- 1. Khái quát chung về kinh doanh xăng dầu
- Khái niệm xăng dầu
- Khái niệm kinh doanh
- Khái niệm kinh doanh xăng dầu
- 2. Thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ
- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy tiếp nhận thông báo kinh doanh xăng dầu
- 3. Công thức giá cơ sở xăng dầu
- 4. Điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu
Cơ sở pháp lý liên quan và được sử dụng trong bài viết:
- Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
- Luật Giá ngày 20 tháng 6 năm 2012;
- Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
1. Khái quát chung về kinh doanh xăng dầu
Khái niệm xăng dầu
Xăng dầu là tên chung để chỉ các sản phẩm của quá trình lọc dầu mỏ, dùng làm nhiên liệu gồm: xăng động cơ, dầu diezel, dầu hỏa, dầu mazút, nhiên liệu máy bay; các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu động cơ, không bao gồm các loại khí hóa lỏng. Xăng dầu là sản phẩm từ dầu mỏ với thành phần cơ bản là các loại cacbuahydro. Tùy theo công dụng, xăng dầu được chia thành: các loại xăng, dầu hỏa thông dụng, nhiên liệu phản lực, nhiên liệu diezel và dầu bôi trơn…
Đặc điểm chung của nhóm sản phẩm này là dễ cháy, đặc biệt khí nén ở áp suất cao chuyển thành thể khí. Khi cháy chúng phát sáng, thể tích tăng đột ngột và sinh nhiệt. Xăng dầu là một loại hàng hóa được sử dụng rất rộng rãi trong cuộc sống và trong các ngành công nghiệp. Xăng dầu được dùng để thắp sáng và tạo nhiệt (xăng, dầu hỏa, nhiên liệu diezel, nhiên liệu phản lực). Xăng dầu dùng cho các loại động cơ đốt trong, làm nhiêu liệu dùng cho động cơ nổ diezel, nhiên liệu dùng cho động cơ phản lực. Nhóm dầu nhờn dùng trong các động cơ nổ với mục đích làm mát động cơ, bôi trơn làm giảm ma sát cho các bộ phận và chi tiết chuyển động làm tăng tuổi thọ thiết bị. Xăng dầu dùng làm dung môi trong nhiều ngành công nghiệp đặc biệt là công nghiệp sơn do có khả năng hòa tan nhiều chất hữu cơ.
Khái niệm kinh doanh
Kinh doanh là thuật ngữ được sử dụng rất phổ biến trong đời sống kinh tế của nước ta cũng như các nước trên thế giới, trên thực tế khái niệm kinh doanh có nhiều cách hiểu. Theo cách hiểu thông thường, kinh doanh đượch iểu là các hoạt động nhằm tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc mua, bán hàng hóa. Theo cách hiểu này thì kinh doanh đồng nhất với khái niệm về thương mại được nêu trong Bộ luật Thương mại Việt Nam ban hành năm 1997.
Tuy nhiên, khái niệm “kinh doanh” chính thức được Luật pháp Việt Nam sử dụng từ năm 1990 khi Chính phủ đưa ra hai bộ luật quan trọng, đó là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân. Đến năm 1999, khái niệm “kinh doanh” một lần nữa được nhắc lại trong Luật Doanh nghiệp như sau: “Kinh doanh được hiểu là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”. Theo đó, kinh doanh bao hàm cả các hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa, các hoạt động sản xuất, gia công, đầu tư hay các hoạt động khác nhằm mục đích sinh lợi. Cách hiểu này về kinh doanh khá tương đồng với khái niệm thương mại mới được nêu ra trong Luật Thương mại sửa đổi năm 2005. Theo Bộ luật này, “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục tiêu sinh lợi khác”, đây cũng là cách hiểu phổ biến về thương mại trên thế giới. Như vậy, hiện nay khái niệm kinh doanh được hiểu như là thương mại theo nghĩa rộng.
Bên cạnh hoạt động thương mại trong nước, một nội dung không thể không nhắc đến của hoạt động thương mại là thương mại quốc tế, hoạt động này được hiểu là sự trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia, thông qua mua bán, lấy tiền làm môi giới, tuân theo nguyên tắc trao đổi ngang giá nhằm đưa ra lợi ích cho các bên. Thương mại quốc tế có mầm mống từ hàng ngàn năm nay, nó ra đời sớm nhất và hiện nay vẫn giữ vị trí trung tâm trong các hoạt động kinh tế quốc tế. Trong thương mại quốc tế bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, dưới góc độ của một quốc gia có thể kể đến các hoạt động sau: xuất và nhập khẩu hàng hóa, gia công, tái xuất khẩu, chuyển khẩu và xuất khẩu tại chỗ. Trong đó hoạt động xuất và nhập khẩu hàng hóa được coi là phổ biến nhất.
Khái niệm kinh doanh xăng dầu
Theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam về việc kinh doanh xăng dầu, kinh doanh xăng dầu bao gồm các hoạt động sau: Xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất nhập khẩu xăng dầu nguyên liệu, sản xuất và pha chế xăng dầu; phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước; dịch vụ cho thuê kho, cảng, bảo quản, vận chuyển xăng dầu. Trong nghiên cứu này các hoạt động kinh doanh xăng dầu được tập trung nghiên cứu là hoạt động xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước.
Theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu tại khoản 2 điều 3 cũng đã quy định về khái niệm này, theo đó: Kinh doanh xăng dầu bao gồm các hoạt động: Xuất khẩu (xăng dầu, nguyên liệu sản xuất trong nước và xăng dầu, nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu), nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu, nguyên liệu; sản xuất và pha chế xăng dầu; phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước; dịch vụ cho thuê kho, cảng, tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển xăng dầu.
Vào ngày 01/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, trong đó bổ sung nhiều nội dung mới về lĩnh vự này.
2. Thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ
Loại hình thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ được phép hoạt động nếu đáp ứng các yêu cầu sau:
- Được kiểm soát về đo lường và kiểm định an toàn bởi các cơ quan chức năng theo quy định.
- Hoạt động tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa theo hướng dẫn của Bộ Công Thương phù hợp với các quy định hiện hành.
- Thuộc sở hữu của thương nhân là đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối theo quy định tại Nghị định này.
- Thương nhân kinh doanh xăng dầu bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ phải gửi hồ sơ thông báo đến Sở Công Thương địa phương nơi đặt thiết bị bán xăng dầu để được cấp Giấy tiếp nhận thông báo kinh doanh xăng dầu bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy tiếp nhận thông báo kinh doanh xăng dầu
Với hồ sơ đề nghị cấp Giấy tiếp nhận thông báo kinh doanh xăng dầu bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ như sau:
- Thông báo kinh doanh xăng dầu bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ theo Mẫu số 3 a của Phụ lục kèm theo Nghị định này.
- Bản sao Giấy xác nhận làm thương nhân kinh doanh xăng dầu theo các loại hình tương ứng theo quy định tại Nghị định này.
- Bản sao Chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy của nhân viên kinh doanh trực tiếp.
- Bản sao Giấy chứng nhận kiểm định thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ.
b) Sau thời gian năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ thông báo kinh doanh xăng dầu bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ, Sở Công Thương phải có Giấy tiếp nhận thông báo kinh doanh xăng dầu theo Mẫu số 4a tại Phụ lục kèm theo Nghị định này gửi cho đơn vị kinh doanh thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ. Nếu hồ sơ gửi đến Sở Công Thương không đầy đủ, sau ba (03) ngày làm việc, Sở Công Thương phải có công văn yêu cầu thương nhân bổ sung hồ sơ theo quy định.
Trường hợp thương nhân thay đổi thông tin trên Giấy tiếp nhận thông báo bán lẻ xăng dầu bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ, thương nhân nộp hồ sơ chứng minh việc thay đổi thông tin hoặc trường hợp Giấy tiếp nhận bị thất lạc, hỏng, thương nhân nộp hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này và gửi về Sở Công Thương để cấp lại Giấy tiếp nhận thông báo kinh doanh xăng dầu bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ.
3. Công thức giá cơ sở xăng dầu
Cụ thể, giá cơ sở xăng dầu được xác định bằng giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu nhân với tỉ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu cộng giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước nhân với tỉ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước.
Giá cơ sở xăng sinh học được xác định bằng tỉ lệ phần trăm thể tích xăng không chì (%) nhân (giá xăng thế giới cộng chi phí đưa xăng từ nước ngoài về cảng Việt Nam cộng chi phí về thuế nhập khẩu xăng) nhân tỉ trọng sản lượng xăng nhập khẩu cộng (giá xăng thế giới cộng premium cộng chi phí đưa xăng từ nhà máy lọc dầu trong nước đến cảng (nếu có)) nhân tỉ trọng sản lượng xăng từ nguồn sản xuất trong nước) cộng tỉ lệ phần trăm thể tích Etanol nhiên liệu (%) nhân giá Etanol nhiên liệu cộng chi phí kinh doanh định mức cộng mức trích lập Quỹ bình ổn giá cộng lợi nhuận định mức cộng các khoản chi phí về thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu
Theo Nghị định cũng sửa đổi điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầ, theo đó:
Một trong các điều kiện được sửa là thương nhân phải có hệ thống phân phối xăng dầu: Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.
Đối với thương nhân đầu mối kinh doanh nhiên liệu hàng không, Nghị định quy định không bắt buộc phải có hệ thống phân phối quy định trên nhưng phải đáp ứng thêm điều kiện sau:
Có phương tiện vận tải, xe tra nạp nhiên liệu hàng không phù hợp với quy định, tiêu chuẩn mặt hàng nhiên liệu hàng không thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên.
Có kho tiếp nhận tại sân bay với các trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng các tiêu chuẩn của mặt hàng nhiên liệu hàng không thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên.
Có phòng thử nghiệm đủ năng lực thuộc sở hữu hoặc thuê để kiểm tra chất lượng mặt hàng nhiên liệu hàng không theo tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế theo quy định hiện hành.
Đối với đại lý bán lẻ xăng dầu, Nghị định sửa điều kiện về cửa hàng bán lẻ như sau: Có cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Điều 25 Nghị định 95/2021/NĐ-CP.
Nghị định cũng quy định điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu là: Thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên của thương nhân là đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP (thương nhân đề nghị cấp phải đứng tên tại Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu).
Trường hợp đi thuê cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thương nhân đi thuê phải đứng tên tại Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng!
Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên tập).