1. Trách nhiệm khi vi phạm an toàn lao động làm chết người ?

Xin chào Công ty Luật Minh Khuê! Tôi có câu hỏi sau xin được tư vấn: Anh Lương Anh Dũng là giám đốc xí nghiệp xây dựng Phú Thượng, có thuê anh Nguyễn Xuân Nam lái máy xúc thi công công trình di chuyển trạm bơm nước. Anh Nam không có chứng chỉ lái máy xúc, không có hợp đồng lao động bằng văn bản. Trong quá trình làm việc, anh Nam điều khiển máy xúc không nhin thấy anh Trần Văn Đại ở phía sau gầu xúc nên đã làm gầu xúc va vào người anh Đại dẫn đến anh Đại bị chết. Tại thời điểm xảy ra sự việc, anh Dũng không có mặt tại hiện trường.
Hỏi hành vi của anh Nam phạm tội gì? ( Vô ý làm chết người hay Vi phạm quy định về an toàn lao động) Anh Dũng có phạm tội không? Phạm tội gì?
Người gửi: N.L

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện: 1900.6162

Trả lời:

Trong trường hợp này anh Nam điều khiển máy xúc không nhin thấy anh Trần Văn Đại ở phía sau gầu xúc nên đã làm gầu xúc va vào người anh Đại dẫn đến anh Đại bị chết. ở đây anh Nam cũng không có chứng chỉ lái máy xúc. Khi tiến hành điều tra nếu có đủ yếu tố xác định có vi phạm quy định về an toàn lao động thì anh Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người theo Điều 295 Bộ luật hình sự năm 2015, Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 . Cụ thể như sau:

Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

đ) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người;

5. Phạm tội có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy trường hợp của anh Nam thuộc khoản 1 Điều 295 BLHS với khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Ngoài ra anh Nam còn có trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Còn về giam đốc công ty là anh Lương Anh Dũng thì giữa hai bên có tồn tại hợp đồng lao động và anh Dũng chỉ thuê anh Nguyễn Xuân Nam lái máy xúc thi công công trình di chuyển trạm bơm nước còn việc anh Nam gây tai nạn là do lỗi từ phía anh Nam vì vậy anh Dũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn trực tiếp. Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua điện thoại, gọi 1900.6162.

2. Trách nhiệm hình sự đối với người nghiện rượu, đâm chết người ?

Thưa Luật sư, Có một người bị ngộ rượu cầm dao ra đường và đâm chết hai người...nhưng người này có bố từng bị thần kinh thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào?
Xin chân thành cảm ơn !
Người gửi: N.V.T

Tư vấn luật Hình sự gọi 1900.6162

Tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến gọi: 1900.6162

Trả lời:

Việc người bị nghiện rượu uống rượu và đâm chết hai người thì còn phải xem xét năng lực trách nhiệm hình sự của người đó.

Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015, Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau:

"Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự."

Như vậy, nếu người đó bị mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình. Nếu người đó đâm chết người khi lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì buộc phải chữa bệnh, và sau khi khỏi bệnh có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, theo thông tin bạn trình bày thì người đó chỉ bị nghiện rượu, đồng thời có năng lực trách nhiệm hình sự bình thường thì sẽ bị truy cứu theo điều 13 Bộ luật Hình sự:

"Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự."

Theo đó, người đó phạm tội giết người theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017:

"Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm."

Việc bố người nghiện rượu bị tâm thần không ảnh hưởng đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đó. Người nghiện rượu, cầm dao ra đường đâm chết hai người cho nên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a, khoản 1, điều 123 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 Tội giết người với tình tiết tăng nặng là giết 02 người trở lên.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã lựa chọn công ty Luật Minh Khuê !

3. Trách nhiệm khi điều khiển giao thông gây chết người ?

Xin chào luật sư. Em có một câu hỏi mong luật sư tư vấn giúp em: Sự việc xảy ra khoảng 20h tối em trai em đang đi làm về trong đoạn đường hẹp, em trai em có vượt một taxi, và không làm chủ được tốc độ đã tông thẳng vào một nam thanh niên 21 tuổi chưa có vợ đang học đại học năm thứ 2 thiệt mạng tại chỗ.
Sau khi xảy ra án mạng em trai em đã bỏ chạy về nhà và có nói với gia đình là đã gây tai nạn chết người. Gia đình em sau khi biết được sự việc nghiêm trọng có tới hiện trường lúc đó cơ quan công an và bên pháp y đã đưa thi thể gia đình bị thiệt về nhà, gia đình em có gọi điện tới gia đình bị thiệt để nhận trách nhiệm về sự việc đã xảy ra. Đồng thời gia đình em có đưa em trai em đi trình báo công an về sự việc trên. Sáng hôm sau gia đình em có tới gia đình bị thiệt để xin lỗi người đã mất và động viên người trong gia đình để bớt đi nỗi đau phần nào, gia đình em có ở lại đến chiều để tiễn đưa bạn ấy về nơi an nghỉ cuối cùng. Gia đình em có đặt lên ban thờ 15 triệu đồng để lo mai táng phí cho bạn ấy. Ngày hôm sau gia đình em có tới động viên tinh thần gia đình và thắp cho bạn ấy nén nhang. Hai ngày sau gia đình em có cầm 80 triệu sang gia đình bị thiệt để nói chuyện và xin hai bên gia đình giải quyết về tình cảm. Sau khi nói chuyện và gia đình bị thiệt có nói để chờ cơ quan công an gọi hai bên để giải quyết. Trong thời gian em trai em bị tạm giam 9 ngày ở công an huyện, gia đình em có hỏi cơ quan công an thì cơ quan công an trả lời rằng cơ quan công an không gọi 2 gia đinh mà tự để hai bên giải quyết với nhau.

Theo luật sư gia đình em phải bồi thường chi phí bao nhiêu nữa về trách nhiệm hình sự không bằng lái, vượt trái phép và em trai em phải ngồi tù bao nhiêu năm? Luật sư cho em biết theo quy định pháp luật hiện hành thì 1 mạng người thì bồi thường là bao nhiêu ạ? Trong sự việc trên thì em trai em có được cơ quan có thẩm quyền giảm nhẹ tội không ạ?

>> Luật sư tư vấn Luật hình sự gọi:1900.6162

Trả lời:

Theo Bộ luật hình sự năm 2015, Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như sau:

" Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

5. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."

Để xác định một người có phạm tội hay không cần phải xác định cấu thành tội phạm của tội đó. Cấu thành tội phạm là những yếu tố đặc trưng của các loại tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự. Chỉ khi nào có đầy đủ các dấu hiệu bắt buột này thì hành vi vi phạm pháp luật mới được coi là hành vi phạm tội. Những dấu hiệu bắt buộc bao gồm: khách thể, chủ thể, khách quan, chủ quan.

Cấu thành tội phạm (CTTP) của tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:

- Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ ,bị tội phạm xâm hại,gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại.

Khách thể của tội phạm này là xâm phạm quan hệ xã hội về trật tư, an toàn xã hội, xâm phạm tính mạng của người khác.

- Mặt khách quan của tôi phạm là mặt bên ngoài của tội phạm bao gồm những dấu hiệu của tội phạm, diễn ra và tồn tại bên ngoài thế giới khách quan.

Dấu hiệu: Mặt khách quan của tội phạm có các dấu hiệu sau: hành vi, hậu quả, mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả, các điều kiện bên ngoài.

+ Hành vi của tội phạm là tất cả những xử sự của con người được biểu hiện ra thế giới khách quan dưới những hình thức nhất định (hành động hoặc không hành động) gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.

Hành vi của em bạn: em bạn có hành vi vượt xe cơ giới khác mà đoạn đường này quy định không được phép vượt.

+ Hậu quả khách quan của tội phạm: Là hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho các quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của luật hình sự.

Hậu quả của hành vi này đó là em bạn làm chết 1 người.

+ Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả: Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm là mối quan hệ giữa các hiện tượng trong đó một hiện tượng được gọi là nguyên nhân (là hành vi khách quan) làm phát sinh một hiện tượng khác là kết quả (là hậu quả của tội phạm).

Do hành vi vượt xe taxi của em bạn nên em bạn không làm chủ được tốc độ dẫn tới hậu quả làm chết 1 người.

Mặt khách quan của tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tội phạm và áp dụng hình phạt.

- Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội phạm là một cá nhân có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình và có độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 12 của BLHS 2015, Luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:

a) Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi);

b) Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);

c) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy);

d) Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép);

đ) Điều 285 (tội sản xuất, mua bán, công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);

e) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).

- Mặt chủ quan của tội phạm.

+ Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả nguy hiểm cho xã hội của mình cũng như khả năng gây ra hậu quả từ hành vi đó.

+ Mục đích phạm tội là kết quả cuối cùng mà người phạm tội muốn đạt được khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nó xác định khuynh hướng ý chí và khuynh hướng hành động của người phạm tội.

+ Động cơ phạm tội là động lực thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội.

Lỗi trong trường hợp này đó là lỗi cố ý trực tiếp: em bạn nhận thức rõ hành vi này gây nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện này vi này và mong muốn nó xảy ra.

Nếu thoả mãn đầy đủ các yếu tố trên thì khung hình phạt của em trai bạn sẽ từ ba năm đến mười năm. Ngoài ra em trai bạn gây ra hậu quả rất nghiêm trọng nên sẽ có các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự ( Điểm k Khoản 1 Điều 48 bộ luật hình sự 1999 sửa dổi, bổ sung 2009). Còn mức phạt tù cụ thể như thế nào căn cứ vào bản án của hội đồng xét xử và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ (nếu có).

Về mức bồi thường thiệt hai

Theo Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 về nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

- Bồi thường thiệt hại về tính mạng bao gồm (Điều 591.bộ luật dân sự 2015)

+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết và thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị (nếu có)

+ Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ...

+ Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết (nếu có).

+ Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm: người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp này là những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi (nếu có) của người bị thiệt hại.

Các khoản chi phí hợp lý là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại, phù hợp với giá trung bình ở từng địa phương tại thời điểm chi phí.

Trường hợp em bạn có được giảm nhẹ tội hay không

Nếu mà em trai bạn thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và gia đình bạn cũng đã hỗ trợ gia đình người bị nạn về vật chất cũng như động viên tinh thần họ thì toà án sẽ xem xét giảm nhẹ hình phạt tù (Điều 51 BLHS).

4. Tư vấn về việc làm chết người khi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng ?

Kính chào Luật Minh Khuê, tôi có một vài thắc mắc xin được tư vấn như sau: Tôi có câu hỏi như sau: Đ( 27 tuổi ) và T (28 tuổi ) được bà N giao cho trông ao cá tại KV1 Cồn Sơn, P Bùi Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Khoảng 3 giờ ngày 26/2/2012 T và Đ nghe tiếng động lạ bên ngoài nên lấy đèn ra xem thì phát hiện L đang chài trộm cá nuôi trong ao.
Bị phát hiện L phóng xuống xuồng máy của mình và bỏ chạy với số cá vừa trộm được. T và Đ nhảy xuống sông chặn lại bị L dùng cây dầm xuồng bơi chống cụ và đánh trúng vào đầu và vai của 2 người để tẩu thoát. T và Đ mỗi người cũng cầm một khúc tràm có sẵn ở mé sông để chống trả lại, L bị ngã xuống sông và bỏ chạy. Một lúc sau, L quay trở lại với ý định đòi lại chiếc xuồng mà L dùng làm phương tiện ăn trộm cá vào bờ. T điện báo sự việc cho chính quyền địa phương. Khi công an phường đến hiện trường thì phát hiện trên đầu L có dấu hiệu chảy máu nên đã cùng gia đình L đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên L đã bị tử vong, theo khám nghiệm nguyên nhân do L bị chấn thương sọ não. Các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện Bình Thủy và Cần Thơ có 2 ý kiến khác nhau về TNHS và hình phạt của T và Đ như sau : công an CSĐT- công an Q. Bình Thủy đề nghị truy tố tội cố ý gây thương tích và được Viện KSND chấp thuận. Nhưng khi hồ sơ được gửi đến TAND cùng cấp xét xử thì bị Tòa trả lại điều tra bổ sung theo hướng chuyển tội danh.
VKSND thành phố Cần Thơ cũng cho rằng hành vi của T và Đ là hành vi giết người chứ không phải là cố ý gây thương tích nên đã rút hồ sơ lên cấp thành phố để truy tố. Dựa vào quy định của pháp luật, bằng phân tích của mình thì theo anh chị TNHS của T và Đ là như thế nào ? Hành vi của họ có là tội phạm hay không ? Tội nào quy định ở BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
Tôi xin chân thành cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự gọi:1900.6162

Trả lời:

Thứ nhất, cần đặt vào tình huống để xem xét trách nhiệm của Đ và T trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay là phạm tội trong trường hợp bình thường thì mới có thể đưa ra kết luận.

Trong trường hợp trên khi xem xét các tình tiết của vụ án thì T và Đ là người phòng vệ chính đáng. Bởi “T và Đ nhảy xuống sông chặn lại bị L dùng cây dầm xuồng bơi chống cụ và đánh trúng vào đầu và vai của 2 người để tẩu thoát. T và Đ mỗi người cũng cầm một khúc tràm có sẵn ở mé sông để chống trả lại, L bị ngã xuống sông và bỏ chạy”. Như vậy căn cứ theo quy đinh tại Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015, Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

"Điều 22. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này."

L có hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích của T, Đ cũng như người trực tiếp giao ao cá cho T và Đ trông. Trong đêm tối L vào chài trộm cá trong ao có thể cấu thành tội trộm cắp tài sản, T và Đ là người được giao trông giữ và quản lý tài sản nên có trách nhiệm bảo vệ tài sản. Tuy nhiên, khi T và Đ bảo vệ tài sản thuộc quyền quản lý của mình thì L lại có hành vi vi phạm đó là dùng hung khí là chiếc xuồng gỗ để đánh T và Đ, T và Đ bắt buộc phải lấy khúc tràm ở mé sông để tự vệ tránh việc L gây thương tích cho hai người. Đây được coi là phòng vệ chính đáng, tuy nhiên có thể T và Đ đã chống trả lại quá mức cần thiết nên đã dẫn đến việc phạm tội khi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Thứ hai, để xem xét hành vi của Đ và T có phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nào cần chia làm 2 trường hợp căn cứ vào mục đích của Đ và T.

  • Nếu Đ và T chỉ muốn ngăn cản L và tự vệ khi L đánh vào mình nhưng chẳng may đánh vào đầu khiến L chết thì Đ và T sẽ bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 136 BLHS. Cụ thể :

"Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm."

T và Đ có thể bi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này bởi lẽ:

+ Khách thể: là quan hệ nhân thân mà nội dung là quyền được tôn trọng và bảo vệ về sức khỏe của con người.

+ Khách quan: là hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác

+ Hậu quả trong trường hợp này dẫn đến chết người.

+ Ý thức chủ quan của T và Đ chỉ là cố ý khiến L bị thương để L không tấn công mình được nữa và trả lại tài sản do mình đang quản lý

+ Chủ thể T và Đ đều đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự

+ Người bị thiệt hại có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của người phạm tội.

  • Nếu T và Đ có dùng 2 khúc tràm đó để đánh nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của L thì T và Đ, cụ thể là cố ý tấn công vào đầu của L có thể bị truy cứu về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định tại điều 126 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

"Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm."

T và Đ có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội này bởi lẽ :

+ L có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của T và Đ, cụ thể: Trộm cắp tài sản, dùng mái xuồng tấn công T và Đ

+ Khách thể: là quan hệ nhân thân mà nội dung là quyền sống của con người cụ thể là quyền sống của L.

+ Khách quan: ở đây là T và Đ cố ý nhằm vào đầu của L để đánh, trường hợp này T và Đ bắt buộc phải nhận thức được nếu đánh vào đầu có thể dẫn đến tước đoạt tính mạng của người khác nhưng vẫn làm.

+ Chủ quan: lỗi cố ý trực tiếp

+ T và Đ đáp ứng được các điều kiện về chủ thể.

Trân trọng./.

5. Bị ngáo đá nhét tỏi vào mồm nạn nhân, khiến nạn nhân chết sẽ vi phạm tội gì ?

Chào Luật sư! Luật sư cho tôi hỏi hành vi sử dụng ma tuý đá có hiện tượng ngáo đá, nhét tỏi vào mồm nạn nhân vì cho rằng nạn nhân bi ma nhập, để trừ ma và làm chết người sẽ vi phạm tội gì của bộ Luật hình sự?
Rất mong Luật sư tư vấn, chân thành cảm ơn Luật sư!

Luật sư tư vấn:

- Đối với trường hợp sử dụng ma tuý đá, có hiện tượng bị ngáo đá và dùng tỏi nhét vào mồm nạn nhân để trừ tà ma vì cho rằng nạn nhân bị ma nhập, khiến nạn nhân chết thì sẽ vi phạm tội " Vô ý làm chết người " căn cứ theo điều 128, Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

Điều 128. Tội vô ý làm chết người.

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

>>>> Như vậy đối với hành vi nêu trên sẽ bị truy tố về " tội vô ý làm chết người " và sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Trong nhiều trường hợp khi sử dụng ma tuý (trong đó có ma tuý đá) những người sử dụng sẽ có hiện tượng bị ảo giác (còn thường gọi là ngáo đá) mà từ đó gây hậu là chết người thì tuỳ theo hành vi của người đó như thế nào để truy tố trách nhiệm hình sự về hành vi họ gây ra. Nhiều trường hợp đối hành vi "ngáo đá" gây hậu quả chết người thì căn cứ vào qua quá trình điều tra, khám nghiệm hiện trường...của công an điều tra nếu có đủ căn cứ vẫn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về " Tội giết người ", căn cứ theo điều 123, bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

- Ngoài ra hành vi sử dụng và tàng trữ trái phép chất ma tuý sẽ bị xử lý riêng đúng theo quy định của pháp luật:

+ Người nào sử dụng trái phép chất ma tuý sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi này, căn cứ theo khoản 1, điều 21, nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Điều 21. Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma tuý.

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý

+ Hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự theo điều 249, bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự - Công ty luật Minh Khuê