
Nhượng quyền thương mại quốc tế là ‘phương thức xâm nhập thị trường nước ngoài liên quan tới mối quan hệ giữa bên xâm nhập (bên nhượng quyền) với một pháp nhân thuộc nước sở tại (bên nhận quyền), theo đó bên nhượng quyền thông qua hợp đồng chuyển giao một gói kinh doanh (hoặc công thức kinh doanh) thuộc sở hữu và được phát triển bởi bên nhượng quyền cho bên nhận quyền’.9 Nhượng quyền thương mại đã và đang phát triển nhanh trên khắp thế giới trong những năm gần đây dưới sự ảnh hưởng của việc mở rộng các hệ thống nhượng quyền của Hoa Kỳ do phải đối mặt với sự tập trung ngày càng cao ở thị trường trong nước. Sự mở rộng ra quốc tế của nhượng quyền thương mại bắt đầu từ cuối thập niên thứ sáu và đầu thập niên thứ bảy của thế kỉ XX bởi các nhà nhượng quyền tiên phong của Hoa Kỳ như McDonald, KFC và Pizza Hut. Sự mở rộng ra quốc tế của những nhà nhượng quyền này đã giới thiệu khái niệm nhượng quyền thương mại tới các nước khác và kích thích sự phát triển của nhượng quyền thương mại ở nước sở tại. Quá trình xâm nhập nước ngoài của các nhà nhượng quyền Hoa Kỳ đầu tiên là vào thị trường các nước phát triển như Anh, Úc và Ca-na-đa, sau đó lan rộng tới các DCs. Các nhà nhượng quyền ở nước sở tại đã không chỉ tiếp thu và áp dụng mô hình nhượng quyền thương mại, mà rốt cục còn triển khai nhượng quyền ra nước ngoài. Có sáu cách thức xâm nhập thị trường nước ngoài của các nhà nhượng quyền thương mại, bao gồm: ‘Nhượng quyền thương mại trực tiếp’ (‘direct franchising’), ‘nhượng quyền thương mại tổng thể’ (‘master franchising’), ‘hợp đồng phát triển khu vực’ (‘area development agreement’), ‘lập chi nhánh’ (‘branch’), ‘lập công ty con’ (‘subsidiary’), và ‘lập liên doanh’ (‘jointventure’). ‘Nhượng quyền thương mại trực tiếp’ là việc bên nhượng quyền trực tiếp kí hợp đồng nhượng quyền với từng bên nhận quyền ở nước sở tại mà không hề qua bất kì bên trung gian nào. Đối với việc xâm nhập thị trường nước ngoài bằng việc lập công ty con, bên nhượng quyền sẽ tiến hành thành lập công ty con ở nước sở tại. Công ty con này là một pháp nhân có tư cách pháp lí độc lập với bên nhượng quyền. Công ty con có thể mở cửa hàng thuộc sở hữu của mình hoặc kí hợp đồng nhượng quyền với bên nhận quyền ở nước sở tại. Trong trường hợp thiết lập chi nhánh ở nước sở tại, chi nhánh đó không phải là pháp nhân độc lập, vì thế bên nhượng quyền vẫn phải gánh chịu các trách nhiệm pháp lí đối với hoạt động kinh doanh của chi nhánh ở nước sở tại. Nếu xâm nhập thị trường nước ngoài qua con đường lập liên doanh, bên nhượng quyền sẽ kí hợp đồng liên doanh với đối tác - thường mang quốc tịch nước sở tại, theo đó thông thường một công ty liên doanh sẽ được ra đời, tuy nhiên cũng có trường hợp việc liên doanh chỉ đơn thuần là quan hệ hợp đồng. Bên nhượng quyền khi đó sẽ có thể kí ‘hợp đồng phát triển khu vực’ hoặc ‘hợp đồng nhượng quyền tổng thể’ với liên doanh, và kết quả là sự ra đời các cửa hàng nhượng quyền thuộc sở hữu của liên doanh hoặc các cửa hàng được nhượng quyền bởi liên doanh.
4.Pháp luật về nhượng quyền thương mại quốc tế
Với tư cách là hoạt động thương mại quốc tế, nhượng quyền thương mại quốc tế chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước sở tại cũng như các điều ước quốc tế và tập quán quốc tế. Tính đến nay, chưa có bất kì điều ước quốc tế hay tập quán quốc tế nào chuyên biệt về nhượng quyền thương mại quốc tế. Tuy nhiên, nhượng quyền thương mại quốc tế có thể được điều chỉnh bằng các điều ước quốc tế và tập quán quốc tế áp dụng chung cho các giao dịch quốc tế, như: CISG, PICC, các hiệp định tương trợ tư pháp giữa các nước, và INCOTERMS. ICC và UNIDROIT đã cố gắng khuyến khích sự thống nhất pháp luật về nhượng quyền thương mại. ICC giới thiệu Hợp đồng nhượng quyền thương mại quốc tế mẫu (Model International Franchise Contract) vào năm 2000 và sửa đổi vào năm 2010. UNIDROIT công bố sách hướng dẫn về ‘thoả thuận nhượng quyền thương mại tổng thể’ quốc tế (Guide to International Master Franchise Arrangements) vào năm 1998. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy tắc chung cho việc điều chỉnh nhượng quyền thương mại quốc tế trên phạm vi toàn cầu. Hầu hết các nước đơn thuần dựa vào pháp luật thương mại nói chung hoặc thậm chí là các bộ quy tắc về thực tiễn và người tiêu dùng để điều chỉnh nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, hai thập niên vừa qua đã chứng kiến một xu hướng mạnh mẽ của việc ban hành pháp luật riêng về nhượng quyền thương mại. Đến nay, khoảng 33 nước, trong đó có Việt Nam, đã ban hành quy định riêng về nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, chỉ một số nước như Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Việt Nam ấn định một số điều khoản dành riêng cho các nhà nhượng quyền nước ngoài - nhìn chung đó là các vấn đề về đăng kí nhượng quyền và chấp thuận nhượng quyền. Mặc dù bị điều chỉnh trực tiếp bởi các quy định riêng về nhượng quyền, nhưng nhượng quyền thương mại ở những nước này vẫn chịu sự tác động của pháp luật thương mại nói chung. Ở các nước ban hành pháp luật về nhượng quyền thương mại, thường có bốn loại công cụ được sử dụng để điều chỉnh nhượng quyền thương mại: Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại (disclosure), sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (alternative dispute resolution), đăng kí nhượng quyền (registration), và hướng dẫn trách nhiệm thực thi của bên nhượng quyền và bên nhận quyền (standards of conduct). Trên cơ sở sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp các loại công cụ này, 33 nước nói trên đã quy định riêng về nhượng quyền thương mại
5. Nội dung của hợp đồng nhương quyền thương mại
Pháp luật chỉ đưa ra các nội dung cơ bản, chủ yếu tạo ra xương sống cho hợp đồng, còn các bên sẽ thỏa thuận chi tiết cho phù hợp với điều kiện của mình. Theo Điều 11 Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định: Hợp đồng NQTM có thể có 6 nội dung sau đây:
a. Theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định về: Nội dung của nhượng quyền thương mại:
Đây chính là điều khoản xác định đối tượng của hợp đồng, được coi là trung tâm của hợp đồng, nó có ảnh hưởng tới mọi điều khoản khác trong hợp đồng
b. Theo khoản 2 Điều 11 nghị định 35 quy định về: Quyền và nghĩa vụ của các bên:
Quyền và nghĩa vụ cụ thể của bên nhượng quyền và bên nhận quyền do các bên thỏa thuận. Nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì theo điều 286, 287, 288, và 289 Luật Thương mại 2005, các bên có quyền và nghĩa vụ sau đây:
– Đối với bên nhượng quyền:
Thương nhân nhượng quyền có 3 quyền cơ bản là: Thứ nhất: là nhận tiền nhượng quyền; Thứ hai: là tổ chức quảng cáo cho hệ thống NQTM và mạng lưới NQTM; Thứ ba: là kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của bên nhận nhượng quyền đảm bảo sự thống nhất của hệ thống NQTM và sự ổn định của chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
– Đối với bên nhận quyền:
Quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền được quy định tại Điều 288, 289 Luật thương mại 2005. Nhìn chung bên nhận quyền “yếu thế” hơn bên nhượng quyền vì bên nhượng quyền là chủ sở hữu của các đối tượng nhượng quyền mà bên nhận được chuyển giao để sử dụng. Vì thế nghĩa vụ của bên nhận nhượng quyền cũng đặt ra nhiều hơn. Các nghĩa vụ đặt ra như nghĩa vụ tài chính trả tiền nhượng quyền, các khoản thanh toán khác theo hợp đồng NQTM. Nghĩa vụ đảm bảo sự thống nhất của hệ thống nhượng quyền như: đầu tư cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền chuyển giao và điều hành hoạt động chúng cho phù hợp với hệ thống NQTM; … Đây là nghĩa vụ rất quan trọng mà bên nhận nhượng quyền phải thực hiện một cách thật nghiêm túc kể cả khi hợp đồng đã chấm dứt. Ngoài ra bên nhận quyền không được phép nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền. Việc nhượng quyền lại cho bên thứ ba được Luật Thương mại 2005 quy định tại Điều 290. Chính vì bên nhận nhượng quyền phải gánh chịu những nghĩa vụ nên đòi hỏi bên nhượng quyền phải thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đối với bên nhận nhượng quyền để đảm bảo các quyền lợi của bên nhận nhượng quyền đồng thời đảm bảo sự bình đẳng trong quan hệ hợp đồng nhượng quyền.
c. Theo khoản 4 Điều 11 nghị định 35 quy định về: Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.
Điều khoản này do các bên thỏa thuận. Pháp luật không quy định mức giá cố định cho từng hàng hóa mà các bên căn cứ vào uy tín của hàng hóa, khu vực nhượng quyền và nhu cầu của thị trường, … để quyết định giá, phí thanh toán. Đồng thời lựa chọn phương thức thanh toán cho phù hợp với điều kiện của các bên. Pháp luật quy định như vậy đảm bảo quản lý ở tầm vĩ mô không can thiệp quá sâu vào quan hệ giữa các bên.
d. Theo khoản 5 Điều 11 nghị định 35 quy định về: “Thời hạn hiệu lực và gia hạn hợp đồng.”
Pháp luật Việt Nam không quy định một thời hạn cố định mà thời hạn của hợp đồng do các bên tự quyết định. Bên cạnh đó tại Điều 13 Nghị định 35 cũng quy định: Hợp đồng có thể chấm dứt trước thời hạn trong trường hợp quy định tại điều 16 của Nghị định, đó là các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng. Nghị định 35 cũng quy định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tại điều 14 theo hướng tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, nếu không có sự thỏa thuận khác thì hợp đồng NQTM có hiệu lực tức thời tại thời điểm giao kết. Ngoài ra, có thể xác định thời điểm giao kết hợp đồng Theo Điều 404 Bộ luật dân sự 2015.
Khi hợp đồng hết thời hạn các bên có thể thỏa thuận gia hạn hợp đồng. Đồng thời các bên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hết hiệu lực của hợp đồng.
e. Theo khoản 6 Điều 11 nghị định 35 quy định về: Chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại
Thông thường hợp đồng NQTM sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau:
* Hết thời hạn thực hiện hợp đồng mà các bên không có thỏa thuận gia hạn.
* Hợp đồng chưa hết thời hạn thực hiện nhưng các bên có thỏa thuận chấm dứt.
* Một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Việc quy định quyền năng này để bảo vệ lợi ích của bên bị vi phạm và hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra cho bên bị vi phạm. Theo điều 16 Nghị định 35 các bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng NQTM trong các trường hợp sau:
– Đối với bên nhận quyền: Bên nhận quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng NQTM trong trường hợp bên nhượng quyền vi phạm nghĩa vụ sau:
+ cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền;
+ đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống nhượng quyền thương mại;
+ vụ thiết kế và sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của thương nhân nhận quyền;
+ bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền;
+ đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền trong hệ thống nhượng quyền thương mại.
– Đối với bên nhượng quyền: Bên nhượng quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng NQTM trong các trường hợp sau:
+ Bên nhận quyền không còn giấy phép kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương mà theo quy định của pháp luật bên nhận quyền phải có để tiến hành công việc kinh doanh theo phương thức NQTM
+ Bên nhận quyền bị giải thể hoặc bị phá sản theo quy định của pháp luật Việt Nam
+ Bên nhận quyền vi phạm pháp luật nghiêm trọng có khả năng gây thiệt hại lớn cho uy tín của hệ thống NQTM.
+ Bên nhận quyền không khắc phục những vi phạm không cơ bản trong hợp đồng NQTM trong một thời gian hợp lý, mặc dù đã nhận được thông báo bằng văn bản yêu cầu khắc phục vi phạm đó từ bên nhượng quyền.
f) Giải quyết tranh chấp:
Hợp đồng NQTM là một loại hợp đồng trong thương mại nên cơ chế giải quyết tranh chấp cho hợp đồng này cũng giống cơ chế giải quyết tranh chấp cho những hợp đồng trong thương mại khác. Điều 317 Luật thương mại 2005 quy định hình thức giải quyết tranh chấp thương mại bao gồm: hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải; giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án. Xuất phát từ quyền tự do kinh doanh, các bên trong hợp đồng NQTM có quyền tự do lựa chọn một trong bốn hình thức giải quyết tranh chấp nói trên để giải quyết các tranh chấp có thể sẽ phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Luật Minh Khuê(sưu tầm và biên tâp)