Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.6162

1. Hao hụt dọc đường về thể tích, trọng lượng; tổn thất do ẩn tỳ, bản chất đặc biệt, nội tỳ của hàng hóa

Điểm n khoản 2 Điều 4 Quy tắc Hague ghi nhận cả người chuyên chở và tàu không phải chịu trách nhiệm đối với những tổn thất hàng hóa gây ra bởi hao hụt dọc đường về thể tích, trọng lượng hay tổn thất, tổn hại do ẩn tỳ, bản chất đặc biệt, nội tỳ của hàng hóa. Vậy hiểu thế nào là hao hụt dọc đường về thể tích hay trọng lượng? Tổn thất hay tổn hại do ẩn tỳ là gì? Bản chất đặc biệt của hàng hóa là như thế nào? Như thế nào được coi là nội tỳ của hàng hóa?

2. Hao hụt dọc đường về thể tích hay trọng lượng là gì?

Thông thường tàu được miễn hao hụt đối với những loại hàng hóa đặc biệt mà tập quán thương mại quốc tế quy định cho phép một tỷ lệ hao hụt như: rượu, nhiên liệu chứa vào bể hay quặng, ngũ cốc chở rời... Bởi vì, đối với những loại hàng hóa này vì đặc điểm của nó mà khi giao hàng không thể cân đo được chính xác hoặc do sự rò chảy bay hơi tự nhiên của nó trong khi vận chuyển mà dẫn tới hao hụt. Điều cần chú ý là tỷ lệ hao hụt là mức tối đa tàu được hưởng miễn trách nhiệm nếu có thiếu trọng lượng chứ không phải là khi giao hàng cứ đương nhiên trừ tỷ lệ rồi chỉ giao phần còn lại.

Khi giao hàng tuy hao hụt vẫn trong tỷ lệ quy định nhưng nếu chứng minh được rằng tàu đã gây ra hao hụt đó thì tàu vẫn phải bồi thường. Ví dụ, khi các tàu giao xăng và mazout tỷ lệ hao hụt là 0,9%; thực tế xăng hao hụt 0,3% nhưng mazout lại hao hụt hơn 0,7%. Xăng là thứ dễ bốc hơi hơn nhưng lại hao hụt ít hơn mazout là một việc vô lý, nguyên nhân có thể là tàu đã lấy mazout để sử dụng. Nếu chứng minh được điều đó thì tàu phải bồi thường. Một trường hợp khác là, khi giao hai loại hàng với cùng một tỷ lệ hao hụt nếu một loại hao hụt ít, một loại hao hụt nhiều thì không thể lấy số hao hụt ít để bù cho số hao hụt nhiều. Ví dụ, như trên nêu dầu hao 0,3% và xăng hao 1.5% thì tàu phải bồi thường phần vượt của xăng (0,6%) chứ không thể lấy số hao ít của mazout đề bù cho xăng để miễn trách nhiệm.

3. Ẩn tỳ, bản chất đặc biệt hay nội tỳ của hàng hóa là gì?

  • Ẩn tỳ (hidden defect) là khuyết tật bên trong của hàng hóa do lỗi của nhà chế tạo hoặc do tính chất của vật liệu không phù hợp, không đảm bảo yêu cầu mà người ta không thể phát hiện được bằng những biện pháp kiểm tra thông thường.
  • Bản chất đặc biệt là đặc tính của đối tượng bảo hiểm thường xuyên có và có thể xảy ra cả trong những điều kiện vận chuyển bình thường. Ví dụ, như sự xuất hiện của mọt trong gạo, sự thối của hoa quả trong quá trình tự nhiên... Nội tỳ và ẩn tỳ là những khuyết tật vốn có của hàng hóa.
  • Nội tỳ (Inherent vice) là tính chất đặc biệt riêng có của hàng hóa có thể xảy ra hay bộc phát trong những điều kiện đặc biệt về môi trưòng (nhiệt độ, độ ẩm, thông gió...) hay những yếu tố khác. Ví dụ, như sự tự bốc cháy của hàng than khi bị ẩm. Theo quy định của Công ước thì tàu được miễn trách nhiệm về các rủi ro này vì đó đều là do hàng hóa tự nó hỏng, tàu không có lỗi nên đương nhiên tàu được miễn.

+ Ví dụ, tham chiếu án lệ West Coast Food Brokers Limited kiện The Ship "Hoyanger" năm 1979, chuyến hàng gồm 17.800 hòm táo quả vận chuyển từ Argentina đi Vancouver (Canada), chuyến đi đã kéo dài 45 ngày và hàng hóa bị hư hỏng. Chủ hàng đổ lỗi cho người chuyên chở trong quá trình làm hàng và vận chuyển hàng hóa nhưng Tòa án Liên bang Canada cho rằng thiệt hại là do táo đã quá chín trước khi xếp hàng và nó không thể chịu được điều kiện khắc nghiệt của chuyến đi dài 45 ngày. Tòa đã phán quyết rằng, nguyên nhân gây ra thiệt hại là do bản chất đặc biệt của hàng hóa và người chuyên chở được miễn trách. Nguyên đơn đã cố gắng biện hộ là người chuyên chở đã cam kết rằng người đại lý của họ phải hiểu biết về tính chín của hoa quả và các chuyên gia của đại lý này đã biết khiếm khuyết của hàng hóa sẽ bị loại trừ bởi điều khoản nội tỳ nhưng đã lờ đi. Lời biện hộ này đã không được tòa án chấp nhận.

+ Chuột, sâu bọ cũng được coi là một dạng nội tỳ vì nó chỉ cắn hoặc chỉ xuất hiện đối với một số loại hàng hóa nhất định. Tại một sô' cảng trên thê giới có quy định là khi tàu vào cảng phải có chứng chỉ trừ chuột, nếu không có thì phải hun xong mới được vào, tuy rằng đó chủ yếu là một biện pháp phòng dịch nhưng nó cũng làm cho hàng hóa bớt hư hại đi nhiều.

4. Trình tự và trách nhiệm chứng minh:

Trình tự chứng minh trong khiếu nại liên quan đến ẩn tỳ, nội tỳ và bản chất đặc biệt của hàng hóa theo quy luật thông thường trong các khiếu nại về hàng hóa vận chuyển bằng đường biển là:

+ Người khiếu nại chứng minh tổn thất.

+ Người chuyên chở chứng minh nguyên nhân của tổn thất, chứng minh sự mẫn cán hợp lý để làm cho tàu có đủ khả năng đi biển, sau đó mới biện hộ dựa trên sự miễn giải trách nhiệm của Quy tắc.

+ Người khiếu nại chứng minh sự thiếu trách nhiệm chăm sóc hàng hóa của ngưòi chuyên chở.

+ Mỗi bên đưa ra các bằng chứng để hỗ trợ cho các lời biện hộ và luận cứ của họ.

Trách nhiệm chứng minh cũng giống như các trường hợp miễn giải khác được quy định tại Điều IV.2 trách nhiệm chứng minh tổn thất do ẩn tỳ, nội tỳ và bản chất đặc biệt của hàng hóa theo quy định tại Điều IV.2 (m) về nguyên tắc là thuộc về người chuyên chở. Tuy nhiên, liên quan đến nội tỳ và ẩn tỳ của hàng hóa còn có một Quy tắc nữa là bên nào tiếp cận với thực tế hơn sẽ bị đòi hỏi phải chứng minh thực tế đó, bởi vì trong quá trình giao nhận vận chuyển hàng hóa có những vấn đề người gửi hàng đưa ra chứng cứ thuận lợi hơn là người chuyên chở. Hậu quả là trong một số trường hợp liên quan đến mục loại trừ này có thể trách nhiệm chứng minh sẽ quay lại chính người khiếu nại, mặc dù người chuyên chở vẫn phải thực hiện trách nhiệm chứng minh miễn giải của mình.

Một số các tòa án ở Anh quốc và Hoa Kỳ đã quyết định rằng để khiếu nại thiệt hại hàng hóa thì người gửi hàng phải chứng minh rằng hàng hóa đã được giao cho người chuyên chở trong tình trạng tốt. Tham chiếu một số án lệ làm ví dụ: trong vụ Elia Salzman Tobacco Co., Ltd. kiện The Mormacwind năm 1967, tòa án đã phát quyết rằng: "... khi thiệt hại của hàng hóa có thể là do ẩn tỳ trong thời gian của hành trình thì người gửi hàng phải chứng minh rằng hàng hóa đã được giao cho người chuyên chở trong điều kiện tốt". Trong vụ New England Petroleum Co. kiện O.T. Sonja năm 1990, tòa đã phán quyết rằng: "Trước khi bị đơn phải chứng minh miễn giải do nội tỳ của hàng hóa thì trách nhiệm chứng minh quay trở lại nguyên đơn phải chứng minh bằng một dẫn chứng ưu thế hơn là hàng hóa đã được giao trong điều kiện tốt...”.

5. Ẩn tỳ, nội tỳ, bản chất đặc biệt của hàng hóa và trách nhiệm chăm sóc hàng hóa

Ẩn tỳ, nội tỳ và bản chất đặc biệt của hàng hóa:

Có thể nói rằng, miễn giải trách nhiệm của chủ tàu do ẩn tỳ, nội tỳ và bản chất đặc biệt của hàng hóa phải tương xứng với nghĩa vụ chăm sóc hàng hóa được quy định tại Điều III.2 của quy tắc. Ẩn tỳ và nội tỳ của hàng hóa không chỉ liên quan chặt chẽ đến hợp đồng chuyên chở mà còn cả nghĩa vụ chăm sóc hàng hóa. Tham chiếu vụ Albacora S.R.L. kiện Westcott & Laurance Line Ltd. năm 1966, quan tòa Reid đã phát biểu: "Theo quan điểm của tôi, nghĩa vụ của người chuyên chở là lựa chọn một hệ thống hợp lý với tất cả các kiến thức hiểu biết mà người chuyên chở có hoặc phải có về bản chất của hàng hóa”.. Theo quan điểm này, trong vụ Chris Foodstuffs Ltd. kiện Nigerian National Shipping Lines năm 1967, Tòa Thượng thẩm đã phán quyết: "Không những phải chứng minh đã mẫn cán hợp lý, chủ tàu còn phải chứng mình rằng họ đã bảo quản và chăm sóc hàng hóa theo đúng với tiêu chuẩn phù hợp và cẩn thận".

Các điều kiện chăm sóc đặc biệt đối với hàng hóa được ngầm hiểu hay phải quy định rõ ràng? cả người chuyên chở và người gửi hàng đều phải tự hỏi mình rằng bản chất tự nhiên của hàng hóa có thể ngầm hiểu hay phải quy định rõ ràng bằng các điều khoản trong hợp đồng chuyên chở, trong đó đòi hỏi hàng hóa phải được chăm sóc đặc biệt. Ví dụ như: máy lạnh, hoặc thông gió tối thiểu, hoặc chế độ nhiệt độ đặc biệt, hoặc hạn chế thời gian hành trình kéo dài... Tham khảo vụ Mayban General Assurance BHD kiện Alstom Power Plants Limited năm 2004, tòa án Anh quốc đã phán quyết: "Nếu hàng hóa đòi hỏi một chế độ chăm sóc đặc biệt thì thông thường là người gửi hàng phải gửi cho thuyền trưởng hoặc sĩ quan tàu một chỉ dẫn bằng văn bản để diễn giải chính xác là họ đòi hỏi cái gì. Thiếu những chỉ dẫn như vậy, thuyền trưởng có toàn quyền cho rằng hàng hóa có thể chịu được những sự việc bình thường xảy ra trong hành trình mà không cần một sự đề phòng đặc biệt nào".

Khi hợp đồng chuyên chở quên không đòi hỏi thực hiện những biện pháp đặc biệt và và một bộ phận hàng hóa được chuyên chở không phù hợp với hành trình dự kiến thì miễn giải về ẩn tỳ và nội tỳ của hàng hóa đôi khi có thể bảo vệ cho người chuyên chở hoặc tàu khỏi trách nhiệm đối với thiệt hại hàng hóa do nguyên nhân này gây ra. Trong vụ Albacora S.R.L., hàng hóa là cá muối đã bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển nhưng vận tải đơn không có đòi hỏi hàng hóa phải được bảo quản lạnh như nó cần phải có. Quan toà Reid phát biểu: "Điều đó cho thấy rằng việc có hay không ẩn tỳ và nội tỳ của hàng hóa phải phụ thuộc vào loại hình chuyên chở theo đòi hỏi của hợp đồng chuyên chở. Nếu hợp đồng chuyên chở đòi hỏi việc bảo quản lạnh đối với hàng hóa thì có lẽ đã không xảy ra nội tỳ của hàng hóa". Liên quan đến nội dung vận tải đơn không đòi hỏi việc bảo quản lạnh thì trong vụ này người chuyên chở không biết hay không có lý do phải biết rằng việc bảo quản lạnh là cần thiết. Tuy nhiên, khi người chuyên chở biết hoặc buộc phải biết rằng một số biện pháp chăm sóc đặc biệt là cần thiết bởi vì đặc tính nhạy cảm của loại hàng hóa nào đó là rất rõ ràng và chắc chắn sẽ xảy ra thiệt hại hàng hóa nếu không áp dụng hoặc áp dụng không phù hợp các biện pháp cần thiết. Khi đó người chuyên chở sẽ phải chịu trách nhiệm theo lỗi chăm sóc hàng hóa không phù hợp và miễn giải dựa vào ẩn tỳ và nội tỳ của hàrng hóa sẽ bị bác bỏ.

Trong vụ Horn kiện Cia de Navegacion Fruco, S.A., tòa án đã làm rõ vấn đề này: "Thực tế là chuối đòi hỏi phải chăm sóc đặc biệt trong suốt hành trình bởi vì những đặc điểm của hàng hóa như chín tự nhiên... không phải là các trường hợp được mô tả trong các điều khoản loại trừ. Dĩ nhiên là tất cả các bên trong hợp đồng thuê tàu đều hiểu rằng bản chất của loại hàng hóa này nói chung và những đặc tính của tàu cần thiết trong quá trình chuyên chở chúng. Hơn nữa, để được thừa nhận quyền miễn giải trách nhiệm theo luật thì người chuyên chở phải chứng minh được một số khuyết tật, chất lượng hay nội tỳ xảy ra trên tàu".

Nếu người gửi hàng do lỗi hay sự bất cẩn của họ không chỉ định rõ trên vận đơn các biện pháp chăm sóc đặc biệt cần thiết đối với hàng hóa của họ trong khi hành trình dự kiến trong hợp đồng chuyên chở và người chuyên chở không có lý do gì để biết về các biện pháp cần thiêt thì thiệt hại của hàng hóa không được quy về lỗi ẩn tỳ của hàng hóa hay các nghĩa vụ mặc nhiên khác của người chuyên chở mà quy về hành động và trách nhiệm của người gửi hàng, được loại trừ theo Điểu IV. 2 (i) của Quy tắc.

Sự am hiểu và thành thạo của người chuyên chở:

Trong nhiều trường hợp, người chuyên chở có nghĩa vụ phải biết về đặc điểm của hàng hóa mà họ chuyên chở, điều này đã được làm rõ trong án lệ Les Produits Alimentaires Grandma Ltd. kiện Zim Israel Navigation Co. năm 1987, tòa đã phán quyết: "Có thể chắc chắn rằng người chuyên chở có nghĩa vụ phải biết các đặc điểm của hàng hóa mà họ nhận chuyên chở và đảm bảo đủ điều kiện để lưu kho bảo quản hàng hóa theo các đặc điểm đó. Luật pháp bắt buộc người chủ tàu phải có nghĩa vụ phải sử dụng sự cẩn thận phù hợp để tìm hiểu, xác định và có tính toán đến bản chất của hàng hóa được chuyên chở đồng thời thực hiện những biện pháp chăm sóc thích hợp trong quá trình vận chuyển". Chủ tàu sẽ phải chịu trách nhiệm nếu do bất kỳ một sự vi phạm nào về hợp đồng vận chuyển mà làm phát sinh hoặc trầm trọng thêm những thiệt hại hàng hóa. Trong án lệ nói trên hàng hóa là hạt tiêu đen được chuyên chở bằng container đi từ Singapore đi Halifax do người chuyên chở xếp hàng, hạt tiêu đã bị thối do độ ẩm vượt quá quy định. Chủ tàu đã dựa vào điều khoản ẩn tỳ, nội tỳ của hàng hóa để từ chối trách nhiệm và yêu cầu chủ hàng phải chứng minh rằng hàng hóa đã được chuẩn bị tốt trước khi vận chuyển. Tòa án Liên bang của Canada đã phán quyết là không có chứng cứ nào cho thấy hàng hóa đã bị hỏng do nội tỳ hay bản chất của hàng hóa. Tòa cho rằng, người chuyên chở phải chịu trách nhiệm về thiệt hại của hàng hóa vì điều kiện độ ẩm cao làm thối hạt tiêu không phải do bản chất của hàng hóa mà do sự thiếu thông gió trong container.

Tuy vậy, mức độ am hiểu về hàng hóa của người chuyên chở không phải là đòi hỏi đến mức cao nhất, hay thật sự quá cặn kẽ, những kiến thức như vậy thuộc về người gửi hàng. Người chuyên chở chỉ buộc phải biết đến những đặc tính của hàng hóa đã rất nổi tiếng hoặc đã thành tập quán hoặc đã từng xảy ra trong thực tế trước đó và phải có những biện pháp chăm sóc tương ứng để bảo quản hàng hóa.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập