1. Miễn trách nhiệm vi phạm hợp đồng là gì?

- Vi phạm hợp đồng quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 06 năm 2005 của Quốc hội khóa XI được định nghĩa như sau: Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này.

Hành vi vi phạm hợp đồng là căn cứ pháp lý để áp dụng đối với tất cả các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng. Hành vi vi phạm hợp đồng là xử sự của các chủ thể hợp đồng không phù hợp với các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng. Trong thực tiễn để xác định việc có hay không một hành vi vi phạm hợp đồng thương mại phải chứng minh được hai vấn đề. Đó là, quan hệ hợp đồng hợp pháp giữa các bên và có hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng.

- Miễn trách nhiệm là việc giải phóng cho bên vi phạm khỏi các trách nhiệm pháp lý mà đáng lẽ họ phải gánh chịu do hành vi vi phạm hợp đồng của mình. Bên vi phạm được miễn trách nhiệm nếu chứng minh được là mình không có lỗi, bằng cách chỉ ra những hoàn cảnh khách quan khiến cho mình không thể thực hiện hợp đồng hoặc không thể thực hiện đúng hợp đồng. Những hoàn cảnh như vậy được pháp luật quy định, hoặc do các bên đã thỏa thuận trước với nhau (trong hợp đồng) hoặc việc vi phạm hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm.

2. Các trường hợp được miễn trách nhiệm vi phạm hợp đồng:

Như đã nêu ở phần trên thì việc miễn trách nhiệm vi phạm hợp đồng do các bên thỏa thuận hoặc do luật định.

- Trường hợp miễn trách nhiệm theo thỏa thuận: Các bên trong hợp đồng trong kinh doanh, thương mại có quyền thoả thuận về giới hạn trách nhiệm và miễn trách nhiệm hợp đồng trong những trường hợp cụ thể do các bên dự liệu khi giao kết hợp đồng. Thường vi phạm đó là không lớn, bên vi phạm có thể khắc phục được ngay nên không phải chịu chế tài do vi phạm hợp đồng hoặc bên có quyền không yêu cầu bên vi phạm phải chịu trách nhiệm.

- Trường hợp miễn trách nhiệm theo luật định đối với hành vi vi phạm hợp đồng thì được quy định tại Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 như sau: 

1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

2. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.

Ngoài các hoạt động dịch vụ, kinh doanh thông thường được miễn trách nhiệm thì Luật Thương mại năm 2005 còn quy định các trường hợp miễn trach nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistic tại Điều 237 như sau:

1. Ngoài những trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hoá phát sinh trong các trường hợp sau đây:

a) Tổn thất là do lỗi của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;

b) Tổn thất phát sinh do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics làm đúng theo những chỉ dẫn của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;

c) Tổn thất là do khuyết tật của hàng hoá;

d) Tổn thất phát sinh trong những trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và tập quán vận tải nếu thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức vận tải;

đ) Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, kể từ ngày thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics giao hàng cho người nhận;

e) Sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Toà án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng.

2. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về việc mất khoản lợi đáng lẽ được hưởng của khách hàng, về sự chậm trễ hoặc thực hiện dịch vụ logistics sai địa điểm không do lỗi của mình.

Như vậy, sự kiện bất khả kháng là một trong những trường hợp được miễn trách nhiệm vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, không phải cứ có sự kiện bất khả kháng là được miễn trách nhiệm hợp đồng, họ chỉ được miễn trách nhiệm khi họ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

3. Sự kiện bất khả kháng là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội khóa XIII thì sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.

Tại khoản 2 Điều 351 và Điều 491 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về hậu quả của sự kiện bất khả kháng khi nghĩa vụ không thể thực hiện đúng: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”; "Trong thời hạn thuê khoán gia súc, bên thuê khoán được hưởng một nửa số gia súc sinh ra và phải chịu một nửa thiệt hại về gia súc thuê khoán do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".

Bên cạnh Bộ luật Dân sự, một số văn bản cũng có quy định về hệ quả của sự kiện bất khả kháng. Như theo khoản 1 và khoản 4 Điều 296 Luật thương mại năm 2005: "Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả’ và ‘Việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ".

Luật xây dựng hiện hành (Luật xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 06 năm 2014 của Quốc hội khóa XIII) cũng có quy định về tác động của sự kiện bất khả kháng theo đó khi xảy ra sự kiện "bất khả kháng", đây là "trường hợp được điều chỉnh hợp đồng xây dựng" (khoản 2 Điều 143).

Như vậy, sự kiện bất khả kháng là một trong những trường hợp để nhằm bảo đảm quyền lợi cho bên vi phạm nghĩa vụ khi họ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép mà vẫn không thể thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Hệ quả của sự kiện bất khả kháng cũng tùy trường hợp do luật định hay các bên thỏa thuận mà có mức đền bù hợp lý.

4. Phân tích sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật:

Từ quy định nêu trên cho thấy, một sự kiện được coi là bất khả kháng với tính chất là căn cứ để miễn trách nhiệm hợp đồng phải thoả mãn các dấu hiệu:

(i) Sự kiện bất khả kháng xảy ra sau khi các bên đã giao kết hợp đồng, sự kiện đó xảy ra hoàn toàn khách quan, không do yếu tố chủ quan của con người;

(ii) Sự kiện đó có tính chất bất thường mà các bên không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép;

(iii) Sự kiện là nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm hợp đồng.

Với cách hiểu như vậy, các trường hợp bất khả kháng có thể bao gồm: Thiên tai, hoả hoạn, chiến tranh, dịch bệnh, đình công, sự thay đổi chính sách, pháp luật của Nhà nước, cấm vận quốc tế, hiệp hội khu vực hoặc nhóm quốc gia.

Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, đối với hợp đồng thương mại có thời hạn cố định về giao hàng, các bên đều có quyền không thực hiện hợp đồng và không bị áp dụng các biện pháp chế tài. Trường hợp hợp đồng thương mại có nội dung thỏa thuận giao hàng trong một thời hạn, các bên trong hợp đồng có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá các thời hạn sau đây: năm tháng đối với hàng hoá mà thời hạn giao hàng được thoả thuận không quá mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng; tám tháng đối với hàng hoá mà thời hạn giao hàng được thoả thuận trên mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng.

Khi áp dụng quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng, việc chứng minh các trường hợp được miễn trách nhiệm thuộc nghĩa vụ của bên có vi phạm hợp đồng. Bên vi phạm nếu muốn được miễn trách nhiệm hợp đồng thì phải có đầy đủ chứng cứ để chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, khi xảy ra trường hợp được miễn trách nhiệm hợp đồng, bên vi phạm hợp đồng còn phải thông báo ngay (bằng văn bản) cho bên kia biết về sự kiện bất khả kháng thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra. Nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên kia như chi phí bến bãi, kho hàng và các hoạt động giao nhận hàng khác, đối với nghĩa vụ phát sinh trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan được miễn như đã phân tích nêu trên.

Có thể nói trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng thương mại là chế định quan trọng trong hợp đồng, là cơ sở bảo đảm cho hiệu lực của hợp đồng được thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển nền kinh tế; là công cụ nhà nước quản lý nền kinh tế, là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các bên trong quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp thương mại.

5. Dịch Covid-19 có phải sự kiện bất khả kháng hay không? 

Dịch Covid-19 thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao, tính chất đặc biệt nguy hiểm. Theo như phân tích ở mục trên thì Covid-19 là dịch bệnh thỏa mãn các dấu hiệu: 

- Là sự kiện khách quan, không do yếu tố chủ quan của con người, sảy ra sau khi các bên đã giao kết hợp đồng (kể từ ngày 23 tháng 01 năm 2020 - thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra);

- Là sự kiện bất thường mà các bên không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép;

- Là nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm hợp đồng. 

Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng được tính dịch Covid-19 là một sự kiện bất khả kháng bởi hiện nay, hầu như doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì vậy, nếu cứ viện dẫn dịch Covid-19 để được miễn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng sẽ không còn quan hệ hợp đồng nào nữa được thực hiện; dịch Covid-19 không đồng nghĩa với sự kiện bất khả kháng.

Để được miễn thực hiện nghĩa vụ theo khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự, doanh nghiệp phải chứng minh được nghĩa vụ của họ không thể thực hiện được do bất khả kháng. Họ phải chứng minh được 3 yếu tố của sự kiện bất khả kháng trong quy định trên. Điều quan trọng là phải chứng minh được rằng nghĩa vụ của họ không thể thực hiện được việc không thể thực hiện được này có nguyên nhân trực tiếp từ dịch Covid-19.

Trong thực tế, mặc dù có dịch Covid-19 và thậm chí có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về giãn cách xã hội do dịch Covid-19, một số doanh nghiệp tronh các lĩnh vực được tiếp tục hoạt động vẫn được thực hiện khi có các lệnh giãn cách (nhưng phải đáp ứng được điều kiện về y tế) nên trong trường hợp đó, doanh nghiệp không thể viện dẫn dịch Covid-19 như sự kiện bất khả kháng để được miễn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

Ngược lại, nếu vì dịch Covid-19 mà cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định dừng hoạt động từ đó doanh nghiệp không thể tiếp tục tiến hành công việc bình thường (không có cách nào khác là tạm dừng hoạt động), doanh nghiệp có thể viện dẫn sự kiện bất khả kháng để miễn thực hiện nghĩa vụ/miễn trách nhiệm khi quyết định của cơ quan có thẩm quyền như nêu trên là không lường trước được.

Nếu doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng mà các điều kiện về sự kiện bất khả kháng không hội đủ, đó lại là việc vi phạm hợp đồng và phải chịu hệ quả pháp lý của nó.

Chẳng hạn như một Công ty ở Hà Nội ký kết hợp đồng nhập vật liệu xây dựng với một Công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 03/2021 theo ba đợt hàng thanh toán, đợt 1 từ tháng 05/2021 đến tháng 07/2021, đợt 2 từ tháng 09/2021 đến tháng 12/2021, đợt 3 từ tháng 01/2022 đến tháng 03/2022 để thi công dự án cho một doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, đến cuối tháng 04, tháng 05 năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh bùng phát dịch, phải thực hiện theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 nên phải dừng hoạt động sản xuất, không đủ số lượng hàng để xuất hàng hóa cho công ty ở Hà Nội khiến công ty không thể thực hiện dự án đã cam kết với bên thứ ba. Trường hợp này Công ty ở thành phố Hồ Chí Minh có thể chứng minh tình huống của mình là trường hợp bất khả kháng do dịch Covid-19 bùng phát bất ngờ nếu: không thể tìm được cách khắc phục để đáp ứng đủ hàng hóa cho Công ty ở Hà Nội theo đúng thời gian giao kết trong hợp đồng dù đã dùng mọi biện pháp để đẩy nhanh tiến độ sản xuất cũng như áp dụng đúng các biện pháp phòng dịch nhưng vẫn không đủ nhân lực để làm ra đủ số lượng hàng thì trường hợp này được coi là sự kiện bất khả kháng.

Vẫn với tình huống trên, do công ty ở thành phố Hồ Chí Minh không xuất hàng như giao kết của hợp đồng nên công ty ở Hà Nội không kịp tiến hành thi công cho bên thứ ba. Trường hợp này công ty ở Hà Nội có thể thỏa thuận với bên thứ ba xin gia hạn hợp đồng để tìm nguồn cung khác hoặc có thể tìm nguồn cung có sẵn để tiến hành thi công đúng tiến độ nên trường hợp này không được coi là trường hợp bất khả kháng do dịch Covid-19 vì thời điểm tháng 04/2021 thình dịch bệnh ở Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát và các hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về sự kiện bất khả kháng của dịch Covid-19. Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến luật dân sự, hình sự, bảo hiểm,... hãy liên hệ theo thông tin dưới đây để được tư vấn cụ thể và toàn diện nhất.

Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến. Đội ngũ luật sư/chuyên viên luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc của Bạn.

Trân trọng./.