1. Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông

Tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại lớn. Hậu quả của tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông là thiệt hại gây ra cho quan hệ xã hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Thiệt hại được thể hiện thông qua sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm. Trong khi đó, đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận của khách thể của tội phạm bị hành vi phạm tội tác động và qua đó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được Bộ luật hình sự bảo vệ.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao phải là những hành vi được xác định là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Ở Việt Nam, một hành vi chỉ được coi là tội phạm khi hành vi đó được quy định trong Bộ luật Hình sự. Vì vậy, khi xem xét một hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại cho xã hội có phải là tội phạm sử dụng công nghệ cao phải xem hành vi đó có được quy định trong Bộ luật Hình sự hay không.

Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có một mục riêng quy định về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Cụ thể là mục 2 của chương XXI.

2. Hậu quả của tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông

Hậu quả của tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông là thiệt hại gây ra cho quan hệ xã hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Thiệt hại được thể hiện thông qua sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm. Trong khi đó, đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận của khách thể của tội phạm bị hành vi phạm tội tác động và qua đó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Về mặt lý luận, bộ phận của khách thể bị tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tác động có thể là chủ thể của quan hệ xã hội, nội dung của quan hệ xã hội và đối tượng của quan hệ xã hội. Đối tượng tác động của tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông ở Việt Nam gồm:

- Hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông xâm hại khách thể bảo vệ của loại tội phạm này bằng cách làm biến đổi hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân: Cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức hoặc biến dạng xử sự bình thường của người khác. Ví dụ, hành vi ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức từ 24 giờ đến 72 giờ (Điều 287) là hành vi cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức; hành vi đưa lên mạng máy tính những thông tin trái quy định của pháp luật xâm phạm bí mật thông tin cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát (Điều 288) là hành vi làm biến dạng xử sự bình thường của con người.

- Đối tượng của quan hệ xã hội là những sự vật hoặc lợi ích mà qua đó quan hệ xã hội phát sinh và tồn tại. Đối tượng của quan hệ xã hội bị tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông xâm hại, làm thay đổi bao gồm: An toàn thông tin, dữ liệu, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; Lợi ích vật chất bị hủy hoại, hư hỏng, mất mát do hành vi phạm tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông gây ra; Lợi ích bất chính mà người phạm tội thu được thông qua việc phạm tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông.

3. Dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông

Dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông có thể mô tả bằng định tính hoặc định lượng. Mô tả định tính là mô tả về tính chất nguy hiểm hoặc nghiêm trọng của hậu quả đó. Mô tả định lượng là mô tả hậu quả của tội phạm bằng các con số cụ thể. Việc quy định về thiệt hại gây ra cho khách thể dẫn đến sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động thể hiện qua mô tả các dấu hiệu phản ánh hậu quả của tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Các dấu hiệu định lượng thiệt hại quy định trong các điều luật về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông gồm:

- Hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân: Thiệt hại về hoạt động bình thường được định lượng bằng đơn vị thời gian bị ngừng, gián đoạn hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức do tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông gây ra. Ví dụ: Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức từ 24 giờ đến 72 giờ (điểm d khoản 1 Điều 287 BLHS). Thiệt hại về hoạt động bình thường của cá nhân được xác định thông qua sự biến dạng xử sự của cá nhân như hành vi tự sát của nạn nhân (điểm đ khoản 2 Điều 288 BLHS).

- An toàn thông tin, dữ liệu mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, gồm các loại dấu hiệu:

+ Dấu hiệu phản ánh hậu quả tính bảo mật của thông tin mạng bị xâm hại: Thể hiện qua số lượng thông tin, dữ liệu bị công bố bất hợp pháp. Ví dụ: Công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản (khoản 1 Điều 291 BLHS).

+ Dấu hiệu phản ánh tính khả dụng của thông tin mạng bị xâm hại. Dấu hiệu loại này có thể định lượng theo đơn vị thời gian bị xâm hại. Ví dụ: Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử từ 30 phút đến 24 giờ (điểm c khoản 1 Điều 287). Hoặc định lượng theo số lần bị tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ trong một thời gian nhất định. Ví dụ: Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử từ 3 lần đến dưới 10 lần trong thời gian 24 giờ (điểm c khoản 1 Điều 287 BLHS).

- Số lượng người dùng, phương tiện điện tử bị ảnh hưởng được phản ánh thông qua số lượng thực tế máy tính, phương tiện điện tử bị ảnh hưởng do hành vi phạm tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông gây ra. Ví dụ: Làm lây nhiễm từ 50 phương tiện điện tử đến dưới 200 phương tiện điện tử (điểm c khoản 1 Điều 286 BLHS). Dấu hiệu này cũng có thể được định lượng thông qua số người sử dụng phương tiện điện tử bị ảnh hưởng. Ví dụ: Làm lây nhiễm hệ thống thông tin có từ 50 đến dưới 200 người sử dụng (điểm c khoản 1 Điều 286 BLHS).

- Lợi ích vật chất bị hủy hoại, hư hỏng, mất mát phản ánh thông qua giá trị bằng tiền những hư hỏng, hủy hoại, mất mát do tội phạm gây ra như: Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng (điểm b khoản 1 Điều 286 BLHS).

- Lợi ích bất chính mà người phạm tội thu được được định lượng bằng tiền đối với mọi lợi ích bất chính mà người phạm tội có được do phạm tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Ví dụ: Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 286 BLHS).

4. Khó khăn trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ

Khó khăn trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ về hậu quả, xác định và thu thập đầy đủ lời khai của người bị hại, vì những lý do khách quan như:

- Cơ quan tiến hành tố tụng không thể thu thập được dữ liệu, chứng cứ đang lưu trên server ở nước ngoài, để chứng minh hành vi phạm tội, xác định người bị hại đang sống ở nước ngoài;

- Người phạm tội và người bị hại không tiếp xúc trực tiếp với nhau (chỉ thông qua mạng Internet). Do vậy, không xác định được người bị hại cụ thể hoặc không xác định được danh tính thật và địa chỉ thật của người bị hại;

- Thủ phạm thường sử dụng Internet, với thủ đoạn rất tinh vi, nên phạm vi lan tỏa rất nhanh và rộng, số lượng người bị hại thường rất lớn, sống ở nhiều địa phương, nhiều nước khác nhau. Ngân hàng các nước sử dụng quỹ phòng ngừa rủi ro, bảo hiểm để trả lại số tiền bị mất cho người bị hại và thường không hợp tác với cảnh sát để điều tra vì bảo vệ uy tín của ngân hàng, thiệt hại trong mỗi vụ nhở, chi phí cho luật sư để điều tra lớn hơn thiệt hại... Đồng thời, nạn nhân không muốn lộ danh tính hoặc số tiền bị thiệt hại của mỗi người ít, nên không hợp tác với cơ quan chức năng.

5. Khó khăn về hành lang pháp lý

Công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mạng còn gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý, về cơ chế phối hợp, về nguồn nhân lực, trình độ của cán bộ thực thi pháp luật. Trong đó, việc xác định hành vi phạm tội và mức hình phạt ở các nước trên thế giới có sự khác nhau tùy thuộc vào luật pháp từng nước. Vì vậy, việc hợp tác điều tra tội phạm, thu thập chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn, kể cả khi đã có Hiệp định tương trợ tư pháp. Ở hầu hết các nước phát triển, các ISP thực hiện Luật bảo vệ thông tin cá nhân, nên chỉ cung cấp Logfile, IP và thông tin liên quan đến tội phạm cho Cơ quan điều tra, khi có lệnh của Thẩm phán. Vì vậy, để được Cảnh sát các nước hỗ trợ cung cấp thông tin truy cập, IP, logfile, thông tin về thủ phạm, về chủ thẻ, bị hại, thiệt hại..., phải thông qua Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi cơ quan có thẩm quyền của nước đối tác yêu cầu cung cấp tài liệu. Yêu cầu này chỉ được trả lời khi phía Việt Nam cung cấp đủ chứng cứ phạm tội theo luật của nước đó và thường phải chờ một thời gian rất dài để có lệnh của Thẩm phán buộc ISP cung cấp dữ liệu lưu trong máy chủ. Tuy nhiên, hầu hết các yêu cầu của phía Việt Nam không được đáp ứng hoặc có được lệnh của Thẩm phán thì cũng đã quá lâu và máy chủ không còn lưu dữ liệu nữa. Trên thực tế, yêu cầu phối hợp điều tra, thu thập dữ liệu qua kênh INTERPOL, hợp tác của cảnh sát các nước và kênh tương trợ tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thường chậm hoặc kết quả không cao.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)