Bán phá giá là hiện tượng hàng hoá được bán ra nước ngoài thấp hơn giá trị thông thường của sản phẩm. Hành vi bán phá giá được quy định tại Điều VI của GATT và cụ thể hoá tại “Hiệp định thực thi Điều VI của Hiệp định Chung về Thuế quan Thương mại 1994” (hay còn gọi là “Hiệp định Chống bán phá giá”). Theo đó, “trong phạm vi hiệp định này, một hàng hóa bị coi là bán phá giá (tức là được đưa vào lưu thông thương mại ở một nước khác với giá thấp hơn giá trị thông thường của hàng hóa đó) nếu như giá xuất khẩu của hàng hóa được xuất khẩu từ nước này sang nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường”. Hành vi bán phá giá sẽ bóp méo bản chất của thị trường vì hàng hoá khi lưu thông không còn được giữ đúng giá trị của nó, làm ảnh hưởng bất lợi đến người tiêu dùng và có khả năng gây tổn hại tới lợi ích của một quốc gia thứ ba khi bị mất thị trường.
Khái niệm chống bán phá giá: Khoản 1 Điều 77 Luật Quản lý ngoại thương 2017 đưa ra khái niệm biện pháp chống bán phá giá như sau: “Chống bán phá giá là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.” Hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam với giá thấp hơn giá thông thường là giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự bán tại nước xuất khẩu hoặc tại một nước thứ ba trong các điều kiện thương mại thông thường hoặc mức giá mà Cơ quan điều tra xác định bằng phương pháp tự tính toán. Biện pháp chống bán phá giá được đặt ra nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước chống lại hành vi gian lận về thương mại – cụ thể là bán phá giá. Biện pháp chống bán phá giá phải được áp dụng trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và theo kết quả từ Cơ quan điều tra.
Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá:
- Có hành vi bán phá giá được xác định khi biên độ bán phá giá lớn hơn 2%
- Ngành sản xuất sản phẩm tương tự trong nước nhập khẩu bị thiệt hại/ đe doạ gây thiệt hại một cách đáng kể
- Thiệt hại kể trên do hàng hoá nhập khẩu bán phá giá gây ra
2. Các nguyên tắc áp dụng biện pháp chống bán phá giá
2.1. Chứng minh ba điều kiện của hành vi bán phá giá
Quốc gia nhập khẩu muốn áp dụng biện pháp chống bán phá giá khi và chỉ khi quốc gia đó đã thông qua giai đoạn điều tra sơ bộ hoặc điều tra cuối cùng đã có chứng cứ đầy đủ về việc:
- Hàng hoá nhập khẩu bị bán phá giá (với biên độ phá giá không thấp hơn2%)
Công thức tính biên độ phá giá: (Giá trị thông thường – Giá xuất khẩu)/Giá xuất khẩu) * 100%
- Gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất trong nước
- Hành vi bán phá giá có mối quan hệ nhân quả với việc gây thiệt hại/đe doạ gây thiệt hại như nêu ở trên
2.2. Biện pháp chống bán phá giá nhằm mục tiêu khắc phục, không mang tính trừng phạt
Biện pháp chống bán phá giá phải được áp dụng với mục đích khắc phục, hạn chế thiệt hại vật chất của hành vi bán phá giá của hàng hoá nhập khẩu chứ không nhằm mục đích trừng phạt doanh nghiệp có hành vi bán phá giá. Hiệp định Chống bán phá giá quy định quốc gia nhập khẩu khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá phải bảo đảm mức thuế chống bán phá giá thấp hơn hoặc bằng biên độ phá giá và trong mọi trường hợp. Quy định này của Hiệp định Chống bán phá giá tạo điều kiện cho các quốc gia xây dựng linh hoạt pháp luật về biện pháp trong bán phá giá. Chẳng hạn, Việt Nam quy định thuế chống bán phá giá thấp hơn biên độ bán phá giá, trong khi đó Hoa Kỳ yêu cầu mức thuế chống bán phá giá tương đương biên độ bán phá giá.
2.3. Thuế chống bán phá giá được áp dụng trên nguyên tắc không phân biệt đối xử.
Thuế chống bánphá giá được áp dụng theo nguyên tắc không phân biệt đối xử đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các nguồn bị coi là bán phá giá và gây tổn hại cho ngành sản xuất nội địa của quốc gia nhập khẩu. Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nhập khẩu phải nêu tên từng nhà sản xuất xuất khẩu sản phẩm bị kết luận bán phá giá và phải xác định biên độ bán phá giá cho từng nhà sản xuất liên quan. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, như liên quan đến quá nhiều nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu hoặc liên quan đến quá nhiều loại hàng hóa, cơ quan có thẩm quyền điều tra có thể hạn chế phạm vi kiểm tra bằng cách chọn mẫu các nhà sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu hoặc mẫu sản phẩm và xác định biên độ bán phá giá cho từng nhà sản xuất, xuất khẩu được chọn làm mẫu này . Đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu không được chọn làm mẫu, Hiệp định Chống bán phá giá phân chia thành 2 nhóm và cho phép cơ quan có thẩm quyền của thành viên nhập khẩu áp dụng cách tính biên độ bán phá giá khác nhau đối với 2 nhóm này, cụ
thể:
- Nhóm 1: Bao gồm các các nhà sản xuất không được chọn mẫu ban đầu nhưng đã cung cấp thông tin cần thiết kịp thời, cơ quan có thẩm quyền của thành viên nhập khẩu vẫn có nghĩa vụ tính biên độ bán phá giá riêng lẻ đối với từng nhà sản xuất, xuất khẩu này.
- Nhóm 2 : bao gồm các nhà sản xuất không được chọn làm mẫu mà cũng không hợp tác điều tra thì cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nhập khẩu được quyền tính biên độ bán phá giá chung cho các nhà sản xuất này bằng cách tính bình quân gia quyền các biên độ bán phá giá được xác định cho các nhà sản xuất, xuất khẩu được chọn làm mẫu.
2.4. Biện pháp chống bán phá giá chỉ mang tính tạm thời
Biện pháp chống bán phá giá chỉ mang tính tạm thời nhằm khắc phục các thiệt hại do hàng hoá nhập khẩu bán phá giá gây ra và phải được tháo bỏ khi ảnh hưởng của bản phá giá bị triệt tiêu. Quốc gia nhập khẩu chỉ có thể áp dụng thuế chống bán phá giá trong khoảng thời gian và mức độ cần thiết để chống lại các trường hợp bán phá giá gây thiệt hại. Ngoại trừ trường hợp thuế chống bán phá giá được yêu cầu tiếp tục áp dụng trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền thấy cần thiết hoặc trên cơ sở đề nghị của các bên liên quan rằng tác hại của việc bán phá giá vẫn sẽ tiếp diễn nếu ngưng không áp dụng thuế chống bán phá giá. Về nguyên tắc, một quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá sẽ chấm dứt hiệu lực không muộn hơn 5 năm kể từ khi được áp dụng.
Biện pháp tạm thời có thể được áp dụng dưới các hình thức:
"(1) thuế hoặc (2) đặt cọc khoản tiền tương đương với khoản thuế chống bán phá giá dự kiến trong một thời gian nhất định hoặc (3) bảo lưu quyền đánh thuế dù cho thông quan hàng hóa, mức thuế nhập khẩu thông thường và mức thuế chống bán phá giá dự kiến áp dụng cũng được thông báo trước".
Các điều kiện áp dụng biện pháp tạm thời trong khuôn khổ của WTO bao gồm:
"(1) Cơ quan điều tra tiến hành điều tra theo đúng thủ tục, gửi thông báo và tạo điều kiện cho các bên quan tâm cung cấp thông tin và trình bày ý kiến;
(2) Có kết luận sơ bộ về việc xảy ra bán phá giá và dẫn đến thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa; và
(3)Cơ quan điều tra kết luận rằng biện pháp tạm thời là cần thiết để ngăn chặn thiệt hại trong quá trình điều tra."
Biện pháp tạm thời chỉ được áp dụng sớm nhất là 60 ngày sau khi bắt đầu điều tra và sẽ được duy trì càng ngắn càng tốt, không được quá 4 tháng hoặc trong trường hợp cần thiết thì cũng không được quá 6 tháng. Trường hợp cơ quan điều tra xác định được rằng khoản thuế thấp hơn biên độ phá giá đã đủ để khắc phục thiệt hại thì thời hạn áp dụng biện pháp tạm thời có thể là 6 tháng hoặc 9 tháng.
3. Các biện pháp chống bán phá giá
Theo quy định của Hiệp định GATT 1994, Hiệp định Chống bán phá giá và Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 thì các biện pháp chống bán phá giá bao gồm:
+ Áp dụng thuế chống bán phá giá. Thuế chống bán phá giá là mức thuế đánh trên hàng hóa được xác định là bán phá giá sau khi các cơ quan có tham quyền đưa ra quyết định điều tra cuối cùng xác định được một cách rõ ràng hàng hóa có bán phá giá ở mức độ đáng kể (trên 2%) và gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa, nhằm mục đích bù đắp hoặc hạn chế thiệt hại cho hành vi chống bán phá giá gây ra. Mức thuế chống bán phá giá không được cao hơn biên độ phá giá của hàng hoá nhập khẩu và được áp dụng cho từng NSX riêng lẻ bị kết luận là có hành vi bán phá giá.
+ Cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá với Cơ quan điều tra của Việt Nam hoặc với các nhà sản xuất trong nước nếu được Cơ quan điều tra chấp thuận. Cam kết về giá được hiểu là sự cam kết của bất kỳ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm đang bị điều tra bán phá giá đối với nước nhập khẩu đại diện bởi cơ quan có thẩm quyền về việc sẽ điều chỉnh giá của sản phấm xuất khẩu theo một cách thức nào đó để loại trừ thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa. Cam kết về giá là biện pháp chống bán phá giá được hình thành dựa trên cơ sở tự nguyện và tự điều chỉnh của các doanh nghiệp xuất khẩu bị kiện. Đa số trường hợp, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ đưa ra đề xuất cam kết để cơ quan có thẩm quyền xem xét, nếu cơ quan này thấy rằng đề xuất đó có thể loại trừ thiệt hại thì đề xuất sẽ được chấp nhận và coi như cam kết về giá có hiệu lực.
+ Biện pháp chống bán phá giá tạm thời. Biện pháp này được áp dụng khi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nhập khẩu ra quyết định sơ bộ khẳng định rằng hàng hoá nhập khẩu có bán phá giá với biên độ đáng kể và gây nên thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước nên cần áp dụng biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn tổn hại xảy ra trong quá trình điều tra.
Ngoài ra, các biện pháp khác như hạn chế định lượng (quantative restrictions) hoặc biện pháp mang tính trừng phạt hành vi bán phá giá như phạt hình sự theo Luật Chống bán phá giá năm 1916 của Hoa Kỳ không được thừa nhận là biện pháp hợp pháp chống lại hành vi bán phá giá.
4. Chủ thể khởi kiện
Một vụ kiện chống bán phá giá chỉ có thể được tiến hành nếu nó được bắt đầu bởi các chủ thể có quyền khởi kiện là:
- Ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu (hoặc đại diện củangành);
- Cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu;
Hầu hết các vụ kiện chống bán phá giá trên thực tế đều được khởi xướng từ đơn kiện của ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu.
Các giai đoạn của vụ kiện chống bán phá giá
- Bước 1: Ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu nộp đơn kiện (kèm theo chứng cứ ban đầu);
- Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi xướng điều tra (hoặc từ chối đơn kiện, không điều tra);
- Bước 3: Điều tra sơ bộ về việc bán phá giá và về thiệt hại (qua bảng câu hỏi gửi cho các bên liên quan, thu thập, xác minh thông tin, thông tin do các bên tự cung cấp);
- Bước 4: Kết luận sơ bộ (có thể kèm theo quyết định áp dụng biện pháp tạm thời như buộc đặt cọc, ký quỹ...);
- Bước 5: Tiếp tục điều tra về việc bán phá giá và về thiệt hại (có thể bao gồm điều tra thực địa tại nước xuất khẩu);
- Bước 6: Kết luận cuối cùng
Trên đây là bài viết sưu tầm và tổng hợp về Một số vấn đề lý luận chung về bán phá giá và biện pháp chống bán phá giá. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự - Công ty luật Minh Khuê