Mục lục bài viết
1. Giấy ra viện được sử dụng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trong trường hợp nào?
Giấy ra viện là một văn bản được các bệnh viện dùng để xác nhận tình trạng bệnh nhân đã được điều trị xong và có đủ điều kiện để xuất viện.Giấy ra viện được Giám đốc hoặc các trưởng khoa điều trị xác nhận cho bệnh nhân.
Giấy ra viện có vai trò quan trọng nhất trong việc xác nhận tình trạng bệnh nhân đã được khỏi bênh và có thể ra viện. Ngoài ra, giấy ra viện còn là một hồ sơ quan trọng để làm căn cứ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế liên quan đến ốm đau, sử dụng trong trường hợp người lao động điều trị nội trú. Khi đó, bệnh viện sẽ căn cứ vào các thông tin có trong giấy ra viện để xác định tình trạng bệnh nhân để xác định mức bảo hiểm xã hội mà bệnh nhân đó được hưởng.
1.1 Trường hợp bệnh nhân hưởng chế độ ốm đau
Hồ sơ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT (được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Thông tư 18/2022/NĐ-CP) và khoản 2 Điều 15 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, gồm Danh sách 01B-HSB do đơn vị sử dụng lao động lập và hồ sơ gồm:
- Trong trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện của người lao động hoặc con của người lao động dưới 7 tuổi.
- Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì thay bằng Giấy báo tử. Trường hợp giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám, chữa bệnh thể hiện thời gian vào viện.
1.2. Bệnh nhân hưởng chế độ thai sản
Căn cứ Theo Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điểm 2.2 Khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH ngày 31 tháng 01 năm 2019 của Bảo hiểm xã hội ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp thì hồ sơ hưởng chế độ thai sản như sau:
Đối với lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; người lao động thực hiện biện pháp tránh thai:
- Điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện của người lao động; có thêm Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc bản sao giấy chuyển viện nếu chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú.
- Điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội; hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú. Giấy ra viện dùng làm căn cứ hưởng chế độ thai sản Giấy ra viện dùng làm căn cứ hưởng chế độ thai sản.
Đối với trường hợp lao động nữ sinh con: Trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thành phần hồ sơ thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.
>> Xem thêm: Tại sao giấy ra viện sai thông tin bảo hiểm không chấp nhận thanh toán?
2. Mẫu giấy ra viện mới nhất hiện nay
Mẫu giấy ra viện mới nhất được ban hành tại Phụ lục 3 được ban hành kèm theo Thông tư số 18/2022/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2022 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 56/2017/TT-BYT và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế. Cụ thể như sau:
GIẤY RA VIỆN - Họ tên người bệnh: Vũ Thu A Năm sinh: 1990 Nam/ nữ: Nữ - Dân tộc: Kinh Nghề nghiệp: Nhân viên kinh doanh - Mã số BHXH/Thẻ BHYT số: (1) 123456xxxx - Địa chỉ: Tổ 4 Phường X, Thành phố Y, Tỉnh Z - Vào viện lúc: 11 giờ 00 phút, ngày 14 tháng 6 năm 2022 - Vào viện lúc: 16 giờ 30 phút, ngày 15 tháng 6 năm 2022 - Chẩn đoán: (2) Viêm amidan cấp, Sốt, ho kéo dài - Phương pháp điều trị:(3) Hạ sốt, Kháng sinh - Ghi chú: (4)
|
3. Hướng dẫn cách ghi giấy ra viện theo quy định mới như thế nào?
Dựa vào nội dung Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 18/2022/TT-BYT cách ghi giấy ra viện được hướng dẫn thực hiện như sau:
Mục (1): Phần Mã số BHXH/Thẻ BHYT
- Mã số BHXH: Ghi đầy đủ mã số bảo hiểm xã hội do Cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp (Chỉ áp dụng khi cơ quan bảo hiểm xã hội chính thức có thông báo về việc sử dụng mã số bảo hiểm xã hội thay cho số thẻ bảo hiểm y tế).
- Thẻ bảo hiểm y tế số: ……….. Ghi đầy đủ mã thẻ gồm phần chữ và phần số theo thông tin trên thẻ bảo hiểm y tế của người bệnh, trong đó phần chữ viết in hoa (Chỉ áp dụng đến khi cơ quan bảo hiểm xã hội chính thức có thông báo về việc sử dụng mã số bảo hiểm xã hội thay cho số thẻ bảo hiểm y tế).
Mục (2): Phần chẩn đoán
- Phải mô tả cụ thể về tình trạng sức khỏe và ghi tên bệnh hoặc mã bệnh. Trường hợp mắc bệnh cần chữa trị dài ngày thì việc ghi mã bệnh và tên bệnh thực hiện theo quy định tại Thông tư 46/2016/TT-BYT;
- Trường hợp đình chỉ thai nghén: Ghi rõ nguyên nhân đình chỉ thai nghén (Ví dụ: thai chết lưu, thai bệnh lý,...).
- Trường hợp điều trị dưỡng thai: Ghi rõ cụm từ “dưỡng thai”
Mục (3): Phần phương pháp điều trị
Ghi chỉ định điều trị (Trường hợp phải đình chỉ thai nghén):
- Dưới 22 tuần tuổi thì căn cứ tình trạng thực tế để ghi phương pháp điều trị theo một trong các trường hợp sau: Sảy thai, nạo thai, hút thai, mổ lấy thai, trừ trường hợp giảm thiểu thai trong quá trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm;
- Từ 22 tuần tuổi trở lên ghi rõ là đẻ thường, đẻ thủ thuật hay mổ đẻ.
- Ghi rõ tuần tuổi thai (kể cả trường hợp đình chỉ thai ngoài tử cung, thai trứng cần xác định rõ tuần tuổi thai).
Việc xác định tuần tuổi của thai dựa vào ngày có kinh cuối cùng hoặc kết quả siêu âm trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
- Ghi rõ thời gian đình chỉ thai nghén: Vào ...giờ…..phút ngày .../tháng.../năm...
Mục (4): Phần ghi chú
Ghi lời dặn của thầy thuốc, Cách ghi lời dặn của thầy thuốc trong một số trường hợp:
- Trường hợp người bệnh cần nghỉ để điều trị bệnh hoặc để ổn định sức khỏe sau khi điều trị nội trú:
+ Ghi rõ số ngày mà người bệnh cần nghỉ để điều trị ngoại trú sau khi ra viện (từ ngày, đến ngày).
+ Việc quyết định số ngày nghỉ phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng tối đa không quá 30 ngày, trường hợp đình chỉ thai nghén từ 13 tuần tuổi trở lên thì không quá 50 ngày: Trường hợp người bệnh điều trị bệnh lao theo chương trình chống lao quốc gia thì thời gian nghỉ tối đa không quá 180 ngày.
- Trường hợp lao động nữ cần nghỉ để dưỡng thai thì sau khi ghi số ngày nghỉ phải ghi rõ là "để dưỡng thai".
Ví dụ: Số ngày nghỉ: 10 ngày để dưỡng thai. Việc quyết định số ngày nghỉ phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng tối đa không quá 30 ngày.
- Trường hợp người có thai từ 22 tuần tuổi trở phải đình chỉ thai nghén thì ghi là đẻ non, con chết.
- Trường hợp đẻ non ghi rõ số con và tình trạng con sau sinh.
- Trong trường hợp người mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc trẻ em dưới 16 tuổi phải ghi đầy đủ họ, tên của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bệnh.
Mục (5): Phần ngày, tháng, năm và chữ ký
- Việc ghi ngày, tháng, năm tại phần chữ ký của Trưởng khoa điều trị phải trùng với ngày ra viện.
- Tại phần "Trưởng khoa": Trưởng khoa hoặc Phó trưởng khoa ký tên theo quy chế làm việc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Tại phần "Thủ trưởng đơn vị": Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người được người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ủy quyền được ký và đóng dấu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ có 01 người có đủ thẩm quyền khám và ký giấy ra viện thì người đó chỉ cần ký và đóng dấu vào phần người thủ trưởng đơn vị.
Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.