Khi đăng ký nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu cần lưu ý những vấn đề sau:

 

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu và đăng ký bản quyền logo về bản chất là hai thủ tục khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều tổ chức, cá nhân nhầm lẫn giữa hai thủ tục này với nhau, dẫn đến có những sai sót trong quá trình đăng ký.

Vậy hai thủ tục này khác nhau như thế nào?

 

1.1. Về mục đích

- Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nhằm bảo vệ quyền của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh, giúp phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của các chủ thể kinh doanh khác nhau.

Kết quả: Ghi nhận nhãn hiệu vào sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho chủ sở hữu nhãn hiệu.

- Đăng ký bản quyền logo nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm logo  trước các hành vi đạo nhái, sử dụng trái phép,...

Kết quả: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, ghi nhận tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả.

 

1.2. Điều kiện bảo hộ

- Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu:

+ Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;

+ Có khả năng phân biệt hàng hoá của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.

- Điều kiện bảo hộ tác phẩm logo: Là tác phẩm do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

 

1.3. Thời điểm phát sinh quyền

- Nhãn hiệu chỉ được bảo hộ độc quyền khi tiến hành đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

- Quyền tác giả được bảo hộ đương nhiên, khi đáp ứng các điều kiện được bảo hộ mà không bắt buộc phải đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả.

 

1.4. Cơ quan có thẩm quyền 

- Đăng ký nhãn hiệu: Cục Sở hữu trí tuệ

- Đăng ký bản quyền logo: Cục Bản quyền tác giả

 

2. Lưu ý trong quá trình tra cứu khả năng bảo hộ của nhãn hiệu?

Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2009, 2019) quy định: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. 

Trước khi triển khai hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu phải đặc biệt lưu ý việc tra cứu khả năng bảo hộ của nhãn hiệu, xem xét nhãn hiệu dự định đăng ký có đối chứng trùng hay tương tự gây nhầm lẫn hay không?

Nhiều trường hợp do việc tra cứu không cẩn thận hoặc đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu thiếu chính xác mà nhãn hiêu đã bị Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối sau khi thẩm định nội dung nhãn hiệu.

 

3. Lưu ý trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhãn hiệu?

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu bao gồm các tài liệu sau:

- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu theo mẫu;

- 08 mẫu nhãn hiệu giống nhau, có kích thước theo quy định;

- Giấy uỷ quyền (nếu đơn nộp thông qua đại diện);

- Bản sao chưng từ nộp phí, lệ phí.

Ngoài việc chủ sở hữu nhãn hiệu cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thì còn cần lưu ý trong việc khai Tờ khai đăng ký nhãn hiệu. Trong Tờ khai, chủ sở hữu nhãn hiệu cần lưu ý các mục sau đây:

- Mẫu nhãn hiệu: Mẫu nhãn hiệu trên Tờ khai và các mẫu nhãn hiệu kèm theo phải giống nhau và tổng thể kích thước nhãn hiệu phải theo khuôn mẫu nhãn hiệu có kích thước 80mm x 80mm in trên Tờ khai;

- Mô tả nhãn hiệu: Nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu nếu có. Nhãn hiệu phải được mô tả đủ ý nhưng phải ngắn gọn, súc tích và theo thứ tự nhất định.

- Nhóm hàng hoá, dịch vụ: Nhóm hàng hoá, dịch vụ sẽ được phân loại căn cứ theo Bảng phân loại hàng hoá, dịch vụ Nice. Khi phân loại, chủ sở hữu nhãn hiệu cần lưu ý xem đã phân loại đúng nhóm hay chưa và số lượng sản phẩm, dịch vụ trong 01 nhóm là bao nhiêu. Đây là căn cứ để xác định phạm vị bảo hộ nhãn hiệu và phí, lệ phí cần đóng khi đăng ký nhãn hiệu.

 

4. Lưu ý về cách thức nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ?

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu sẽ được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ. Tổ chức, cá nhân có thể nộp đơn giấy hoặc nộp đơn qua Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến.

- Về hình thức nộp đơn giấy: Tổ chức, cá nhân có thể nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Trường hợp nộp đơn qua bưu điện, chủ sở hữu nhãn hiệu cần chuyển tiền qua dịch vụ bưu điện, sau đó phô tô Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm hồ sơ để chứng minh khoản tiền đã nộp. Khi chuyển tiền phí, lệ phí đến một trong các điểm tiếp nhận đơn, người nộp đơn cần gửi hồ sơ qua bưu điện tương ứng đến điểm tiếp nhận đơn đó.

- Về hình thức nộp đơn trực tuyến: Người nộp đơn cần lưu ý về các điều kiện để nộp đơn trực tuyến về chứng thư số, chữ ký số và tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến. Ngoài ra, người nộp đơn cần lưu ý thời hạn xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến, tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí, lệ phí theo quy định.

 

5. Lưu ý trong việc theo dõi tiến độ đơn đăng ký nhãn hiệu?

Theo quy định, thời gian xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu là 13 tháng, tuy nhiên trên thực tế, thời gian có thể kéo dài từ 18-24 tháng. Vì vậy, trong suốt quá trình đăng ký nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu cần lưu ý theo dõi, cập nhật tình trạng đơn và có ý kiến phản hồi, phúc đáp các thông báo từ Cục Sở hữu trí tuệ theo thời hạn quy định.

Có thể thấy, khi thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu, tổ chức cá nhân cần lưu ý rất nhiều vấn đề để có thể được cấp văn bằng. Để có thể giải quyết các vấn đề trên, tổ chức cá nhân có thể lựa chọn phương án đăng ký nhãn hiệu thông qua Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp - Luật Minh Khuê.

Hãy liên hệ ngay tới Chúng tôi qua số điện thoại 0986 386 648 hoặc qua email lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ tư vấn và cung cấp dịch vụ trọn gói đăng ký nhãn hiệu uy tín nhất.